Hồ Sơ Bí Ẩn
Chương 1120 : Mã số 043 - Nông trường bỏ hoang (4)
Ngày đăng: 16:55 30/04/20
Ngày 31 tháng 10 năm 2007, phân tích file ghi âm. File ghi âm 04320071030G.wav.
“… Em… có phải em cũng sẽ chết không?...”
“Không có âm thanh gì cả. Xem ra, chỉ có âm khí còn sót lại thôi, chắc là vẫn ổn.”
Ngày 31 tháng 10 năm 2007, điều tra vụ án hình sự có liên quan đến Nông trường Dân Khánh. Sự kiện phát sinh vào ngày 3 tháng 10 năm 2007, người chết là Trương Vĩ, nhân viên công tác ở Trung tâm Huấn luyện Quốc phòng Dân Khánh, được phát hiện chết trong Nông trường Dân Khánh. Trước đó, Trung tâm Huấn luyện Quốc phòng đã từng báo cảnh sát là Trương Vĩ đã mất tích, thời gian báo án là ngày 28 tháng 9 năm 2007.
Căn cứ vào thông tin trong báo cáo khám nghiệm tử thi, Trương Vĩ chết do ngoại thương. Theo điều tra của cảnh sát, anh ta bị cuốn vào máy xới đất, dẫn đến trọng thương mất mạng. Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, vẫn chưa phát hiện được dấu vết của nghi phạm nào.
Kèm: File scan hồ sơ vụ án.
Bản scan trắng đen, nhưng có thể khiến người ta thấy rõ một cái xác nhàu nát. Các vết thương chằng chịt so le, xương bên trong lộ ra ngoài và bị cuộn lại thành từng luống nhỏ.
Trong hình ảnh về vật chứng, thì có mấy tấm ảnh của máy xới đất. Máy xới đất là một loại máy cơ giới trong nông nghiệp, có một trục tròn bên trên đính rất nhiều tấm sắt hình cuốc. Có thể tưởng tượng ra, khi loại máy này chạy vào ruộng, đất sẽ được xới lên thành từng luống đều đặn. Nhưng chiếc máy xới đất này đã hoen gỉ, đầy bụi bặm. Trên bảng thiết bị bên cạnh tấm hình có đề, động cơ chiếc máy này đã báo hỏng, đồng thời ổ trục của trục xới cũng đã gỉ sét. Thế nhưng, trong một tấm ảnh chụp gần, có thể nhìn thấy trên các lưỡi xới bằng sắt còn dính máu, thịt vụn, quần áo rách… dù là ảnh trắng đen nhưng vẫn khiến người ta khiếp vía. Nhìn vào không hề giống bị người ta cố tình xô vào. Nếu thật sự là vậy đi nữa, thì người xô vào đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, một người sau khi bị cuốn vào trục xới hậu quả sẽ như thế nào.
“Ngoài chuyện đánh nhau, còn chuyện gì nữa không ạ?”
“Hết rồi. Chúng tôi cũng đâu thể nào theo dõi họ suốt ngày được, chúng tôi còn ruộng phải làm mà. Hơn nữa họ là tội phạm đang cải tạo, chung quy vẫn là thành phần bất hảo trong mắt mọi người, nên chẳng ai thích bắt chuyện với họ cả. Bằng không chả phải sẽ bị người trong thôn nghi ngờ sao? Nói: Ồ, ông cùng với cái tội phạm kia thân nhỉ? Thế thì khó nghe biết bao chứ?”
“Thế còn những tù nhân được thả thì sao ạ?”
“Cũng mang tiếng lắm. Nếu họ có tiếng tăm tốt, thì sao lại đến đây chứ? Không phải là bị kỳ thị, sống không nổi ở thành phố, hết đường mới chạy trở lại chỗ này sao? Thời đó với thời nay không giống nhau. Thời nay, nếu cô không nói, thì ai mà biết cô từng ngồi tù. Cô không vào được công ty lớn, thì cũng chui vào công ty nhỏ thôi. Cũng giống như tôi vậy, nếu thuê người quản lý nhà kính, cũng đâu có điều tra xem người ta có phải đã từng là tù nhân hay không.”
“Vâng, thế tình cảnh của các quân nhân chuyển ngành thì sao ạ?”
“Nhóm đó thì khá phức tạp đấy. Một số thì không phải dân gốc ở Dân Khánh, sau khi xuất ngũ, muốn đến Dân Khánh, nhưng chẳng có kỹ năng gì đặc biệt, đành đến nông trường bên này làm việc thôi. Một số khác thì trước khi nhập ngũ đã lông bông rồi, ở nhà cũng chẳng có đường sống, nhập ngũ cũng không được giữ lại, sau khi xuất ngũ, thì được phân phối qua bên này làm việc. Phức tạp lắm, có điều tính khí đều khá giống nhau, có đến mấy người đã từng là đồng đội của nhau nữa cơ. Đôi lúc, một người đi rồi, chẳng đến một năm thì kéo những người khác rời đi luôn. Họ ấy hả, không giống.”
“Chưa từng xảy ra tai nạn dẫn đến chết người ạ?”