Liêu Trai Chí Dị

Chương 62 : Mê sách

Ngày đăng: 12:16 19/04/20


(Thư si)



Lang Ngọc Trụ quê Bành Thành. Ông bố làm quan đến chức thái thú, rất liêm khiết, được bổng lộc không tính chuyện làm giàu, chỉ tích sách đầy nhà. Đến Ngọc Trụ lại càng mê sách, gia cảnh nghèo khó phải bán hết đồ đạc, nhưng số sách cha để lại vẫn không suy suyển một quyển.



Khi còn sống, người cha đã viết cả thiên Khuyến học (1) dán lên vách bên phải toà nhà ở:



Nhà giàu chẳng cần bán ruộng tốt



Trong sách tự có nghìn chung thóc



Ăn ở chẳng cần nhà cao to



Trong sách tự có lầu kim ốc



Lấy vợ chớ e mai mối xoàng



Trong sách có nàng mặt như ngọc



Hàng ngày Lang thường ngâm đọc, lại còn viết bài ấy vào bức lụa trắng, chỉ sợ mờ rách mất. Anh ta cũng không mơ tưởng đường công danh vì đinh ninh tin rằng trong sách thế nào cũng có vàng có thóc. Suốt ngày suốt đêm, anh ta chỉ mải mê đọc sách, bất kể lúc nóng nung người khi rét cắt da. Tuổi ngoài đôi mươi, anh ta chả thiết gì tìm vợ vì hi vọng người đẹp trong sách sẽ tự đến. Bạn bè thân thích đến chơi, anh ta cũng chẳng thiết chuyện trò, chỉ qua quýt hỏi đáp vài câu rồi lại lớn tiếng ngâm đọc, khách ngồi chán rồi đi. Mỗi lần sát hạch, anh ta đều được lấy đứng đầu, nhưng khổ nỗi thi hoài không đỗ.



Một hôm Lang đang ngồi đọc sách, chợt có cơn gió lớn thổi bay sách, anh ta vội đuổi theo, chợt chân bị sụt xuống đất. Hoá ra chỗ đó có hố thóc mục đã tơi như đất mùn, do người xưa cất giấu. tuy không ăn được thứ ấy, nhưng anh ta càng tin mấy chữ “nghìn chung thóc” là không sai, cho nên lại càng chăm đọc sách. Hôm khác bắc thang trèo lên giá sách cao, trong đám sách vở linh tinh, vớ được cái xe vàng độ hai gang, anh ta mừng quá, cho rằng nghiệm với chữ “kim ốc” (nhà vàng). Đưa xe cho người ta xem thì hoá ra là vàng mạ, không phải vàng thật. Anh ta có ý oán cổ nhân lừa dối mình. Không bao lâu, có người khuyên Lang cúng cái xe ấy vào việc xây dựng tháp Phật. Người bạn đồng khoa với cha Lang, đang làm quan ở đất ấy, vốn là người mộ đạo Phật liền tặng hai con ngựa, ba trăm đồng vàng. Lang mừng quá cho là ứng nghiệm với chữ “xe ngựa, nhà vàng” cho nên lại càng khổ công dùi mài kinh sử.



Tuổi đã ba mươi, người ta khuyên lấy vợ đi. Lang chỉ trả lời: “Đã có câu Trong sách có nàng mặt như ngọc, ta lo gì không có vợ đẹp.” Rồi lại miệt mài đọc sách, hai ba năm nữa vẫn không thấy kiến hiệu gì. Người ta chế giễu quá. Lúc ấy trong dân gian có thành ngữ: “Chức Nữ trên trời đã trốn rồi”, người ta dựa vào đó mà đùa Lang rằng: “Cháu Trời (2) đi mất là vì anh đấy”. Lang cho là chuyện đùa, bỏ ngoài tai.



