Mật Mã Tây Tạng
Chương 33 :
Ngày đăng: 19:00 20/04/20
Trác Mộc Cường Ba không đi nghỉ ngơi như lạt ma Á La nói, mà vội vàng mang những thông tin này tới nói với giáo sư Phương Tân. Về những chuyện liên quan tới Tạng ngao mà Lạt ma Á La đề cập, giáo sư cũng cảm thấy hết sức khó tin. Đem sói tuyết cao nguyên gắn với cho ngao Tây Tạng, đây thực là một khía cạnh hoàn toàn mới mà trước đây bọn họ chưa từng nghĩ đến bao giờ.
Lúc nói đến sói thống lĩnh, Trác Mộc Cường Ba thử hỏi ý kiến giáo sư Phương Tân: "Tạng ngao sống chung với bầy sói, thầy giáo, thầy cảm thấy có khả năng này hay không?"
Giáo sư Phương Tân gật đầu: "Về mặt lý luận thì có thể được. Phải biết rằng, sói sống quần thể kiểu gia tộc, không giống với những loài khác, chúng có tập tục tiếp nhận những con sói lưu lãng từ nơi khác đến. Các loài động vật họ chó đều sở hữu cơ quan phát và tiếp nhận tín hiệu gần giống nhau, điểm này rất quan trọng đối với chuyện xác nhận thân phận và giao lưu. Hơn nữa dựa trên kết quả nghiên cứu của tôi, đại đa số động vật họ chó đều có ngôn ngữ cơ thể cực kỳ giống nhau, chẳng hạn hướng trỏ của cái đuôi, ánh mắt, khóe miệng, cách phát âm, lăn lộn…cũng giống như những động tác ra hiệu bằng tay thường dùng của con người mà cả thế giới đều hiểu vậy. Yếu tố tương đồng này chính là nền tảng vững chắc để chúng tiến thêm một bước trong khả năng giao lưu giữa các cá thể. Không biết cậu đã xem qua một cuốn tiểu thuyết tên là Tiếng gọi nơi hoang dã chưa. Cuốn sách đó viết về một con chó được con người thuần dưỡng, đã trải qua rất nhiều sự kiện trong xã hội loài người, cuối cùng quay trở về với đàn sói, và trở thành sói đầu đàn. Bỏ qua không nói đến ý nghĩa xã hội của câu chuyện, trong tác phẩm tác giả miêu tả tương đối sinh động quá trình một con chó săn đã trở thành sói đầu đàn. Do vậy, mặc dù nói chó săn gần với sói hơn chó ngao Tây Tạng, nhưng chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng Tạng ngao sống chung với bầy sói được. Sở dĩ chúng ta chưa từng nhìn tháy bao giờ là vì ngày nay cả sói lẫn Tạng ngao hoang dã đều còn lại quá ít. Nhưng kiến giải về sói thống lĩnh trời sinh thì hình như hơi quá khoa trương, tôi sẽ giữ thái độ hoài nghi. Phân tích từ những điều lạt ma Á La nói, tôi khẳng định là vẫn còn nội tình gì đó ở đây."
Trác Mộc Cường Ba nói: "Lạt ma Á La kể, ông ấy biết được những thông tin này từ một vị tiền bối…" Kế đó, gã thuật lại các điều tra nghiên cứu mà vị tiền bối lạt ma Á La nhắc đến đã thực hiện. Mới kể được một nửa, đã nghe giáo sư Phương Tân ngắt lời nói: "Vị tiền bối mà lạt ma Á La nói ấy, có phải là một vị họ Trại, người dân tộc Tạng hay không?"
"Ồ." Trác Mộc Cường Ba ngớ người ra giây lát, gật đầu.
"Thầy giáo cũng biết người này?"
"Ừm." giáo sư Phương Tân nói, "hồi tối học đại học, thầy giáo của tôi từng nhắc đến con người này. Ông ấy nói, thời kỳ trước giải phóng, vị họ Trại này chính là người yêu thích nghiên cứu Tạng ngao cuồng nhiệt nhất, nếu không có người đó, thầy giáo của tôi thậm chí còn không biết trên thế giới này còn có loài chó ngao Tây Tạng ấy nữa, chính là vị tiền bối ấy đã thay đổi phương hướng cũng như đề tài nghiên cứu của thầy giáo dạy tôi đó."
