Luật Ngầm

Chương 2 : Sự mất tích bí ẩn của bác tôi

Ngày đăng: 04:47 19/04/20


Gia đình tôi chuyển nhà thường xuyên. Năm tôi tám tuổi, gia đình tôi không sống cùng bà nội nữa mà chuyển đến một căn nhà nhỏ khác, nơi có vườn táo sau nhà, và đó là lý do cho những buổi trưa tôi trốn mẹ vác rổ ra đó hái quả.



Mỗi sáng, ba vẫn chở tôi đi học trên chiếc xe đạp màu huyết dụ. Dáng ông cần mẫn đến khắc khổ. Ngày nắng gắt, mồ hôi ông ướt rịn vai áo, hình ảnh ấy như nhắc nhở tôi mỗi con chữ tôi học là một giọt mồ hôi của ba. Ngày mưa bão, sấm chớp như xé toạc bầu trời để trút nước ào ạt xuống trần gian, gió thổi thốc từng cơn làm oằn đi những thân cây khẳng khiu hai bên đường, ba vẫn gồng mình đạp xe băng băng đưa tôi qua những con phố dần thưa vắng bóng người. Ba tôi là một người đàn ông cương trực và rất tự trọng, nhưng chỉ cần vì tôi thì ông sẵn sàng buông bỏ mọi thứ, miễn là tôi được no đủ… Vào một ngày, khi tôi vừa trải qua một cơn sốt cao, nhà không còn tiền nhưng tôi lại thèm xôi gà nóng bán ở góc đường Lê Thánh Tôn. Người bán xôi lớn tiếng chửi bới ba tôi vì ông vẫn còn nợ tiền của họ, mặc cho bao người qua lại xầm xì, ông vẫn kiên nhẫn đứng đợi lấy cho được hộp xôi nóng và đút cho tôi từng muỗng. Ba tôi vẫn cười, vẫn trìu mến nhắc tôi ăn nhiều vào cho chóng khoẻ. Hộp xôi ngon nhất và cũng có lẽ là chua xót nhất trong cuộc đời tôi…



Sau đó không lâu, chúng tôi lại chuyển nhà. Tôi không hiểu vì sao chúng tôi phải thường xuyên thay đổi chỗ ở như vậy. Đến nơi ở mới, mẹ tôi mở một tiệm cơm. Mẹ nấu ăn ngon nên tiệm cơm rất đắt hàng. Tôi đi học một buổi còn một buổi về phụ mẹ bưng bê, rửa chén bát. Có một lần, do sơ ý làm rơi vỡ đĩa cơm mang cho khách mà tôi hoảng quá khóc thét lên, mọi người thương cảm nên từ đó, quán cơm của mẹ tôi trở thành quán ăn tự phục vụ.



Tôi khó kết bạn với những đứa trẻ cùng tuổi khác. Thế giới của tôi chỉ xoay quanh sách. Tôi mê mẩn những căn nhà có nhiều sách để được thoả sức ngắm nhìn, được hít hà mùi giấy khi lật từng trang, từng trang. Đối với tôi, sách là kho tàng giúp tôi thực hiện những chuyến phiêu lưu dài bất tận, đắm chìm trong sự hào hứng khám phá những bí mật của thế giới này.



Rồi một ngày nọ, ba đưa một người về phụ mẹ buôn bán và bảo mẹ không cần phải trả lương cao. Nhưng sau đó, mẹ phát hiện ra đó chính là nhân tình của ba. Họ cãi nhau, đánh nhau. Ba bỏ đi, để lại cho mẹ vết thương trên đầu đang chảy máu, để lại cho tôi những mảnh ký ức vỡ nát. Tiệm cơm đóng cửa vì mẹ tôi nằm liệt giường. Tôi cũng nghỉ học vài ngày vì cảm thấy không thể tập trung khi ở trên lớp. Nghỉ ngơi được vài ngày, mẹ tôi bắt đầu mở cửa bán hàng trở lại với cái đầu vẫn còn quấn băng trắng. Mẹ bảo tôi giúp bà rửa bát, mỗi ngày, mẹ sẽ cho một nghìn đồng, đến cuối tuần tôi sẽ đủ tiền mua truyện tranh hoặc sách mà tôi thích. Ban ngày, mẹ vẫn làm việc bình thường, nhưng bà bắt đầu uống rượu vào ban đêm. Có những lúc say quá mẹ ngủ quên, khoá luôn cửa phòng trong khi tôi còn đang ở ngoài, gọi mãi mẹ không dậy, tôi đành ngồi bó gối trước cửa suốt đêm.



Sau lần cãi nhau đó, ba không về nhà nữa. Con bé tám tuổi là tôi khi ấy, lần đầu tiên dám tự bắt xe ôm để về nhà bà nội tìm ba. Dọn dẹp xong, không thấy tôi đâu, mẹ hoảng hốt đi tìm kiếm khắp nơi thì hàng xóm nói lại là tôi bắt xe ôm đi rồi, bác xe ôm sau khi chở tôi đến nhà bà nội xong cũng quay về báo tin cho mẹ tôi yên tâm. Mẹ giận lắm. Tôi bị ăn đòn vì dám tự ý bỏ đi mà không xin phép. Nhưng có lẽ vì thế mà mẹ đã tha thứ cho ba để ông có thể trở về.



