Liêu Trai Chí Dị

Chương 95 : Cô tân thứ mười bốn

Ngày đăng: 12:16 19/04/20


( Tân Thập Tứ Nương)



Quảng Bình Phùng sinh người ở khoảng triều Chánh Đức nhà Minh, từ lúc còn nhỏ đã có tính bê tha hay rượu. Một hôm tảng sáng đi chơi tha thẩn, gặp một thiếu nữ trùm vạt áo màu đỏ, nhan sắc cực xinh, có thằng nhỏ theo hầu, xăng xái dầm sương ướt cả giày tất; chàng trông thấy động lòng thầm mơ trộm nhớ.



Chiều tối, say rượu trở về, bên đường vốn có ngôi nhà cũ, sân cỏ rêu mọc đã lâu, chàng bỗng thấy người con gái từ trong chùa ấy đi ra, nhìn lại chính là người đẹp ban sáng.



Nàng chợt thấy chàng đi qua, vội vàng day mình trở vào chùa.



Phùng sinh nghĩ thầm, người dẹp thế kia sao lại ở trong ngôi nhà hoang phế? Lập tức buộc buộc lừa ngoài cổng, rồi theo dõi vào tận chùa dò xem. Vào thấy tường đổ tứ tung, đầy thềm cỏ mọc, còn đương ngần ngừ về sự lui tới, thì một cụ già tóc bạc từ trong đi ra, áo mũ tươm tất sạch sẽ hỏi chàng từ đâu tới.



Chàng nói:



- Tôi thấy ngôi chùa cổ, nên muốn vào coi cho biết. Còn cụ vì sao lại ở trong này?



Cụ già đáp:



- Lão lênh đênh không có chỗ ở, nên phải tạm mượn cảnh chùa cho bầy trẻ ở đỡ. May mắn được ông chiếu cố, xin mời vào uống một chén trà núi để thay ly rượu.



Nói đoạn cụ kính cẩn mời Phùng vào chơi.



Phùng theo vào phía trong điện, tới một căn nhà đường đi lót đá bóng trơ, không thấy rêu phong cỏ mọc đâu cả. Vào trong nhà các thứ màn giường nệm chiếu đều có mùi hương ngào ngạt. Ngồi trò chuyện và hỏi thăm họ tên, cụ già đáp:



- Tôi là lão già Mông họ Tân.



Phùng thừa cơn say, hỏi liền:



- Nghe như cụ có một cô chưa lấy chồng, tôi không xét mình tự nguyện làm rể, mong đài gươong soi đến dấu bèo co được chăng?



Tân lão cười và nói để bàn tính với vợ đã. Phùng cao hứng liền cầm bút viết bài thơ:



Ngàn vàng mua chày ngọc



Ân cần dâng tận tay



Vân Anh nếu đoái tưởng



Giã thuốc hộ nàng ngay.(1)



Ông cụ xem thơ mỉm cười trao cho người nhà xem. Giây lát con hầu ở nhà trong ra nói thầm bên tai Tân lão. Tân lão đứng dậy, yên ủi chàng cố ngồi đợi, rồi cụ vén màn vào trong buồng, nghe văng vẳng cụ nói chuyện một hai câu lại trở ra liền.



Chàng tin chắc có tin lành, chẳng dè cụ ngồi nói những chuyện đâu đâu, không đả động chi tới việc đó, Phùng nhịn không được hỏi phăng:



- Việc đó ra sao, xin cụ dạy bảo cho tôi được yên lòng.



Tân lão nói:



- Cậu vốn là người xuất sắc, lão đem lòng kính mộ đã lâu, khốn nỗi vì có một cớ riêng chẳng dám hở môi đó thôi.



Chàng gạn hỏi cớ gì? Tân lão đáp:



- Con gái lão mười chín đứa mà mười lăm đứa có chồng rồi, việc gả bán thế nào là tự bà lão nhà tôi, chứ tôi không dự đến.



Chàng nói:



- Tiểu sinh chỉ cầu hôn với cô dắt một thằng nhỏ theo hầu, hồi sáng đi dầm sương đó.



Tân lão làm thinh. Hai người lặng lẽ ngó nhau. Nghe trong buồng có tiếng con gái rầm rì, Phùng hãy còn say, tức quá liền vạch màn xông đại vào nói:



- Cầu lấy làm vợ chẳng được, thì cũng phải để cho thấy tận mặt cho được hả lòng với nào!



Bên trong nghe cửa động, cùng đứng dậy nhìn sửng sốt. Trong đám quả có người vận áo đỏ đứng mân mê dải áo, có dáng e lệ. Cả nhà thấy chàng xông vào cùng hoảng hốt kêu lên. Tần lão cả giận sai mấy tên gia nhân lôi cổ chàng ra.



