Luật Ngầm
Chương 5 : Đường cùng
Ngày đăng: 04:47 19/04/20
Chúng tôi đặt chân đến Sài Gòn vào rạng sáng, khi bầu trời vẫn còn chưa thức giấc nhưng người dân nơi đây đã trở mình mưu sinh. Người ta vẫn thường nói Sài Gòn hoa lệ, nhưng hoa cho người giàu còn lệ cho kẻ nghèo. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã thấm thía điều đó khi được nếm trải cả hoa lẫn lệ của đất Sài thành rộng lớn.
Mẹ con tôi đi xe bus từ bến xe về nhà người em út của mẹ. Tôi ăn tạm một cái bánh mì cho qua bữa sáng, thấy khô khốc như đang nuốt chính những băn khoăn, trăn trở trong lòng. Người ta chen lấn trên chiếc xe bus chật như nêm, nồng nặc hơi người. Chúng tôi lạc lõng giữa dòng đời nơi xứ lạ, cuộc đời mơ hồ như một cánh cửa đã đóng kín ngay trước mắt. Khư khư chiếc giỏ xách bên mình, mẹ như sợ những đồng tiền cuối cùng cũng sẽ bị dòng đời cuốn đi mất.
Sau sự ra đi của ngoại, cậu Tư và mẹ tôi đã không còn nhìn mặt nhau nữa. Mẹ không chấp nhận được sự tệ bạc của mợ Tư đối với ngoại, nhất là khi ngoại đã nhắm mắt xuôi tay. Vì vậy mà kể từ sau tang lễ, chúng tôi chưa từng gặp lại cậu. Tôi chỉ biết rằng cậu cũng đã sống những ngày tháng khổ tâm, dằn vặt sau khi ngoại mất. Lần này vào Sài Gòn, mẹ cương quyết không liên hệ với cậu cũng như không nhờ đến bất kỳ sự giúp đỡ nào. Với mẹ, dù có mất hết tất cả và sống nghèo đói thì thứ duy nhất còn lại phải giữ được chính là lòng tự trọng của bản thân.
Nhà cậu Út nằm sâu trong một con hẻm quanh co cách xa thành phố. Cậu có ba đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học và gia cảnh cũng không thật sự khá giả. Vì vậy, khi ở tạm tại nhà cậu, mẹ con tôi vẫn phụ giúp các khoản sinh hoạt phí. Cậu đi làm xa nhà, mỗi tuần mới về một lần. Tôi và mẹ ở tạm trên căn gác xép, trời mưa nước chảy tong tong xuống thau nhựa hứng bên dưới. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, mẹ con tôi cảm thấy hài lòng vì có một chỗ ở là tốt rồi. Mẹ tôi nhốt mình trên căn gác xép không ra ngoài, bà cần được yên tĩnh để ngẫm chuyện đời và nghĩ chuyện tương lai, chỉ có tôi xuống nhà phụ mợ nấu cơm và dọn dẹp. Thế nhưng kiếp ăn nhờ ở đậu chẳng bao giờ là dễ chịu, lắm lúc mợ cũng tỏ thái độ khó chịu với mẹ con tôi khi cậu vắng nhà. Được một thời gian ngắn, mợ nói chúng tôi hãy dọn ra phòng trọ ở gần đấy. Mẹ đồng ý nhưng xin thêm vài ngày để tìm một căn nhà trọ thích hợp. Mợ không chấp nhận và đưa mẹ tôi đến xem một căn phòng cho thuê cách nhà cậu một con hẻm.
Nói là nhà trọ cũng không hẳn, chính xác hơn nó từng là một cái chuồng lợn rộng bốn mét vuông. Chủ nhà là một người phụ nữ không được bình thường, sau này người nhà của cô ấy cải tạo cái chuồng lợn thành một căn phòng chứa đồ bằng cách xây thêm tường lên cao, sau nữa thì bỏ hoang, mái tôn hoen gỉ, tường đóng rêu và nền nhà thì chưa tráng xi măng. Xác gián, phân mèo, phân chuột... ô uế cả căn phòng. Có lẽ vì bỏ hoang như vậy nên căn phòng được cho thuê lại với giá bèo bọt, thậm chí con trai cô chủ nhà còn mừng rỡ khi thấy chúng tôi hỏi thuê.
Chúng tôi đặt vali ở giữa phòng mà lúng túng không biết tối nay sẽ ngủ ra sao khi căn phòng không có gì. Con trai chủ nhà thấy vậy mang cho chúng tôi mượn một chiếc giường gỗ ọp ẹp như chực gãy chân cùng một chiếc chiếu rách. Tối hôm đó, mẹ con tôi gối đầu trên những bộ quần áo gấp lại, ôm nhau ngủ. Thỉnh thoảng giữa đêm, tiếng cười sằng sặc của cô chủ nhà ở phía bên kia khiến tôi giật mình tỉnh giấc, nổi cả gai ốc.
Tôi chưa quen với cái nắng mưa bất chợt của Sài Gòn. Ngồi bó gối nhìn ra con đường mòn nhỏ, những cô cậu học trò í ới rủ nhau đi về mỗi sớm chiều khiến tôi chạnh lòng ứa nước mắt. Tôi đã từng nghĩ con đường học hành của mình đến đây là chấm dứt. Mẹ không nói gì, bà lặng lẽ quay đi, lúc thì quét cái nhà, khi thì đặt nồi cơm, ánh mắt xót xa thỉnh thoảng nhìn như trông chừng phản ứng của tôi. Nhiều bận, thấy mẹ ứa nước mắt, tôi hỏi thì bà chỉ bảo là do khói bếp làm cay mắt. Khổ nỗi trong căn phòng trọ chật hẹp, cái lò xô dùng dầu lửa để nấu thì lấy đâu ra khói để làm mắt người cay?
❉❉❉
Lại nói về cậu Tư. Cậu và mẹ không còn gặp gỡ hay liên lạc với nhau nữa, nhất là sau khi hay tin mẹ con tôi lại rơi vào cảnh túng quẫn thì mợ Tư càng ra sức giám sát tình hình tài chính của cậu hơn. Mợ ấy lo cậu sẽ đưa tay giúp đỡ mẹ con tôi chăng? Ấy thế mà không biết vì lẽ gì, nhiều người vẫn cho rằng mẹ là em gái út mà cậu Tư thương nhất, không lý nào cậu lại bỏ rơi, vì vậy nên việc nâng đỡ mẹ con tôi chỉ là câu chuyện sớm hay muộn mà thôi. Họ đon đả mời mọc mẹ con tôi về nhà tá túc.
Thời gian đầu, tôi và mẹ như những trái bóng trên sân. Hàng tá người đuổi theo giành giật, cốt chỉ để chiếm được cảm tình của cậu Tư cũng như được tiếng cưu mang chúng tôi nhằm chờ đợi ngày cậu đưa đôi tay vàng xuống thì ít nhiều họ cũng được hưởng lợi. Những lời hứa hẹn, sự tử tế ban đầu khiến tôi và mẹ tin rằng họ thật sự tốt. Trong mỏi mòn, “đôi tay vàng” đợi mãi chẳng thấy mà số tiền ít ỏi còn lại của chúng tôi cũng dần vơi đi. Một lần nữa, chúng tôi lại bị mời ra khỏi nhà vì những lý do không đầu không cuối. Rồi cậu Năm xin cho tôi vào học bổ túc văn hoá vì nguyện vọng của tôi là được tiếp tục đi học, tôi muốn vào đại học. Bạn gái của cậu muốn mẹ tôi mua một đôi quang gánh ra chợ bán rau mỗi ngày để kiếm tiền nuôi tôi ăn học, nhưng tôi cương quyết không chấp nhận bởi vì thời gian này, mẹ tôi bắt đầu có nhiều cơn đau ở vùng bụng. Hơn nữa, suốt gần hai mươi năm kết hôn và sống cùng ba tôi, mặc dù cuộc sống phải trải qua nhiều thăng trầm nhưng ba tôi chưa từng để mẹ phải vất vả mưu sinh nơi hè phố. Vậy thì có lý nào giờ đây, khi ông vừa ra đi, tôi lại để cho điều đó xảy ra? Một thời gian ngắn được đếm bằng ngày, họ cũng buông tay với chúng tôi khi nhận ra rằng sự cưu mang này không có lợi. Tin tưởng và chạy theo những hứa hẹn khiến chúng tôi cạn kiệt, tôi ngộ ra rằng không có cách nào khả dĩ hơn là tự làm chủ vận mệnh của mình. Nếu không biết cách vượt qua những hứa hẹn, nó sẽ dẫn chúng tôi đi vào con đường không lối ra.
