Mật Mã Tây Tạng

Chương 141 : Số trang trên bản đồ

Ngày đăng: 19:01 20/04/20


Tập 7



Pháp sư Á La điềm đạm nói: "Bộ kinh văn tập hợp các đại thành tựu của Mật tông này kể từ ngày đầu tiên xuất hiện trên thế gian, đã toát lên một sự thần bí rồi. Nhân vật đại diện cho giai đoạn Hậu Hoằng kỳ của Tạng truyền Phật giáo, A Để Hiệp Đại sư vào Tây Tạng lập đàn giảng kinh, ngay khi bắt đầu giảng về Đại Thiên Luân kinh đã không ngừng nhấn mạnh, đây là một bộ kinh thư được truyền ra từ Tây Tạng, ngài chẳng qua chỉ là người mang bộ kinh văn này trở về mà thôi. Thế nhưng, không có ai biết bộ kinh thư này là tác phẩm của ai, được viết từ thời kỳ nào. Đồng thời, nội dung bao la vạn tượng trong kinh thư càng khiến người ta không sao đoán nổi, phải là một con người như thế nào mới có đại trí tuệ, có học thức uyên tâm như vậy. Giờ đây, nghĩ kỹ lại, e rằng cũng chỉ có bọn họ mới có năng lực ấy mà thôi!"



Giáo sư Phương Tân nói: "Sao lại không thể? Cậu có biết tổ chức xã hội của loài sói như thế nào không? Một con sói con, ngay sau khi dứt sữa mẹ đã được học cách hợp tác với bầy đàn săn bắt con mồi, học cách nhận biết đẳng cấp và địa vị của mình trong đoàn thể, học cách phân biệt tình trạng sức khỏe của vật săn, bảo vệ lãnh địa của mình... Ai dạy chúng? Chẳng phải là sói già dạy sói con hay sao. Theo cách nói trong văn bản này, chắc là có khoảng trăm con ngao cùng sống chung một chỗ, bọn chúng chỉ cần coi những kỹ năng ấy là các kỹ xảo tối cần thiết để sinh tồn và săn bắn, truyền lại cho đời sau là được rồi. Bởi vậy, ngao có thể huấn luyện ngao, ngao có thể dạy dỗ ngao, không cần con người can thiệp vào làm gì. Vấn đề là tại sao quân Đức lại thu thập những tư liệu này? Lẽ nào, trong Thế chiến II quân Đức cũng có ý định phát triển thú chiến hay sao?"



Trác Mộc Cường Ba lắc đầu: "Chuyện này..."



Giáo sư Phương Tân tiếp: "Chuyện này cứ tạm thời gác lại đã. Nào, kể tôi nghe lần này đến thôn Công Bố mọi người phát hiện được điều gì. Đã tìm được lối vào chưa?"



Trương Lập nói: "Nào chỉ có vậy, chúng tôi còn nghiệm chứng được bản đồ, lại tìm thấy cả con thuyền để đi dưới sông ngầm nữa cơ!"



"Thuyền gì?" giáo sư Phương Tân hỏi.



Nhạc Dương liền miêu tả vắn tắt về con thuyền da trâu họ trông thấy cho giáo sư Phương Tân nghe, rồi lấy ảnh trong máy tính ra cho ông xem. Giáo sư xem xong, nghiêm mặt gật đầu nói: "Xem ra là vậy rồi, đây không phải là thuyền da trâu đâu."



"Hả?" Trác Mộc Cường Ba kinh ngạc. "Chẳng phải Tây Tạng chúng ta chỉ có thuyền da trâu thôi sao?"



Giáo sư Phương Tân lắc đầu: "Cậu coi thường kỹ thuật của Tây Tạng quá, Cường Ba à. Có điều, cũng khó trách cậu, đến tận ngày nay, rất nhiều thành tựu của văn minh Tây Tạng cổ còn chưa được phát hiện. Vì sông trên cao nguyên chảy rất xiết, hai bờ toàn núi cao chót vót, nên chỉ có thuyền da trâu là truyền lại được thôi. Loại thuyền lớn như các cậu miêu tả, kỳ thực cũng có chép trong lịch sử Thổ Phồn rồi, người xưa gọi là thuyền rắn. Thời cổ đại, ở Tây Tạng có hai loại thuyền thường được sử dụng, một là loại thuyền lớn bằng gỗ, gọi là thuyền đầu ngựa, trước sau đã trải qua ba thời kỳ là thuyền đáy hình vuông, đáy nhọn và đáy hình thang, chở được từ hai mươi đến năm mươi người. Tương truyền, năm xưa Liên Hoa Sinh đại sư đã ngồi chính loại thuyền đầu ngựa này để tới Tây Tạng; một loại nữa là thuyền da trâu vẫn còn được sử dụng đến tận bây giờ, ban đầu, đáy thuyền da trâu vốn hình tròn, rất giống với loại thuyền đụng chúng ta vẫn hay thấy trong các công viên nước ngày nay, về sau mới phát triển thành hình thang như bây giờ. Ngoài hai loại thuyền được sử dụng nhiều nhất này ra, còn có thuyền độc mộc, thuyền máng, tùy theo từng khu vực khác nhau, từng hoàn cảnh địa lý khác nhau mà có chút sửa đổi hình dáng cho thích hợp. Có điều, những loại thuyền này ít nhiều đều có một số khiếm khuyết."



Giáo sư Phương Tân vẽ lên mặt bàn một con thuyền hình vuông, nói: "Lấy thuyền đầu ngựa làm ví dụ nhé, tải trọng thuyền lớn, chở được nhiều người, thích hợp với hành trình dài, nhưng sông ngòi ở hầu hết các khu vực thuộc Tây Tạng hẹp, độ dốc cao, thuyền đầu ngựa rất dễ va phải đá ngầm mà đắm thuyền; còn thuyền da trâu thì sao, nhẹ nhàng lại chịu lực tốt, không sợ va chạm, dẫu có gặp phải dòng nước xiết mấy cũng vượt qua được, vì vậy đến ngày nay vẫn còn được sử dụng, nhưng lòng thuyền quá nhỏ, thông thường chỉ chứa được ba tới năm người, hơn nữa lại bất lợi khi di chuyển ở cự ly dài, cùng lắm chỉ có thể dùng để qua sông mà thôi. Vì thế, về sau người Tạng đã phát minh ra loại thuyền kết hợp ưu điểm của cả thuyền đầu ngựa và thuyền da trâu, vừa nhẹ nhàng linh hoạt, chịu lực tốt lại có thể chở được nhiều người, gọi là thuyền rắn. Khung thuyền kết cấu rẻ quạt, liên kết bằng các mấu, rất giống cột sống của động vật có xương sống. Thân thuyền hình thoi, hẹp dài mà linh động, cả con thuyền trông giống như một con mãng xà khổng lồ, vì vậy mới có tên là thuyền rắn, hay thuyền hình rắn, hoặc cũng có nơi gọi là thuyền rồng, nhưng so với thuyền rồng trong nội địa thì khác biệt rất nhiều."



Nhạc Dương kinh ngạc nói: "Giáo sư, bác nghiên cứu về thuyền kỹ lưỡng như thế từ lúc nào vậy?"



Giáo sư Phương Tân điềm đạm mỉm cười, nói: "Từ sau khi ở Đảo Huyền Không tự trở về, nghe Cường Ba nhắc tới những bức bích họa đó, tôi đã bắt đầu lưu ý đến các loại thuyền lớn từng xuất hiện ở Tây Tạng thời xưa, cũng đã tra ra được một ít tài liệu." Ông ngưng lại giây lát, đoạn tiếp: "Có điều, các tư liệu về thuyền rắn lại là của pháp sư Tháp Tây cung cấp, trong các tư liệu lịch sử hầu như không thấy nhắc đến. Hơn nữa, lúc đó tôi đã từng ngờ vực, lấy đâu ra một tấm da lớn như thế để chế tạo con thuyền dài tới mức đó, tư liệu mọi người mang về đã cho tôi chứng cứ xác thực về điều đó rồi."



Pháp sư Á La và Trương Lập lấy các tư liệu ra, Nhạc Dương chỉ tay vào con thuyền hình rắn nói: "Giờ đã giải quyết một phần vấn đề rồi, nhưng lại nảy sinh ra vấn đề mới."