Thời kỳ này, ba tôi làm chủ một doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và nhanh chóng có tiếng trong vùng. Tôi đã được nhìn thấy rất nhiều bản thiết kế các công trình do ông nhận thầu, và thường xuyên được nghe mọi người khen ngợi. Ít lâu sau, gia đình tôi lại có thêm một tiệm cà phê, công việc kinh doanh bận rộn khiến mẹ phải gửi tôi học bán trú. Những hôm ba bận, người đưa đón tôi sẽ là nhân viên của ba hoặc của mẹ. Thời gian này, tôi chỉ ở nhà vào buổi tối và thường thì khi về nhà, sau khi người giúp việc lo cho tôi ăn uống xong, ba mẹ muốn tôi ở trong phòng làm bài tập, ít khi nào cả nhà cùng ăn cơm cùng nhau.



Một lần, do cô giáo bận việc nên tôi được đón về nhà sớm hơn mọi ngày. Khi về đến nơi, tôi rón rén lên phòng tìm ba mẹ thì thấy ba đang ngồi cùng rất nhiều người, họ có dáng vẻ lạnh lùng và bặm trợn nhưng dường như rất nể sợ ba. Tôi không nghe rõ họ nói gì nhưng bỗng dưng ba đứng phắt dậy, tát tai một người đàn ông trong số đó và quát lớn: “Cút ngay! Tao không dung thứ bọn nghiện ngập! Mày nghiện được ắt phản được!”



Người đàn ông đó tỏ ra sợ sệt trước thái độ của ba. Ba trong mắt tôi là một người đàn ông hiền lành, luôn nhẹ nhàng với mọi người xung quanh và nhất là với tôi. Quãng thời gian từ khi tôi được sinh ra cho đến khi ông mất đi, chưa bao giờ ông đánh tôi dù chỉ một lần. Tôi hoang mang trở về phòng, chưa bao giờ tôi thấy ba đáng sợ như vậy. Tôi vẫn mang trong lòng nỗi thắc mắc về những người mà mình đã nhìn thấy trong phòng ba mẹ nhưng không dám hỏi.



Cuộc sống của tôi lại bình lặng trôi qua. Thỉnh thoảng, tôi vẫn về với bà nội vào cuối tuần và dần không còn quan tâm đến những người trong phòng của ba mẹ hôm ấy nữa, cho đến ngày, ba đột ngột bị tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra. Mẹ nói rằng, đó là một tai nạn. Tôi vẫn nhớ như in, đó là một ngày cuối tuần, ba lái xe ra khỏi nhà rồi bất chợt quay lại nhìn mẹ một lúc lâu. Ánh mắt đau đáu của hai người khiến mọi thứ như ngưng lại. Vào buổi chiều, người ta gọi điện báo cho mẹ là ba bị bắt.



Thời gian đó, mẹ tôi không còn tâm trí để lo lắng cho công việc kinh doanh nữa, cũng vì thế mà liên tiếp gặp thua lỗ và phải đóng cửa. Tôi còn nhỏ, chưa ý thức được những khó khăn mà gia đình mình phải đối mặt. Thứ Năm hàng tuần, mẹ luôn đưa tôi đi hơn bảy mươi cây số để đến thăm ba. Mẹ đã chuẩn bị rất nhiều đồ ăn cho ba và luôn có một vài gói lương khô kèm theo. Thường thì mẹ tôi sẽ đặt mua thịt heo có tí mỡ, sau đó kho mặn và gói kĩ để ba ăn với cơm trắng. Mẹ nói cuộc sống trong đó rất thiếu thốn. Khi ba bị bắt cũng là lúc bắt đầu bước vào mùa đông, mặc kệ những cơn mưa to và những trận gió thổi rét buốt, mẹ con tôi vẫn đèo nhau trên chiếc xe máy cũ để đến nơi ba tôi bị tạm giam. Đó là một nơi hẻo lánh, đường xá rất khó đi, xung quanh là những cánh rừng bạt ngàn thưa người qua lại, vì thế nên mẹ con tôi phải dậy chuẩn bị đi từ sáng sớm để có thể trở về nhà trước khi trời tối.



