[Dịch]Liệp Diễm Giang Hồ Mộng - Sưu tầm

Chương 7 : Lôi Kiếp thần đao

Ngày đăng: 18:34 17/09/19

Ngày thứ hai, Hy Bình tới chỗ hẹn, cố ý cầm theo một chiếc ghế dựa. Hắn nghĩ, nếu Lôi Phượng bảo canh cửa thì ta đã có chỗ ngồi thoải mái này rồi. Hóa ra ngược lại, hắn phải đội chiếc ghế đứng suốt một ngày, đỉnh đầu dường như đã bị ép đến phẳng lì. Ngày thứ ba, Hy Bình tới nơi tay không, Lôi Phượng sai hắn đi bắt bướm. Hắn thà chết chứ không chịu vì bắt bướm là trò chơi của lũ con gái, đường đường một trang hảo hán như hắn, lẽ nào lại nhảy nhót đuổi theo mấy con bướm? Vậy là, trang hảo hán lại trở về kiếp canh cửa. Hôm ấy, có một đôi nam nữ trung niên hình như là phu thê tới trước cửa nhà Lôi Phượng. Nhìn thấy Hy Bình, họ cười với nhau rồi bỏ đi. Hy Bình nghĩ đó chỉ là mấy người qua đường nên không chút để ý. Hai ngày vừa rồi, hắn đã quen với những người trong Viễn Dương Tiêu Cục tới nhòm ngó, đôi vợ chồng già này có cười hắn thì cũng thầm tháp gì! Sau khi Hy Bình “dũng cảm đứng lên” tranh giành cao thấp, Lôi Long Tứ Cẩu vẫn chạy miết theo ái tình của hai gã. Vướng vào tơ nhện của tình ái, Tứ Cẩu trở thành như kẻ mộng du, đi đường chỉ chuyên vấp đá, lúc không có đá thì chân nọ vướng chân kia, có khi nhìn thấy hòn đá trên đường còn cố tình chạy tới đá bay đi để sau đó hét lên một tiếng “Ái”, rồi ngã sóng xoài xuống đất. Mấy lần đầu Lan Hoa còn ngoái lại lườm nguýt, nhưng sau đó nghe thấy tiếng “Ái” thì thậm chí còn bỏ mặc gã chạy bay về phía trước, sợ rằng cái ngữ “quán quân gục ngã” ở phía sau không cẩn thận lại ngã vào lưng nàng. Lôi Long thì khác, suốt cả ngày chỉ xin lỗi cầu khẩn: - Bích Nhu, ta biết ta sai rồi, nàng hãy tha thứ cho ta một lần đi, từ nay về sau ta không dám nữa đâu! Bích Nhu, nàng hãy chửi ta đi, đánh ta đi nhưng mong nàng chớ có dửng dưng như vậy! Trời ạ, nàng rốt cuộc còn muốn ta như thế nào nữa đây? Đại loại như vậy. Mỗi một ngày hắn lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần. Nói rồi lại nghỉ, nghỉ rồi lại nói, thỉnh thoảng lại buột miệng một câu: - Bích Nhu, ta khát lắm rồi, cho ta đi uống nước đã! Sống chết cứ đan xen nhau như thế, một bên là Hy Bình đã đứng vững, một bên là Lôi Long và Tứ Cẩu đang chạy trốn thực tại. Thời gian vùn vụt trôi, thấm thoắt đã nửa tháng trời. Hy Bình đứng trước cửa nhà Lôi Phượng tựa như cái cây trong bức tranh phong cảnh, người nhà Viễn Dương Tiêu Cục đã quen không thèm để ý đến hắn, chỉ lũ a hoàn mỗi khi ngang qua là còn liếc trộm khuôn mặt tuấn tú, khúc khích cười rồi mới bỏ đi. Vào buổi trưa, một lão già đầu tóc bạc trắng xuất hiện. Khi ông già tới trước mặt Hy Bình, hắn có chút chột dạ bởi vẻ uy nghiêm lộ trên khuôn mặt. Đôi mắt sáng quắc sục sạo một lúc lâu trên người Hy Bình, dần dần lộ nụ cười ưng ý. Hy Bình nghĩ, ông lão này có điên hay không vậy, đến đây chỉ để nhìn ta hay sao. Hắn thốt lời bất bình: “Này, lão già kia, ông định làm cái trò gì hử?” Ông già cười khà khà: “Tiểu huynh đệ là Hoàng Hy Bình phải không? Thì ra người chỉ đấm một quả đánh khuỵu con ngựa của Lôi Phượng chính là ngươi đấy hả?” Trong lòng Hy Bình tức thời kiêu hãnh tràn trề, giơ nắm đấm