Hỏa Ngục (Inferno)

Chương 75 :

Ngày đăng: 21:24 21/04/20


“Em nghĩ anh ta bị đau tim!”, Sienna kêu to.



Langdon chạy vội lại chỗ bác sĩ Ferris nằm co quắp trên sàn nhà. Ông ta đang há hốc miệng, không sao thở được.



Có chuyện gì xảy ra với anh ta?! Với Langdon, mọi thứ diễn ra đột ngột chỉ trong khoảng khắc. Trước cảnh đám lính ấy ập tới dưới nhà và Ferris nằm vật trên sàn, Langdon nhất thời cảm thấy tê liệt, không dám chắc nên xoay về hướng nào.



Sienna quỳ xuống bên cạnh Ferris và nới lỏng cà vạt, giật tung vài cúc áo sơ mi phía trên để giúp ông ta thở. Nhưng khi áo sơ của Ferris bung ra, Sienna bật ngược lại và hét lên một tiếng hoảng hốt, đưa tay che miệng trong lúc loạng choạng lùi lại, mắt đăm đăm nhìn khoảng ngực trần của ông ta.



Langdon cũng đã nhìn thấy.



Phần da trên ngực Ferris biến màu rất rõ. Một vết bầm xanh đen trông rất đáng ngại có chu vi bằng một quả bưởi đang loang ra chỗ xương ức. Ferris trông như thể bị cả một quả đạn đại bác bắn trúng ngực.



“Bị chảy máu trong”, Sienna nói, ngước lên nhìn Langdon vẻ choáng váng. “Thảo nào anh ta cứ khó thở suốt cả ngày.”



Ferris ngó ngoáy đầu, rõ ràng đang cố gắng nói, nhưng ông ta chỉ có thể phát ra những tiếng khò khè yếu ớt. Du khách bắt đầu tụm lại xung quanh, và Langdon cảm thấy tình hình sắp trở nên hỗn loạn.



“Đám lính ở dưới nhà”, Langdon cảnh báo Sienna. “Anh không biết làm sao họ tìm ra chúng ta.”



Vẻ ngạc nhiên và sợ hãi trên mặt Sienna nhanh chóng chuyển thành giận dữ, và cô trừng mắt xuống Ferris. “Anh đã nói dối chúng tôi có phải không?”



Ferris lại cố gắng nói, nhưng không thể phát ra tiếng. Sienna thò tay lục tìm các túi Ferris và móc ví cùng điện thoại của ông ta rồi đút gọn vào túi mình, trừng mắt đứng nhìn ông ta như buộc tội.



Đúng lúc đó, một phụ nữ Ý có tuổi lách qua đám đông, quát to đầy giận giữ với Sienna. “Ấn vào ngực anh ta!” Bà ấy dùng nắm tay ấn mạnh vào ngực mình.



“Không!”, Sienna quát lại. “Làm hô hấp nhân tạo sẽ khiến anh ta tử vong! Nhìn ngực anh ta xem!” Cô quay lại phía Langdon. “Robert, chúng ta cần thoát ra khỏi đây. Ngay bây giờ.”



Langdon cúi nhìn Ferris, lúc này đang nhìn anh một cách tuyệt vọng, như thể muốn nói gì đó.



“Chúng ta không thể bỏ anh ta lại!”, Langdon nói.



“Tin em đi”, Sienna nói. “Đấy không phải là trụy tim. Và chúng ta phải đi thôi. Ngay bây giờ.”



Khi đám đông tụm lại gần, du khách bắt đầu kêu cứu. Sienna nắm lấy tay Langdon bằng một sức mạnh đáng ngạc nhiên và kéo anh ra khỏi đám hỗn loạn, lách ra khu vực thoáng khí ngoài ban công.




Trong lúc vẫn quỳ trên nền đá cứng và chờ cho đom đóm mắt dịu lại, anh nhận ra mắt mình đang nhìn xuống một dòng chữ khắc trên nền hầm.



Sanctus Marcus.



Anh nhìn sững một lúc lâu. Không phải tên của Thánh Mark khắc ở đó khiến anh chú ý mà là thứ ngôn ngữ được dùng để viết cái tên đó.



Tiếng Latin.



Sau cả ngày trời đắm mình trong tiếng Ý hiện đại, Langdon cảm thấy hơi mất phương hướng khi thấy tên Thánh Mark được viết bằng tiếng Latin, một chi tiết gợi nhớ nhanh rằng thứ từ ngữ này là ngôn ngữ chung của đế chế La Mã khi Thánh Mark qua đời.



Rồi một ý nghĩ nữa vụt đến với Langdon.



Giai đoạn đầu thế kỷ XIII – thời kỳ của Enrico Dandolo và cuộc Thập tự chinh thứ tư – ngôn ngữ của giới cầm quyền vẫn chủ yếu là tiếng Latin. Một tổng trấn Venice đã đem lại vinh quang to lớn cho đế chế La Mã bằng việc tái chiếm Constantinople sẽ không bao giờ được chôn cất với cái tên Enrico Dandolo, thay vào đó sẽ là cái tên bằng tiếng Latin của ông ta.



Henricus Dandolo.



Nghĩ đến đó, một hình ảnh đã bị lãng quên từ lâu vụt đến với Langdon như điện giật. Mặc dù nhận ra mình điều này khi đang quỳ trong một nhà nguyện nhưng anh biết rằng đó không phải là phép màu. Đúng hơn, một manh mối thị giác đã làm lóe lên trong tâm trí anh một mối liên hệ bất ngờ. Hình ảnh đột ngột nảy ra từ sâu thẳm trí nhớ của Langdon chính là tên gọi Latin của Dandolo, được khắc trên một phiến đá hoa cương đã mòn, gắn trên một nền gạch trang trí.



Henricus Dandolo.



Langdon thở một cách khó nhọc khi nghĩ đến tấm bia mộ lẻ loi của vị tổng trấn. Mình đã từng đến đó. Đúng y như bài thơ đã nói, Enrico Dandolo thực tế được chôn trong một bảo tàng mạ vàng – một bảo quán của tri thức thánh thiêng – nhưng không phải là Thánh đường St. Mark.



Khi chân lý đã xuất hiện, Langdon chậm rãi đứng lên.



“Em không tài nào bắt được tín hiệu”, Sienna nói, từ giếng lấy sáng trèo xuống và tiến lại phía anh.



“Em không cần làm thế nữa.”, Langdon nói. “Bảo quán mạ vàng của tri thức thánh thiêng…” Anh hít một hơi thật sâu. “Anh…đã nhầm lẫn.”



Sienna tái nhợt. “Đùng có nói là chúng ta đến nhầm bảo tàng nhé!”



“Sienna”, Langdon thì thầm, cảm thấy mệt rũ.” Chúng ta ở nhầm quốc gia rồi.”