Có một lần, chúng tôi đến nhưng ba không được ra ngoài gặp mặt, mẹ đứng ngoài khóc, còn tôi thơ thẩn chạy đến các ngóc ngách ở đó xem có cách nào chui vào trong ngôi nhà nằm sau cánh cổng này để gặp ba không. Có lẽ vì tội nghiệp nên lúc ấy, các chú công an đã đặc cách mở cửa phòng giam cho tôi vào nhìn mặt ba, nhưng chỉ mình tôi thôi còn mẹ thì không được. Sau này tôi mới biết, sự “tội nghiệp” này là sai quy định. Tôi trân trọng điều đó vô cùng bởi tôi hiểu, đó là sự cảm thông sâu sắc mà các chú đã dành cho một đứa trẻ như tôi. Tôi đi vào dãy phòng tạm giam kiên cố, những mảng tường bong tróc đầy rong rêu được nối dài, những chấn song sắt lạnh lùng, gỉ sét chỉ đủ cho người bên trong nhón chân lên nhìn ra bên ngoài. Nhiều phạm nhân chạy xô ra vịn tay vào song sắt, cố nhoài ra nhìn tôi, vì đây là lần đầu tiên họ thấy có người nhà phạm nhân được vào tận trong này. Ba tôi cũng cố chen chúc lại gần, đưa tay ra xoa đầu tôi và dặn: “Ở nhà ráng học hành nghen con.” Chỉ kịp có vậy rồi tôi phải nhanh chóng trở ra ngoài. Lúc đó, dù rất muốn khóc nhưng không nỡ để mẹ thêm buồn, tôi đã nén lòng mình xuống và còn nhảy chân sáo ra ngoài, miệng cố kéo lên thành một nụ cười tươi. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi cảm thấy đau ở lồng ngực. Cảm giác ấy, cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại, nó vẫn như còn nguyên vẹn trong tôi.



Một lần khác tới thăm ba, lần này mẹ đưa tôi tới bệnh viện. Bác sĩ nói rằng ba có khối u ở gan nên được đưa ra ngoài để tiện cho việc khám chữa bệnh. Thấy tôi bước vào, ba vội vàng lấy chăn phủ lên người, nhưng giây phút ngắn ngủi đó đã đủ để tôi nhìn thấy chân ba bị còng vào giường. Đôi bàn tay lóng ngóng cùng khuôn mặt in hằn nỗi đau khổ, ái ngại của ba khiến tôi cảm thấy đau đớn đến nghẹt thở. Thời điểm đó, tôi tin rằng mình đã lớn hoặc chí ít là đủ lớn để cảm nhận được những cái nhói buốt một cách rõ ràng nhất.



Mẹ đã đi cầu cạnh rất nhiều người để hỏi thêm tin tức của ba. Mùa mưa lũ năm ấy, trong một lần qua sông để đi đến nhà một vị cán bộ thụ lý hồ sơ của ba, mẹ đã bị nước cuốn. May mắn thay, có người đã kịp nhảy xuống cứu mẹ. Sau này, vì thương cảm, bác ấy lại không có con nên ngỏ ý nhận tôi làm con nuôi, có giấy tờ xác nhận đầy đủ và nói với ba mẹ tôi rằng nếu được, hãy đổi sang họ Nguyễn của bác ấy để tôi có thể nhận được những chính sách ưu đãi của nhà nước đối với con em cán bộ trong ngành. Đứa trẻ tám tuổi - là tôi khi ấy - đã thẳng thắn từ chối và nói: “Con chỉ có một ba thôi.” Câu trả lời của tôi khiến bác ấy rất bất ngờ. Những năm tháng về sau, bác vẫn luôn xem tôi là con gái và dành cho tôi sự quan tâm như một người cha thứ hai. Nhiều năm sau, bác chuyển ra Bộ nhận công tác lãnh đạo nên chúng tôi không còn nhiều dịp gặp lại nữa.



Kinh tế gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn, bi đát hơn khi những đối tác của ba tôi đồng loạt tìm cách từ chối thanh toán công nợ khi hay tin ba tôi bị bắt. Lúc đó, thậm chí nhà cũng không còn gạo để nấu cơm. Sợ mẹ đi làm về không có gì để ăn, tôi đã cầm rổ nhựa đi loanh quanh ngoài vườn xem thử có gì để hái vào nấu được không. Phát hiện ra có một cây rau mồng tơi tôi trồng từ bao giờ đã cao lên và có lá, tôi vặt sạch, mang vào bếp làm bữa chống đói. Lục lọi được khoảng ba, bốn con tôm khô trong bếp, tôi mang ra nấu một chén canh thơm phức. Tôi cứ ngồi nhìn chén canh đó mà không dám ăn. Khi mẹ về, tôi bưng lên cho mẹ, mẹ ngạc nhiên lắm vì lúc đó tôi mới tám tuổi. Tôi cứ tưởng mẹ sẽ la mắng vì dám động vào dao và bếp lửa, nhưng không, mẹ ôm tôi và khóc. Sau này, mẹ đã kể với ba rằng, đó là chén canh ngon nhất trong cuộc đời mẹ.



