Mật Mã Tây Tạng
Chương 143 : Biệt ly
Ngày đăng: 19:01 20/04/20
Sáng hôm sau, một buổi sớm rực rỡ ánh mặt trời tươi đẹp, đám đội viên cũ như Trác Mộc Cường Ba, Đường Mẫn, đội trưởng Hồ Dương, pháp sư Á La, Lữ Cánh Nam, Trương Lập, Nhạc Dương, Ba Tang tụ tập cả trong phòng giáo sư Phương Tân, chào tạm biệt ông trước khi lên đường.
Một vạt nắng chiếu qua cửa sổ, làm phòng khách sáng bừng lên lạ thường. Giáo sư nắm chặt tay từng người một, nhất thời cả gian phòng chìm trong tĩnh lặng, không ai biết nên nói gì cho thích hợp. Mọi người đã từng cùng nhau trải qua sinh tử, nếu không phải tình trạng sức khỏe của giáo sư Phương Tân thực sự không thể mạo hiểm được nữa, hay vì tính mạng của Trác Mộc Cường Ba chỉ còn đếm được từng ngày, cả đội nhất định sẽ đợi đến khi vết thương nơi chân giáo sư lành hẳn rồi cùng xuất phát lên đường. Trong đội ngũ này, ai ai cũng biết, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, người duy nhất vẫn miệt mài tra tìm tư liệu, sắp xếp chỉnh lý dưới ánh đèn chẳng phải ai khác, mà chính là vị giáo sư già cao tuổi nhất đội này; khi tất cả đều ngơi nghỉ, người duy nhất vẫn bận bịu trao đổi với các chuyên gia, không ngừng lên mạng, không ngừng nói chuyện, chẳng phải ai khác mà chính là vị giáo sư có mái tóc bạc trắng ấy; khi đường tiến lên gặp phải hố sâu không thể vượt qua, hay gặp vấn đề hóc búa không thể giải quyết, người chỉ điểm bến mê, vén mây thấy mặt trời, cũng chính là vị giáo sư bác học đa tài ấy. Ai nấy đều biết kiến thức quảng bác của giáo sư từ đâu mà có, đều thực lòng khâm phục giáo sư, cảm kích giáo sư, đặc biệt là Trác Mộc Cường Ba. Khi những người này còn chưa biết nhau, thầy giáo của gã đã ra công gắng sức để tìm kiếm Bạc Ba La thần miếu rồi. Con người thầy giáo gã là như vậy, một khi đã làm chuyện gì, thì nhất định sẽ dồn hết trăm phần trăm tâm sức vào đó, cho dù gãy cả chân phải ngồi xe lăn, ông cũng chưa từng ngừng công việc lại. Nếu nói thầy giáo gã là người trả giá nhiều nhất cho chuyến đi tìm kiếm Bạc Ba La thần miếu này, đảm bảo không một ai ở đây dám lên tiếng phủ nhận. Thế nhưng, giờ đây, khi thực sự xuất phát lên đường, giáo sư Phương Tân lại chỉ có thể ngồi trên xe lăn như một bậc trưởng bối hiền từ, nhìn đám trẻ sắp phải lên đường đi xa của mình, mỉm cười với từng thành viên một.
Nhạc Dương là người đầu tiên bước lên. Anh nắm tay giáo sư nói: "Giáo sư, cám ơn bác."
"Hả? Cám ơn gì tôi?" Giáo sư Phương Tân mỉm cười hỏi.
Nhạc Dương nói: "Bác đã dạy cháu rất nhiều điều, những điều mà cả đời này cháu cũng không dùng hết, vì vậy, cám ơn bác..." Nói tới đây, giọng anh cũng không khỏi hơi nghèn nghẹn.
Trương Lập ngắt lời: "Được rồi, có phải trẻ con đâu, nói một hai câu từ biệt cũng không nói được nữa, mà chúng ta có đi lâu lắc gì đâu, nói không chừng một hai tuần là đã xong xuôi rồi, loáng cái là về ngay thôi ấy mà. Bác nói có phải không ạ, giáo sư?"
Giáo sư Phương Tân mỉm cười, nói: "Tất nhiên rồi, hy vọng mọi người mã đáo thành công."
Trương Lập lại nói: "Còn nữa, việc ấy... sau khi chúng cháu xuất phát, giáo sư giúp cháu lưu ý một chút."
Giáo sư Phương Tân ngập ngừng nói: "Cậu nói chuyện gì? À... tôi biết rồi!" Trương Lập ghé miệng sát tai giáo sư Phương Tân thì thầm: "Giáo sư cũng biết mà, đi chung với Cường Ba thiếu gia, lúc nào cũng cô đơn lẻ bóng, bác xem..."
