Hảo Nữ Trung Hoa

Chương 7 : Người đàn bà yêu đàn bà

Ngày đăng: 09:54 18/04/20


Các đồng nghiệp của tôi thường nói: “Nhà báo càng ngày càng nhát gan.” Khi có thêm kinh nghiệm về nghề phát thanh và cố gắng mở rộng giới hạn cho những chương trình của mình, tôi bắt đầu hiểu họ nói thế nghĩa là sao. Bất kỳ lúc nào nhà báo cũng có khả năng phạm phải sai lầm đe dọa đến sự nghiệp, thậm chí cả tự do của họ. Họ sống trong vòng cương tỏa của một hệ quy tắc được rào chắn cẩn thận mà, nếu bị xâm phạm, sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Lần đầu tiên tôi dẫn một chương trình phát thanh, phụ trách của tôi trông lo lắng đến mức tôi cứ nghĩ ông ta sắp ngất đến nơi. Chỉ mãi sau này, khi đã trở thành trưởng bộ phận, tôi mới biết rằng, theo quy định về phát thanh của Trung Quốc, nếu một chương trình phát thanh bị cắt mất hơn ba mươi giây, người trực ca đó sẽ bị tai tiếng khắp cả nước - một quyết định kỷ luật có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thăng tiến trong tương lai. Ngay cả những lỗi nhỏ nhất cũng có nghĩa là tiền thưởng tháng đó (còn nhiều hơn tiền lương) bị cắt giảm; những lỗi lớn thường dẫn tới giáng cấp, thậm chí là sa thải.



Các nhà báo ở đài phát thanh phải tham gia học tập chính trị hai hoặc ba lần một tuần. Nội dung buổi học thường là tư tưởng Đặng Tiểu Bình về chính sách Cải Cách Và Mở Cửa và học thuyết của Giang Trạch Dân về chính trị phục vụ cho kinh tế. Các nguyên tắc và tầm quan trọng chính trị của tin tức cứ được nhắc đi nhắc lại như gõ trống vào tai, và không có buổi học nào kết thúc nếu không có màn phê bình một số đồng nghiệp vì đủ mọi loại vi phạm: Không đọc tên các vị lãnh đạo theo đúng trật tự cấp bậc trong chương trình, không quán triệt về tính thiết yếu của các khẩu hiệu Đảng trong một bài bình luận, thiếu tôn kính với những người lớn tuổi, không bày tỏ được tình yêu với Đảng, hành xử “không đúng mực”; tất cả những lỗi này và những sai lầm tương tự đều bị khiển trách. Trong suốt những buổi học đó, tôi có cảm giác Trung Quốc vẫn đang trong vòng kìm kẹp của Cách Mạng Văn Hóa: chính trị vẫn điều khiển mọi lĩnh vực của đời sống hàng ngày, với những nhóm người bị chỉ trích và phán xét để những người khác cảm thấy họ đang giành được cái gì đó.



Tôi cảm thấy khó mà trữ nổi những thông tin chính trị đó trong đầu, nhưng chắc chắn rằng tôi thường tự nhắc nhở mình quy tắc quan trọng nhất: “Đảng lãnh đạo toàn diện”. Thời điểm để tôi kiểm tra xem liệu mình có hiểu nguyên tắc này không đã đến.



Sự thành công của chương trình đã khiến tôi được nhận khá nhiều lời khen ngợi. Người ta gọi tôi là người dẫn chương trình nữ đầu tiên “nhấc tấm mạng che mặt” của phụ nữ Trung Quốc lên, nhà báo đầu tiên về các vấn đề của phụ nữ đi sâu vào thực tế cuộc đời họ. Đài phát thanh đề bạt tôi lên vị trí cao hơn và tôi nhận được khoản tài trợ đáng kể về tài chính. Cuối cùng tôi cũng đã xây dựng được một chương trình “đường dây nóng” và trực tiếp nhận những cuộc gọi của thính giả trên sóng phát thanh.