Giáo sư Phương Tân liền hỏi: "Vấn đề mới gì?"



Nhạc Dương nói: "Vấn đề chủ yếu bây giờ là con thuyền đó đã ở dưới lòng đất hơn ba năm, không biết có còn dùng được hay không nữa. Ngoài ra, còn một vấn đề mà tôi nghĩ mãi cũng không sao hiểu nổi, người điên đó làm sao có thể một mình điều khiển cả con thuyền lớn như thế từ trong bóng đêm trở về thế giới bên ngoài được. Nếu bảo là có khoảng chục người, cộng với đầy đủ thức ăn nước uống thì còn có lý."



Giáo sư Phương Tân nói: "Cũng có khả năng là có mười mấy người, chỉ có điều, đến cuối cùng chỉ còn một mình anh ta sống sót."



Nhạc Dương lại nói: "Vậy còn thức ăn thì sao? Cả mười mấy con người thì cũng phải để lại chút dấu vết gì đó trên thuyền chứ?"



Giáo sư Phương Tân nói: "Dưới sông ngầm đó có các vi sinh vật, đã ba năm trôi qua, đầu mối gì thì cũng bị các vi sinh vật trong nước phân giải hết cả rồi. Nhưng tại sao con thuyền ấy lại không bị mục nát gì cả?"
Đường Mẫn nói: "Em nhớ lúc trước tìm tài liệu về Shangri-la, có đọc được một thuyết nói rằng bộ Đại Thiên Luân Kinh này vốn có một vạn hai nghìn bài tụng, nhưng A Để Hiệp đại sư chỉ mang trở về Tây Tạng được có một nghìn hai trăm bài tụng thôi, chín phần mười nội dung còn lại đã thất truyền cả rồi!"



Pháp sư Á La nói: "Đúng vậy, là như thế đó, hơn nữa đây cũng là điều A Để Hiệp đại sư đích thân nói ra. Khi khai đàn giảng về Đại Thiên Luân Kinh, ngài đã nói rất rõ ràng, bộ kinh thư này vốn phải có một vạn hai nghìn bài tụng, nhưng trải qua nhiều trắc trở mất mát, đến được tay ông thì nội dung chỉ còn một phần mười mà thôi."



Đường Mẫn nói: "Mọi người còn nhớ bản dịch của Cổ Cách kim thư như thế nào không? Lúc sứ giả đến Trác Bất Nhượng, đã thay đổi chủ ý, muốn đem Tòa thành được ánh sáng tỏa chiếu mang đến một nơi xa xôi ở chân trời, đồng thời còn yêu cầu Cổ Cách vương phải bảo quản một món tín vật khác. Ngoài ra, trong bản dịch chúng ta đọc được, cũng có đoạn nói đến Cổ Cách vương đã bí mật đưa tín vật đi, đồng thời lại có đoạn nói tín vật là một tấm bản đồ. Vậy là Cổ Cách vương đã giữ tín vật lại bên mình! Bản thân vị sứ giả kia cũng đã để lại viên hồng bảo thạch trong Cánh cửa Sinh mệnh, rồi đem Tòa thành được ánh sáng tỏa chiếu đưa tới tận châu Mỹ, nếu tham chiếu cách làm của ông ta..."



Giáo sư Phương Tân vỗ lên tay vịn ghế đánh "chát" một tiếng, tiếp lời: "Vậy thì bản dịch không còn mâu thuẫn nữa, đích thực là Cổ Cách vương đã lưu lại một phần tín vật, đồng thời cũng bí mật đưa một phần khác đi xa. Bản đồ da sói và Đại Thiên Luân Kinh bổ trợ cho nhau, chỉ có bản đồ mà không có được đoạn miêu tả trong Đại Thiên Luân Kinh, thì căn bản không biết làm thế nào để đi bước đầu tiên; nhưng nếu chỉ có đoạn miêu tả trong Đại Thiên Luân Kinh mà không có bản đồ, thì cũng không thể nào tìm thấy Shangri-la được!"