Không còn tiền để thuê nhà trọ, tôi lẳng lặng đi xin việc làm. Căng mắt tìm những cái bảng nhỏ tuyển nhân viên dán trước mỗi hàng quán đã làm tôi ám ảnh đến mức mãi đến sau này khi cuộc sống đã sang một trang khác sáng sủa hơn, thì mỗi khi đi ngang qua một nơi nào có dán dòng thông báo như thế tôi đều ngoái đầu lại nhìn một cách vô thức. Tôi đã xin được việc trong một cửa tiệm bán quần áo lớn nhất nhì tại quận 12.
Một buổi chiều muộn, tôi và mẹ đón chuyến xe bus vắng người để đưa tôi đến chỗ làm. Mẹ tôi cũng đã xin vào làm tạp vụ cho một khách sạn cùng quận. Làm việc và ăn ở tại đó là cách duy nhất cứu lấy mẹ con tôi khi tiền trong túi đã vơi dần đến cạn kiệt. Sau khi mua vé xe bus, số tiền còn lại chỉ vỏn vẹn mười lăm ngàn đồng, mẹ đưa tôi mười ngàn, còn mẹ giữ lại năm ngàn. Tôi xuống xe mà cảm nhận được mẹ đang lặng người nhìn theo dáng tôi, có lẽ đôi mắt đã ầng ậc nước. Cuộc chia ly không quá xa nhưng là lần đầu tiên tôi chập chững bước ra đời nên nghe đắng cay bội phần. Khi đặt chân vào Sài thành, tôi không còn nhiều tâm trí để nghĩ về những thứ vừa đi qua cuộc đời mình nữa, chỉ đến khi bắt đầu lăn vào cuộc sống mưu sinh thật sự, tôi mới bắt đầu cảm thấy phần tiềm thức trong tôi như tỉnh giấc. Tôi từng tủi thân đến ứa nước mắt khi nhìn thấy con gái của chủ tiệm ăn một bữa cơm với đầy ắp thịt cá. Tôi nhớ lại hình ảnh của mình trước đây và nhìn lại bát cơm trên tay, chỉ có vài miếng thịt mỡ cùng ít rau luộc nhưng sao tôi thấy đáng quý đến thế! Trong những giấc mơ, ký ức về quá khứ vẫn khiến tôi giật mình giữa đêm rồi âm thầm bật khóc.
❉❉❉
Những chị em đồng nghiệp cùng là nhân viên bán hàng như tôi có rất nhiều mánh khoé. Chúng tôi được đánh giá năng lực dựa trên doanh số bán ra, điều đó quyết định ai xứng đáng được tiếp tục làm việc và ai phải ra đi. Họ có nhiều cách để giành giật những món hàng mà tôi bán được, có lẽ họ làm lâu hơn tôi, cũng có lẽ tôi không phải là người thích dùng sự cướp đoạt để đấu tranh với cuộc đời đầy khắc nghiệt này. Cả ngày, chúng tôi luân phiên thay nhau bán hàng. Khi khách của tôi gật đầu mua hàng, những chị làm cùng thường xông tới giật món hàng trên tay tôi. Họ đã giật phăng nó khỏi tôi nhưng trên môi vẫn nở một nụ cười cất giọng đều đều ngọt lịm: “Em ra bán tiếp đi, để chị tính tiền giúp cho”. Tôi đứng trân trân nhìn họ cướp đi công sức của mình mà không biết làm gì để phản kháng.Tôi vẫn còn nhớ, khi chỉ còn hơn hai mươi phút nữa là đến giờ đóng cửa, một cặp tình nhân bước vào xem đồ, tôi thỏ thẻ năn nỉ họ: “Anh chị hãy mua một món giúp em đi, nếu không, em sẽ bị đuổi việc ạ…” Đáp lại lời van lơn của tôi là tiếng cười phá lên của họ, họ nhìn tôi khinh khỉnh rồi đi thẳng. Tôi không nghĩ là họ vô cảm, chỉ là họ đã sống quá lâu ở cái đất Sài thành rộng lớn này, mảnh đất buộc con người phải đề phòng mọi sự đáng thương, bởi ai biết được đằng sau đó là gì?