Tất cả các phòng thu phát thanh trực tiếp đều gồm hai gian, một gian chứa các bảng điều khiển, âm nhạc và các ghi chú để phát thanh của người dẫn chương trình, phòng còn lại là phòng điều khiển. Những cuộc gọi tới đường dây nóng của tôi sẽ phải đi qua nhân viên quản lý phát thanh, người xử lý hệ thống máy móc hoãn thời gian. Cô ta có mười giây để quyết định xem cuộc gọi có không phù hợp để phát thanh không và cắt cuộc gọi đó mà thính giả không hề hay biết.



Một tối nọ, lúc tôi chuẩn bị kết thúc chương trình của mình bằng một bản nhạc êm ái du dương - việc tôi thường làm vào mười phút cuối cùng của chương trình - thì nhận được cuộc gọi cuối cùng:



“Chào Hân Nhiên, tôi gọi từ Mã Yên Sơn. Cảm ơn cô vì chương trình này. Nó gợi cho tôi nhiều điều để suy nghĩ, và giúp đỡ tôi cũng như nhiều người phụ nữ khác. Hôm nay tôi muốn hỏi cô rằng cô nghĩ sao về vấn đề đồng tính. Tại sao có quá nhiều người phân biệt đối xử với người đồng tính. Tại sao Trung Quốc coi đồng tính là phạm pháp? Tại sao người ta không hiểu rằng người đồng tính cũng có các quyền và lựa chọn trong cuộc đời giống như những người khác?...”



Trong khi người gọi đó tuôn ra cả tràng câu hỏi, tôi đổ mồ hôi lạnh toát. Theo quy định của ngành truyền thông, đồng tính là chủ đề bị cấm, tôi thắc mắc trong tuyệt vọng rằng tại sao cô kiểm soát viên lại không cắt cuộc gọi này ngay lập tức.



Tôi không có cách nào để thoái thác việc trả lời câu hỏi này: hàng nghìn người đang chờ tôi trả lời và tôi không thể để cho họ biết rằng đó là một vấn đề bị cấm. Tôi cũng không thể nói rằng thời gian đã hết: chương trình vẫn còn mười phút nữa. Tôi bật nhạc to lên trong khi tuyệt vọng nhớ lại tất cả mọi thứ tôi từng đọc về vấn đề đồng tính và cố nghĩ cách để giải quyết vấn đề này một cách tròn trịa nhất. Người phụ nữ đó đã hỏi một câu sắc lẹm, chắc hẳn đã bám ngay vào tâm trí của các thính giả:



Đồng tính có một lịch sử riêng, từ thời La Mã cổ đại ở Phương Tây và thời Đường - Tống ở Trung Quốc, cho tới ngày nay. Có những luận cứ triết học rằng mọi thứ tồn tại đều có nguyên cớ, thế tại sao đồng tính lại bị xem là không thể chấp nhận được ở Trung Quốc?



Vào khoảnh khắc đó tôi nhìn qua tấm kính ngăn hai phòng thấy kiểm soát viên kia đang trả lời một cú điện thoại nội bộ. Cô ta tái nhợt và ngay tắp lự cắt cuộc gọi khi người thính giả đang nói dở câu, bất chấp quy tắc nghiêm ngặt cấm không được làm vậy. Vài giây sau, giám đốc trực ca hôm đó xông vào phòng kiểm soát và nói với tôi qua thiết bị liên lạc nội bộ, “Cẩn thận đấy, Hân Nhiên!”



Tôi để bản nhạc tiếp tục phát chừng hơn một phút trước khi trở lại với micro. “Xin chào các bạn nghe đài, các bạn đang nghe chương trình Khinh Phong Dạ Thoại. Tên tôi là Hân Nhiên, và tôi đang cùng các bạn thảo luận trực tiếp về thế giới của những người phụ nữ. Từ mười giờ đến mười hai giờ hằng đêm, các bạn có thể hòa vào những câu chuyện cuộc đời của những người phụ nữ, lắng nghe tâm can họ và hiểu cuộc sống của họ.” Tôi cố gắng hết sức để lấp khoảng thời gian trống trong khi sắp xếp lại các ý nghĩ của mình.



