Kim Sơn Hồ Điệp
Chương 9 : Phố Grant Avenue (3)
Ngày đăng: 13:26 19/04/20
*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Ăn cơm xong, La Văn đem một chiếc ghế bành lên lầu cho cô ngủ một giấc, hai vợ chồng tự giao phó với nhau rồi đi xuống.
Thật ra Hoài Chân cũng không buồn ngủ mấy. Vừa ngả lưng đã nghe thấy ngoài cửa sổ có tiếng gõ mạnh dồn dập.
Cốc cốc cốc, cốc cốc cốc ——
Người bên dưới ra sức gõ cửa, giọng Mỹ thô to rõ ràng: “Mở cửa, nhanh mở cửa!”
Hoài Chân đứng dậy đi đến, ló đầu ra khỏi cửa sổ nhìn xuống. Bốn năm người cảnh sát da trắng cao to mặc cảnh phục màu xanh đậm đứng tụm lại trước tiệm tạp hóa, gõ rầm rầm nặng nề. Chỉ mấy phút đã khiến nửa con phố tò mò ra xem náo nhiệt.
Dưới cái nhìn của vạn con mắt, cánh cửa kêu cái “két ——” mở ra, để lộ một gương mặt tròn vàng vọt hơi sưng. Gương mặt tròn ấy trợn mắt nhìn, rồi cười một tiếng nịnh nọt, “Chào buổi sáng các quân gia, chào buổi sáng.”
“Hôm nay gái điếm Trung Quốc bị kiểm tra. Tháng trước ma ma của các ngươi không có ở đây, bây giờ gọi bà ta ra.”
“Ma ma, ồ, ma ma vẫn đang ngủ…”
Không kịp đợi cô ta hoàn hồn, cảnh sát da trắng lập tức đập mạnh một phát lên cửa. Cánh cửa đen to đùng của tiệm tạp hóa bật mở, mấy người cảnh sát cao lớn khó khăn lắm chen vào. Vừa đi vào đã nhấc chân đá văng mấy cánh cửa phòng đóng chặt. Trong thoáng chốc tiệm tạp hóa loạn xì ngầu, tiếng đàn ông đàn bà sợ hãi vang lên.
Hai thiếu niên chừng mười hai mười ba tuổi nhân lúc rối ren tháo chạy ra ngoài, vừa chạy vừa chỉnh lại chiếc nơ xiên xẹo, nhét quần lót hoa vào hông quần.
Có người đứng bên ngoài xem trò vui cười không dứt: “Chạy chậm thôi, mười một giờ trường Cơ Đốc mới bắt đầu vào học, muộn hai phút cũng không bị giáo viên phạt đứng đâu…”
Mấy phút sau, mấy gã cảnh sát toàn thắng, xách cổ mười bốn thiếu nữ nơm nớp lo sợ từ trên lầu xuống. Cảnh sát cao giọng quát to vọng lên lầu: “Ma ma, bà mà còn không xuống thì đừng trách chúng tôi đưa bọn này về đồn cảnh sát.”
Các cô gái nghe thế thì quỳ sụp xuống đất òa khóc lớn; mấy cảnh sát khác cúi người, đeo còng vào cổ tay từng cô gái một. Đến người thứ tư thì một người đàn ông tóc muối tiêu mặc trang phục truyền thống* màu đen đi đến từ trong đám đông bên ngoài, vừa tới thì mọi người tự động nhường ra lối đi; phía sau ông ta là một người phụ nữ trung niên mặc áo sơ mi màu xanh, đeo trang sức lấp lánh đầy đầu, chính là tú bà Khương Tố không biết đã đi đâu.
(*Trang phục truyền thống/tangzhuang loại áo có gài nút ở phía trước, ảnh.)
Cảnh sát vừa thấy thì ồ lên, tươi cười chào hỏi: “Chào buổi sáng Hồng tiên sinh.”
Ông ta không đáp lời, hoặc có lẽ vì đưa lưng về phía Hoài Chân nên cô không biết nói gì, chỉ thấy ông ta chắp tay mời, lập tức đưa mấy người cảnh sát lẫn mười bốn cô gái vào trong tiệm tạp hóa.
Hàng xóm láng giềng thấy thế thì tự biết không còn kịch hay để xem, lập tức tản ra như chim bay.
Chỉ trong chốc lát, mấy người cảnh sát lại nối đuôi nhau đi ra khỏi tiệm tạp hóa. Người đi cuối cùng nói vọng vào bên trong, “Hồng tiên sinh đã đến rồi, vậy chuyện này không còn là chuyện lớn ở đồn cảnh cát California chúng tôi nữa. Nhưng lần này có rất nhiều người ở đồn cảnh sát liên bang đến, nếu bọn họ tra được trong mấy tháng có hơn ba mươi năm mươi người không hộ khẩu không rõ lai lịch ở nhà thổ, thì ngay cả chúng tôi cũng không tránh khỏi bị chỉ trích. Lần này đến, cũng coi như chúng tôi nhắc nhở Hồng tiên sinh.”