Giáo sư Phương Tân cười hì hì nói: "Hiểu rồi, hiểu rồi. Chuyện ấy thì cứ để giáo sư này giúp cậu tham khảo xem sao. Có điều, tôi chỉ nghiên cứu chó thôi, về phương diện thẩm mỹ đã lạc hậu nhiều lắm rồi, đến lúc đó nếu không được như kỳ vọng của cậu thì đừng trách tôi đấy nhé, ha ha." Giáo sư Phương Tân ngưng cười, vỗ vỗ lên cánh tay Trương Lập, gật đầu nói: "Anh bạn trẻ, nên suy nghĩ đi, coi như là vì mẹ cậu..."
Nhắc đến mẹ, Trương Lập liền nhớ đến lúc rời nhà, mẹ anh đứng trước cửa, chỉnh lại cổ áo cho anh, đích thân cầm ba lô đeo lên lưng cho anh, rồi xoa xoa đầu, phủi đám bụi bám trên vạt áo trên tay áo, rồi sau đó mới hài lòng nhìn đứa con trai cao lớn đứng trước mặt bà... Tất cả hệt như hồi anh còn nhỏ.
"Mẹ ơi, con đi đây."
Mẹ anh gật gật đầu, nụ cười mãn ý hiền hòa ấy, vĩnh viễn là nụ cười đẹp nhất trong lòng Trương Lập. Anh đếm số bước chân, khi tới bước thứ hai mươi, tiếng gọi quen thuộc của mẹ lại vang lên sau lưng: "Con à, đi sớm về sớm nhé!" Chính là tiếng gọi này, đã cùng anh lớn lên từ thuở ấu thơ, bất kể là trong thời điểm nào, cũng khiến lòng anh ngập tràn trong ấm áp. Hai mươi bước, xưa nay chưa bao giờ hơn cũng chưa bao giờ kém một bước. Lần nào anh cũng có chút mong chờ, lại cũng có chút không nỡ nghe thấy tiếng gọi đó, để rồi lập tức cao giọng đáp lời: "Con biết rồi mẹ!" Trong lòng đã thầm tự thề với lòng: "Mẹ ơi, lần này là lần cuối cùng, sau này con sẽ không bao giờ rời xa mẹ nữa, con trai mẹ nhất định sẽ tìm được một cô dâu tốt, chúng ta mua một căn nhà lớn trong thành phố..."
Dọc đường, Trác Mộc Cường Ba không ngừng mân mê con dao nhỏ bằng thép. Mỗi vết xước hằn trên thân dao đều như đang kể lại những cuộc hành trình thời trai trẻ của giáo sư Phương Tân. Hoặc giả, đến một ngày nào đó, khi gã cũng già nua đến độ không thể bước đi được nữa, con dao này sẽ được nắm trong tay một người trẻ tuổi khác, để chứng kiến một cuộc hành trình đầy những kỳ tích khác. "Con đường chúng ta đi, không ai hay biết, những chuyện chúng ta làm, không người ghi chép, nhưng con dao nhỏ này, chắc là nó có thể cảm nhận được." Gã trầm ngâm nghĩ vậy, đến nỗi không để ý cả đến Đường Mẫn cứ xuýt xoa rủ gã cùng ngắm cảnh hai bên đường.
Khi xe đến Bài Hương, phía trước đã không còn đường nữa, cả đoàn phải xuống xe. Đám khách ba lô ấy lại đeo hành trang trĩu nặng của mình, theo đuổi hy vọng tự do, tiến về vùng hoang nguyên mà nền văn minh hiện đại không thể vươn cánh tay đến. Phía trước có quá nhiều điều chưa biết đang đợi chờ bọn họ, thậm chí có những điều bắt họ phải trả giá bằng cả tính mạng mình, nhưng tất cả đều đang cười hân hoan, tiến lên không chút do dự, bởi vì họ mang theo hy vọng và khát khao, vẻ đẹp trước mắt sớm đã làm lu mờ, khuất lấp nỗi sợ đối với nguy hiểm hay thậm chí là cái chết.