"Vừa rồi, chúng tôi nhận được cuộc gọi từ một thính giả am hiểu sâu sắc về xã hội và lịch sử, và thấu hiểu những gì mà một nhóm phụ nữ có cách sống khác với quy ước của xã hội phải trải qua. Theo những gì tôi được biết, đồng tính, như người gọi tới đã nói, không chỉ là sản phẩm của xã hội hiện đại: đã có nhiều ghi chép về vấn đề này trong lịch sử Phương Đông cũng như Phương Tây. Người ta nói rằng, trong những cuộc chinh phạt ở thời kỳ La Mã cổ đại, các tướng lĩnh thậm chí còn khuyến khích binh lính của họ tham gia vào chuyện sinh hoạt đồng giới. Tuy nhiên, có lẽ đó là do vấn đề ích lợi của quan hệ đồng tính thì đúng hơn là người ta đồng tình với nó. Những mối quan hệ đồng giới giúp các chiến binh đối mặt với chiến tranh và khao khát về với gia đình. Ở biến dạng nghiệt ngã của nó, sự gắn bó về tình cảm hình thành giữa các chiến binh sẽ đem lại cho họ thêm một động cơ nữa là trả thù cho người tình của mình đã bị thương hay tử trận.



Ở Trung Quốc, đồng tính không bị kiềm tỏa cho đến tận thời Đường - Tống; có những ghi chép về vấn đề này từ triều đại Bắc Ngụy. Tất cả những ghi chép này đều xuất phát từ trong cung đình. Nhưng đồng tính chưa bao giờ có ảnh hưởng lớn trong xã hội cả - có lẽ bởi vì con người có một nhu cầu tự nhiên về tình yêu giữa nam và nữ, và nhu cầu phải duy trì nòi giống. Như thánh hiền xưa đã nói: Vạn vật cạnh tranh để giành lấy chỗ đứng cho mình, nhưng số mệnh mới quyết định tất cả. Chúng ta đều đồng ý rằng mọi người đều có quyền lựa chọn cách sống riêng, và có quyền lựa chọn những nhu cầu giới tính của mình. Thế nhưng, loài người luôn luôn ở trong một trạng thái chuyển tiếp. Mọi quốc gia, khu vực, và nhóm tộc người đều đang cố hết sức trên con đường đi tới tương lai của nhân loại, để kiếm tìm một hệ thống toàn thiện toàn mỹ nhất. Chưa ai trong chúng ta có thể đạt được kết luận cuối cùng về cái gì là đúng cái gì là sai trong cuộc hành trình này, và chừng nào chưa đạt tới sự toàn mỹ, chúng ta cần phải có sự định hướng dẫn dắt. Chúng ta cũng cần có sự vị tha và thấu hiểu.



Tôi không nghĩ rằng di truyền là nguyên nhân duy nhất của hiện tượng đồng tính, tôi cũng không tin chỉ có môi trường gia đình là chịu trách nhiệm cho chuyện đó. Sự tò mò càng khó có thể là nguyên nhân duy nhất làm nảy sinh đồng tính. Tôi tin rằng nguyên nhân của vấn đề này bao gồm nhiều khía cạnh và rất đa dạng. Tất cả chúng ta đều có những trải nghiệm khác nhau về cuộc sống, và chúng ta có những lựa chọn vừa giống nhau lại vừa khác nhau.



Thừa nhận sự khác biệt có nghĩa là chúng ta không nên mong đợi người khác đồng ý với ý kiến của mình về vấn đề đồng tính, vì sự trông đợi đó sẽ dẫn đến thành kiến hay một kiểu gì đó như thế. Đối với những bạn đồng giới từng phải hứng chịu thái độ định kiến đó, tôi muốn thay mặt cho những kẻ thờ ơ mà các bạn đã gặp phải để nói: Xin lỗi các bạn. Tất cả chúng ta đều cần có sự thấu hiểu trong cuộc đời này."



Tôi vặn nhạc to lên, tắt micro đi và hít sâu một hơi. Đột nhiên, tôi nhận ra trong phòng điều khiển bên kia tấm kính ngăn toàn các lãnh đạo cao nhất của đài. Giám đốc đài phát thanh và giám đốc chương trình lao vào phòng thu, nắm lấy tay tôi mà lắc mạnh.