Mấy cảnh sát đi ra trên đường, Khương Tố đứng ở cửa tiệm tạp hóa, giơ tay vẫy, “Tạm biệt cảnh sát, mời đến tiệm cơm Thượng Hải ăn sáng, chỉ cần viết tên tôi là được, không cần đưa tiền.”
“Đồ đĩ điếm.” Cảnh sát cúi đầu chửi một câu, “Con mẹ tú bà Trung Quốc quỷ kế đa đoan chết tiệt.”
Khương Tố đứng ở đầu tiệm tạp hóa, đợi cảnh sát khuất bóng thì quay vào nhà, dọn một tấm biển bám đầy bụi bặm ra, không rõ bên trên viết gì.
Dọn bảng hiệu xong, bà ta ngẩng đầu nhìn sang đây rồi rảo bước đi đến, nhấn chuông đồng ở dưới lầu liên tục.
Hoài Chân nghĩ bụng, đã đến rồi.
Rón rén đi ra đầu cầu thang, cô dỏng tai lắng nghe, đúng như dự đoán: “Vừa hay Hồng gia đã đến, đưa cô gái kia đến luôn đi.”
Lúc La Văn đi lên lầu thì Hoài Chân đã đừng ở đầu cầu thang, kéo thẳng quần áo như thể đã chờ bà ta lâu rồi.
Đôi mắt trong trẻo bình tĩnh lạnh lùng, trên mặt không hề có chút gợn sóng. La Văn mím môi không nói gì, xoay người đi xuống.
Phải biết co biết duỗi.
Hoài Chân bước theo.
Lúc đi ngang qua cửa tiệm tạp hóa, cô cúi đầu nhìn, thấy trên tấm bảng đầy bụi kia ghi rất rõ bảng giá.
Ngày hai mươi tư tháng một hàng tươi đến, giá thị trường:
Tôm khô một cân ba pound.
Gạo một đồng một túi.
…
Gái năm đồng một pound.
Bước qua ngưỡng cửa, trong căn nhà đen kịt chất đầy bao bố, ngập tràn mùi xạ hương và đỗ quyên; bên phải là một dãy các căn phòng, lúc này cửa phòng đồng loạt mở toang, vài ba cô gái đứng trước cửa, nhìn sang Hoài Chân rồi cúi đầu xì xào bàn tán.
Cầu thang gỗ bên trái thông lên tầng hai. Hoài Chân đi theo Khương Tố và La Văn lên lầu, thấy mười bốn cô gái ngồi ở hành lang khóc rấm rứt.
Khương Tố nhức cả đầu, tạm thời không muốn để ý đến mấy người chỉ biết khóc không thức thời này, chỉ nhìn một cái rồi dẫn hai người đi xuyên qua hành lang tầng hai, đẩy cửa phòng ở cuối ra.
Trong phòng ánh đèn tù mù, đối diện giường kê một chiếc ghế trúc. Người đàn ông trung niên tóc muối tiêu mặc trang phục truyền thống ngồi trên đó, một người phụ nữ đứng sau lưng ông ta đấm bóp bả vai. Ông ta nhắm nghiền hai mắt, thoạt nhìn có vẻ rất hưởng thụ.
Khương Tố đi vào lên tiếng, “Hồng gia, đã dẫn người đến cho ngài rồi đây.”
Hồng Vạn Quân không mở mắt cũng không trả lời, chỉ giơ tay lên bảo các bà cũng đi vào.
Căn phòng u ám, Hoài Chân cảm thấy lạnh toát. Ba người lần lượt ngồi xuống đối diện Hồng Vạn Quân, đợi đến lúc ông ta lên tiếng, Hoài Chân không nhịn được nhìn bàn tay ông ta gác trên ghế trúc.
Người này đã luống tuổi, thân hình gầy còm, da đầy nếp nhăn và những đốm đồi mồi mờ mờ. Duy chỉ có đôi tay kia, trắng hồng mềm mại ngón tay thẳng tắp, như thể không bị năm tháng bào mòn. Móng tay ngón áp út và ngón út để dài, được gọt giũa rất cẩn thận, còn dài hơn ngón tay. Hoài Chân đột nhiên nghĩ đến, hai móng tay này là đại biểu cho việc chủ nhân của bàn tay có địa vị cao sang, là tượng trưng của quý tộc. Tập tục này đã quá cổ xưa, vậy mà vẫn được gìn giữ tốt ở phố người Hoa tại bờ biển phía Tây ở Thái Bình Dương xa xôi.
Hồng gia bất thình lình lên tiếng, giọng nói như chuông đồng, không lạnh không nhạt, “Nó không biết nói tiếng Anh?”
Khương Tố nói: “Cô gái này chưa từng đi học thì nói gì đến tiếng Anh? Chỉ biết tiếng Quảng Đông thiiu… Hình như cũng hiểu được chút chút về quốc ngữ, nhưng không biết học ở đâu nên nói hơi khó nghe.”
Hồng Vạn Quân ừ một tiếng, lại từ tốn hỏi, “Ngươi tên gì?”
Hoài Chân hoàn hồn, nhỏ nhẹ đáp: “Quý Hoài Chân.”