Kinh Thánh Của Một Người

Chương 29 :

Ngày đăng: 00:49 19/04/20


Trong túi xách mà cô gái nhờ anh mang giúp lúc lên phà qua sông bị cản trở, có tấm thẻ sinh viên, đúng là họ Hứa, nhưng tên thật thì Sảnh, Hứa Sảnh. Hứa Sảnh có sứ mạng đi Bắc Kinh để tuyên truyền tố cáo, nên cô mang theo các ấn phẩm được công khai tán phát, gồm khá nhiều truyền đơn và những tờ báo tự do của quần chúng. Cũng rất có thể cô lên Bắc Kinh còn vì mục đích lánh nạn, nên dọc đường sợ người khác nhận ra mình và nhờ anh mang giúp túi tài liệu, hồ sơ quan trọng, kể cả giấy tờ tùy thân là tấm thẻ sinh viên.



Anh không biết hiện giờ Hứa Sảnh ở nơi đâu, chỉ còn cách lang thang dò hỏi những chỗ dán đại tự báo và phân phát truyền đơn. Từ phía Đông Đơn đến mạn Tây Đơn trên đại lộ Tràng An, từ ga tàu hỏa Tiền Môn Ngoại đến cổng sau Bắc Hải, đâu đâu cũng tràn ngập các bản cáo thị võ đấu ở ngoại vi thủ đô, tin tức thảm án, bắn giết nhau, và đủ loại cực hình, kèm theo bao tấm ảnh minh hoa thi thể người quá cố, tất cả những tai nạn này tựa hồ đều liên can đến Hứa Sảnh, và rất có thể đã đổ lên đầu cô gái bao nhiêu khổ sở. Trong túi xách còn có cái áo chấm vàng, cổ tròn, tay trần em mặc đêm ấy cùng anh mà giờ đây còn vấn vương mùi hương con gái, kèm theo mảnh quần lót thấm nhiều vết máu, dấu ấn của cao trào khoái lạc và chiến tích hợp sức phá trinh để trở thành người đàn bà thực thụ, cả hai đối với anh đều là di vật thiêng liêng em đã lưu lại, khiến lòng anh lắm nỗi bi thương. Anh mắc cái chứng “nhìn kỉ vật, nhớ người yêu” nên mân mê cuốn sách bìa đỏ Ngữ lục, in những câu nói như Kinh Thánh của ông Mao, đây là công cụ thường nhật lúc bấy giờ, chẳng hiếm hoi gì đối với anh, nhưng nay trở thành quý báu vì em, Hứa Sảnh đã bao ngày cầm nó trong tay. Anh lột tấm bìa ni lông đỏ của cuốn sách như đã cởi hết xiêm y trên người em đêm ấy để đi vào nơi sâu thẳm tận cùng, thì bắt gặp một mẩu giấy nhỏ ghi địa chỉ: hẻm “Vô Lượng Đại Nhân”, đấy là tên cũ, giờ đây vừa đổi thành “Hồng Tinh”. Anh mừng rỡ, rất có thể đó là nơi ở của bà dì ruột Hứa Sảnh, anh vội thu vén tất cả những gì của em bỏ vào túi xách, chỉ giữ lại áo quần em thay ra đêm ấy.



Đã mười giờ khuya, nhưng anh vẫn can đảm gõ cửa một tứ hợp viện, kiểu nhà cũ của Bắc Kinh, người mở cổng là chàng trai khỏe mạnh, hất hàm hỏi “muốn gặp ai?”. Anh trả lời “bà dì Hứa Sảnh”. Cậu chàng chau mày, tỏ vẻ nghi ngờ, dáng dấp của phái hồng vệ binh huyết thống, anh bồi thêm một câu rất lạnh nhạt “tôi chỉ đến báo tin và nhân thể giao đồ đạc của Hứa Sảnh cho bà dì cô ta”. Lúc này đối phương mới lên tiếng “xin đợi cho một lát”. Tiếp anh là người đàn bà đứng tuổi, nhìn anh dẫu rất xoi mói nhưng vẫn tỏ ra lịch sự. Anh giao cho bà ta thẻ sinh viên của Hứa Sảnh và túi xách. Dì Hứa Sảnh lôi trong túi ra toàn là truyền đơn và báo chí. Anh kể thêm, nơi ấy rất căng thẳng, đã sử dụng đến vũ khí, đêm nào cũng lùng sục, có lẽ Hứa Sảnh thuộc phái bị lục soát chăng. Vị nữ cán bộ Bộ Y tế lắc đầu, và bật ra lời nói, đúng hơn là một câu hỏi:



- Tạo phản cái gì cơ chứ?