“Cảm ơn cô, cảm ơn cô, Hân Nhiên! Cô trả lời hay, hay lắm!” Lòng bàn tay giám đốc đài ướt đẫm mồ hôi.



“Cô cứu chúng tôi một bàn thua trông thấy!” Giám đốc chương trình lắp bắp, tay ông run run.



“Chuyện thế đủ rồi! Đi ăn thôi! Phòng kế toán lo,” ông Ngô, trưởng phòng hành chính nói. Mọi người vây lấy tôi.



Sau đó tôi mới biết chuyện gì đã xảy ra. Kiểm soát viên chương trình bảo tôi rằng lúc đó cô ta đang lo lắng về kỳ thi vào đại học của con trai nên không chú ý tới cuộc gọi cho tới khi giám đốc trực hôm đó giận dữ gọi điện tới. Ông Ngô đang nghe chương trình ở nhà như mọi hôm. Nhận thấy chương trình đang sa vào bãi mìn, ông lập tức gọi cho giám đốc chương trình, ông này bèn vội vã gọi cho giám đốc đài: biết rõ tình hình mà không báo cáo thì còn phạm sai lầm trầm trọng hơn. Tất cả họ đều hối hả đổ xô tới phòng thu, lắng nghe chương trình của tôi trên đường đi. Khi họ bước vào phòng điều khiển thì vụ khủng hoảng đã được giải quyết.
Câu chuyện của Đào Hồng tuôn chảy:



Cha Đào Hồng vô cùng hổ thẹn khi không có con trai. Sau khi sinh cô ra, mẹ cô bị ung thư tử cung và không thể sinh con được nữa; sau này bà đã mất vì căn bệnh đó. Cha cô phát điên lên vì dòng họ nhà ông không có ai “nối dõi” nhưng ông chẳng thể làm gì được. Vì thế ông xem Đào Hồng như một cậu con trai và nuôi dạy cô như một đứa con trai về mọi mặt, từ quần áo ăn mặc đến đầu tóc và các trò chơi. Đào Hồng không bao giờ đi nhà vệ sinh công cộng vì cô không biết phải đi vào toa lét dành cho nam hay nữ. Thời gian ấy, Đào Hồng rất tự hào vì cách hành xử nam tính của minh và chẳng hề yêu phụ nữ.



Tuy nhiên vào năm mười bốn tuổi, chuyện xảy ra trong một đêm hè đã thay đổi hoàn toàn con người cô và cách nhìn của cô với đàn ông và phụ nữ. Đó là mùa hè trước khi cô bước vào cấp III. Cô đã nghe kể rằng cấp ba là quãng thời gian kinh khủng nhất: đường đời của cô thế nào là do nó quyết định, thành tích ở đó sẽ dẫn đến thành công trong tương lai. Cô quyết định tận hưởng kỳ nghỉ hè trọn vẹn trước khi vùi đầu học hành vất vả suốt ba năm tới, và cô đi chơi tối với bạn bè rất nhiều.



Cái đêm hôm đó, chừng mười một giờ khi cô bắt đầu về nhà. Cô không phải đi xa lắm và đó cũng không phải là con đường vắng vẻ. Khi chỉ còn cách nhà vài bước, một nhóm bốn gã đàn ông nhảy ra khỏi bóng tối và tóm lấy cô. Chúng lôi cô đi, bịt mắt và nhét giẻ vào miệng, tới một nơi có vẻ như là nhà kho chứa dụng cụ ở một công trường xây dựng. Dải bịt mắt được cởi ra, nhưng miệng cô vẫn bị nhét giẻ. Trong phòng còn có thêm ba gã nữa, tức là tổng cộng có bảy gã. Chúng bảo Đào Hồng là chúng muốn xem cô thực ra là đàn ông hay đàn bà, và bắt đầu lột quần áo của cô ra. Chúng ngẩn ra một lúc khi thấy thân thể thiếu nữ của cô nhưng rồi mặt chúng đỏ phừng lên, và cả bảy gã nhảy xổ vào cô. Đào Hồng ngất đi.



