Martin Eden

Chương 39 :

Ngày đăng: 14:49 19/04/20


Trong căn phòng nhỏ của mình, Martin vừa uống cà phê vừa đọc báo buổi sáng. Thật là mới lạ khi thấy tên mình ở dòng đầu, hơn nữa lại trên trang nhất của tờ báo; và ngạc nhiên khi được biết rằng gã là người thủ lĩnh nổi tiếng nhất của những người thuộc đảng xã hội Oakland. Gã đọc lướt qua những lời phát biểu mãnh liệt mà cái anh chàng ký giả non choẹt kia gán cho gã - tuy lúc đầu gã giận giữ vì những lời bịa đặt ấy, nhưng cuối cùng gã quăng tờ báo sang bên, cười lớn:



"Hoặc là thằng cha ấy say rượu, hoặc là nó có ác ý giết người." Chiều hôm đó Martin ngồi trên giường nói như vật khi Brissenden tới, khẽ buông mình xuống cái ghế độc nhất.



"Nhưng mà cậu cần gì cơ chứ?" Brissenden hỏi. "Chắc chắn cậu không thèm cần đến những lời tán thưởng của bọn lợn ỉ tư sản khi chúng đọc từ báo này chứ?"



Martin suy nghĩ một lúc, rồi nói:



"Không, mình thực không cần đến những lời tán thưởng của bọn chúng, không cần một tí nào. Nhưng mặt khác, chúng làm cho quan hệ của mình với gia đình Ruth thêm khó xử một chút. Cha nàng luôn luôn đả mình là người theo chủ nghĩa xã hội, và cái bài báo đốn mạt này lại càng làm ông ta tin chắc hơn nữa. Không phải là mình quan tâm đến những ý kiến của ông ta - nhưng cần gì cái đó? Bây giờ mình muốn đọc cậu nghe những cái mình đã viết hôm nay. Tất nhiên đó là truyện "Quá hạn" mình mới viết xong được một nửa."



Gã đang đọc thì Maria đẩy cửa dẫn vào một người đàn ông trẻ tuổi ăn mặc chỉnh tề, anh ta đưa mắt sắc sảo mình quanh, chú ý đến chiếc bếp dầu và cái bếp ở góc buồng rồi mới nhìn đến Martin.



"Mời ngồi." Brissenden nói.



Martin nhường chỗ trên giường cho người trẻ tuổi đó và đợi anh ta nói mục đích cái việc anh ta đến đây.



"Ông Eden, tối hôm qua tôi được nghe ông diễn thuyết, hôm nay, tôi đến đây để phỏng vấn ông," ông ta bắt đầu.



Brissenden bật cười lớn.



"Đây có phải là người anh em trong đảng xã hội không?" Người ký giả vừa hỏi vừa đưa mắt nhìn vội Brissenden, đánh giá cái sắc nhợt nhạt của con người sắp chết trắng bệch như cái thây ma đó.



"Chính hắn viết bài báo đó?" Martin nói khẽ. "Sao, hắn chỉ là một tên oắt!"



"Sao cậu không tẩn cho hắn một mẻ?" Brissenden hỏi. "Tớ sẵn sàng bỏ ra 1000 đô la để có lại được buồng phổi trước kia của tớ chỉ trong năm phút thôi."


"... Anh đừng tìm gặp tôi làm gì nữa," nàng nói ở cuối bức thư. "Một cuộc gặp gỡ như thế sẽ là một cuộc gặp gỡ bất hạnh cho cả hai người chúng ta và cho cả mẹ tôi. Tôi cảm thấy, thực sự, tôi đã làm ẹ tôi sầu muộn và đau đớn. Phải lâu lắm, tôi mới có thể chuộc lại tội lỗi được."



Gã đọc bức thư cẩn thận từ đầu đến cuối, cẩn thận một lần thứ hai, rồi ngồi xuống, và viết thư trả lời. Gã đã viết lại những lời gã đã phát biểu ở hội nghị của những người thuộc đảng xã hội, nói rõ ràng những lời gã phát biểu đều ngược lại với những lời mà tờ báo đã gán cho gã. Đoạn cuối bức thư, gã đã dùng lời lẽ của một người tình say đắm, tha thiết xin được yêu đương. "Xin em hãy trả lời anh," gã viết. "Và trong thư trả lời, em chỉ cần nói cho anh một điều. Em có yêu anh không? Thế thôi. Em chỉ trả lời một câu hỏi đó thôi."



Nhưng hôm sau, rồi hôm sau nữa, vẫn không có thư trả lời. "Quá hạn" vẫn nằm yên trên bàn, và ngày nọ qua ngày kia những tập bản thảo bị gửi trả về dưới gầm bàn lại càng ùn lên hơn. Lần đầu tiên trong đời, giấc ngủ say sưa của Martin bị cắt đứt, gã đã phải trằn trọc bao nhiêu đêm dài. Ba lần gã đến nhà ông Morse, nhưng lần nào cũng bị người đầy tớ mở cửa đuổi đi. Brissenden nằm ốm liệt trong khách sạn của anh ta, yếu quá không bước chân ra ngoài được, và tuy Martin lại thăm Brissenden luôn, anh cũng không đem những nỗi phiền khổ của mình làm phiền bạn.