về phía trước mặt ông già, nói: “Ông nhìn đi. Lẽ nào lại không phải?” - Hoàng Hy Bình! Ngươi định làm gì gia gia ta vậy? Hy Bình nghe câu nói biết là Lôi Phượng cùng cả bọn đang tới, lẩm bẩm: “Thì ra cái ông già này là Lôi Chiến, đúng là rắc rối!” Lôi Chiến nhìn Lôi Phượng lại gần, mỉm cười từ hòa: “Phượng nhi, cháu đã về đấy ư? Chú nhóc này quả không tồi, lại còn muốn cho ta xem nắm đấm của mình. Đúng là rất cứng cỏi!” Lôi Phượng gục đầu vào lòng lão, lầm bầm: “Gia gia à, kẻ hư đốn kia chưa làm điều gì thất lễ với ông chứ?” Lôi Chiến cười hà hà: “Chưa, chưa làm gì cả, hắn rất có lễ. Ông thích cậu ta lắm. Phượng nhi đi theo ông, có chuyện này ông muốn nói với cháu.” Lôi Phượng ngoan ngoãn vâng dạ, đoạn đi theo Lôi Chiến vào nhà. Lôi Long và Tứ Cẩu thấy hai người đã khuất mới đến gần Hy Bình hỏi chuyện. Bích Nhu và Lan Hoa thừa cơ lẻn ngay vào phòng Lôi Phượng khoá trái cửa lại. Hai gã Lôi Long Tứ Cẩu chỉ còn biết tiếp tục tán chuyện với Hy Bình. Ba gã giằng co trước cửa nhà Lôi Phượng mãi đến bữa tối mới vào trong nhà. Tinh sương hôm sau, Lôi Phượng đề nghị đi săn, ai ai cũng tán thành, tiếng hô lớn nhất lại là của Hy Bình. Bắt bướm là việc có chết hắn cũng không làm, nhưng đối với đi săn thì hắn hào hứng hơn nhặt được của. Nào ngờ Lôi Phượng gạt phắt, bắt hắn ở nhà. Hy Bình buồn tủi cầu xin, chẳng còn chút nào tôn nghiêm của một đấng nam nhi. Ban đầu Lôi Phượng còn cứng rắn, Hy Bình cầu xin mãi, riết rồi nàng cũng đồng ý với một điều kiện. Chưa đợi nói ra điều kiện là gì, hắn đồng ý ngay tắp lự. Sau khi Lôi Phượng mở miệng hắn mới hối hận, nhưng đã muộn mất rồi. Thì ra, Lôi Phương không cho hắn cưỡi ngựa mà phải ôm một thùng tên chạy theo phía sau, song lại không được tụt hậu bởi khi Lôi Phượng cần tên thì hắn phải có mặt ngay đưa tên vào tay nàng. Hy Bình không thể rút lời chỉ còn biết chấp nhận. Suốt cả một ngày, hắn hộc tốc đuổi theo năm con ngựa. Tuy có lúc tụt mãi phía sau nhưng chỉ lát sau đã đuổi kịp theo, có điều là mũi mồm đua nhau thở. Cả năm người đều rất đỗi ngạc nhiên với sự dẻo dai của đôi chân Hy Bình, chưa chút luyện tập khinh công mà đuổi kịp theo ngựa chạy, quả là chưa nghe ai nói tới. Và điều không ngờ hơn nữa là suốt cả ngày họ không hề bắn được một con vật nào. Lôi Long và Tứ Cẩu dốc lòng tiếp cận ái tình, không còn để tâm tới một hứng thú nào khác, còn ba thiếu nữ thì dường như chỉ muốn thả mình giữa thiên nhiên, nhìn cái gì cũng hoa tay múa chân bàn tán, cái này đẹp quá để lại hôm sau còn ngắm, cái kia không thích bắn chết nó đi không tha! Cuối cùng cả Bích Nhu và Lan Hoa đều cảm thấy cung tên vướng nặng nên dồn hết cho Lôi Long Tứ Cẩu. Hy Bình từ phía sau đuổi lên, Lôi Phượng cũng học theo hai nàng kia, quẳng cung tên cho Hy Bình không bắn nữa. Thế là Hy Bình như vớ được vàng, suốt đường đi thấy gì bắn nấy, bắn hết tên trong tay mà chẳng trúng nổi vật gì. Hắn vui như mở cờ trong bụng, lấy cả tên của Lôi Long Tứ Cẩu bắn tiếp mà trượt mãi vẫn hoàn trượt, tức quá kéo cung buông bừa một mũi, nào ngờ trúng ngay con sóc đang ngủ trên cây thông. Ngày hôm sau, Hy Bình vừa ngủ dậy định tới chỗ Lôi Phượng thì bị