Khi tỉnh dậy, cô thấy mình đang nằm trần truồng và chảy máu trên bàn thợ. Đám đàn ông đang ngáy vang dưới sàn; mấy gã quần còn đang tụt xuống tận mắt cá chân. Đào Hồng ngồi thẫn thờ trong nỗi kinh hoàng mất một lúc trước khi cuối cùng cũng vụng về dịch xuống khỏi cái bàn. Lảo đảo quay cuồng, cô chậm chạp nhặt quần áo dưới sàn lên. Khi cô bước đi, cô giẫm lên bàn tay của một gã: gã này kêu oai oái khiến mấy gã kia tỉnh dậy. Chúng nhìn cô, đờ ra vì cảm giác tội lỗi khi Đào Hồng nhặt quần áo lên và mặc vào, từng chiếc một. Đào Hồng mất nửa tiếng khó khăn để mặc lại đống quần áo, suốt lúc đó cô không nói một lời.



Kể từ đó, cô căm ghét tất cả đàn ông, thậm chí cả cha mình. Đối với cô, họ đều bẩn thỉu, dâm đãng, thú vật và tàn bạo. Lúc đó, cô mới thấy kinh hai lần. Cô tiếp tục ăn mặc như con trai, vì lý do gì thì cô không thể giải thích được, và không bao giờ kể với ai chuyện gì đã xảy ra. Vụ cưỡng hiếp tập thể khiến cho mọi chuyện khá rõ ràng với Đào Hồng rằng cô là phụ nữ. Cô bắt đầu thắc mắc phụ nữ thì như thế nào. Cô không tin rằng mình có vẻ đẹp của phái nữ, nhưng cô muốn nhìn nó.



Lần đầu tiên cô thử làm điều đó là với cô bạn xinh nhất lớp hồi lớp 10. Đào Hồng bảo cô bạn đó là cô rất sợ ở một mình khi bố đi công tác vắng nhà và hỏi bạn mình có thể đến ngủ cùng hay không. Trước khi họ lên giường đi ngủ, Đào Hồng bảo với bạn rằng cô ngủ trần. Cô bạn kia hơi ngượng ngùng khi làm theo cô, nhưng Đào Hồng bảo sẽ mát xa cho bạn, thế là cô bạn kia đồng ý cởi quần áo ra.



Đào Hồng kinh ngạc trước sự mềm mại và mịn màng của thân hình cô gái, đặc biệt là vùng ngực và hông. Sự đụng chạm nhỏ nhất cũng khiến máu dồn lên tận đầu Đào Hồng, khiến cô rùng mình toàn thân. Đúng lúc Đào Hồng đang xoa nắn bạn mình cho đến nỗi cô bé thở hổn hển thì cha cô vào phòng.



Với một sự bình tĩnh bất ngờ, Đào Hồng kéo chăn trùm kín tấm thân trần của cả hai và hỏi, “Sao bố lại về, bố bảo là đi công tác cơ mà?” Cha cô quay ra không nói một lời, ông quá sửng sốt.



Sau này, khi tôi phỏng vấn cha Đào Hồng trên điện thoại, ông nói với tôi rằng kể từ hôm đó, ông biết Đào Hồng đã lớn, và hơn thế nữa, đã trở thành một phần của một nhóm người đặc biệt. Ông không dám hỏi thẳng con gái tại sao cô lại bị đồng tính, nhưng lại thường đặt câu hỏi đó với người mẹ quá cố của cô khi đi quét mộ bà vào tiết Thanh Minh hàng năm.



