Martin Eden

Chương 44 :

Ngày đăng: 14:49 19/04/20


Một hôm Kreis đến gặp Martin - Kreis con người của "đám hạ lưu chân chính." Martin quay lại nghe anh ta nói, trong lòng thấy nhẹ nhõm, những chi tiết sáng ngời của một mưu đồ khá liều lĩnh làm cho gã thích thú, không phải là cái thích thú của một nhà đầu tư mà là cái thích thú của một nhà viết tiểu thuyết. Giữa lúc trình bày, Kreis ngừng lại khá lâu để nói với Martin rằng hầu hết những kiến giải trong "Sự hổ thẹn của mặt trời" đã chứng tỏ gã là một thằng ngốc.



"Nhưng không phải tôi đến đây để thuyết lý về triết học." Kreis nói tiếp. "Điều tôi muốn là anh có chịu bỏ ra một nghìn đô la để làm việc đó không?"



"Không, dù sao, tôi cũng không ngốc đến như thế." Martin trả lời. "Nhưng tôi sẽ nói cho anh biết tôi sẽ làm gì. Anh đã cho tôi sống một đêm vĩ đại nhất trong đời tôi. Anh đã cho tôi cái mà tiền bạc không thể mua được. Bây giờ tôi có tiền, và tiền đối với tôi không có nghĩa lý gì hết. Tôi sẽ chuyển cho anh một nghìn đô la - cái mà tôi coi khinh - vì cái mà anh đã cho tôi đêm ấy, và cái đó thật là vô giá. Anh cần tiền. Mà tôi lại có nhiều quá sự cần thiết. Anh cần tiền. Anh đến đây vì cái đó. Cũng chẳng cần phải bày mưu tính kế gì để lấy tiền ở tôi. Cầm lấy!"



Kreis không để lộ ra một chút ngạc nhiên. Anh ta gấp tấm ngân phiếu đút vào túi.



"Theo giá này thì tôi muốn ký với anh một hợp đồng dành cho anh nhiều đêm như thế nữa!"



"Quá muộn rồi!" Martin lắc đầu "Đối với tôi đêm ấy là đêm duy nhất. Tôi đã được sống trong một thiên đường. Tôi biết, đối với anh, đó chỉ là một điều tầm thường. Nhưng đối với tôi nó lại không như vậy, không bao giờ tôi lại được sống những phút say mê tột đỉnh như thế nữa. Tôi đã đoạn tuyệt với triết học rồi. Tôi không bao giờ muốn nghe một chữ nào về triết học nữa."



"Đây là đồng đô la đầu tiên trong đời tôi kiếm được nhờ môn triết học của tôi." Kreis nói khi anh ta dừng lại ở cửa. "Rồi thị trường bị vỡ ngay."



Một hôm bà Morse đi xe qua gặp Martin ở ngoài phố, bà mỉm cười và gật đầu chào. Gã mỉm cười và ngả mũ ra. Việc đó chẳng khiến gã xúc động chút nào. Một tháng trước, việc đó có thể đã làm gã kinh tởm, hoặc làm gã thấy kỳ lạ, và làm gã suy nghĩ về ý thức của bà ta lúc đó. Một phút sau là gã quên ngay. Gã quên chuyện đó y như gã quên nhà Ngân hàng trung ương hoặc Tòa thị chính ngay sau khi gã bước qua. Tuy nhiên, đầu óc gã hoạt động một cách khác thường, tư tưởng gã cứ diễn biến vòng vòng, vòng vòng theo một đường tròn. Trung tâm của vòng tròn đó là câu "tác phẩm đã viết xong từ lâu" nó cứ gặm nhấm trí óc gã như một con giòi không bao giờ mỏi. Buổi sáng, thức dậy gã nghĩ tới nó. Buổi tối, trong giấc mơ gã cũng bị nó giày vò. Mọi sự việc của cuộc sống chung quanh gã thông qua các giác quan là tức khắc liên hệ ngay với não "tác phẩm viết xong đã từ lâu rồi." Theo một phép lý luận tàn nhẫn gã đi tới kết luận gã là một kẻ vô danh tiểu tốt, gã không là cái gì cả. Martin Eden, thằng côn đồ, Martin Eden thằng thủy thủ là thật, chính là gã; nhưng Martin Eden, nhà văn nổi tiếng thì không hề có. Martin Eden, nhà văn nổi tiếng, chỉ là một ảo tưởng do đầu óc của bọn hạ tiện đặt ra. Nhưng cái đó không lừa được gã. Gã không phải là thần mặt trời để cái đám hạ tiện kia sùng bái, để chúng cung phụng gã những bữa ăn. Gã biết lắm.