Lúc đó, hơi rượu càng nồng, chàng ngả lăn trong đám cỏ gai, gia nhân liệng gạch theo ngói như mưa, may sao không trúng vào người.



Chàng nằm trong đó một lúc mới tỉnh, nghe rõ con lừa của mình đương gậm cỏ bên đường, bấy giờ mới gượng dậy cưỡi lừa ra đi chập choạng. Trời tối, lạc đường, đi nhầm vào khe núi, những tiếng beo gầm vượn hú, làm cho chàng rợn gáy lạnh mình, ngập ngừng nhìn quanh tứ phía, không nhận ra chỗ này là đâu. Xa trông về phía rừng mù mịt, có ánh đèn thấp thoáng khi tỏ khi mờ, chàng nghĩ bụng chỗ đó tất có làng xóm, liền ra roi phóng lừa chạy tới. Nhìn lên thấy cổng cao lớn, chàng cầm roi gõ cửa. Bên trong có tiếng người hỏi” “Ai đó! Nửa đêm tới đây lảm chi?” Chàng đáp: “ Là kẻ lạc đường xin vào tạm trú”. Người bên trong nói: “Để hỏi chủ nhân đã, sẽ mở”.



Chàng đứng đợi sốt ruột, chợt nghe tiếng then động, cửa mở, một người tớ tráng kiện bước ra, đỡ lấy cương, dắt lừa vào mời chàng vào.




Hôm sau tên lão bộc đến thăm, chàng gửi lời từ biệt nương tử vợ chồng vĩnh quyết nhau từ đây. Lão bộc về nhà thuật lại, nàng gật đầu qua loa mà nét mặt không thấy có chút đau thương buồn bã khi nghe chồn sắp bị hành hình. Trái lại nàng lạnh lùng như tuồng không thèm để ý đến chuyện đó.



Gia nhân bàn riêng lén với nhau, cho nàng là người vô tình và quá nhẫm tâm. Bỗng nghe đường sá tuyên truyền tin tức quan Sở ngân dài ( quan chánh án họ Sở, tức là cha ruột Sở công tử) đã bị cách chức, quan án Bình Dương vừa mới phụng chỉ xét lại vụ án Phùng sinh.



Lão bộc nghe tin, hớn hở chạy về báo với bà chủ. Nàng cũng vui mừng lập tức sai lão bộc vào ngục thăm dò, thì chàng đã được thả ra khỏi ngục thất. Thầy trò gặp nhau xiết bao mừng mừng tủi tủi. Giây lát thấy lính áp giải công tử đến dinh; quan án tra hỏi, công tử liền thúc hết thực tình vụ án. Vì đó Phùng sinh được quan tha ngay và cho về nhà.



Chàng về đến nhà trông thấy vợ, bất giác bưng mặt khóc ròng, nàng cũng khóc theo. Chàng khóc chán rồi mừng hớn hở, nhưng không hiểu vì sao vụ án của mình động tới tai hoàng đế, mà khỏi bị chết oan.



Nàng trỏ hồ tì và nói:



- Cứu tinh của chàng là con chồn nhỏ này đây.



Chàng kinh ngạc gạn hỏi mãi, nàng mới kể lại tự sự cho nghe.



Nguyên là hôm trước, nàng sai con hồ tì biến mình đến tận Yên kinh, muốn vào trong cung cấm để kêu hộ chàng. Nhưng cung cấm có thần canh giữ, nó không vào lọt phải lang thang quanh quẩn ở bên hồ ngự của nhà vua luôn mấy tháng không tài nào đến gần thiên tử mà tâu bày oan khúc.



Nó sợ dây dưa hỏng việc, tính trở về bàn mưu định kế với nàng, bỗng nghe tin thiên tử sắp ngự giá đi chơi Đại Đồng, nó liền tới trước giả làm con hát dạo, ở chốn hồng lâu. Thiên tử ngự vào đó chơi, thấy nó sắc đẹp hát hay rất mực yêu chuộng.



Ngài tỏ ý ngờ nó không phải là hạnh người phàm trần sa ngã, bấy giờ nó mới thừa dịp ôm mặt khóc nức nở. Nó liền thưa rằng, quê quán ở tận Quảng Bình con gái sinh viên Phùng mỗ, vì cha bị vu oan và kết án tử hình, cho nên nó bị bán vào chốn hồng lâu, thành ra lưu lạc đến đây.