Một ngày khác, tôi bị cô giáo bắt mời phụ huynh vì làm việc riêng trong giờ học. Khi về nhà, mẹ tức giận cầm roi và hỏi tôi đã làm gì lúc đó. Lúc ấy, tôi chỉ biết mếu máo bảo tôi viết thư cho ba. Lá thư viết dở ấy đã luôn được tôi giữ gìn một khoảng thời gian dài, có một đoạn viết:



“Hôm nay, con đánh nhau với bạn Quốc vì bạn ấy không làm bài tập giúp con để con có thời gian rảnh viết thư cho ba. Ba yên tâm, con đánh thắng, bạn ấy khóc quá trời nhưng con cho ăn kẹo nên nín rồi. Khi nào về, ba nhớ đưa con đi cửa hàng bách hóa, mua cho con một chiếc xe đạp bốn bánh, rồi con sẽ lấy xe chở ba đi cửa hàng mỹ nghệ. Con để dành được sáu ngàn rưỡi, định mua cho ba một hộp bánh, nhưng mẹ mua rồi nên con đã lấy ra mua sách. Con xin lỗi vì trong lúc đọc sách, con đã ăn mất một cái bánh của ba, mẹ không biết đâu vì mẹ chưa đếm lại nhưng ba đừng kể với mẹ nha. Khi nào về, ba dẫn con đi mua thêm truyện tranh mới… Con nhớ ba lắm!”



Lá thư đó được tôi dúi nhanh vào túi áo của ba khi đi cùng mẹ lên thăm nuôi. Sau này, tôi được nghe nói rằng, lá thư ấy được truyền tay cho mọi người trong đó đọc, có rất nhiều người đã rơi nước mắt. Có lẽ lúc ấy, trong họ cũng đang cuộn lên nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ những đứa con bơ vơ khi họ lạc bước phải vào chốn này.



Mỗi lần thăm ba, tôi đều thấy lạ lẫm với bộ quần áo kẻ sọc trên người ông, tóc của ba cũng đã cắt sát da đầu, tôi không còn ngửi được ở ông mùi mồ hôi như trước đây mà thay vào đó là mùi lạ lẫm chát đắng vị “tù nhân”. Ba tôi là một “tù nhân”. Tôi mang trong lòng nỗi mặc cảm đến cùng cực, mùi hương đó cũng phảng phất theo tôi vào tận trong giấc ngủ. Có lẽ mẹ đã đọc thấu suy nghĩ của tôi nên luôn cố giải thích cho tôi hiểu rằng ba chỉ đang bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra thôi, chưa ra toà, chưa kết án thì chưa phải là “tù nhân”. Tôi học hành sa sút dần, nghỉ học cũng nhiều hơn, điểm số tụt thê thảm. Những lúc ấy, tôi đợi mẹ hút thuốc rồi mới dám rón rén đưa bài kiểm tra cho mẹ xem. Tôi không hiểu vì sao khi trầm tư hút thuốc, mẹ lại dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm của tôi hơn. Hoặc có thể, đó chỉ là cảm giác của tôi thôi.



Rồi ông trời cũng không phụ sự cố gắng của mẹ, cuối cùng, ba tôi cũng được ra khỏi nơi tạm giam. Ba trở về và bắt đầu gây dựng lại mọi thứ. Mẹ cố gắng giúp ba rất nhiều để từng bước tìm lại những khách hàng đã mất cũng như thu hồi công nợ. Cuộc sống của gia đình tôi dần ổn định trở lại.
Mẹ cầm nắm tiền nhàu nát trong tay và ôm tôi đứng nhìn người ta cầm kẹp sắt cẩu từng con bỏ vào chiếc lồng. Lần lượt con Ki, con Boy bị cẩu lên với sự thảng thốt và vùng vẫy trong tuyệt vọng. Con Rex lanh lợi hơn nên linh cảm được sự chẳng lành đang xảy ra với mình, nó vùng chạy nhưng không kịp. Cái kìm sắt vươn ra kẹp lấy nó, lôi ngược trở lại và ném nó vào lồng chung với những con chó khác. Người đàn ông mồ hôi nhễ nhại, giơ tay đóng sập cửa lồng rồi lên xe rồ máy. Những con chó yêu quý của tôi giương mắt buồn rầu nhìn về phía tôi và mẹ, ánh mắt ai oán đầy tuyệt vọng. Chúng không hiểu vì sao tôi lại có thể để cho người khác làm những điều độc ác với chúng như vậy. Chúng bắt đầu kêu ăng ẳng khi chiếc xe rời đi, tiếng kêu xé nát lòng tôi văng vẳng xa dần, xa dần... Tôi vùng chạy theo nhưng không thể làm được gì ngoài việc đứng chôn chân nhìn theo chiếc xe mờ dần rồi khuất hẳn trong làn bụi mù mịt của con đường làng chưa được đổ bê tông. Chiếc lồng chật hẹp đã mang những người bạn của tôi đi xa mãi, chở theo cả một vùng trời tuổi thơ tôi…



Lạ thay, tôi chẳng khóc chút nào. Tôi không như những đứa trẻ khác thường khóc nấc lên mỗi khi bị lấy đi những thứ mình yêu thích. Tôi giấu hết nỗi buồn vào trong lòng, dù nhỏ bé nhưng trái tim tôi cũng đủ chất chứa hết những muộn phiền, để không phải khiến người bên cạnh mình thêm bận tâm. Biết tôi buồn nên mẹ xoa đầu tôi và nói: “Rex, Boy và Ki đều đẹp. Người ta sẽ bán nó cho những người muốn nuôi chứ không mang đi ăn thịt đâu. Vì thế, con đừng lo lắng nhé! Chúng sẽ tìm được chủ nhân mới và có cuộc sống mới tốt đẹp hơn mà.”



Nghe đến đây, cổ họng tôi như nghẹn đắng. Làm sao tôi có thể tưởng tượng ra được hình ảnh khủng khiếp khi những chú chó thân yêu của tôi sẽ bị người ta làm thịt? Tôi biết mẹ đang cố trấn an tôi, muốn tôi được yên lòng. Quả thật là tôi cần lời xoa dịu đó bởi nó mang cho tôi một tia hy vọng, một sự thoả hiệp với cảm xúc đau đớn lúc bấy giờ. Tôi hy vọng những chú chó của mình sẽ được bình an như mẹ nói, hay tôi đang tự lừa dối bản thân rằng mình không có lỗi với những người bạn bốn chân kia vì rời xa tôi, chúng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn? Sẽ thật sự tốt đẹp hơn nhưng là ở một thế giới khác chăng?Và rồi từ đó, tôi lờ mờ nhận ra rằng, đói nghèo sẽ lấy đi của tôi tất cả. Nếu nghèo, tôi sẽ chẳng thể giữ được những điều mà mình yêu quý. Nếu nghèo, tôi sẽ chẳng thể bảo vệ được mọi thứ ở bên cạnh mình.



❉❉❉



Mọi chuyện rồi cũng qua. Ba bắt đầu điều trị thêm bằng thuốc nam. Chén thuốc nghi ngút khói có mùi hơi khó chịu cộng với màu đen đậm đặc khiến tôi cảm thấy sờ sợ. Ba là người mạnh mẽ nhất mà tôi từng biết nhưng khi bưng chén thuốc uống một hơi đánh ực, khuôn mặt ba vẫn không tránh nổi nét chau mày. Có lần, vì tò mò, tôi đã chấm thử một giọt thuốc đưa lên lưỡi nếm thử, vị đắng nghét đến lợm cổ họng khiến tôi phải nhổ ra ngay lập tức. Tôi thương ba vì ngày nào cũng phải uống loại thuốc đắng như thế.



Thời gian đó, chiều nào tôi cũng đi khắp vườn để nhổ những bụi cây diệp hạ châu già trĩu những hạt màu xanh để mang về cho mẹ sắc. Vườn nhà mình hết, tôi lại lân la sang vườn nhà hàng xóm để xin. Tôi cùng chiếc xe con con của mình đi từ thôn này qua thôn khác để mang về cho mẹ những bó cây diệp hạ châu và lá đu đủ già. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mọi người dần quen với hình ảnh con bé đen nhẻm khi thì mặc áo mưa ướt nhẹp, lom khom gồng người đạp xe chở theo sau là một bó xanh xanh, lúc lại thấy con bé đội cái nón màu vàng vừa đạp xe vừa nháo nhác nhìn vào từng nhà xem nhà nào có thứ cây nó cần để dựng xe chạy vào xin. Ông trời rồi cũng không phụ sự cố gắng của tôi và mẹ, ba đỡ bệnh hơn rất nhiều. Những cơn đau cũng dần bị đẩy lùi, tôi biết vì tôi không còn nhìn thấy ba ôm bụng ngồi thụp xuống mỗi khi làm việc nặng nữa. Ba lại bắt đầu đi nhiều hơn, có những đêm không về nhà. Tôi lại mong ngóng tiếng xe của ba mỗi khi đêm về. Làng quê thanh vắng đến nỗi tôi có thể đếm được từng tiếng xe ngang qua nhà mình. Tôi dường như đã quen với tiếng xe của ba nên không khó để nhận ra có phải ba về hay không. Sự mong ngóng có khi được đền đáp bằng tiếng lách cách mở cổng, và tiếng dắt xe vào nhà - ba tôi về. Nhưng lắm lúc, trả lời tôi chỉ là những khoảng không đầy yên lặng, tiếng côn trùng kêu rả rích bên ngoài, tiếng chó nhà hàng xóm sủa văng vẳng xa xa, hay tiếng đôi mèo đuổi nhau chạy rầm rập trên mái nhà…



Gia đình tôi thường xuyên phải chuyển nhà, kinh tế lúc khá giả khi lại nghèo túng đến không còn lối thoát. Tôi không hiểu lý do vì sao, cũng chưa từng hỏi mẹ bởi vì đối với mẹ, có những việc chỉ người lớn mới được quyền biết, tôi cũng phải đợi đến khi mình đủ lớn để có thể hiểu điều ấy.