Gã đã đọc trên báo chí những bài viết về mình, gã ngạc nhiên nhìn những bức ảnh của gã in trên mặt báo, gã không thấy những bức hình này có chút gì giống với bản thân gã. Gã là một kẻ đã từng sống, từng rung động, từng yêu thương, là một kẻ dễ dãi, sẵn lòng tha thứ cho những chuyện nhẹ dạ của cuộc đời; là kẻ đã từng làm việc trên khoang bánh lái, từng lang thang trên những miền đất lạ, từng lôi kéo cả bạn vào những trận đánh nhau ngày xưa. Gã là kẻ đã từng kinh ngạc lặng người đi lần đầu tiên khi trông thấy ngàn vạn cuốn sách ở thư viện, là kẻ sau này đã đọc những chồng sách đó và gã nắm chắc được chúng, gã là kẻ đã từng đốt đèn dầu đến tận nửa đêm, từng đi ngủ mang theo cả cái đinh thức và đã từng tự tay viết nên nhiều sách. Nhưng có một điều gã không phải là cái thứ yêu quái tham ăn mà bọn hạ tiện kia đua nhau mời những bữa ăn thịnh soạn.



Tuy nhiên trong các tạp chí có những cái làm gã thấy hay hay. Tạp chí nào cũng rêu rao là họ đã phát hiện được gã. Tờ "Nguyệt san Warren" quảng cáo với khách hàng rằng họ luôn luôn phát hiện những nhà văn mới, và trong số những nhà văn mới đó, họ đã giới thiệu được Martin Eden với bạn đọc. Tờ "Con chuột bạch" cũng cho rằng mình đã phát hiện được gã; cả tờ "Bình luận phương Bắc" và cả tạp chí "Mackintosh" cũng nói như thế, mãi tới khi tờ "Quả địa cầu" dương dương đắc ý nói ra rằng tập "Những bài thơ về biển" trước kia đã bị bỏ xó như thế nào, mới làm cho các tờ báo kia im tịt. Tờ "Tuổi trẻ và thời đại", sau khi trốn nợ xong, lại tái bản để rêu rao rằng chính họ phát hiện ra Martin Eden, những lời này chẳng ai thèm đọc, trừ lũ trẻ con các chủ trại. Tờ "Xuyên lục địa nguyệt san" đã dẫn chứng một cách trang trọng và đầy sức thuyết phục rằng chính họ đầu tiên đã khám phá ra Martin Eden như thế nào. Tờ "Con ong" đã đem bài "Nàng tiên và viên ngọc" ra làm phản chứng để kịch liệt đã phá lại. Lời phát biểu nhã nhặn của Công ty xuất bản Singletree-Darnley bị chìm đi trong những tiếng ồn ào huyên não ấy. Hơn nữa công ty này cũng không có một tờ tạp chí để làm cho những lời phát biểu của mình kém phần nhã nhặn.



Các báo chí tính số tiền thu nhập bản quyền tác giả của Martin. Bằng cách nào đó tin có mấy tạp chí trả gã những món tiền nhuận bút rất cao lọt ra ngoài và những bọn mục sư ở Oakland đã đến thăm gã một cách rất tử tế, trong khi đó thì những bức thư xin xỏ chuyên nghiệp chất ùn lên. Nhưng tệ hơn tất cả là bọn đàn bà. Ẳnh của gã được in đi khắp nơi, có nhiều anh chàng văn sĩ đặc biệt đã lợi dụng cả cái bộ mặt rám nắng, khỏe mạnh của gã, những vết sẹo, đôi vai nặng nề, đôi mắt trong sáng, trầm tĩnh và hai chỗ hóp nhè nhẹ trên má gã, như một nhà tu khổ hạnh để viết bài làm tiền. Nhìn đôi má ấy gã tưởng tượng lại thời thanh niên phóng túng của gã và không khỏi mỉm cười. Thường thường, trong số những người đàn bà gã đã gặp, gã thấy khi thì người này, khi thì người khác, nhìn gã, tán thưởng gã, chọn lựa gã. Gã cười một mình. Gã nhớ lại lời đe dọa của Brissenden và lại cười. Những người đàn bà không bao giờ hủy hoại được gã, điều đó là chắc chắn. Gã đã qua cái giai đoạn ấy rồi.



