Liêu Trai Chí Dị
Chương 72 : Chuyện lạ chim câu
Ngày đăng: 12:16 19/04/20
(Cáp Dị)
Chim bồ câu rất nhiều giống: đất Tấn có Khôn Tinh, đất Lỗ có Hạc Tú, đất Kiềm có Dịch Diệp, đất Dương có Khiêu, đất Việt có Chư Tiêm, đều là những giống lạ. Lại còn có Hài Đầu, Điềm Tử, Đại Bạch, Hắc Thạch, Phu Phụ tước, Hoa Cẫu Nhỡn. Bấm đốt ngón tay không kể hết, duy chỏ những lẻ hiếu sự mới có thể làm được.
Công tử Trương Công Lượng đất Châu Bình rất thích chim câu, cứ theo sách Kinh (chỉ sách Cáp Tử kinh thời cổ đại TQ chuyên bàn về việc nuôi chim bồ câu) mà tìm, Cầu có được đủ các chủng loại. Có con nào Trương chăm chút y như trẻ thơ: bị bệnh lạnh thì chữa bằng cỏ phấn, bệnh nóng thì cho ăn muối hạt. Chim câu thích ngủ, nhưng ngủ quá thì mắc bệnh bại liệt. Hồi ở Quảng Lăng, Trương mua một con mười đồng vàng, mình rất nhỏ, chạy rất nhanh, thả trên mặt đất nó cứ chạy loanh quanh không biết bao giờ, kỳ đến mệt lăn ra chết mới thôi, cho nên phải có người bắt giữ. Ban đêm Trương bỏ vào trong đàn chim, nó chạy lung tung làm cho các con khác giật mình không ngủ được, để tránh cho chúng bị bại liệt. Vì thế chim ấy có tên là Dạ Du. Kể thế, những nhà nuôi chim đất Tề, đất Lỗ cũng kém tài. Mà công tử cũng lấy việc nuôi chim câu để tự khoe một chút.
Một hôm công tử đang ngồi ở thư phòng, bỗng một trang thiếu niên mặc áo trắng gõ cửa bước vào. Hai người không biết nhau, công tử hỏi, chàng ta đáp:
- Con người phiêu bạt, tên họ có gì đáng nói. Ở xa nghe tin đồn công tử nuôi bồ câu được lắm. Bình sanh tôi cũng ưa thích thứ ấy, xin được cho xem.
Trương liền đem hết ra, đủ cả năm sắc, rực rỡ như gấm mây. Chàng thiếu niên cười mà rằng:
- Lời đồn quả không ngoa, có thể nói công tử biết hết mọi sự trong nghề nuôi chim câu. Tôi cũng có mang theo một hai con, công tử có muốn xem không?
Trương mừng quá, theo người thiếu niên đi. Đêm ấy ánh trăng mờ ảo, đồng không mông quạnh, đi thì đi, trong lòng Trương đã thầm ngờ sợ. Thiếu niên vừa chỉ vừa nói:
- Xin gắng đi chút nữa, nơi tôi ngụ không còn xa nữa.
Đi thêm mấy bước nữa đã tới một ngôi nhà hai gian. Thiếu niên dắt tay đi vào. Trong nhà không ánh đèn lửa. Thiếu niên đứng giữa sân, bắt chước tiếng chim câu gù. Bỗng có một đôi chim tầm cỡ như chim thường lông trắng tuyền bay ra ngang tầm mái hiên, vừa gù vừa chọi.Thiếu niên xua tay, hai con nối cánh bay vào chuồng.
Thiếu niên lại chúm miệng gù cách khác. Lại có hai con khác bay ra- con lớn như con lae, con bé bằng nắm tay- đậu trên thềm biểu diễn điệu hạt múa. Con lớn đứng vươn cổ, xoè cánh như hai cánh bình phong, vừa gù vừa nhảy rất uyển chuyển, dường như để khơi dẫn. Con nhỏ vừa gù vừa bay lên bay xuống đậu trên đầu con lớn vẫn đang giương cổ không động cựa cánh chấp chới như tiếng chim yến lạc vào đám lác. Tiếng kêu nhỏ như tiếng trống bỏi, tiếng con lớn lại y như tiếng khánh, đan hòa nhau như một dàn nhạc. Rồi chim nhỏ bay lên, con lớn cứ lắc lư như chào gọi vậy.