Cuối đông, trời vẫn lạnh và bóng đêm đen đặc cứ mang ba tôi đi biền biệt vào những ngày như thế. Tết năm đó, ba đã đưa mẹ con tôi đi mua rất nhiều bánh mứt, toàn là loại tôi thích. Mẹ cũng mua vải để đưa thợ may áo sơ mi và quần tây mới cho ba mặc Tết. Lần đầu tiên tôi thấy ba mặc quần áo chỉnh tề đóng bộ như thế. Ba đẹp trai lạ thường, mặc dù ông ngượng nghịu với sự chỉnh tề khác lạ đó nhưng tôi vẫn thấy ba rất bảnh. Mẹ thì được ba mua cho một đôi giày mới rất đẹp. Lần đầu tiên nhìn thấy, mẹ đã rất thích nhưng vì giá khá đắt nên mẹ cương quyết kéo ba về mà không mua nữa. Hôm sau, đôi giày “bỗng dưng” có mặt ở nhà tôi, mặc cho mẹ cằn nhằn còn ba thì cười xoà. Mấy ngày giáp Tết, thời tiết dịu ngọt và không khí rộn ràng khiến con người trở nên thư thái hơn. Trẻ con chạy tung tăng trên khắp các con đường làng vì đã vào kỳ nghỉ năm mới kéo dài gần hai tuần lễ. Tôi mang rổ ra vườn chọn một trái đu đủ xanh thật to, sau đó ra chợ mua cà rốt, củ cải về gọt vỏ, phơi cho héo để làm dưa món. Chợ quê nhộn nhịp buôn bán, rau củ cũng được chất nhiều hơn ngày thường, câu đối đỏ, bao lì xì được bày bán đỏ một góc chợ. Những cái mẹt lớn đựng đầy củ kiệu còn bám đầy bùn đất mang đến cho tôi một hương vị Tết nao lòng đến khó tả.



Người ta vẫn thường nói, Tết vui nhất là những ngày chuẩn bị, tôi cũng cảm thấy như vậy. Mọi người đều tất bật ngược xuôi, người tha phương cầu thực vội vã trở về quê hương để được đoàn tụ với gia đình, kẻ bán buôn hàng hoá tấp nập chỉ mong cho chóng hết. Khuôn mặt người lớn thì đượm vẻ lo lắng, còn trẻ thơ thì tươi rói những nụ cười trên môi. Người lớn âu lo bộn bề chỉ mong được nhìn thấy nụ cười thơ trẻ khi chúng được cầm trên tay chiếc áo mới, bé gái thì có thêm một cái ví nhỏ đủ màu sắc để đựng phong bao lì xì. Tôi cảm nhận được sự trăn trở đó dù vẫn chỉ là một đứa trẻ. Tôi biết rằng rồi đây mình sẽ lớn lên, sẽ trưởng thành và sẽ giống như ba mẹ, như những người lớn mà tôi đã nhìn thấy.



Đêm ba mươi, hơn mười một giờ mà ba vẫn chưa về. Tôi lặng lẽ ra cửa đứng ngóng với bộ quần áo mới có chút cọc cạch với đôi giày cũ. Hôm nay, ba hứa sẽ mua cho tôi một đôi giày, nhưng khoảnh khắc giao thừa sắp điểm mà ba vẫn chưa về. Không giờ ba mươi phút, giao thừa đã qua được một lúc, tôi như chực khóc vì với tôi, đó là thời khắc đoàn viên quan trọng nhất. Tôi ngồi thừ một góc ngoài cửa, mẹ ngồi trên ghế ở phòng khách, mâm cúng giao thừa ngoài sân đã tàn nhang từ lâu mà chưa có ai mang vào. Ngọn gió chớm xuân thổi tạt qua làm tung toé bụi nhang. Thật lạ, gió xuân nên là những ngọn gió mát mẻ và tươi mới nhất mới phải, ấy vậy mà sao tôi lại cảm thấy nó hiu hắt đến lạ thường? Bỗng có tiếng xe của ba đỗ xịch trước cổng, tiếng lách xách mở khoá, lòng khấp khởi mừng vui, tôi đứng bật dậy đón ba vào nhà. Ba đưa cho tôi một cái túi trong có đựng một đôi giày màu xanh lá mạ, bên trên có thêu hình lá trúc. Tôi ướm thử mà trong lòng vui lắm.