Lôi Long gọi giật lại, bảo gia gia gã muốn gặp mặt. Hy Bình theo Lôi Long đi vào mật thất Tiêu Cục gặp Lôi Chiến. Lôi Chiến xua Lôi Long ra ngoài, đoạn đóng chặt cửa mật thất cười với Hy Bình: “Cậu nhỏ, có biết lão đây gọi cậu đến làm gì không?” Hy Bình nghĩ bụng: “Đồ rắc rối! Ta có phải là con giun trong bụng ông đâu mà biết ông nghĩ cái quái gì? Rõ là lắm lời!” Nghĩ như vậy, nhưng mồm hắn lại nói khác: “Lão Tiêu đầu à, có việc gì cần tôi giúp phải không?” Lôi Chiến cười khà: “Chớ gọi ta là Lão Tiêu đầu, hãy như Phương nhi và Long nhi gọi ta là gia gia đi được không?” Hy Bình đáp ngay: “Vâng, gia gia!” Lôi Chiến đắc ý cười đến nhắm tít mắt: “Bình nhi à, gia gia cho cháu xem một vật.” Đoạn lão lôi từ giá binh khí xuống một thanh đao còn để trong vỏ, dài chừng một thước ba trao cho Hy Bình. Hy Bình đưa hai tay đỡ, suýt nữa đánh rơi xuống đất Thanh đao phải nặng cỡ bảy tám mươi cân! Lôi Chiến ra lệnh: “Rút đao ra xem!” Hy Bình nghe lời rút đao khỏi vỏ, thân đao màu đỏ sẫm rất dày, lưỡi đao có chỗ đã cùn. Toàn bộ thanh đao khiến người ta có cảm giác, ngoài vẻ chân phương của nó ra thì chẳng có gì kỳ lạ. Hắn không hiểu Lôi Chiến cho hắn xem thanh đao nặng nề cũ kỹ này với dụng ý gì. Lôi Chiến đoán được ý Hy Bình mới kể như nhớ lại: - Sau khi thanh đao này ra đời hơn tám mươi năm trước, lập tức trở thành độc bá võ lâm. Cha ta Lôi Liệt đã dựa vào nó sáng tạo ra “Lôi Kiếp thần đao” dựng nên cơ nghiệp Viễn Dương Tiêu Cục. Cha ta mang đao chu du thiên hạ, không một kẻ nào dám so tài. Ài, uy danh xưa nay còn đâu! Sau khi cha ta mất, cái tên Viễn Dương Tiêu Cục nổi tiếng giang hồ cứ mai một dần. Ngoài cha ta ra, không một ai trong Lôi gia có thể luyện được “Lôi Kiếp thần đao”, không ai sử dụng được thanh đao này cả. Cháu biết vì sao không ? Hy Bình lắc đầu. Lôi Chiến tiếp tục kể: - Thanh đao này dài một thước ba lăm, thân đao dài một thước linh năm, chuôi đao dài ba tấc, chỗ rộng nhất lưỡi đao là hai tấc ba, đao nặng tám mươi bảy cân. Người thường cầm bằng một tay cũng là quá khó khăn rồi, chưa nói gì tới sử ra chiêu thức. Cho dù là kẻ sức vóc trời ban cũng khó lòng dùng nó trong vài chục hiệp. Lão thở dài một hơi, đoạn ho khe khẽ lấy giọng: “Muốn phát huy được uy lực của thanh đao này, cần phải học cho được “Hoả diệm chân không”, tiếp đó bồi thêm “Lôi Kiếp thần đao” và “Thiểm điện chi túc” thì mới có thể đại công cáo thành. Đã tám chục năm nay, ngoài cha ta Lôi Kiệt, không một ai khác có thể dùng nó thi triển được Lôi Kiếp Thần Đao cả.” Lão hạ giọng nói tiếp: “Người tập luyện được “Hoả diệm chân không” nhất định phải là người công lực thuần dương. Không những thế còn cần đôi chân hết sức dẻo dai mới có thể dùng Thiểm Điện Chi Túc sử ra Lôi Kiếp Thần Đao mạnh tựa sấm sét. Hy Bình con một quả đấm đánh ngã con ngựa của Phượng nhi, đúng là người sinh ra để luyện đao này. Hôm qua Phượng nhi bắt con chạy theo ngựa suốt cả một ngày chính là vì ta muốn xem cước lực con dẻo dai đến mức nào. Hy Bình nói to: “Gia gia, như vậy chuyện đi săn là chủ ý của ông?” Lôi Chiến hơi đỏ mặt, gật đầu: - Phụ thân ta bảo, đao pháp này là tổng thể của bốn loại võ công “Hoả diệm chân không”, “Lôi Kiếp thần đao”, “Thiểm điện chi túc” và “Liệt dương chân đao”, không thể thiếu bất kỳ một loại nào. “Lôi Kiếp thần đao” là đao pháp nhất khứ vô hồi, sức mạnh không gì sánh nổi, mỗi khi ra tay chỉ có đánh đến cùng, cho nên đao này chỉ có chiêu công, tấn công liên tục không ngừng. Thiểm điện chi túc là bộ pháp khi sử đao, đương nhiên cũng có thể được coi là phép khinh công. Thay mặt Lôi gia, ta trao thanh đao cùng với đao pháp cho cháu, mong cháu lấy lại thần uy cho Lôi Kiếp Thần Đap. Hy Bình tươi tỉnh: “Gia gia, ông định truyền lại võ công này cho cháu ư?” Lôi Chiến cười khà: “Khi cháu vừa tới Tiêu Cục ta đã chú ý đến cháu rồi. Cha mẹ của Phượng nhi và Long nhi đều rất vừa ý, xem cháu là rể tốt. Bình nhi, cái phúc của cháu rõ là lớn quá!” Hy Bình nhớ lại, chợt hiểu ra cha mẹ Lôi Phượng và Lôi Long chính là hai người tới nhìn mặt hắn vào ngày thứ ba, chính là Lôi Dũng và Hoàng Tử Hà. Lôi Chiến lại nói: “Đao pháp này tuy ta không luyện được nhưng mọi chiêu thức đều đã thuộc lòng. Bình nhi, hãy trả lại đao cho ông!” Lôi Chiến lấy lại thanh đao từ tay Hy Bình, hai chân mở ngang vai, tay trái nắm vỏ đao để ngang sườn, tay phải nắm đao, lưỡi đao hướng ra sau, mũi đao kiên định chĩa về phía xa, nghiêm giọng: - Đây chính là hồn của đao. Đoạn lão đặt vỏ đao xuống đất, hai tay nắm chặt chuôi đao, lưỡi sắc hướng xuống, mũi đao chĩa lên trời, nói: - Đây là phách của đao! Hy Bình tựa như bị kích động, hét to: - Cái gì? Đây là đao pháp vô địch? Gia gia, không phải ông đang đùa cháu đấy chứ? Lôi Chiến lắc đầu: - Cháu ngốc ơi, ta già đã bảy tám mươi rồi lẽ nào lại đùa với cháu! Đừng nói là cháu kinh ngạc, chính ta cũng chẳng hiểu là gì nữa! Phụ thân dạy ta như thế, ta chỉ biết truyền nguyên văn lại cho cháu thôi. Bây giờ đến các bài quyết “Hoả diệm chân kinh” và “Thiểm điện chi túc”….. Đợi khi Hy Bình đã học thuộc kinh quyết, Lôi Chiến mới cho nghỉ tí chút. Lão nhún vai: “Nhiệm vụ của ta đã xong, sau này sẽ là tự cháu phần đấu. Từ nay cháu chính thức ra nhập võ lâm, là nhân tài trong giang hồ, nhất định phải đem uy danh Thần đao Viễn Dương Tiêu Cục làm cho rạng rỡ. Hy Bình trợn mắt: “Tức là dựa vào đao pháp nát bét này?” Lôi Chiến nổi giận: “Thằng nhỏ thúi kia, cái gì là đao pháp nát bét hử? Đây là đao pháp vô địch, cấm không được lười biếng!” Hy Bình thở dài: “Được rồi gia gia, vô địch thì vô địch!” Lôi Chiến vui vẻ: “Như thế còn được, đời này chúng ta đem võ công Tiêu Cục viễn dương gửi gắm cả vào Phượng nhi. Con bé đã luyện được kiếm pháp “Cuồng phong bạo vũ” mẹ nó truyền lại. Còn Long nhi thì đã luyện được kiếm pháp “Du long” ngang ngửa với chị nó. Bạn cháu là Tứ Cẩu vẫn còn kém đôi chút, ngày mai gọi nó tới ta truyền cho hai bài “Bá vương thương” và “Oanh thiên chưởng”, để các cháu tạo nên đội quân chủ lực của Viễn Dương Tiêu Cục thanh thế lừng lẫy. Lôi Chiến phấn khích nói một hồi, tiếng oang oang tựa chuông đồng. Thời gian còn lại trong ngày, Hy Bình thoát khỏi móng vuốt của Lôi Phượng, cùng Lôi Long, Tứ Cẩu cặp kè bên nhau tập luyện. Thời giờ trôi nhanh theo những thế võ, chẳng mấy chốc lại nửa tháng nữa qua đi.