Hỏa Ngục (Inferno)

Chương 7 :

Ngày đăng: 21:24 21/04/20


Langdon lột bỏ chiếc áo choàng bệnh viện loang máu và quấn khăn tắm quanh hông. Sau khi vã nước lên mặt, anh cẩn thận sờ những mũi khâu ở phía sau đầu. Phần da rất đau, nhưng anh vuốt phần tóc bết lại che lên chỗ đó, vết thương gần như biến mất. Mấy viên caffeine đang phát huy tác dụng, và cuối cùng anh cảm thấy màn sương bắt đầu tan.



Nghĩ xem, Robert. Hãy cố nhớ xem!



Buồng tắm không có cửa sổ đột nhiên giống như một buồng giam kín, Langdon bước ra hành lang, theo bản năng lần về phía cột sáng tự nhiên phát ra qua một cánh cửa mở hé mé bên kia. Căn phòng giống như một nơi ngồi học tạm bợ, với cái bàn rẻ tiền, cái ghế quay đã cũ, những quyển sách được phân loại vứt trên sàn, và thật mừng… có cả một ô cửa sổ.



Langdon tiến về phía có ánh sáng ban ngày.



Ở phía xa, vầng mặt trời xứ Tuscany nhô lên chỉ vừa bắt đầu chạm đến những ngọn tháp cao nhất của thành phố đang tỉnh giấc – lầu chuông, tháp Tu viện Badia, tháp Bảo tàng Bargello. Langdon tì trán lên ô kính mát lạnh. Không khí tháng Ba hanh và lạnh, càng làm ánh nắng mặt trời lúc này đã len lỏi đến các sườn đồi thêm mạnh mẽ.



Ánh sáng của người họa sĩ, người ta gọi nó như vậy.



Ở trung tâm đường chân trời, một mái vòm khổng lồ lợp ngói đỏ vuơn lên sừng sững, trên đỉnh trang trí một quả cầu bằng đồng mạ vàng lóa sáng như đèn hiệu. Vương cung Thánh đường. Brunelleschi[1] đã tạo nên lịch sử kiến trúc bằng việc kiến tạo mái vòm khổng lồ của Thánh đường, và giờ đây, hơn năm trăm năm sau, công trình cao hơn một trăm mười bốn mét ấy vẫn đứng vững, một công trình khổng lồ bất di bất dịch trên nền Quảng trường Nhà thờ lớn – Quảng trường Duomo.



[1]Filippo Brunelleschi (1377 – 1446) là một trong những kiến trúc sư và kỹ sư hàng đầu của thời Phục Hưng Ý. Ông nổi tiếng nhất với việc phát hiện ra luật xa gần (phối cảnh) cũng như kiến tạo mái vòm Vương cung Thánh đường Florence. Ông cũng có nhiều thành tựu về kiến trúc, điêu khắc, toán học và cả thiết kế tàu.



Tại sao mình lại ở Florence?



Với Langdon, một người suốt đời đam mê nghệ thuật Ý, Florence đã trở thành một trong những điểm đến yêu thích của anh ở châu Âu. Đây là thành phố nơi Michelangelo từng chơi đùa trên đường phố lúc còn nhỏ, và nơi trào lưu Phục Hưng Ý được khởi xướng trong những xưởng nghệ thuật. Đây là Florence, với những phòng trưng bày thu hút hàng triệu du khách đến để chiêm ngưỡng bức Thần Vệ nữ chào đời của Botticelli, Lễ Truyền tin của Leonardo, và niềm tự hào của thành phố - bức tượng David.



Langdon đã bị bức tượng David của Michenlangelo hút hồn ngay lần đầu tiên nhìn thấy tác phẩm lúc còn niên thiếu… khi bước vào Học viện Mỹ thuật (Accademia delle Belle Arti)… chầm chậm đi qua phòng trưng bày Prigioni[2] tối mờ còn nguyên sơ của Michelangelo… Và sau đó cảm thấy ánh mắt mình bị kéo lên trên, không cưỡng được, về phía kiệt tác cao hơn năm mét. Vóc dáng hoàn hảo và hệ cơ bắp tuyệt vời của David khiến hầu hết du khách lần đầu tới thăm đều giật mình, nhưng với Langdon, chính tư thế của David mới là điều khiến anh thấy hấp dẫn nhất. Michelangelo đã phát huy truyền thống tương phản kinh điển để tạo ra ảo giác rằng David đang nghiêng về bên phải, chân trái gần như không chịu lực, trong khi thực tế chân trái của tượng lại chống đỡ hàng tấn đá cẩm thạch.