Anh giải thích, anh rất lo, chẳng rõ Hứa Sảnh có can hệ gì không.



- Cậu là bạn trai của Hứa Sảnh?



- Dạ không ạ - anh định trả lời “thưa vâng”.



Lại giây lát im lặng, anh đành đứng dậy và nói:



- Tôi chỉ đến báo tin và tất nhiên là mong cho cô ta bình an vô sự.



- Cậu yên tâm, tôi sẽ liên lạc với bố mẹ Hứa Sảnh.


- Thì cũng uống với tôi chén trà chứ - bà chánh văn phòng bỗng rơm rớm nước mắt, lập tức quay đầu, gạt vội.



Sự tình thật cũng li kì, bỗng dưng anh chuyển sang bảo vệ gia đình “phần tử đen của Đảng”. Bà Vương Kỳ khi còn làm chánh văn phòng đã từng cảnh cáo anh không được có quan hệ quá thân mật với Lâm. Sức ép ấy sớm được giải thoát, vả lại sau đó biết bao nhiêu sự việc đã xảy ra, vấn đề nam nữ như thế chẳng đáng để bận tâm. Anh phải cám ơn bà Vương khoan hồng, rộng lượng, không tiếp tục truy cứu cái vụ ngoại tình giữa anh và Lâm. Hành động hôm nay âu cũng là sự đền ơn đáp nghĩa của anh đối với bà.



Họ ngồi uống trà tại nhà bà Vương và luôn thể quyết định thành lập đội cảm tử, xả thân bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ cán bộ.



Bọn anh đã kịp thời ngăn chặn đối phương quậy phá nhà riêng đồng chí Vương Kỳ, nhưng cuộc đấu tố tối nay thì Đại Niên vẫn không trì hoãn. Tòa nhà văn phòng giờ đây trở thành bãi chiến trường, các tấm kính trên bàn làm việc đều bị đập nát tan tành, Vương Kỳ đứng giữa hành lang trong một dòng người. Anh quyết không nhượng bộ, chen vào, nhảy lên bàn, đấu khẩu với Đại Niên.



- Lôi cổ hắn xuống, đ... mẹ thằng chó chết!



Đại Niên ra lệnh cho đàn em và không hề che giấu lòng hận thù của phe hồng vệ binh huyết thống. Anh nghĩ, nếu chỉ cần mềm yếu một tí là chúng nó sẽ xông vào đánh anh tàn phế, rồi đem cái án còn treo lơ lửng của cha anh ra mà phán xét tận cùng và chụp lên đầu cha con anh tội danh báo thù giai cấp, thì nguy hại vô cùng. Ngoài kia toàn là phần tử trí thức, các viên chức già, văn nhân mặc khách; bản thân họ cũng như gia đình họ dù ít dù nhiều đều có vấn đề, khó lòng cứu giúp được anh, ngược lại họ còn nhờ các anh những người trai trẻ đứng mũi chịu sào, vì vậy anh chỉ còn một cách là răn đe đối phương theo kiểu “giang hồ”:



- Đại Niên, hãy nghe đây, tao phải nói trước cho mày rõ, người anh em chúng tao không phải là đèn cạn dầu, mà là băng đảng như ai, thằng nào dám động tay thì đêm nay sẽ cho nó và bè lũ xóa sổ, có tin không?



Con người khi hùng hổ như loài thú đều hoàn nguyên về bản năng nguyên thủy, bất kể là gì, chó hay sói, cũng phải nhe răng tất. Tương tự, anh không thể không hù dọa, mắt trợn ngược và nhìn chòng chọc vào đối phương, làm cho chúng hiểu rằng tao là thằng cảm tử, việc gì cũng có thể làm, dã man như một tên thổ phỉ.



Anh vừa dứt lời thì còi xe cứu hỏa hú vang xé trời, lính chữa cháy mang áo giáp, đội mũ sắt vây kín văn phòng, kéo vòi phun nước sẵn sàng đợi lệnh của Đại Lý. Lại thêm phái tạo phản nhà in ngồi xe mui trần kéo đến chi viện, thị uy. Thời ấy, mỗi phe phái, mỗi tuyệt chiêu, cứ thế mà đấu khẩu, đấu tay, đấu vũ khí tự có, nếu có quân đội đứng sau xách động thì e sẽ sử dụng luôn cả súng đạn. 



_________________