Công tử nhìn quang cảnh ấy, cứ khen ngợi mãi không thôi. Tự chỉ thấy mình chỉ là ếch ngồi đáy giếng, đáng xấu hổ bèn vái chàng thiếu niên, xin chia sẻ niềm yêu thích. Thiếu niên không nghe, lại cố gắng xin, lúc ấy thiếu niên mới gù gọi đôi chim trắng ra, bắt lấy đưa cho Trương, nói:
Công tử nhìn quang cảnh ấy, cứ khen ngợi mãi không thôi. Tự chỉ thấy mình chỉ là ếch ngồi đáy giếng, đáng xấu hổ bèn vái chàng thiếu niên, xin chia sẻ niềm yêu thích. Thiếu niên không nghe, lại cố gắng xin, lúc ấy thiếu niên mới gù gọi đôi chim trắng ra, bắt lấy đưa cho Trương, nói:
- Nếu công tử không ghét bỏ, tôi xin biếu đôi này.
Trương nhận lấy, ngắm nghía: đôi mắt tròn như hạt hồ tiêu, phản chiếu ánh trăng lóng lánh màu hổ phách như trong sưốt; mở đôi cánh ra da thịt nó mỏng tanh trong vắt như có thể nhìn rõ tim ruột. Trương rất lấy làm lạ, mà ý chưa cho là đủ, còn nài nỉ xin nữa. Thiếu niên miễn cưỡng bảo:
- Hãy còn hai đôi chưa đưa trình, nay không dám mời xem nữa.
Còn đang chuyện trò đàm đạo thì người nhà Trương đốt đuốc đi tìm chủ nhân. Trương vừa quay đi, chàng thiếu niên đã hóa thành bồ câu trắng, to như con gà, bay vút lên trời, đi đâu không rõ. Nhà cửa vừa trước mắt biến đâu mất mà chỉ còn một ngôi mộ có hai cây bách trồng bên. Trương vội cùng gia nhân ôm đôi chim về. Về đến nhà, thử cho bay, chim vẫn thuần và lạ như trước. Tuy chưa phải là cực hay, song trên đời cũng hiếm. Do vậy, Trương càng yêu quý.
Qua hai năm, chim đẻ được ba con cả trống lẫn mái. Những người thân thích nài nĩ cầu xin đều không được. Có ông Mỗ là bạn cha, là bậc quan sang, một hôm gặp công tử hỏi:
- Thế nào, nuôi chim câu có nhiều không?
Công tử chỉ dạ dạ rồi cáo lui, trong bụng chắc ông ta cũng thích, chàng cũng muốn làm vừa lòng ông ta song dứt ruột chia sẻ niềm yêu thương của mình thấy khó. Lại nghĩ: sự đòi hỏi của bề trên không thể làm ngơ được. Lại không dám đưa chim thường, cho nên phải chọn hai con tuyết trắng bo vào lồng mang biếu, đinh ninh rằng quà quý ngàn vàng không sánh được.
Ngày khác lại gặp ông Mỗ, công tử có vẻ đắc ý về món quà tặng vừa rồi, song ông ta không mảy may ngỏ lời cảm ơn. Trương không ghìm được lòng hỏi ngay:
- Đôi chim hôm trước có tốt không ạ?
Đáp:
- Cũng béo ngon.
Trương hoảng lên:
- Thưa đa mổ thịt rồi à?
Ông Mỗ đáp một cách thản nhiên:
- Ừ!
Trương cả kinh thưa lại:
- Đó là loại chim cực quý, thường được gọi là Thát dát đấy ạ!
Ông Mỗ mơ màng như cố nhớ lại, thủng thẳng đáp:
- Thịt cũng không khác chim thường mấy.
Trương ôm hận ra về.
Đến tối Trương mộng thấy người thiếu niên áo trắng đến trách:
- Tôi thấy công tử có lòng yêu thương nên gởi con gởi cháu. Sao lại nỡ lòng đem châu báu vứt vào nơi đen tối để đến nỗi chịu nạn thớt đao? Nay tôi phải đưa hết con cái đi.
Nói rồi hóa thành bồ câu, tất cả các loại câu trắng đều bay đi theo. Trời sáng công tử xem lại chuồng, quả là chúng bay đi hết. Trương vô cùng ân hận, đem tất cả chim nuôi đưa tặng bạn tri giao. Mấy ngày thì hết sạch.
NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch