Liêu Trai Chí Dị

Chương 100 : Gái báo thù cha

Ngày đăng: 12:16 19/04/20


(Thượng Tam Quan)



Xưa ở Chư Cát Thành có Thường Sĩ Vũ là kẻ sĩ nhân. Do say rượu nói điều ngỗ ngược với vị huyện hào, Thường bị vị nọ sai gia nô túm lại đánh cho tơi bời, về đến nhà thì chết.



Thường có hai con trai, cả tên Thần, thứ tên Lễ, người con gái là Tam Quan, tuổi vừa trăng tròn lẻ, đẽ hẹn kỳ xuất giá, song vì việc cha phải dừng. Hai anh đâm đơn kiện, một năm ròng chưa được hỏi đến. Nhà trai sai người đến thăm dò hỏi ý kiến bà mẹ xin cho được tòng quyền cưới chạy tang. Bà mẹ đã xiêu nhưng cô gái thưa lại:



- Cha mất chưa kịp lạnh, sao có thể tính chuyện vui mừng? Dễ họ không có cha mẹ hay sao?



Nhà trai nghe thấy điều ấy, lấy làm xấu hổ đành bỏ ý định.



Không bao lâu, vụ kiện không được xét, hai người anh trai đành đội đơn về, cả nhà khôn xiết đau thương. Hai anh bàn hãy lưu thi hài cha, chưa chôn cất vội để tiếp tục theo kiện, Tam Quan nói:




- Người bị sát hại mà không được xử, đủ biết sự thế ngày nay như thế nào rồi?Có dễ trời sinh riêng cho anh em ta một Bao Công chăng? Ta nỡ lòng nào cứ để thi hài cha phơi mãi như thế!



Hai anh phục lời nói ấy, liền lo ngay việc mai táng cha.



Việc tang vừa xong, bỗng ban đêm Tam Quan trốn nhà đi đâu không biết. Bà mẹ coi chuyện này là điều tủi hổ cho gia phong nên sợ nhà trai nghe thấy, không dám để lộ chuyện với bà con họ hàng, chỉ rỉ tai hai con trai phải kín đáo dò tìm xem sao. Song nửa năm dã qua vẫn không thấy tăm tích Tam Quan.



Gặp dịp huyện hào bày lễ mừng thọ, gọi phường hát đến mua vui. Trùm phường họ Tân, dẫn theo hai đàm em giúp việc, một gã tên Vương Thành dung mạo bình thường nhưng tiếng trong vắt, mọi người tán thưởng lắm; một gã tên Lý Ngọc, mặt mày xinh đẹp như con gái, chủ bảo hát cứ cố từ rằng không được thường luyện, nài ép mãi thì ca giọng hát nửa phần lẫn lộn những khúc điệu dân ca của đàn bà con gái. Nghe xong cả đám vỗ tay cười rầm rĩ. Tân xấu hổ quá, phải thưa thực với chủ:



- Nó mới học chưa được bao lâu chỉ mới biết hầu rượu xin chớ trách mắng.




Rồi Tân sai gã ta đi chuốc rượu. Lý Ngọc lại qua nhẹ nhàng lúng liếng khi rót ra mời, lại rất khéo chiều ý hướng của chủ khiến ông ta đẹp lòng lắm.



Rượu tàn, khách về, huyện hào lưu Ngọc lại cùng ngủ. Ngọc rũ giưòng cởi giày cho chủ ân cần, chu đáo lắm. Huyện hào vờ say rượu ôm ấp cợt nhả, Ngọc chỉ mỉm cười, cho nên lão ta càng mê tợn. Hắn đuổi hết đầy tớ ra chỉ để một mình Ngọc lại. Ngọc đợi mọi người ra hết liền đóng cửa, khóa trái.



Bọn đầy tớ sang nhà khác ăn uống. Lát sau nghe thấy tiếng động công cốc trên sảnh nơi chủ ngủ, một người chạy sang, chỉ thấy trong sảnh tối đen như mực, im lặng như tờ, quay trở về, bỗng nghe tiếng huỵnh như có vật gì nặng treo cao đứt dây rơi xuống. Lên tiếng hỏi, không thấy trả lời. Gọi mọi người phá cửa vào, thấy chủ nhân đầu lìa khỏi xác. Còn Ngọc thì treo cổ tự tử, dây đứt xác rơi xuống đất. Trên xác vẫn còn lủng lẳng một đoạn dây.



Mọi người trong nhà kinh hãi, tụ tập bàn tán, không hiểu ra sao. Họ khiêng xác Ngọc ra sân, thấy trong giày và bít tất dường như không có bàn chân, cởi ra thì thấy bàn chân bó nhỏ, hóa ra là con gái. Họ lại càng hoảng gọi Tân đến gặng hỏi. Tân hãi quá, không biết trả lời thế nào, chỉ biết sơ sài: “Tháng trước, Ngọc đến xin làm đàn em, được đi theo đến cuộc lễ mừng thọ, thực không biết từ đâu đến”.



Vì thấy Ngọc mang đồ tang, họ ngờ là thích khách nhà họ Thương, tạm cử hai người trông coi xác. Cô gái nét mặt vẫn đẹp như ngọc, vỗ về thì thân thể tay chân ấm lại. Hai chàng máu dê liền giở trò khả ố. Một anh ôm lấy thi thể vần vò xoay nghiêng xoay ngửa, đang lần cởi giải thì đầu như một đòn búa bổ, máu mồm, máu mũi hộc ra, chết đứ đừ, còn anh kia thoát chết, kể chuyện lại với mọi người. Co gái được coi như thần.



Vụ này được báo lên quận, Quan hỏi Thần và Lễ, họ đều nói không biết gì, còn cô em Tam Quan thì đã bỏ nhà đi từ nửa năm rồi. Họ đến thử xem thì đúng là Tam Quan. Quan cũng phải coi điều kỳ lạ, truyền hai anh em mang thi hài em về mai táng, lại sức khuyên nhà huyện hào chớ có cậy thế gây thù chuốc oán nữa.



NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch