Liêu Trai Chí Dị
Chương 34 : Nói đùa, tưởng thực
Ngày đăng: 12:16 19/04/20
Mã anh hoa hạ trúc ly tà
Mộng cảnh tầm lai lộ bất soa
Tái đắc mỹ nhân giang thượng khứ
Cựu đình nhiêu xứ lãng như hoa
Huyện Ðại Danh, tỉnh Hà Bắc, có nho sinh họ Vương, tên Quế Am, hai mươi lăm tuổi, còn độc thân, dòng dõi thế tộc. Song thân mất sớm, để lại một gia tài khá lớn. Sinh thời, thân phụ là bạn thâm giao với quan thái bộc họ Từ ở thủ phủ Chấn Giang, tỉnh Giang Tô.
Năm ấy, một hôm Quế Am có việc phải xuống Hà Nam, ra bờ sông Ðại Danh thuê thuyền thủy hành. Khi thuyền cập bến Hà Nam, Quế Am mở bọc lấy tiền trả chủ thuyền rồi xách bọc lên mui. Ðảo mắt nhìn quanh, thấy quang cảnh ở bến thực là náo nhiệt, trên bộ thì người đông như kiến, chen vai thích cánh, dưới nước thì thuyền tựa lá tre, san sát liền nhau. Chợt thấy ở thuyền bên có một nữ lang đang ngồi cặm cụi thêu giày, Quế Am thầm nghĩ chắc là con gái chủ thuyền, bèn liếc mắt nhìn sang. Thấy nữ lang có nhan sắc vô cùng diễm lệ, Quế Am động tâm, đứng nhìn không chớp mắt. Nữ lang cũng biết là ở thuyền bên có người đang đứng nhìn mình, nhưng cứ giả vờ như chẳng biết. Quế Am bèn cất giọng ngâm bài Gái Lạc Dương thêu giày trong cổng của một thi sĩ đương thời, cốt để nữ lang nghe tiếng. Biết người ấy ngâm thơ ghẹo mình, nữ lang chỉ ngửng đầu liếc nhìn rồi lại cúi xuống cặm cụi thêu giày. Bắt gặp cái nhìn của nữ lang, Quế Am bủn rủn chân tay, tâm thần mê mẩn. Lát sau, khi đã định thần, Quế Am mở bọc lấy một đĩnh vàng, ném sang cạnh nữ lang. Nữ lang nhặt lấy, ném lên bờ, tựa hồ như chẳng biết đó là vàng. Quế Am vội lên bờ nhặt lại, rồi xuống thuyền, mở bọc lấy một xuyến vàng ném sang. Lần này, nữ lang cứ lờ đi, coi như chẳng biết. Quế Am còn đang nghĩ cách làm cho nữ lang phải chú ý tới mình thì bỗng thấy một ông lão từ trên bờ bước xuống thuyền nữ lang. Thầm đoán ông lão là thân phụ của nữ lang, Quế Am lại lo rằng ông lão sẽ nhìn thấy chiếc xuyến. Còn đang nghĩ cách đối phó với cảnh tình bất lợi, bỗng Quế Am thấy nữ lang lấy một đôi giày thêu đặt phủ lên chiếc xuyến. Quế Am mừng quá, trong bụng cứ thầm cám ơn nữ lang. Bỗng thấy ông lão nhổ neo, lái thuyền lên hướng bắc, Quế Am cứ đứng thẫn thờ nhìn theo. Lát sau, như sực nhớ ra điều gì, Quế Am vội chạy vào khoang nói với chủ thuyền. Chủ thuyền liền cho thuyền đuổi theo thuyền ông lão song vì thuyền ông lão lướt nhanh quá, chủ thuyền đành phải quay lại.
Thu xếp xong công việc, Quế Am thuê thuyền ngược bắc. Về nhà, hình bóng giai nhân cứ ám ảnh tâm trí suốt ngày đêm, kể cả lúc ăn lúc ngủ. Quế Am cố công dò hỏi tin tức của giai nhân song chẳng được tin tức gì.
Quế Am toan đi thì bỗng thấy một nữ lang bế đứa bé từ nhà trong bước ra. Nhìn kỹ, Quế Am bàng hoàng cả người vì thấy nữ lang chính là Vân Nương, vợ mình. Chợt Vân Nương lên tiếng:"Phụ tình lang! Ðể cục thịt này lại cho người ta. Bây giờ hãy đem nó đi đi!" Lúc đó Quế Am mới biết rằng đứa bé chính là con mình. Bị nỗi chua cay vò xé ruột gan, Quế Am vội thốt:"Trước kia ta chỉ nói đùa nàng thế thôi chứ ta đã có chính thất nào đâu!"Vân Nương nói:"Chẳng tin được!" Quế Am bèn chỉ trời vạch đất mà thề, thuật lại sự thực cho vợ nghe. Lúc bấy giờ Vân Nương mới tin, đổi giận làm buồn, nhìn Quế Am mà khóc. Quế Am cũng chảy nước mắt, nói: "Nàng hãy thuật cho ta nghe kể từ lúc nàng trầm mình xuống sông! Làm thế nào mà nàng còn sống sót để lưu lạc tới đây?" Vân Nương bèn thuật:"Chủ ngôi nhà này là Mạc ông với Mạc bà, cùng ngoài sáu mươi tuổi, cư ngụ ở đây với một bà vú và một gia nhân. Hai năm về trước, ông bà sai gia nhân lái thuyền chở cả nhà xuống Hà Nam du ngoạn. Lượt về, đúng vào đêm thiếp trầm mình, ông bà bảo gia nhân neo thuyền ở bên sông để nghỉ. Bị sóng cuốn đi, thiếp đụng vào thuyền của ông bà. Ông bà bèn sai gia nhân nhảy xuống vớt thiếp lên. Thấy thiếp còn thoi thóp thở, ông bà ra sức cấp cứu. Tới gần sáng, thiếp tỉnh lại. Ông bà hỏi chuyện, thiếp kể đầu đuôi. Ông bà bèn nhận thiếp làm con nuôi, chở về cho ở chung. Ba tháng sau, ông bà muốn gả chồng cho thiếp song thiếp chẳng chịu. Mười tháng sau, thiếp hạ sanh thằng bé này, đặt tên là Vương Ký Sinh. Hôm nay là sinh nhật đầu tiên của nó!" Quế Am bèn thở phào nhẹ nhõm rồi bỏ hành lý trên vai xuống, nói: "Nàng hãy dắt ta vào nhà trong chào ông bà đi!" Vân Nương gật đầu rồi dắt Quế Am vào nhà trong. Gặp ông bà Mạc, Quế Am vội chắp tay cúi đầu thi lễ. Ông bà cũng gật đầu đáp lễ. Nghe Vân Nương trình bày mọi chuyện, ông bà mừng lắm. Quế Am nói:"Tiểu sinh xin đa tạ ông bà đã thi ân cứu mạng cho tiện nội. Nay tiểu sinh xin ông bà cho tiểu sinh được nhận ông bà làm nhạc phụ mẫu!" Mạc ông nói:"Dĩ nhiên là vợ chồng lão phu ưng thuận rồi! Thế nhưng, hãy ở lại đây chơi với vợ chồng lão phu một tuần rồi hãy đưa vợ con về!" Tuy muốn đưa vợ con về ngay song vì nể lời Mạc ông, Quế Am đành phải ở lại.
Tuần sau, Quế Am xin phép ông bà cho mình được đưa vợ con về Hà Bắc. Ông bà vui vẻ tiễn chân hai vợ chồng và đứa con ra về.
Ở nhà Quế Am, Mạnh ông tới chơi đã được hơn hai tháng. Khi mới tới, nghe người lão bộc thuật chuyện Vân Nương trầm mình, Mạnh ông hốt hoảng song vẫn chưa tin. Mạnh ông bèn ở nán lại, chờ Quế Am về để hỏi cho rõ đầu đuôi câu chuyện.
Sáng ấy, người lão bộc ra mở cổng thì chợt thấy Quế Am về, dẫn theo một nữ lang bồng một đứa bé trên tay. Người lão bộc bèn hoán hô ầm ĩ. Cả nhà cùng chạy ùa ra cổng để đón chào, vui mừng tíu tít. Khi vào phòng khách, Quế Am nhìn thấy Mạnh ông thì vừa mừng vừa sợ, còn Vân Nương thì vừa tủi vừa mừng, chạy tới ôm chầm lấy cha mà khóc. Mạnh ông khuyên giải con rồi hỏi chuyện trầm mình. Vân Nương thuật lại đầu đuôi cho cha nghe. Mạnh ông bèn quyết định ở lại thêm một tuần để chơi với con và cháu. Tuần sau, Mạnh ông ra về.
Từ đó, Quế Am và Vân Nương chung sống rất tương đắc trong cảnh gia đình đầm ấm, cạnh đứa con trai cùng người lão bộc và đám gia nhân.
Phải chăng muốn được hưởng hạnh phúc lâu dài, ai cũng phải trải qua một khúc chông gai, như người đời thường nói?