Một tối, đọc sách Hán thư đến quyển thứ 8, bỗng thấy hình một mĩ nhân cắt bằng lụa mỏng ép giữa hai trang giấy, Lang kinh ngạc tự nhủ: “Câu Trong sách có nàng mặt như ngọc ứng ở đây chăng?”. Nhìn kĩ mĩ nhân thì đầu mày cuối mặt y như người sống, sau lưng mờ mờ có chữ “Chức Nữ”, anh ta càng lấy làm lạ lắm. Từ đó, Lang thường đặt hình mĩ nhân lên trên sách, trở đi lật lại ngắm nghía đến quên ăn quên ngủ.



Một hôm, Lang đang bần thần ngắm nghía thì mĩ nhân bỗng nhỏm dậy, ngồi trên sách mà hé môi cười mỉm. Lang hãi quá, phục lạy trước bàn. Mĩ nhân đứng dậy đã cao tới hai gang. Lang càng sợ, cứ lạy như tế sao. Mĩ nhân thong dong bước xuống đất, đứng thẳng lên nghiễm nhiên trở thành một trang giai nhân tuyệt thế. Lang vừa vái vừa đánh bạo hỏi:



- Bẩm, Người là vị thần gì?



Mĩ nhân cười đáp:
Trước đây, thân thích trong họ Lang dòm thấy cô gái đã khả nghi lắm, lại chưa nghe thấy mối lái cưới xin, cho nên họ kéo đến chất vấn. Lang không thể đặt điều nói dối, song cũng úp mở không để lộ chuyện, cho nên họ lại càng ngờ. Lời đồn đại loan truyền đến tai quan huyện họ Sử, xuất thân tiến sĩ người đất Mân. Nghe chuyện lạ về Lang, quan huyện trẻ tuổi đã động lòng thèm khát, muốn được tận mắt nhìn ngắm dung nhan người đẹp, liền ra lệnh bắt giải cả Lang và mĩ nhân lên huyện. Cô gái biết, bỏ trốn biệt tích. Quan huyện càng nổi giận, sai lột hết quần áo Lang rồi cùm lại, hòng cô gái thương người tình mà tự dẫn thân đến.



Song Lang bị đày đoạ gần chết vẫn không chịu nói một lời. Tra khảo đến con hầu, nó mới cung ra đôi điều loáng thoáng. Quan huyện phán quyết đúng là yêu quái trá hình, cho nên tự thân đến nhà Lang khám xét. Quan thấy sách chất đầy nhà, nhiều không kiểm xuể liền ra lệnh đốt sách, khói kết lại không tan, âm u mù mịt.



Sau Lang được thả vì chàng xin được thư can thiệp của người học trò cũ của cha đang có quyền thế, cho nên chàng được miễn tội, khôi phục các quyền lợi. Năm ấy chàng đi thi đỗ cử nhân, năm sau đỗ luôn tiến sĩ. Trong lòng chứa chất mối hận thù khắc cốt ghi xương, chàng thiết lập bài vị Nhan Như Ngọc, sớm chiều khấn vái: “Nàng có khôn thiêng xin phù trợ cho ta làm quan ở đất Mân”.



Sau quả nhiên Lang được cử đi thanh tra đất Mân. Ở ba tháng chàng tra hỏi các tội ác của Sử, tịch biên nhà cửa. Rồi lại được cử làm tư lí. Lang bức Sử phải nộp người thiếp yêu, thác cớ mua thị tì hầu hạ trong dinh. Vụ án kết thúc, Lang lập tức đưa cả người thiếp đi theo.



Nguyễn Văn Huyền dịch



Chú thích:



(1) Đó là bài thơ của Tống Chân Tông, trong đó có câu (nguyên văn):



Phú đa bất dụng mại lương điền



Thư trung tự hữu thiên chung túc



An cư bất khả giá cao đường



Thư trung tự hữu hoàng kim ốc



Thu thê mạc hận vô lương môi



Thư trung tự hữu nhan như ngọc



(2) Nguyên văn: Thiên Tôn, tên một ngôi sao, cũng gọi là Chức Nữ. Theo truyền thuyết, Chức Nữ là cháu trời, trốn xuống trần lấy anh chăn trâu (Ngưu Lang).



(3) Tên từ trong câu thơ của bài Khuyến học: “Thư trung tự hữu nhan như ngọc”