Khi có khách đến mua hàng vào giờ sắp ăn trưa, các chị đều đẩy cho tôi bán dù đang là lượt của họ. Họ sẽ ăn cơm trước và chừa lại cho tôi khi thì một ít cá chỉ còn mỗi đầu, khi thì một miếng sườn bị gặm hết thịt chỉ còn xương cùng một bát canh trơ đáy.
Những tủi thân và nỗi nhớ cha mẹ khiến tôi nhiều lần trào nghẹn nước mắt nơi cuối nhà kho. Ông chủ cảm thấy khó chịu nên đề nghị tôi thôi việc. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác nghẹn ngào khi nghe tin mình bị đuổi, tôi nấc không kiểm soát được và tưởng chừng như sự uất nghẹn đó đã dâng đến đỉnh điểm. Tôi mong được tiếp tục làm việc chỉ để có chỗ ở và cơm ăn hàng ngày. Tại thời điểm đó, nhiều lao động chưa đủ tuổi vị thành niên là nạn nhân của những vụ bóc lột và hành hạ. Vì thế, cơ quan chức năng địa phương đã tiến hành rà soát kỹ càng nguồn lao động phổ thông trên địa bàn. Lấy lý do không muốn vướng vào những rắc rối như vậy, ông bà chủ cương quyết không thuê tôi nữa.
Xách chiếc giỏ đựng quần áo, tôi tìm đến chỗ mẹ làm việc mà không dám vào. Mẹ tôi như có linh cảm nên đã chạy ra. Đêm hôm đó, mẹ xin cho tôi ngủ lại cùng mẹ. Được mẹ ôm vào lòng sau bao ngày, tôi mới có một giấc ngủ ngon không mộng mị. Sáng hôm sau, tôi xin vào làm ở một tiệm bán phở đối diện với nơi mẹ làm việc. Mẹ không muốn xa tôi nữa, vì vậy làm việc ở một nơi mà mẹ có thể nhìn thấy tôi mỗi ngày là sự lựa chọn tốt nhất. Nhiệm vụ của tôi là rửa chén bát. Những chiếc tô to được chất thành nhiều hàng, ngổn ngang trong những chiếc thau cỡ đại. Tôi phải rửa với tốc độ nhanh nhất có thể nhưng phải đảm bảo độ sạch để phục vụ các thực khách luôn tấp nập tại đây. Công việc của tôi bắt đầu từ năm giờ sáng và kết thúc lúc một giờ chiều. Sau khi ăn vội một bát cơm ngay tại nơi làm việc, tôi chạy đến trường để bắt đầu buổi học và quay lại tiếp tục làm ca cuối khi thành phố đã lên đèn.
Khi những thực khách cuối cùng rời khỏi quán, tôi rửa nốt dụng cụ làm bếp và tất cả mọi thứ lem nhem còn sót lại, đồng hồ điểm mười hai rưỡi đêm. Dọn bớt bàn ghế vào một góc, tôi ngả lưng trên những tờ báo, gối đầu bằng chiếc giỏ đựng quần áo của mình và đắp bằng một chiếc chăn mỏng. Sàn nhà ở đây vẫn là sàn đất chưa được lót gạch hay tráng xi măng, giữa đêm hơi đất thốc lên khiến tôi lạnh cóng. Tiếng những con chuột hư hỏng chạy xung quanh giành nhau miếng xương còn sót trong hốc bàn cứ lích rích cả đêm. Mỗi sáng, ánh bình minh he hé rọi vào góc tôi nằm, soi rõ những con gián vô tình chạy lổn nhổn trên mặt trong lúc tôi ngủ say, đánh thức tôi bước vào một ngày mới.
Được hơn một tháng, đôi tay nhỏ bé với những ngón tay thon dài của tôi bắt đầu bị lở loét bởi nước xà phòng. Tôi không thể đeo găng tay bởi điều đó sẽ khiến cho tốc độ giảm đi và kiểu gì cũng phải lắng nghe những lời khá nặng nề từ bà chủ. Thỉnh thoảng nhớ mẹ, tôi lén lút sang nơi bà làm việc, thậm thụt đứng bên ngoài chờ cho người quản lý ra về để chạy vào ngủ với mẹ một đêm. Và cũng để được đưa tôi vào ngủ cùng, mẹ đã nhường luôn phần tiền thưởng doanh thu cuối ngày cho người làm cùng, mọi việc nặng nhọc đều tranh làm nhằm lấy lòng họ, để họ không báo lại với quản lý. Đôi tay mẹ cũng nổi lên những vết chai sần do cầm chổi, da tay bong tróc vì các loại nước tẩy rửa. Nhiều lần quỳ xuống nhặt những chiếc bao cao su đã được dùng và vứt lung tung trong phòng, mẹ đã bật khóc. Nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc, dù chỉ là một đêm được ngủ cùng với nhau trên chiếc đệm mỏng nơi nhà kho.