Trác Mộc Cường Ba vỗ mạnh tay, hào hứng nói: "Như vậy là chúng ta có thể nhìn rõ được tuyến đường họ đi rồi: một người đi hướng Đông, băng qua Thái Bình Dương; còn người còn lại, đi hướng Tây, đưa kinh văn đến Ấn Độ, hoặc thậm chí là nơi nào đó còn xa hơn cả Ấn Độ về phía Tây. Đây chính là ước định năm đó giữa sứ giả và quốc vương Cổ Cách, tách rời các tín vật ra, đưa tới chân trời góc biển, vĩnh viễn không để chúng gặp lại nhau nữa!"



Giáo sư Phương Tân trầm ngâm suy nghĩ: "Cổ Cách vương không thể nào tự mình mang kinh văn đi được, có lẽ là ông ta phái người..."



Mẫn Mẫn lập tức nói ngay: "Ông ta có phái người đi mà, Cổ Cách vương từng phái đi hai mươi mốt người thông huệ nhất đi về phía Tây cầu pháp!"



Giáo sư Phương Tân và pháp sư Á La đưa mắt nhìn nhau. Trác Mộc Cường Ba lại vỗ đùi nói: "Đúng rồi, kinh thư không giống như tấm gương đồng, bọn họ có thể chia thành nhiều phần mang đi, nếu mỗi người trong hai mốt vị đệ tử đó đều mang đi một phần..."



Pháp sư Á La tiếp lời ngay: "Đại dịch sư Nhân Khâm Tang Bố và Tiểu dịch sư Nga Lôi Tất Hỉ Nhiêu đều bái A Để Hiệp đại sư làm thầy. Nếu đúng là Đại Thiên Luân Kinh bị chia thành hai mươi mốt phần, vậy thì phần A Để Hiệp đại sư có được chính là gần được một phần mười nội dung, vậy nên ngài mới có thể khẳng định rằng, Đại Thiên Luân Kinh được truyền đi từ Tây Tạng, đồng thời bản hoàn chỉnh của bộ kinh thư này tổng cộng có một vạn hai nghìn bài tụng!"



Mẫn Mẫn trợn tròn mắt lên nói: "Chuyện... chuyện này trùng hợp quá!" Giáo sư Phương Tân cũng vỗ mạnh tay lên bàn: "Lịch sử và truyền thuyết, quả đã khớp với nhau ở một mức độ nào đó rồi!"



Pháp sư Á La lắc đầu: "Không! Lịch sử rất ít khi xuất hiện sự trùng hợp, tất cả những gì xảy ra đều có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Cổ Cách vương hướng về Phật pháp, chuyện này không hề sai, nhưng không người nào có thể giải thích được, tại sao Y Tây Ốc Bá lại thành kính đến độ từ bỏ cả vương vị, tại sao ông ta lại đột nhiên nảy ra ý định phái hai mươi mốt đệ tử đến Ấn Độ, về sau lại còn bất chấp tất cả để mời bằng được A Để Hiệp đại sư đến Cổ Cách hoằng dương Phật pháp nữa."



Trác Mộc Cường Ba nói: "Đúng đó, nếu nói Cổ Cách vương đã sai người đưa Đại Thiên Luân Kinh đi, để bộ kinh thư ấy phân tán khắp nơi trên vùng đất phía Tây, vậy tại sao đến những năm cuối đời, ông ta lại kiên trì mời bằng được A Để Hiệp đại sư, thậm chí còn bất chấp cả tính mạng của mình, đây chẳng phải mâu thuẫn lắm hay sao?"



Giáo sư Phương Tân nói: "Mọi người có cảm thấy, hành vi của Cổ Cách vương rất giống với một người khác hay không, cũng là ban đầu giữ thái độ bài xích, đến những năm cuối đời, lại đột nhiên trở nên cuồng nhiệt theo đuổi, như là bị ma nhập vào vậy."



Trác Mộc Cường Ba ngập ngừng: "Người thầy nói đến là..."



1 Thuật ngữ địa lý, chỉ các trầm tích calcium carbonate hình thành do nước chảy trong các hang động.



2 Hệ thống hang động dài nhất thế giới được biết đến cho tới thời điểm này, nằm ở trung tâm bang Kentucky, nước Mỹ.



3 Thuật ngữ địa lý, chỉ các tầng nham thạch trong vỏ trái đất.