Martin Eden

Chương 26 :

Ngày đăng: 14:49 19/04/20


Sáng hôm đó, Martin Eden không đi tìm việc. Mãi đến gần chiều gã mới dứt cơn mê sảng, gã đưa cặp mắt nhức nhối nhìn quanh phòng. Mary, một đứa trong lũ con của Maria Silva lên tám tuổi, đang ngồi trông nom gã; thấy gã hồi tỉnh lại, nó rú lên. Maria đang ở bếp vội chạy vào. Chị đặt bàn tay đầy chai lên trán nóng rừng rực của gã và bắt mạch.



"Cậu muốn ăn không?" Chị hỏi.



Gã lắc đầu. Gã không thấy thèm ăn chút nào, và gã tự hỏi trong đời gã có lúc nào gã thấy đói không.



"Tôi ốm, chị Maria ạ." Tiếng gã nói yếu ớt. "Bệnh gì thế nhỉ? Chị có biết không?"



"Cúm đấy!" Maria trả lời. "Chỉ một, hai ngày rồi lại khoẻ thôi. Bây giờ đừng ăn thì hơn. Rồi tha hồ ăn, có thể là mai sẽ ăn được."



Martin không quen với ốm đau, khi Maria và cháu nhỏ ra khỏi phòng, gã cố gượng dậy mặc quần áo. Với một ý chí mãnh liệt, tuy đầu óc vẫn còn choáng váng, mắt vẫn còn nhức nhối không mở ra được, gã cố lê ra giường chỉ để đứng chết lặng đi bên bàn làm việc, giác quan như tê liệt. Nửa giờ sau, gã cố quay được về giường, và gã đành phải nằm xuống, nhắm nghiền mắt lại, phân tích bệnh trạng của mình và những cơn đau khắp mình mẩy. Lúc lúc, Maria lại vào để thay cái khăn đắp nước lạnh trên trán gã. Còn chị để cho gã nằm yên, khéo léo không hỏi chuyện, sợ làm gã bực dọc. Điều đó làm cho Martin cảm động, thầm biết ơn và gã khẽ nói một mình: "Maria, chị sẽ có một trại bò sữa, chắc chắn là có, chắc chắn như vậy."



Rồi gã nhớ lại tất cả cái quá khứ ngày hôm qua đã bị chôn vùi từ lâu. Hình như có cả một quãng đời đã trôi qua từ lúc gã nhận được bức thư của tờ Xuyên lục địa nguyệt san: cả một quãng đời đã trôi qua từ lúc mọi chuyện thế là kết thúc và một trang mới đã mở ra. Gã đã dốc sức, dốc hết sức và bây giờ thì gã bị gục, nằm xuống ở đây. Nếu gã không tự để mình chết đói, thì bệnh cúm đã chẳng có thể tấn công được gã thế này. Gã đã bị đánh gục và không còn đủ sức mạnh để đẩy lùi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Kết quả là như thế này đây.



"Viết sách chứa đầy một thư viện để rồi mà chết thì phỏng được cái lợi gì?" Gã hỏi to. "Đấy không phải là chỗ đứng của ta. Ta không dính vào chuyện văn chương nữa. Chỗ của ta là phòng kế toán, là sổ sách chi thu, là đồng lương hàng tháng và một căn nhà nhỏ với Ruth."



Hai hôm sau, sau khi ăn hết một quả trứng, hai khoanh bánh nướng và uống một tách trà, gã đòi Maria cho xem thư từ của gã, nhưng mắt gã còn đau quá chưa thể đọc được.



"Chị đọc dùm tôi, chị Maria," gã nói. "Đừng đọc những bức thư lớn, dày. Vứt chúng xuống gầm bàn ấy, chị đọc những bức nhỏ thôi."



"Tôi không biết đọc. Cháu Teresa, nó đi học, nó đọc được đấy."