Kể từ đó, Đào Hồng thường đưa các cô gái về nhà “mát xa”. Cô nghĩ phụ nữ là những sinh vật tuyệt vời, nhưng không hề có tình yêu trong những cảm xúc cô dành cho họ. Lần đầu tiên cô thực sự yêu là trong khi chuẩn bị cho cuộc hội thảo đồng tính mà cô đã kể với tôi. Đào Hồng được sắp cho ở cùng phòng khách sạn với một phụ nữ hơn cô mười bốn tuổi. Người đàn bà đó thật duyên dáng, điềm đạm và thân thiện. Cô ta hỏi Đào Hồng tại sao cô lại tham gia hội thảo này, và biết rằng Đào Hồng thích phụ nữ. Cô ta bảo Đào Hồng rằng tình dục là trạng thái tinh thần cao quý nhất, và ở phụ nữ nó là thứ quý giá hơn tất thảy. Khi hội thảo bị giải tán, cô ta đưa Đào Hồng tới một khách sạn khác để tham gia một khóa “huấn luyện về tình dục”. Đào Hồng được nếm trải sự kích thích tình dục và khoái cảm mà cô chưa bao giờ trải qua. Người đàn bà đó còn hướng dẫn Đào Hồng về sức khỏe tình dục và cách sử dụng các công cụ tình dục. Cô ta kể rất nhiều về lịch sử của đồng tính, cả ở Trung Quốc lẫn nước ngoài.



Đào Hồng nói rằng cô yêu người phụ nữ đó vì cô ta là người đầu tiên chia sẻ quan điểm và hiểu biết với cô, để bảo vệ cô và đem lại cho cô khoái cảm thể xác. Nhưng người phụ nữ đó nói với Đào Hồng rằng cô ta không và không thể yêu cô được; cô ta không thể quên, chứ chưa nói là tìm người thay thế, người tình cũ của mình, một nữ giảng viên đại học, đã qua đời nhiều năm trước vì tai nạn xe hơi. Đào Hồng vô cùng xúc động; cô nói từ khi cô còn bé cô đã biết rằng tình yêu trong sáng và thánh thiện hơn tình dục rất nhiều.



Sau khi Đào Hồng trả lời hai câu hỏi của tôi, chúng tôi rời Đền Kê Minh. Trong lúc chúng tôi bước đi, Đào Hồng nói với tôi rằng cô đã đi tìm một người đàn bà mà cô có thể chia sẻ mối quan hệ như với người yêu đầu tiên. Cô đọc nhiều, và đã đỗ trong kỳ thi tuyển phát thanh viên của đài phát thanh Mã Yên Sơn tám tháng trước. Cô dẫn một chương trình đường dây nóng về phim và truyền hình. Cô kể rằng một trong số các thính giả đã viết thư gợi ý cô nên nghe chương trình Khinh Phong Dạ Thoại. Cô vặn kênh đó lên nghe hàng ngày suốt sáu tháng liền, và đã kỳ vọng tôi sẽ trở thành người tình mới của mình.



Tôi nói với Đào Hồng câu châm ngôn tôi thường lặp đi lặp lại trên sóng phát thanh, Nếu như bạn không thể làm ai đó hạnh phúc, đừng cho họ hy vọng, và nói một cách chân thành, “Đào Hồng, cảm ơn cô. Tôi rất vui vì đã được gặp cô, nhưng tôi không thuộc về cô, và tôi cũng không thể trở thành người yêu của cô được. Tin tôi đi, ngoài kia đang có người chờ đợi cô đấy. Hãy tiếp tục đọc sách và mở rộng những chân trời của mình, và cô sẽ tìm thấy người đó. Đừng để người đó phải chờ đợi cô.”



Đào Hồng hỏi khẽ. “Liệu tôi có thể xem cô là người yêu cũ thứ hai của tôi không?” Cô chậm rãi hỏi.



“Không, cô không thể,” tôi đáp, “vì giữa chúng ta không có tình yêu. Tình yêu phải xuất phát từ hai phía; yêu và được yêu một cách đơn phương đều không đủ.”



“Vậy thì tôi nên nghĩ về cô như thế nào?” Đào Hồng bắt đầu tiến tới quan điểm của tôi.



“Nghĩ về tôi như một người chị gái,” tôi nói. “Mối quan hệ thân thích là mối quan hệ bền vững nhất.”



Đào Hồng nói cô sẽ nghĩ về chuyện đó, và chúng tôi chia tay.



Vài ngày sau, khi tôi nhận được cuộc gọi từ một thính giả muốn giấu tên, tôi ngay lập tức nhận ra đó là Đào Hồng. “Chị Hân Nhiên,” cô nói. “Em mong rằng tất cả mọi người đều nhận được sự chân thành, tốt bụng và hiểu biết của chị. Chị có đồng ý nhận em làm em gái không?”