[2]Prigioni (Tù nhân) là tên gọi gian trưng bày bốn tác phẩm điêu khắc (Quattro Prigioni) của Michelangelo, vốn ban đầu được làm cho mộ của Giáo hàng Julius II. Sở dĩ có tên gọi này vì những nhân vật trong các tác phẩm như đang cố gắng thoát ra khỏi khối đá cẩm thạch tạc họ. Michelangelo mất khi chưa kịp hoàn thành chúng. Ở đây còn có tượng Thánh Matthew cũng của Michelangelo và các bức vẽ của những họa sĩ cùng thời với Michelangelo, như Ghirlandaio và Andrea del Sarto.



Tượng David đã thắp lên trong Lagndon nhận thức đầu tiên về sức mạnh của nghệ thuật điêu khắc. Lúc này, Langdon băn khoăn liệu mình có tới thăm kiệt tác này trong mấy ngày qua, nhưng ký ức duy nhất anh có thể nhớ được là tỉnh dậy trong bệnh viện và nhìn thấy vị bác sĩ vô tội bị sát hại ngay trước mắt mình. Rất xin lỗi. Rất xin lỗi.


Trong lòng Langdon rất có cảm tình với cô gái nhỏ. Anh không thể hình dung nổi một đứa trẻ cảm thấy cô độc như thế nào vì quá khác biệt như vậy. Anh gấp những bài báo, dừng lại ngắm bức ảnh Sienna lúc năm tuổi đóng vai Puck. Nghĩ đến cuộc gặp gỡ siêu thực sáng nay của anh với Sienna, Langdon phải thừa nhận rằng dường như cô phù hợp một cách kỳ lạ với vai một tiểu yêu ranh mãnh trong mơ. Langdon chỉ mong rằng anh, giống như các nhân vật trong vở kịch, lúc này có thể tỉnh lại và vờ coi như những trải nghiệm gần đây nhất của mình chỉ là một giấc mơ.



Langdon cẩn thận sắp xếp tất cả bài báo về đúng chỗ và gập quyển chương trình biểu diễn lại, lòng chợt cảm thấy buồn khi nhìn thấy dòng chữ trên bìa lần nữa: Em yêu, đừng bao giờ quên em là một phép màu.



Anh nhìn xuống biểu tượng quen thuộc trên trang bìa của tập tài liệu. Đó chính là đồ hình Hy Lạp vẫn thường trang trí ở hầu hết các cuốn chương trình biểu diện trên khắp thế giới – một biểu tượng đã hai nghìn năm trăm tuổi, đồng nghĩa với sân khấu kịch.



Cặp đôi mặt nạ bi hài.



Langdon nhìn hai gương mặt biểu tượng cho Hài kịch và Bi lịch đang đăm đăm nhìn mình, và đột nhiên anh nghe thấy tiếng vo ve rất lạ trong tai – cứ như thể có một đường dây dẫn đang từ từ kéo căng trong óc anh vậy. Một cơn đau chợt bùng lên trong đầu. Hình ảnh một chiếc mặt nạ bồng bềnh ngay trước mắt anh. Langdon thở hổn hển, giơ tay lên, ngồi xuống chiếc ghế tựa và nhắm nghiền mắt lại, tay ôm chặt lấy đầu.



Trong vùng tối của anh, những hình ảnh kì quái lại quay cuồng trở lại… dữ dội và sống động.



Người phụ nữ tóc bạc với chiếc búa đang gọi anh từ phía bên kia dòng sông máu. Tiếng kêu tuyệt vọng của bà xuyên qua bầu tử khí, át hẳn tiếng kêu của những kẻ bị hành hạ và đang hấp hối, những kẻ mà mắt anh có thể thấy rõ đang cố quẫy đạp trong đau đớn. Langdon lại nhìn thấy đôi chân chổng lên trời có vẽ chữ R, cái xác bị chân vùi một nửa với đôi chân quẫy đạp điên cuồng tuyệt vọng trong không khí.



Hãy tìm và sẽ thấy! Người phụ nữ nói về phía Langdon. Thời gian đang cạn dần!



Langdon lại cảm nhận được nhu cầu khẩn thiết phải giúp đỡ bà ấy… giúp tất cả. Anh cuống cuồng gọi to về phía người phụ nữ ở bên kia dòng sông máu. Bà là ai?!



Một lần nữa, người phụ nữ giơ tay vén mạng che, để lộ gương mặt ấn tượng mà Langdon đã nhìn thấy trước đó.



Ta là sự sống, bà ấy đáp.



Không hề báo trước, một cái bóng khổng lồ xuất hiện trên bầu trời phía trên người phụ nữ - chiếc mặt nạ đáng sợ với cái mũi chim dài và đôi mắt xanh lè dữ dằn nhìn chòng chọc vào Langdon.



Và… ta là cái chết, giọng nói vỡ òa.