Tôi luôn giấu mẹ những uất ức mà mình đã phải chịu đựng khi đi học. Là một nữ sinh tỉnh lẻ vào đất Sài thành rộng lớn để bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới, tôi thu mình lại, bơ vơ trước mọi thứ. Nhiều nam sinh trong và ngoài trường dành sự quan tâm đến tôi, nhưng tôi vẫn lặng lẽ đi, lặng lẽ về bởi tôi không có tâm trí cho việc gì khác. Những nữ sinh học cùng tôi lại cảm thấy chướng mắt với sự lầm lũi đó. Vài lần bị đón đường và nhận những cái tát tai vô cớ từ những nữ sinh có bè phái trong trường, tôi vẫn âm thầm chịu đựng không phản kháng. Chỉ một vài cái tát, tôi chịu được, không nên gây gổ vì tôi vẫn cần được đến trường. Vậy mà mọi chuyện không dừng lại ở đó, cuộc đời này có lẽ luôn muốn đẩy mọi thứ đi quá giới hạn để thử thách con người. Một buổi tan học, Thùy cùng một đám nữ sinh mặt đằng đằng sát khí lao đến túm tóc tôi, kéo xềnh xệch vào phòng vệ sinh nữ. Thùy học cùng lớp với tôi và là một đàn chị trong trường, ai cũng nể sợ. Trung tâm giáo dục thường xuyên luôn là ngôi trường đáng sợ với những đứa như tôi và Thùy đã cho tôi thấy nó đáng sợ đến như thế nào.
Dồn tôi vào chân tường, Thùy vung tay tát tôi liên tiếp nhiều cái rồi hất hàm: “Con đĩ! Mày dám gây sự chú ý với thằng Hùng bồ tao. Nó đòi bỏ tao rồi đó, mày vừa lòng chưa? Con đĩ lẳng lơ này, tao đánh cho mày chết!”
Nói dứt lời Thùy lao vào đấm đá tôi túi bụi, cả nhóm của Thùy cũng lao vào. Những cái tát vào mặt, những cú giật tóc đau điếng người, chúng đá vào ngực, vào bụng tôi, xen vào đó là tiếng nói văng vẳng. “Đánh đi, đánh chết mẹ nó đi! Ma mới mà láo hả mày!”
Dù cố gắng thét lên rằng tôi không làm gì cả, tôi không biết Hùng nào cả nhưng chúng vẫn không buông tha cho tôi. Trong cơn say máu, Thùy lôi tôi đi một đoạn rồi đập đầu tôi vào bồn cầu, nhấn tôi vào đó. Tôi sặc sụa bởi thứ nước dơ bẩn kia còn chúng thì cười sằng sặc, vỗ tay ầm ĩ. Bất chợt, Thùy giật tung cúc áo dài của tôi, một đứa rú lên khoái trá rồi rút điện thoại ra chụp hình liên tục.
Trái với sự suy đoán của tôi, không chút rụt rè, Thẩm đĩnh đạc trả lời: “Dạ, cháu là Thẩm, ngưỡng mộ bé An từ đêm thi hát nhưng chưa có cơ hội được trò chuyện để làm bạn. Cháu xin lỗi cô, nhưng hôm nay, cháu đường đột đến nhà là để xin phép cô cho cháu được làm bạn với An ạ!”
“Chuyện bạn bè của con bé, cô không có ý kiến. An lớn rồi sẽ tự quyết định chọn bạn mà chơi. Nhưng cô không đồng ý với cách tặng quà của cháu. Bạn bè mến nhau, tôn trọng nhau, không cần làm quen với nhau bằng những thứ hiện vật đắt tiền như vậy.”
Thẩm cúi đầu khi nghe mẹ tôi nói.