❉❉❉



Tôi vào cấp hai, trường cách nhà năm cây số. Vì muốn tự lập nên tôi xin ba mẹ cho phép đạp xe đi học mỗi ngày như chúng bạn. Ba mẹ tôi đồng ý và đổi cho tôi một chiếc xe đạp lớn hơn. Cả đi cả về là mười cây số, con đường làng dẫn ra đường nhựa với đủ loại xe tải lớn chạy bạt mạng khiến thời gian đầu tôi có chút lo sợ, nhưng rồi cũng quen dần. Có những hôm bận học thêm, hơn chín giờ tối tôi mới tan học về nhà, con đường xa tít tắp với những cánh đồng mía hai bên đường tối om om, không một ánh đèn đường. Tôi thường rủ những đứa bạn cùng xã đi về chung cho đỡ sợ, một ánh đèn xe máy chạy lướt qua cũng khiến chúng tôi mừng rỡ trong giây lát. Những ngày không có ai về chung, tôi đi một mình trên con đường tối như mực hay sáng mờ ánh trăng mà trong lòng không khỏi suy nghĩ vu vơ. Tôi thường đi ngang qua gốc cây cổ thụ rất to, cái cây mang theo nhiều lời đồn thổi về những hồn ma, những câu chuyện được thêu dệt đầy màu sắc huyền bí khiến con đường về của học sinh chúng tôi càng thêm phần gian nan, càng thêm nhiều nỗi sợ vô hình. Hai bên đường luôn có bóng học sinh ôm cặp xin quá giang, đó là những học sinh từ miền núi xuống, còn xa hơn cả xã tôi. Họ đi bộ xuống tận đây rồi xin đi nhờ xe của những người qua đường đi tiếp xuống trường học. Những lúc chở tôi đi học bằng xe máy, ba luôn dừng lại để đón thêm ít nhất hai bạn nữa đi cùng. Một đứa ngồi trước còn một đứa ngồi sau lưng tôi. Chiếc xe máy cà tàng của ba cứ thế lặc lè đưa đón những đứa trẻ thèm tri thức.



Cái nắng cháy da và gió Lào hầm hập khiến học sinh chúng tôi đứa nào đứa nấy đều đen nhẻm đen nhèm, da khô sần. Nhìn những đứa cùng trường nhưng ở xã gần thị trấn, đứa nào cũng trắng như bông bưởi mà tôi thèm. Ngày mưa, đường xá lầy lội, đã thế cây cầu xã tôi còn thấp hơn các xã khác nên chỉ cần một trận mưa nguồn thôi cũng đủ khiến cho nước dâng lên làm cây cầu mất hút rồi. Nước lũ cuồn cuộn, đen ngòm cùng với những khúc gỗ và rác rưởi kéo về. Ngày mùa, những chiếc xe tải lớn chạy bạt mạng trên con đường nhựa đã xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà. Bóng những chiếc áo trắng học sinh cố gồng mình trên chiếc xe đạp như chơ vơ giữa đường, dạt sang hai bên lề đường như chực chờ đổ ập xuống. Thỉnh thoảng, có những chiếc nón vải tung lên, bay ra giữa đường bị xe cán qua, đứa học trò bất chấp ô tô qua lại mà chạy ra nhặt, bàn tay đen nhẻm phủi phủi bụi đất trên chiếc nón đã sờn cũ rồi lại đội lên, tiếp tục hành trình đến trường, hành trình đi tìm con chữ của những đứa học trò nơi làng quê nghèo xa xôi.



Mùa mưa là thời điểm mà học sinh xã tôi lo lắng nhất. Buổi sáng, đạp xe qua cầu thấy nước mấp mé thành cầu là cả buổi chúng tôi ngồi học không yên, chỉ cần nghe tiếng loa trường thông báo là phải hoảng hốt lục đục thu dọn đi về cho kịp trước khi nước tràn qua cầu. Vì thế mà chúng tôi luôn bị mất nhiều bài vở, đứa học giỏi cũng phải rất vất vả mới theo kịp bài, còn đứa có học lực yếu hơn chắc chắn kết quả học tập không mấy khả quan. Những lớp có học sinh thuộc xã vùng xa cũng chẳng mấy khi được giao những nhiệm vụ quan trọng của trường bởi vì những hạn chế đó.



Mùa lũ năm ấy, nước tràn về nhanh hơn dự kiến, lớp tôi nháo nhác như ong vỡ tổ. Giữa trời mưa giăng kín cùng những cơn gió thổi tốc mái tôn, nhiều đứa gồng mình đạp thật nhanh để kịp chạy về bất chấp thời tiết nguy hiểm. Về đến đầu cầu dẫn vào xã, chúng tôi lặng đi khi nước đã ngập qua cầu, những con nước đục ngầu bạc trắng cuồn cuộn dâng mải miết. Hai bên cầu đứng nhìn nhau, phía bên kia là phụ huynh còn phía bên này là học sinh chúng tôi cùng những người lỡ việc về không kịp. Lúc này, nước chưa dâng cao lắm, một vài đứa đánh liều dắt xe lội qua, một đứa rồi hai đứa. Tôi run lắm vì tôi không biết bơi và mẹ cũng đã dặn đi dặn lại không được đi qua cho dù nước chưa dâng cao nhưng cứ nghĩ đến cảnh không được về nhà khiến tôi nhắm mắt làm liều. Tôi lấy cặp đeo trên vai, cởi giày ra treo ở cổ xe rồi bắt đầu lội qua. Các ngón chân của tôi bám xuống nền cầu bằng xi măng lúc này đang khá trơn và nước chảy siết đã gần đến đầu gối. Ra đến giữa cầu, tôi bắt đầu lo sợ vì nước chảy mạnh cứ chực chờ cuốn phăng chiếc xe đạp của tôi đi. Tay tôi ghìm chặt xe lại, các ngón chân cũng bấu xuống chặt hơn. Tôi bắt đầu nghe thấy tiếng la hét của những phụ huynh bên kia cầu xen lẫn trong tiếng nước chảy ào ạt ngày một dữ dội. Tôi lấy hết sức bình sinh tiếp tục bước qua, vì lúc này tôi đã ở thế tiến thoái lưỡng nan rồi. Đột nhiên, có một khúc gỗ mục lớn trôi về như chực chờ sẽ đâm sầm vào tôi. Tôi bước nhanh hơn, đành phó mặc số phận của mình cho dòng nước. Cuối cùng, tôi cũng sang được bờ bên kia. Tay chân tôi lạnh ngắt và bắt đầu nhăn nheo vì nước. Nhìn thấy tôi đạp xe về nhà, mẹ hoảng hốt hỏi: “Tại sao con về được? Nghe xã báo nước lên, mẹ vừa gọi ba đang ở dưới thành phố chạy về đón con. Sao con đã về đến đây rồi?”