Và thế là Teresa Silva, con bé chín tuổi, mở những bức thư ra và đọc cho gã nghe. Gã lơ đãng nghe bức thư đòi nợ dài dằng dặc của hiệu cho thuê máy chữ, óc gã còn đương bàn phương tính kế kiếm việc làm. Bỗng gã tỉnh hẳn người.



"Chúng tôi xin trả 40 đô la tiền nhuận bút về chuyện đăng nhiều kỳ của ông." Cháu Teresa đánh vần, đọc thong thả, "với điều kiện là ông cho phép sửa một vài đoạn mà chúng tôi đề nghị."



"Tạp chí nào thế?" Martin hét to. "Đưa cho chú xem nào?"



Bây giờ mắt gã có thể nhìn để đọc, gã không thấy lúc đọc nó vẫn đau nhức nhối. Tờ "Con chuột bạch" đã đề nghị trả gã 40 đô la, và truyện ngắn đó là "Cơn lốc," một trong những truyện rùng rợn đầu tay của gã. Gã đọc đi đọc lại bức thư. Người chủ bút nói thẳng cho gã biết là gã xử lý đề tài chưa tốt lắm, nhưng chính do đề tài của truyện mà họ ưng mua, vì nó độc đáo. Nếu gã đồng ý cho cắt bớt một phần ba, họ sẽ nhận đăng và gửi trả gã ngay 40 đô la khi nhận được thư trả lời.



Gã đòi lấy bút và mực, trả lời người chủ bút rằng nếu muốn, ông ta có thể cắt cả ba phần ba đi cũng được và đề nghị gửi ngay số tiền 40 đô la.



Khi Teresa đã đem bỏ thư vào thùng, Martin lại nằm xuống suy nghĩ: "Vậy cuối cùng cũng không phải là một điều dối trá." Tờ "Con chuột bạch" trả tiền ngay khi nhận đăng. Truyện "Cơn lốc" dài ba nghìn từ, cắt đi một phần ba, còn lại hai ngàn. Trả bốn mươi đô la, như vậy là hai xu một từ. Trả tiền ngay và hai xu một từ, những tờ báo hàng ngày đã nói thật. Thế mà trước gã vẫn cứ nghĩ tờ "Con chuột bạch" là thuộc loại báo hạng ba. Đúng là gã chưa hiểu nhiều về các tạp chí. Gã vẫn cứ cho tờ Xuyên lục địa nguyệt san là tạp chí loại nhất, ấy thế mà nó chỉ trả gã mười từ một xu. Gã vẫn liệt tờ "Con chuột bạch," vào loại xoàng, nó lại trả gã gấp hai mươi lần hơn tờ Xuyên lục địa nguyệt san, mà lại trả tiền ngay khi nhận đăng.
"Thế anh không sợ ư? Thoát khỏi nơi đó, không nhiễm phải cái bệnh kinh khiếp ấy, anh có mừng không?"



"Ồ, anh thú nhật, "lúc đầu anh cũng hơi run nhưng rồi về sau quen đi. Vả lại, anh cảm thấy thương cô gái tội nghiệp. Điều đó làm cho anh quên cả sợ. Cô ấy đẹp lắm, đẹp cả tâm hồn lẫn vẻ bề ngoài; cô ấy mới chỉ bị nhẹ thôi, ấy thế mà phải đày đọa sống ở đây, sống cuộc sống của một người nguyên thủy man rợ, thối rữa dần mòn. Bệnh hủi kinh khủng lắm, em không thể tưởng tượng nổi đâu."



"Thật tội nghiệp!" Ruth khẽ lẩm bẩm. "Thật là một điều kỳ lạ cô ấy đã để cho anh trốn đi."



"Ý em muốn nói gì?" Martin bất giác hỏi.



"Vì hẳn là cô ấy phải yêu anh," Ruth nói vẫn nhẹ nhàng. "Yêu một cách chân thực phải không?"



Công việc làm trong xưởng giặt và cuộc sống giữa bốn bức tường đã làm nhạt đi cái màu rám nắng trên khuôn mặt gã, đói khát ốm đau lại làm cho nó xanh thêm; và trên khuôn mặt xanh xao ấy, máu dần dần dồn lên đỏ ửng. Gã mở miệng nói, nhưng Ruth ngăn lại.



