Hào Môn Kinh Mộng III: Đừng Để Lỡ Nhau
Chương 14609 : Một tuổi thơ không dám nhìn lại
Ngày đăng: 11:50 19/04/20
Giống như có người cho bạn một giỏ dây thừng. Các sợi dây thừng đã được quấn bện lộn xộn vào nhau, bắt bạn trong một khoảng thời cố định tìm được đầu kia của dây thừng. Sau đó, bạn dốc hết sức lực đi tìm, cuối cùng mới phát hiện một đầu của sợi dây thừng đã nối với tận đáy giỏ. Chỉ cần dây vào, cả hai ắt sẽ thương tích đầy mình.
Khi khăn trùm đầu của kẻ đó được đại ca Khôn tháo xuống, khi ánh nến soi sáng gương mặt đó, Niên Bách Ngạn đã bất chợt hiểu ra đạo lý này.
Gương mặt ấy cực kỳ đáng sợ.
Nhất là trong một đêm mưa như thế này.
Cho dù xung quanh không có cửa sổ vẫn có thể nghe được tiếng sấm ầm vang nơi chân trời, gần như chấn động tới độ dưới chân cũng rung lên, chao đảo. Còn người trước mặt này có lẽ không ngờ đối phương lại là Niên Bách Ngạn. Đầu tiên hắn ngẩn người nhìn anh rất lâu, sau đó mới phản ứng lại, bật cười ha ha.
Dáng vẻ cười to của hắn còn khiếp đảm hơn cả lúc hắn im lặng và nhìn anh với vẻ ngỡ ngàng. Vì vết sẹo ấy, vì cái miệng của hắn khi cười để lộ hàm răng chảy máu. Có lẽ hắn đã bị người của đại ca Khôn tẩn một trận, nhưng cũng may chỉ là vết thương ngoài da.
Ánh mắt Niên Bách Ngạn thản nhiên. Anh đứng nhìn hắn từ trên xuống dưới, im lặng chứng kiến hắn cười. Ánh nến lắc lư trên cơ thể hắn. Cao lớn và giá buốt.
Cho tới khi đối phương cười đã, cười tới mệt nhoài, Niên Bách Ngạn mới lãnh đạm nói: “Thạch Thành, không ngờ ông vẫn còn sống!”
Thạch Thành, cũng chính là “gã mặt sẹo” mà Kỷ Đông Nham nói tới. Cũng không thể trách Kỷ Đông Nham lại gọi Thạch Thành như vậy. Trước đây, tất cả những ai quen biết Thạch Thành đều gọi hắn là “mặt sẹo”.
Từ lần đầu tiên Niên Bách Ngạn được gặp Thạch Thành, gương mặt hắn đã như vậy rồi. Lúc đó anh mới chỉ mười tuổi. Năm đó, tính cách của Thành Thạch vẫn còn khá ôn hòa, nên đương nhiên vẫn còn vui vẻ, hòa nhã với anh.
Chỉ có điều…
Sau khi nghe thấy Niên Bách Ngạn nói vậy, Thạch Thành hừ một tiếng yếu ớt: “Không hổ danh là con trai của Niên Quý, cho dù chứng cứ chỉ là một cọng rơm, mày cũng không bỏ qua.”
Có người mang ghế ra cho Niên Bách Ngạn. Anh ngồi xuống, liếc nhìn Thạch Thành đang bị trói gô, khẽ cười khẩy mấy cái rồi châm một điếu thuốc lên, rít một hơi và từ từ nhả khói.
Làn khói thuốc như tơ nhện bay lên trời, mang một thân hình thanh thoát, mềm mại rồi từ từ phai nhòa.
Còn đôi mắt của Niên Bách Ngạn thì từ đầu tới cuối vẫn nhìn Thạch Thành qua làn khói xám. Nó u tối tựa đêm đen, sâu không lường được.
Anh chầm chậm hút thuốc, giọng nói cũng chết chóc, lạnh lẽo như tro tàn: “Việc ông còn sống quả thật khiến tôi kinh ngạc. Chí ít thì, khi lời uy hiếp của ông xuất hiện trong hôn lễ của tôi, tôi vẫn chưa nghĩ rằng người đó lại là ông.”