Gần nửa năm sau, tôi nhận lời yêu Thẩm. Sự kiên trì của Thẩm đã lay động tôi. Thực chất, Thẩm là một tay giang hồ có máu mặt, tôi biết điều đó nhưng không quan trọng. Thẩm cưng chiều và nâng niu tôi như một viên ngọc quý, đi đâu anh cũng muốn đưa tôi theo. Dưới tay Thẩm có rất nhiều đàn em, nhiều lần, tôi nhận ra rằng hình như tôi yêu Thẩm vì trong anh, tôi nhìn thấy lẩn khuất hình ảnh của ba mình trước đây.
Một ngày tháng Tư, Thẩm đến nhà đón và đưa tôi đến một quán bar có rất nhiều đàn em của Thẩm đang đợi ở đó. Trước mặt mọi người, Thẩm tuyên bố sẽ lấy tôi làm vợ. Tiếng hò reo vang lên không ngớt và kể từ đêm hôm đó, đàn em của Thẩm đổi sang gọi tôi là “chị Hai”.
Trong lòng tôi nở một nụ cười nhạt.
Cá đã cắn câu.
❉❉❉
Ngay trong đêm thi hát của gần hai năm trước, tôi đã biết Thẩm là người có quyền lực trong giới xã hội đen, một bầu sô đã rỉ tai tôi như thế khi hắn nhìn thấy ánh mắt Thẩm nhìn tôi. Hắn còn trơ tráo hỏi tôi có muốn qua đêm với Thẩm không để hắn sắp xếp. Nực cười! Tôi mà phải làm điều tầm thường đó sao? Nhưng giải nhất ư? Tôi thừa biết mình không hát hay đến như vậy. Tất cả đều từ tiền của Thẩm mà ra. Tôi đã lọt vào tầm mắt của Thẩm hay chính Thẩm đã sa vào lưới của tôi? Tôi cũng không biết nữa. Nhưng cuối cùng thì điều mà tôi chờ đợi suốt một thời gian dài cũng đến, ngày mà Thẩm đưa tôi ra mắt toàn bộ đàn em của anh, ngày mà toan tính của tôi dần trở thành sự thật.
Tôi đã quá thực dụng, tôi muốn lợi dụng Thẩm sao? Không, tôi yêu anh đó chứ! Nhưng tôi cũng muốn thoát khỏi cái nghèo vây khốn lấy mình, mùi nghèo mà đến thở tôi cũng ngửi thấy nó. Cuộc đời này chỉ yêu thôi thì chưa đủ để sống. Tôi muốn vươn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng phải là tự tôi làm chủ nó. Bởi vì nếu sống trong nhung lụa và lại mất đi quyền tự chủ của bản thân thì tôi cũng không thoả mãn. Trên đời này có một người đàn ông vừa đưa tôi thoát nghèo vừa cho tôi tự do sao? Tôi không lạc quan một cách mơ mộng đến như vậy. Tôi đạp lên người khác hoặc người khác sẽ đạp lên tôi, cho-đến-chết.
Ai đó có thể dùng muôn vàn phạm trù đạo đức để phán xét một cô gái thực dụng, nhưng biết toan tính thì có gì là sai? Là cuộc đời đã dạy cho cô gái biết toan tính, là những người thân đã dạy cho cô ấy điều đó. Sinh tồn thì không có lý lẽ đâu! Người đời ư? Họ không thể thay cô gái sống những ngày tháng tủi nhục kia, nên họ không có quyền phán xét, quyền duy nhất mà họ có là hãy sống tốt hơn những gì mà họ muốn phán xét. Thẩm nói với tôi rằng anh muốn đến xin phép mẹ tôi về việc đám cưới. Tôi tìm cách thoái thác và bảo mình cần phải học xong đại học, Thẩm nghe đến việc tôi đi học thì xuôi lòng vì quả thật, một tay giang hồ tứ chiến như anh cũng mong muốn có một cô vợ trí thức để hãnh diện với đời.
Một người đàn ông quá gai góc, quá mạnh mẽ luôn cần một người phụ nữ yếu đuối để bảo vệ, để thể hiện năng lực và sức mạnh của mình. Nếu người phụ nữ của anh ta cũng mạnh mẽ như thế thì anh ta sẽ bảo vệ ai? Từ ngày yêu Thẩm, tôi ngộ ra như vậy. Phải chăng đó cũng là lý do ba tôi ngoại tình? Mẹ tôi đã quá mạnh mẽ, quá gai góc. Còn tôi, với Thẩm, tôi luôn là người cần được che chở. Tôi tỏ ra mạnh mẽ để làm gì cơ chứ? Thẩm yêu tôi cuồng nhiệt, vì với Thẩm, tôi thanh tân, trong sáng, và tôi khác những người đàn bà mà anh đã gặp. Thẩm nói họ chỉ muốn tiền của anh, tôi cười nhạt trong lòng. Họ muốn tiền của anh còn tôi thì muốn thứ khác của anh để có thể tự mình kiếm tiền. Đó là “quyền lực”!