"Không sao, đừng trả lời, không cần thiết anh ạ." Nàng cười to.



Nhưng đối với gã, tiếng cười ấy hình như có một cái gì lành lạnh như tiếng kim khí, và ánh mắt nàng thì rất lạnh lùng. Ngay lúc đó, gã bỗng nhớ lại một trận cuồng phong gã đã gặp ngày nào ở Bắc Thái bình dương. Trong giây lát trận cuồng phong hiện lên rõ ràng trước mắt - một trận cuồng phong về đêm, bầu trời trong sáng, trăng tròn đầy, biển cả mênh mông, lạnh lẽo, lấp lánh dưới ánh trăng. Và rồi gã nhìn thấy cô gái trong trại hủi, nhớ lại chính vì yêu gã mà cô đã để gã đi thoát.



"Cô ta thật cao thượng," gã nói đơn giản. "Cô ấy đã cho anh cuộc sống."



Chỉ là một câu chuyện ngẫu nhiên nhưng gã nghe thấy Ruth cố nén một tiếng khóc nấc khô khan trong cổ họng và thấy nàng quay mặt đi, nhìn ra ngoài cửa sổ. Khi nàng quay lại thì nét mặt đã bình tĩnh, không còn một dấu vết gì của trận cuồng phong trong khoé mắt nữa.



"Em thật ngớ ngẩn quá," nàng rầu rĩ. "Nhưng em không sao ngăn được. Em yêu anh, Martin à, yêu lắm, yêu lắm. Rồi đây em sẽ khoan dung hơn, nhưng bây giờ thì em không thể nào ngăn nổi mình không ghen với những bóng ma ấy của quá khứ. Mà anh biết đấy, quá khứ của anh thì đầy những bóng ma."



Gã định nói nhưng nàng đã ngăn lại. "Hẳn là phải như thế, không thể khác được. Mà anh Arthur tội nghiệp đang ra hiệu cho em lại kia kìa. Anh ấy chờ đến phát ngán lên rồi. Bây giờ thì tạm biệt anh nhé, anh thân yêu."



"À, mà cửa hàng bào chế, có bán một thứ thuốc để cai thuốc lá đấy anh ạ," đi ra đến cửa nàng còn ngoái cổ lại nói, "em sẽ gửi cho anh một ít."



Cửa đã đóng rồi lại mở.



"Em yêu anh, yêu anh lắm," nàng thì thầm. Và lần này thì nàng mới đi hẳn.



Maria đưa nàng ra xe, đôi mắt chị đầy vẻ chiêm ngưỡng nhưng vẫn rất tinh, nhận ra ngay thứ hàng và kiểu may của bộ quần áo của nàng đang mặc (một kiểu may lạ làm tôn vẻ đẹp một cách rất thần bí). Bọn trẻ con thì thất vọng, dõi mắt nhìn theo cho đến khi chiếc xe ngựa đi khuất; rồi chúng quay lại nhìn Maria. Chị bỗng trở nên một nhân vật quan trọng nhất phố này. Nhưng chính một trong những đứa con của chị đã làm cho chị mất cả cái tiếng tăm ấy, nó nói là hai vị khách sang trọng ấy đến thăm cái chú ở trọ nhà nọ. Và sau đó Maria lại quay về với cái cảnh âm thầm tăm tối cũ của mình. Còn Martin thì bắt đầu nhận thấy bọn trẻ hàng xóm đối với mình có vẻ vị nể hơn. Còn đối với Maria, giá trị của Martin trong con mắt của chị được tăng lên một trăm phần trăm, và nếu như lão chủ hàng thực phẩm người Bồ Đào Nha mà được chính mắt trông thấy chiếc xe ngựa sang trọng buổi chiều hôm ấy thì lão đã để cho Martin mua chịu thêm ba đô la tám mươi nhăm xu nữa.