Bởi vì những nỗi phiền khổ của Martin thì nhiều. Tác hại của việc làm của tên ký giả kia lớn hơn Martin dự đoán. Lão chủ hiệu thực phẩm người Bồ Đào Nha không bán chịu cho gã nữa; lão bán hoa quả người Mỹ - hắn ta vẫn tự hào về điều này - gọi gã là kẻ phản quốc, và từ chối không bán chác giao tiếp gì với gã nữa. Mức độ yêu nước của lão ghê gớm đến nỗi lão đã hủy bỏ cả số tiền Martin nợ và cấm anh không được trả nữa. Câu chuyện của bà con hàng xóm cũng nói lên cùng một ý như vậy, sự tức giận của mọi người đối với Martin ngày càng tăng. Không ai muốn dính dáng gì đến một thằng phản bội theo chủ nghĩa xã hội. Chị Maria tội nghiệp ngờ vực và sợ hãi, nhưng chị vẫn trung thành với Martin.



Trẻ con hàng xóm đã thôi không kinh sợ về cái chuyện chiếc xe song mã lớn trước đây có lần đã đến thăm nhà Martin nữa, bây giờ chúng đứng tít ở đàng xa, gọi gã là "thằng ma cà bông," "thằng vô công rỗi nghề." Tuy nhiên lũ con nhà Sylva vẫn bảo vệ gã một cách kiên quyết, và nhiều lần vì danh dự của gã, chúng đã đánh nhau dữ dội, mắt thâm quầng, mũi toác máu là chuyện thường ngày, chuyện đó lại làm Maria thêm phiền hà khó xử.



Có một lần Martin gặp chị Gertrude ở dưới khu Oakland, và gã đã biết một điều mà gã thấy là không thể nào khác được - Bernard Higginbotham rất giận gã, vì gã đã đưa gia đình tới chỗ để cho thiên hạ phỉ nhổ, và hắn ta cấm cửa gã.



"Martin ơi, tại sao em không đi nơi khác khác đi?" Chị Gertrude van vỉ. "Đi đi, kiếm lấy một công ăn việc làm ở một nơi nào đó, rồi mà sinh sống. Sau đây, khi tất cả những chuyện tai hại này qua đi, em lại có thể trở về."



Martin lắc đầu nhưng không giải thích gì cả. Gã biết giải thích thế nào? Gã kinh hãi vì cái vực sâu đáng sợ của tri thức ngăn gã với những người trong gia đình gã. Gã sẽ không bao giờ bước qua được cái vực đó và giảng giải cho họ hiểu được quan điểm của mình, quan điểm của Nietzsche đối với chủ nghĩa xã hội 1. Trong ngôn ngữ Anh cũng như trong bất kỳ một ngôn ngữ nào đều không đủ từ để có thể làm cho họ hiểu thái độ và hành vi của gã. Quan niệm cao nhất của họ coi hành vi đứng đắn trong trường hợp của gã, là tìm một công việc. Đó là tiếng nói đầu tiên và cũng là cuối cùng của họ. Đó là toàn bộ từ vựng tư tuởng của họ. Kiếm một việc làm! Đi làm! Thương thay! Những kẻ nô lệ ngu xuẩn, gã nghĩ như vậy, trong khi chị gã nói. Không còn lạ lùng gì nữa, thế giới thuộc về kẻ mạnh. Những kẻ nô lệ bị ám ảnh bởi cái thân phận nô lệ của chính họ. Công việc đối với họ là một thần tượng bằng vàng mà họ sẽ quỳ xuống và tôn thờ.



Gã lại lắc đầu khi chị Gertrude đưa cho gã tiền, tuy gã biết rằng trong ngày hôm nay gã lại phải bước chân tới một hiệu cầm đồ.



"Bây giờ em đừng tới gần anh Bernard," chị gã căn dặn. "Nếu em có muốn đến để ở vài tháng nữa, đợi anh ấy nguôi đi; lúc ấy em có thể đến lái xe giao hàng cho anh ấy. Còn bất cứ lúc nào cần đến chị, em cứ gọi, chị sẽ tới ngay. Đừng quên điều đó, em nhé!"



Chị vừa bước đi vừa nức nở khóc thành tiếng; gã thấy một nỗi buồn đau nhói xuyên qua người khi nhìn thân hình nặng nề, dáng đi xiêu vẹo của chị. Nhìn chị bước đi, cái cơ sở lý luận triết học Nietzsche hình như lung lay, xiêu vẹo. Cái giai cấp nô lệ trừu tượng chung chung thì được, không hề gì, nhưng một khi nó cụ thể trong gia đình gã thì không phải là chuyện hoàn toàn thỏa mãn lắm. Thật vậy, nếu có một người nô lệ nào bị kẻ mạnh chà đạp, thì người nô lệ đó chính là chị Gertrude của gã. Gã cười lên man rợ vì cái điều ngược đời ấy. Một tín đồ của Nietzsche xuất sắc như gã, mà lại để cho quan niệm lý tính của mình bị dao động vì một chút tình cảm, một phút xúc động đầu tiên vương vấn trong đầu - ôi, mà lại bị dao động bởi chính cái quan niệm đạo đức nô lệ, vì đó thực sự là tình thương của gã đối với chị. Những người cao quý chân chính là những người vượt lên trên được tình thương và lòng trắc ẩn. Tình thương và lòng trắc ẩn phát sinh ra trong những hầm ở dưới đất nhốt những người nô lệ, nó không hơn những nỗi đau khổ, những giọt mồ hôi của đám đông những kẻ khốn khổ, yếu hèn.



Chú thích:



1. Chỗ này, ý tác giả muốn nói Martin là tín đồ của triết học siêu nhân của Nietzsche, không tin vào lực lượng của quần chúng, lúc nào cũng nghĩ tới chuyện một hiệp sĩ cưỡi ngựa sắp tới để làm chủ thế giới.