Thỉnh thoảng, tôi đến nhà Thẩm nấu bữa trưa, tôi đã tìm cách xem trộm các loại sổ sách của anh và sao lưu lại vì sau này, chắc chắn tôi sẽ có dịp dùng đến. Dần dà, tôi hiểu hơn về đường đi nước bước trong công việc của Thẩm.
Sau vài năm yêu nhau, Thẩm rất tin tưởng và bắt đầu giao cho tôi quản lý tiền bạc tại quán bar cũng như cho tôi giao tiếp với các đối tác làm ăn của anh. Đã có lúc, tôi nghĩ rằng có lẽ mình thật may mắn khi gặp Thẩm. Tôi cũng từng nghĩ mình nên làm đám cưới với anh và bỏ qua ý định thâu tóm thêm quyền lực, vì tôi sợ, tôi sợ mình sẽ mất tất cả nếu cứ tiếp tục để tham vọng điều khiển mình một cách đầy bản năng. Thẩm đã chờ đợi tôi quá lâu, đủ để tôi tin rằng anh thật lòng yêu tôi.
❉❉❉
Thẩm chết.
Đó là một buổi chiều mưa tầm tã, cơn mưa Sài Gòn chưa bao giờ dai dẳng đến thế. Thẩm gọi, khi tôi vừa nhấc máy thì có tiếng nổ chát chúa ở đầu dây bên kia…
Tôi chỉ còn kịp nghe anh gọi một tiếng “An…!” Lần cuối cùng trong cuộc đời này, anh gọi tên tôi.
Tôi như rơi xuống vực thẳm. Anh bị bắn khi vừa bước xuống xe…
Thẩm nằm ở đó, bất động, mắt nhắm nghiền như đang ngủ. Chân tôi đông cứng lại, không thể bước nổi thêm một bước nào nữa, tôi ngã khuỵu. Lần mò hết bức tường của căn phòng lạnh lẽo, tôi mới cầm được tay anh. Tôi muốn đánh thức anh dậy, tôi muốn nói rằng anh đừng ngủ như thế nữa! Nhưng sao tôi chẳng thể thốt nên lời. Tôi lặng đi như bầu trời trong mắt bão, chiều hôm đó, tôi đã định nói với Thẩm về đám cưới khi chúng tôi gặp nhau. Nhưng số phận đã mang Thẩm đi xa quá, khi tôi còn chưa kịp nói gì... Thẩm từng hứa sẽ đợi tôi, dù bao lâu cũng đợi, nhưng có lẽ, tôi đã bước đi một cách quá chậm chạp nên anh không chờ được nữa…
Gắng gượng lo tang lễ cho Thẩm, vì anh không còn ai là người thân ngoài tôi. Thẩm không có bố mẹ, anh xuất thân từ cô nhi viện. Có lẽ vì vậy mà Thẩm luôn dành trọn cho tôi một tình yêu vô bờ. Thẩm yêu với bản năng của một người đàn ông nhưng cũng với bản chất của một đứa trẻ thiếu thốn tình thân. Thẩm luôn muốn tôi sinh cho anh những đứa con để anh được nếm trải hương vị gia đình, thứ mà anh chưa từng được biết qua. Vậy mà tôi đã từng tàn nhẫn xem Thẩm là một quân cờ trên bàn cờ danh vọng của mình.
Đàn em của Thẩm mấy năm qua luôn xem tôi là vị hôn thê của anh dù chúng tôi chưa hề tổ chức lễ đính hôn. Vì vậy mà sau cái chết đột ngột của Thẩm, tôi lên thay thế quản lý công việc của anh. Quán bar không thể kinh doanh nữa vì phía công an chưa có kết luận chính thức về kẻ đã bắn Thẩm, nhưng họ cho rằng Thẩm bị thanh toán bởi một băng nhóm nào đó có mâu thuẫn với anh. Tôi không muốn lộ diện vì tôi đang ở ngoài sáng còn kẻ thủ ác vẫn ở trong bóng tối.