Có một lần gã cùng đi với Lizzie đến lớp học buổi tối, nàng thấy một người đàn bà đẹp, ăn mặc lịch sự, một người của giai cấp tư sản nhìn gã chằm chằm. Cái nhìn ấy hơi lâu quá một chút. Lizzie biết ý nghĩa của cái nhìn ấy, nàng giận nóng người lên. Martin nhận thấy, nhận thấy nguyên nhân câu chuyện gã nói với nàng rằng gã đã quen với chuyện đó lắm rồi và gã không hề để tâm đến nó.



"Anh cần phải để tâm," nàng trả lời, mắt lóe lên. "Anh đang ốm đấy. Vấn đề là thế."



"Trong đời chưa bao giờ anh khỏe như bây giờ. So với trước anh nặng hơn những năm pao."



"Bệnh không phải ở trong cơ thể anh. Nó ở trong đầu anh cơ. Trong cái máy... suy nghĩ của anh có chuyện chẳng lành. Ngay em chẳng là gì cả mà em cũng nhận thấy được như thế."



Gã bước đi bên cạnh nàng, suy nghĩ.



"Em có thể đánh đổi hết bất cứ cái gì để thấy anh qua khỏi được tình trạng đó," nàng trong lúc kích thích nói buột ra. "Anh cần phải quan tâm khi đàn bà nhìn anh kiểu ấy, một người như anh. Điều đó không tự nhiên. Đối với những anh chàng yếu đuối ẻo lả thì không sao. Nhưng anh vốn không phải là loại người như thế. Nói thật chứ, em sẽ vui lòng, em sẽ sung sướng nếu có người đàn bà xứng đáng nào đó có thể làm cho anh quan tâm đến họ."



Từ biệt Lizzie ở lớp học ban đêm, gã quay về khách sạn Metropole.



Bước vào phòng, gã gieo người xuống chiếc ghế bành kiểu Morris, mắt nhìn đăm đăm về phía trước. Gã không ngủ gật mà cũng chẳng nghĩ gì hết. Đầu óc gã trống rỗng trừ lúc những bức tranh ký ức không gọi mà tới diễn ra với những sắc màu và những ánh hào quang rực rỡ ngay dưới mi mắt gã. Gã nhìn thấy những bức tranh đó nhưng hầu như không nhận thức được chúng - chẳng khác gì chúng là những giấc mộng. Thế mà nào gã có ngủ đâu. Có một lần gã đánh thức mình cho tỉnh táo, nhìn đồng hồ. Đúng tám giờ. Gã không có việc gì làm cả mà đi ngủ thì lại quá sớm. Thế rồi đầu óc gã trở lại trống rỗng và những bức tranh kia lại thành hình để rồi lại tan biến đi dưới mi mắt gã. Không có gì rõ rệt ở những bức tranh đó. Chúng vào chỉ là những đám lá, những cành cây mọc thành với ánh mắt trời nóng gắt xuyên qua.



Một tiếng gõ cửa làm gã bừng tỉnh. Gã không ngủ, và đầu óc gã tức khắc liên hệ tiếng gõ đó, với một bức điện, một lá thư hay có lẽ một trong những người hầu phòng nào đó mang quần áo sạch từ hiệu thợ giặt về. Gã nghĩ tới Joe và tự hỏi không biết bây giờ anh ta ở dan trong khi gã nói "Cứ vào!"



Gã vẫn nghĩ đến Joe và không quay về phía cửa. Gã nghe thấy tiếng đóng cửa nhè nhẹ. Một sự yên lặng kéo dài. Gã quên rằng đã có một tiếng gõ cửa, gã vẫn nhìn một cách trống rỗng về phía trước cho đến tận lúc gã thấy tiếng nức nở của một người đàn bà. Đó là tiếng nức nở không chủ tâm, từng hồi, nghẹn ngào, tắc lại. Gã nhận thấy như thế khi gã quay người.



Ngay sau đó, gã đứng bật dậy:



"Ruth!" Gã thốt lên, vừa ngạc nhiên vừa kinh hoàng.



Mặt nàng trắng nhợt và căng thẳng. Nàng đứng ở phía trong cửa, một tay vịn lấy cửa cho khỏi ngã, một tay ôm lấy mạng sườn mình. Nàng giơ cả hai tay ra phía gã một cách đáng thương, bước tới để gặp gã. Trong khi nắm lấy tay, dẫn nàng tới chiếc ghế bành kiểu Morris, gã nhận thấy tay nàng sao mà lạnh thế. Gã kéo một chiếc ghế nữa lại và ngồi lên cái tay ghế rộng. Gã bối rối quá không nói được. Trong đầu óc gã, câu chuyện yêu đương của gã với Ruth đã khép kín, đã gắn chặt lại rồi. Gã có cùng một cảm giác y như thể cái khách sạn Metropole này bỗng dưng biến thành cái xưởng giặt ở Shelly Hot Spring ùn ùn những quần áo của cả một tuần lễ buộc gã phải giặt. Nhiều lần gã định nói, gã lại ngập ngừng.




Nàng bám lấy tay gã, qua những lối đi tối mờ mờ, và bước xuống những bậc cầu thang hẹp hẹp.



"Thôi yên rồi," nàng nói khi họ đã ra tới đường, đồng thời định bỏ tay ra không vịn vào cánh tay gã nữa.



"Không mà, không mà, để tôi đưa cô về nhà." Gã trả lời.



"Thôi xin đừng!" Nàng phản đối. " Không cần thiết."



Nàng lại định bỏ tay ra. Gã cảm thấy tò mò trong thoáng lát. Bây giờ đến lúc hết nguy hiểm rồi thì nàng lại sợ. Nàng hầu như hoảng hốt muốn rời gã ngay. Gã không thể thấy một cớ gì, và cho rằng đó là do thần kinh của nàng. Vì thế gã giữ lấy bàn tay nàng và tiếp tục bước đi cùng nàng. Tới quãng đường chạy qua dãy nhà, gã thấy một người đàn ông mặc áo khoác dài đang lủi vào trong một cái khung cửa. Gã đưa nhanh mắt nhìn vào khi đi qua và mặc dù gã nọ đã kéo cao cổ áo lên, Martin vẫn nhận ra đó là Norman, cậu em của Ruth.



Dọc đường, Ruth và Martin chuyện trò rất ít. Nàng choáng váng cả người, gã thì lạnh nhạt. Có một lúc gã nói cho nàng biết rằng gã sắp... sẽ quay trở lại biển miền Nam, có một lúc, nàng đã xin gã tha lỗi cho vì đã nói tới gặp gã. Chỉ có thế thôi. Cuộc chia tay ở cửa nhà nàng thật là đúng qui pháp. Họ bắt tay, chúc nhau ngủ ngon, gã nâng mũ lên chào. Cánh cửa khép lại, gã châm một điếu thuốc rồi quay về khách sạn. Khi gã quay lại chỗ khung cửa, nơi gã đã thấy Norman lùi vào, gã dừng lại, nhìn vào trong với một vẻ hài hước suy nghĩ.



"Cô ta nói dối," gã lớn tiếng. "Cô ta làm ình tin rằng cô ta táo gan, trong lúc đó cô ta vẫn biết rằng thằng em dẫn cô ta đi đang đợi để đưa cô ta về." Gã phá lên cười. "Ồ cái bọn tư sản này, khi mình không có một đồng xu dính túi, đừng hòng để cho thiên hạ nhìn thấy mình cùng đi với chị nó; còn khi mình có tài khoản ở ngân hàng, nó lại dẫn chị nó tới với mình."



Trong khi gã quay gót bước tiếp, gã bỗng thấy một gã cùng đi về phía gã, nói qua vai gã, xin tiền.



"Thưa ông, xin ông cho tôi một xu để tìm chỗ ngủ trọ."



Giọng nói đó làm Martin quay lại. Ngay sau đó, gã đã nắm lấy tay Joe.



"Anh có nhớ cái lần chúng ta từ biệt nhau ở Hot Spring không?" Joe nói. "Lúc ấy tôi đã nói thế nào chúng ta cũng gặp lại nhau. Tôi đã cảm thấy như vậy trong xương tủy tôi. Thế mà chúng ta gặp nhau ở đây thật."



"Trông cậu khỏe lắm." Martin nói, có vẻ khen ngợi. "Cậu lên cân đấy."



"Hẳn rồi," nét mặt Joe rạng rỡ. "Cho đến khi mình sống lang thang thì mới biết cuộc đời là thế nào. Mình đã nặng lên được ba mươi "pao" và cảm thấy dễ chịu lắm. Chứ sao, ngày xưa mình phải làm cho chúng đến chỉ còn cái da bọc xương, sống lang thang hẳn hợp với mình."



"Nhưng cậu vẫn còn đang phải đi tìm chỗ ngủ trọ," Martin nói đùa. "Đêm nay lạnh lắm."



"À, ừ! Mình đang tìm chỗ ngủ trọ," Joe thọc tay vào trong túi ở hông lôi ra đầy một nắm xu. "Cái nghề này khổ công lắm chứ có phải chơi," anh ta vui lên. "Trông cậu có vẻ bảnh, mình mới xin."



Martin cười và đưa nắm tiền cho Joe.



"Với số tiền này, hẳn được tha hồ uống rượu!" Martin nói ướm.



Joe bỏ nắm tiền vào trong túi.



"Mình, bây giờ không uống nhiều rượu nữa," anh ta nói. "Mình không nghĩ tới chuyện uống say rượu nữa, tuy rằng không uống là do mình không thích thôi, chứ không gì có thể ngăn cấm nổi mình. Từ ngày chia tay với cậu, mình chỉ uống có một lần, cũng là bất đắc dĩ vì dạ dày lép quá. Khi mình làm việc như một con vật, mình uống như một con vật. Khi mình sống như một con người, mình uống như một con người - thỉnh thoảng thấy thích thì nhấm nháp một tí, thế thôi."



Martin hẹn gặp lại Joe vào sáng hôm sau, rồi đi về khách sạn. Gã dừng lại ở phòng xem giờ tàu chạy. Năm hôm nữa, tàu Mariposa sẽ nhổ neo đi Tahiti.



"Ngày mai anh hãy gọi điện thoại bảo để dành riêng cho tôi một phòng," gã nói với người quản lý khách sạn, không lấy phòng ở phía trước mà phòng ở phía sau nhé, chỗ có hướng gió ấy - phòng phía tay trái, nhớ nhé, phòng phía tay trái ấy. Anh nên ghi lại thì hơn."



Về đến phòng gã trèo lên giường và ngủ nhẹ nhàng như một đứa trẻ. Sự việc lúc buổi chiều không để lại một ấn tượng nào trong gã cả. Không một ấn tượng nào để lại dấu vết trong trí óc gã. Cái giây phút ấm áp gặp lại Joe chỉ là một giây phút thoáng qua. Phút sau gã lại bị giày vò bởi sự hiện diện của anh bạn thợ giặt ngày xưa, bởi câu chuyện không thể nào không nói. Cái chuyện hơn năm ngày nữa gã sẽ tới miền biển phương Nam thân yêu đối với gã cũng không có nghĩa gì hết. Vì thế, gã nhắm mắt lại và ngủ bình thường, yên ả tám tiếng đồng hồ liền không thức giấc. Gã không trằn trọc. Gã không đổi tư thế nằm, gã cũng không nằm mê nữa.



Giấc ngủ đối với gã là một sự quên lãng, và mỗi ngày gã trở dậy, gã trở dậy với niềm tiếc hận. Cuộc sống làm cho gã buồn phiền, bực bội, thời gian là một sự quấy rầy.