Anh chưa từng đó chỉ là một trò đùa ác ý.
Chỉ có điều, nếu anh không nói vậy, Tố Diệp sẽ tưởng thật.
Những đứa trẻ khác có một thời thơ ấu như thế nào, anh không dám tưởng tượng, cũng chưa bao giờ được biết. Nhưng anh biết rõ một điểm rằng, trên đời này không có nhiều đứa trẻ có được một tuổi thơ “muôn màu muôn vẻ” như anh. Từ nhỏ anh đã biết mình gánh trên vai một trọng trách nặng nề như thế nào. Từ nhỏ bố đã nhắc anh đầy thấm thía rằng, anh là con trai của nhà họ Niên, là người thừa kế của Niên Thị, là người kế thừa sự nghiệp của bố.
Thế nên, anh chưa từng ở lại nơi nào quá ba năm. Lần nào anh và mẹ cũng theo bố ở các quốc gia một khoảng thời gian. Nơi nào có nhiều mỏ kim cương phong phú nơi ấy sẽ có cái bóng loắt choắt của anh.
Anh trải qua thời thơ ấu của mình trong mỏ kim cương.
Không được chơi những món đồ chơi súng gươm như những đứa trẻ bình thường khác, cũng không được tụ tập cũng lũ trẻ chạy quanh các con ngõ. Tuy rằng bố anh là người Bắc Kinh, hơn nữa tại Bắc Kinh còn sở hữu một tứ hợp viện khiến người ngưỡng mộ, nhưng từ nhỏ anh lại nói có thể là thứ tiếng Anh Anh phổ thông tiêu chuẩn hoặc thứ tiếng Anh địa phương, có thể là tiếng Anh Mỹ, có thể là tiếng Nga hoặc còn có thể là tiếng Ba Tư, tiếng Tây Ban Nha.
Thứ duy nhất anh không biết chính là chất giọng Bắc Kinh vốn dĩ phải thuộc về mình.
So với những đứa trẻ Bắc Kinh, thậm chí so với những người lớn lên ở Bắc Kinh, chốc chốc lại nói một vài câu tiếng Bắc Kinh như Tố Diệp, Niên Bách Ngạn giống một người nước ngoài hơn, từ nhỏ đã sống một cuộc sống không yên ổn.
Anh không có những người bạn cố định, ngoại trừ Kỷ Đông Nham và Văn Giai.
Thế nên, bất luận anh đi tới đâu đều sẽ nhớ tới việc gửi bưu thiếp cho hai người họ. Nhưng trên bưu thiếp lúc nào cũng chỉ trơ trọi cái tên của anh. Những lời chúc phúc khác, anh không biết viết.
Nghiêm túc mà nói, anh không biết cách thể hiện sự quan tâm dành cho bạn bè.
Một điều khiến anh luôn tự hào là tình cảm của bố mẹ.
Trong ấn tượng của anh, bố luôn cực kỳ yêu chiều mẹ. Anh chưa bao giờ nhìn thấy bố nổi nóng với mẹ. Hơn nữa mẹ còn là một người vô cùng nhã nhặn, thường ngày nói chuyện với bố cũng luôn nhỏ nhẹ, dịu dàng.
Cho tới năm anh 11 tuổi.
Chiến tranh giữa bố và mẹ đã bùng nổ.
Hôm ấy, mẹ khóc rất dữ, gần như đã ném hết tất cả những gì có thể ném. Còn người bố trước nay anh luôn kính trọng, một người bố uy quyền, cao lớn lại cúi gằm ngồi trên sofa, mặc cho mẹ chửi mắng như điên.
Khi ấy anh trốn trong phòng sách, lặng lẽ dựa vào một góc, hai cánh tay ôm lấy hai đầu gối. Không như những đứa trẻ khác hay gào khóc khi nhìn thấy bố mẹ bất hòa, anh chỉ ngồi đó, im thin thít.
Anh loáng thoáng nghe được sự tình.
Người bố mà anh kính yêu nhất đã ngoại tình, bồ bịch. Mà người đàn bà đó… chính là Quản Yên!