Ngày đầu tiên, các thành viên trong đội đi một mạch không ngừng nghỉ, băng đèo vượt núi đến bên bờ sông Nhã Lỗ Tạng Bố. Nhìn con rồng trắng ngoằn ngoèo uốn khúc, những người mới lần đầu tiên trông thấy sông Nhã Lỗ Tạng Bố không khỏi bồi hồi kích động, gối lên tiếng sóng ầm ầm chìm sâu vào giấc mộng, sóng lòng cuồn cuộn dâng cao tựa dòng sông bên cạnh. Ngày thứ hai, đoàn bắt đầu tiến vào con đường nhỏ cheo leo trên vách núi sát bờ sông, những thành viên mới chưa từng đi qua con đường trên vách núi dựng đứng như thế này, đương nhiên là không được thuận lợi cho lắm, mỗi lần đi đến chỗ nào hiểm yếu đều không khỏi giật mình thảng thốt mất một lúc. Để bảo đảm an toàn, cả đoàn đi chậm lại một chút, nhưng trước khi trời tối cũng đến được chỗ hõm vào đầu tiên để nghỉ ngơi. Ba ngày tiếp sau đó trôi qua trong những tiếng kêu kinh hãi của các thành viên mới, tuy nhiên cũng không ai gặp phải chuyện gì nguy hiểm. Ngày thứ tư, họ bắt đầu tiến vào đoạn nước chảy xiết nguy hiểm nhất trên dòng sông Nhã Lỗ Tạng Bố, xưa nay chưa từng có người vượt qua được. Nhạc Dương thu hồi lại các thiết bị giám sát đặt dọc đường từ lần trước, đồng thời tiến hành phân tích sơ qua các băng ghi hình. Tối ngày hôm đó, toàn thể đội viên đều an toàn qua được Đại lưu tố 7, bắt đầu đặt chân vào phạm vi thôn Công Bố. Trác Mộc Cường Ba và mấy thành viên kỳ cựu bàn bạc một hồi rồi quyết định, vì khoảng cách quá xa, trời cũng đã tối, cả đoàn sẽ không đến thôn Công Bố nghỉ qua đêm nữa, mà cắm trại luôn ngoài trời, ngày hôm sau sẽ đến thẳng Cánh cửa Địa ngục.
Lửa trại cháy hừng hực, hắt lên đỏ hồng gương mặt các thành viên. Đội trưởng Hồ Dương và pháp sư Á La, pháp sư Tháp Tây ngồi bệt dưới đất, dường như đang thương nghị chuyện gì đó. Lữ Cánh Nam đứng bên cạnh lắng nghe. Nhạc Dương thì đang tập trung sắp xếp lại các dữ liệu số bọn họ thu thập được, hai đồng đội cũ của anh cứ chốc chốc lại ra quấy quả làm phiền một lúc, nhưng cả hai anh chàng quấy rối đã nhanh chóng bị miệng lưỡi dẻo quẹo kể những sự việc thần bí lúc họ tới thôn Công Bố lần đầu tiên của Trương Lập thu hút. Tuy chuyện đã nghe không biết bao nhiêu lần từ hồi ở trại huấn luyện rồi, nhưng lúc này, ở giữa khung cảnh ấy, nghe lại Trương Lập mồm năm miệng mười, cố ý làm ra vẻ huyền hoặc như thế, cảm tưởng cũng khác hơn nhiều; cả mấy người bọn Vương Hựu, Lý Hồng, Trương Kiện mê mẩn lắng nghe. Sean ngồi giữa hai nhóm người, lúc thì nghe Trương Lập kể chuyện, lúc lại quay sang nghe mấy người nhóm đội trưởng Hồ Dương thảo luận. Ba Tang không nói lời nào ngồi xổm ở một góc, thỉnh thoảng lại cười khẩy một cái. Trương Lập thi thoảng dè dặt liếc Ba Tang một cái, như thể chỉ sợ Ba Tang sẽ lật tẩy mình đang nói phét. Sự thực thì người hay pha trò trêu chọc Trương Lập không phải ai khác mà chính là Mẫn Mẫn. Gương mặt nhỏ nhắn của cô có ánh lửa chiếu lên đỏ hây hây, miệng nhoẻn cười tươi như hoa nở, thi thoảng lại xen vào một hai câu bóc mẽ Trương Lập, làm anh chàng hết sức luống cuống bị động. Mạnh Hạo Nhiên thì hầu như chỉ loay hoay hí hoáy với cái máy ảnh, nếu không thì cũng kê vật cứng lên, cắm cúi ghi chép. Mấy ngày đi bộ bên sông Nhã Lỗ Tạng Bố đã khiến thi hứng của nhà thơ trẻ này dâng lên ngùn ngụt, tối nào cũng phải ngâm thơ làm phú một hồi chán chê mới chịu thôi.
Trác Mộc Cường Ba ngồi bên cạnh Mẫn Mẫn, nhưng gã không hề để tâm đến Trương Lập đang ba hoa xích tốc, ánh mắt ngước nhìn dãy núi ở phía xa, trong lòng cứ trăn trở mãi về những câu đố đến giờ vẫn chưa thể tìm ra lời giải đáp. Gã hiểu rất rõ, những câu đố ấy, rất có thể sẽ trở thành chướng ngại lớn nhất trong hành trình lần này của bọn gã. Ngày nào còn chưa tìm hiểu rõ ràng, ngày ấy gã vẫn chưa thể yên tâm được.
"Cường Ba thiếu gia, anh lại đây xem này." Nhạc Dương vẫy tay gọi gã.
6 Sợi xích sắt bắc qua sông, đã nhắc đến ở tập 3 Mật mã Tây Tạng. (ND)
7 Câu trong bài Vọng Lư sơn bộc bố của Lý Bạch:
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây
(Tương Như dịch thơ)