Biết tôi đánh liều lội qua, mẹ thất thần. Mẹ nhìn tôi nửa muốn mắng, nửa muốn đánh, nửa mừng nửa sợ còn tôi thì đứng lặng người.



Lũ về lớn, các con đường tắt dẫn vào xã tôi cũng ngập sâu trong nước. Chính quyền xã bắt đầu nhắc nhở người dân không được sử dụng ghe thuyền làm phương tiện qua sông để tránh nguy hiểm. Tôi nghe loáng thoáng có anh thanh niên vì vợ sinh con nên cương quyết lội qua sông đã bị nước cuốn trôi không tìm thấy xác. Ba cũng không về kịp nên đành ở lại nhà bà nội dưới thành phố. Chợ xã đìu hiu vì thực phẩm ở đây đều do dân buôn dưới thị trấn mang lên bán, nay nước lớn, họ cũng không thể qua được. Những cơn mưa dầm thối đất thối cát đổ ầm ầm xuống mái tôn kèm theo cái lạnh cắt da cắt thịt, thức ăn trong nhà cũng vơi dần. Những hàng tạp hoá cũng không còn mì gói, bánh kẹo và sữa nữa vì những hộ khá giả đã thu gom hết. Vườn rau nhỏ tôi trồng vừa mới nhú mầm cũng đã bị những trận mưa dầm quật nát hết cả. Mẹ con tôi bắt đầu hái đu đủ, rau dại quanh vườn vào nấu canh với bột ngọt. Những trái mít non cũng được khều xuống để trộn ăn qua bữa đợi nước xuống. Hàng xóm í ới gọi nhau, chia sẻ từng lon gạo, hộp sữa.



Hồi ấy, miền quê nơi tôi sống đối mặt với hai trận lũ lớn. Điều khiến tôi cảm thấy buồn đó là cách cư sự của ba trong cả hai lần gian nan đó. Ở trận lũ đầu tiên, ba tôi không về được vì nước lớn, tôi và mẹ đều hiểu và thông cảm được. Trận lũ thứ hai cách trận đầu gần ba tuần. Trước lúc ấy, có một cô bạn của ba tên Nguyệt đến nhà ở nhờ vì giận chồng, mẹ vui vẻ sắp xếp chỗ ở cho cô ấy. Cô Nguyệt là người miền Tây, có dáng người khá mập mạp và làn da trắng hồng. Cô vừa ở được gần một tuần thì lũ quét lại tràn về trong đêm, may mắn nhà tôi ở trên cao nên không bị ảnh hưởng mấy, nhưng rất nhiều nhà ở mé sông đã bị cuốn trôi, giao thông bị gián đoạn hoàn toàn, xã tôi bị cô lập. Vậy mà sáng hôm sau, ba về đến nhà mang theo một túi to gạo, thịt hộp, cá hộp và các loại thực phẩm khô khác. Khi đó, khuôn mặt mẹ tôi sa sầm thấy rõ nhưng tôi chưa đủ nhạy bén để nhận ra sự khác lạ này. Tôi không hiểu vì sao ba mang thức ăn về mẹ lại không vui nhưng mãi đến tận sau này, khi nghe mẹ tâm sự, tôi mới hiểu được cảm giác bẽ bàng và xót xa của mẹ khi đó. Bỗng nhiên, tôi cũng cảm thấy có một chút đăng đắng trong cổ họng.



Mùa hè năm ấy, mẹ bảo sẽ cho tôi vào Sài Gòn nghỉ hè ở nhà cậu Tư. Cậu Tư là anh ruột của mẹ tôi, một người rất giàu có trong dòng họ. Tôi rời miền quê nghèo khó để bắt đầu kỳ nghỉ hè của mình trong sự khấp khởi chờ mong mà không hay biết rằng có một bi kịch đang chờ đợi mình ở phía trước.