Thiên tử nghe qua, vẻ mặt sầu thảm, ban cho một trăm lượng vàng trước khi ra đi, lại hỏi cặn kẻ đầu đuôi vụ án, lấy giấy bút ghi chép tên họ. Sau rốt ngài tỏ ý muốn rước nó về cung để chung hưởng phú quý. Nó tâu rằng, chỉ muốn cha con đoàn tụ là vui, chứ không dám mong hưởng giàu sang gì cả. Thiên tử gật đầu ba lời khen ngợi yên ủi rồi mới đi.



Con hồ ly thuật lại câu chuyện rõ ràng thêm cho chàng nghe. Chàng lật đật vái lạy tạ ơn, hai hàng lệ nhỏ ròng ròng.



Vợ chồng sum họp không được bao lâu, một hôm nàng nói với chàng:



- Em không vì tình duyên ràng buộc với chàng thì đâu có chịu lấy cảnh phiền não lâu này. Lúc mình bị bắt giam trong ngục, em ở ngoài bôn tẩu quanh nhà hàng họ thân thuộc, chớ hề có ai đoái hoài bày luôn cho một kế gì. Vì đó nay em chán đời phàm tục; em đả vì mình kén chọn người vợ hiền, còn em thì từ đây xin cùng chàng từ biệt.



Chàng nghe, nhào lăn mà khóc, nàng mới nể lòng ở lại không đi.



Đêm hôm, nàng sai Lộc nhi đến nằm với chàng. Chàng nhất định từ chối.



Sáng đến sau,. tự nhiên thấy nàng kém hẳn dung nhan. Hơn một tháng sau nữa thì da nhăn má hóp, gần như mụ già. Cách nửa năm lại đen thui và lọm khọm chả khác gì bà lão quê. Tuy nhiên, chàng vẫn một lòng kính mến, không hề suy suyễn.



Bấy giờ nàng lại nằng nặc đòi đi, nói rằng: “Nay chàng đã có vợ đẹo ia rồi, còn giữ mụ già xấu xí này làm chi?”



Chàng khóc lóc cầm giữ như trước.



Cách một tháng sau bỗng nàng phát bệnh nguy cấp, bỏ cả ăn uống, chỉ nằm rủ riệt trong buồng. Chàng hầu hạ thuốc men, như đối với cha mẹ. Rước thầy pháp bà đồng về nhà, cúng lễ cũng vô hiệu; nàng tê liệt rồi chết. Chàng đau thương quá, chết giấc mấy phen. Nhờ có số vàng của con hồ tì được vua ban cho ngày trước, chàng làm lễ chôn cất long trọng.



Đám xong mấy hôm, con hồ tì cũng đi nốt.



Chàng bèn lấy Lộc nhi làm vợ, một năm sau, Lộc nhi sinh hạ một lúc hai đứa con trai. Nhưng chàng đi thi khoa nào cũng rớt, mà cảnh nhà ngày càng sa sút nghèo nàn. Vợ chồng không có cách gi mưu sinh, chỉ ngồi nhìn nhau buồn rầu than thở.



Bỗng chàng nhớ lại cái lu bể trong góc nhà, sonh thời cô Tân mười bốn thường hay ném tiền vào đó, chẳng biết có còn hay không? Chàng đến gần xem, thì vò tương chĩnh mắm bày la liệt bên trên, phải vời từng món đi mới đến cái lu, cầm đũa khoắn vào trong nhưng đũa không vào được. Bấy giờ đập lu tan vỡ, thì tiền bạc tuôn ra đầy nhà.



Nhờ đó, chàng đương nghèo lại trở nen no đủ sung sướng.



Về sau, người lão bộc có dịp đi qua núi Thái Hoa, thấy cô Tân mười bốn cưỡi ngựa đi trước, con hồ tì cưỡi lừa theo sau. Nàng trẻ và đẹp y như hồi nào, ân cần thăm hỏi Phùng lang có bình yên hay không. Lại căn dặn lão bộc về nói cho ông chủ biết rằng: Ta đã thành tiên rồi.



Lão bộc vừa nghe dứt lời thì nàng biến mất, không thấy gì nữa.



ĐÀO TRINH NHẤT dịch



(1) Nguyên văn:



Thiên kim cầm ngọc chữ



Ân cần thủ thượng tương



Vân Anh như hữu ý



Thân vị đảo nguyên sương



Bài thơ này lấy sự tích Bùi Hàng thi rớt, về qua Lam Kiều vô quán uống nước, thấy nàng Vân Anh đẹp quá, muốn hỏi làm vợ. Bà mẹ nàng thách cưới một cái chày bằng ngọc, hễ có đem đến thì bà gả con gái cho. Bùi Hàng tìm tiò mua được chày ngọc đem lại, bà cụ dùng chày ấy giã thuốc tiên đơn cho chàng với Vân Anh cùng uống, cả hai cùng thành tiên.