Nói tới đây, giáo sư Phương Tân ngưng lại một chút, cơ hồ đang hồi tưởng lại chuyện quá khứ. Trác Mộc Cường Ba hỏi thêm một câu: "Thầy giáo, thầy của thầy trước đó nghiên cứu đề tài gì vậy?"
Giáo sư Phương Tân tiện miệng đáp luôn: "Nhân giống gấu trúc nhân tạo." Ông định thần lại, ngước mắt nhìn Trác Mộc Cường Ba mỉm cười, rồi nói tiếp: "Vào thời ấy thì đây là hạng mục nghiên cứu khoa học trọng điểm. Có điều vị Trại tiên sinh kia, thực ra không thể noi là một học giả được, ông ấy chỉ chuyên chú vào Tạng ngao mà thôi, vì vậy thầy giáo của tôi mới gọi ông ta là người yêu thích chó ngao Tây Tạng."
"Vậy thầy giáo của thầy nhất định là biết rất nhiều chuyện về vị Trại tiên sinh ấy rồi? Ông ấy tên là gì? Là người vùng nào ở Tây Tạng? Giờ còn có thể tìm được ông ấy nữa không…" Trác Mộc Cường Ba hỏi liền một hơi dài.
Giáo sư Phương Tân lắc đầu nói: "Không, không, thực ra thầy giáo của tôi hết sức ngẫu nhiên có gặp mặt ông ấy một lần, sau này bọn họ đều chỉ thư từ qua lại. Thầy giáo của tôi luôn gọi ông ấy là Trại tiên sinh, tôi cũng không biết ông ta tên là gì nữa, chỉ nhớ thầy giáo tôi từng rói rằng, Trại tiên sinh có thân phận hết sức đặc biệt, đó là một chức nghiệp liên quan đến động vật, nghe nói đó cũng là một chức nghiệp cực kỳ đặc biệt ở Tây Tạng, gọi là gì thì tôi cũng quên mất rồi." Giáo sư Phương Tân đẩy gọng kính lên sống mũi, đoạn nói tiếp "tóm lại là, thầy giáo tôi đánh giá Trại tiên sinh đó rất cao, nói rằng thời kỳ trước và đầu giải phóng, ông ấy là người am hiểu nhất về chó ngao Tây Tạng, hơn nữa con người này còn tinh thông nhiều thứ ngôn ngữ, có học thức rất sâu rộng, vậy nên đến giờ tôi vẫn còn chút ấn tượng về ông ấy. Nhưng vị Trại tiên sinh này trước nay chưa từng xuất hiện trên bất xứ báo, tạp chí hay ấn phẩm học thuật nào, có lẽ ông ấy là người độc lai độc vãng, điều này chắc có liên quan đến chức nghiệp thần bí kia của ông ấy cũng nên."
Vốn tưởng rằng giáo sư Phương Tân biết nhiều hơn, Trác Mộc Cường Ba không khỏi có chút thất vọng. Giáo sư Phương Tân thấy vậy, mỉm cười nói: "Được rồi, thu hoạch của chúng ta hôm nay cũng đủ rồi, những đầu mối này thoạt nhìn thì có vẻ không ra đâu vào đâu, nhưng lại là một phương hướng hoàn toàn mới mẻ, thêm một chút thời gian nữa, nhất định chúng ta sẽ có bước đột phá lớn. Giờ đã muộn lắm rồi, lạt ma Á La nói đúng đấy, ngày mai có lẽ sẽ rất nguy hiểm, chúng ta cần phải chuẩn bị cho tốt, giờ chưa phải thời cơ thích đáng để thảo luận những vấn đề này đâu. Trở về nghỉ ngơi trước đã, OK?"
Trác Mộc Cường Ba trầm ngâm giây lát rồi nặng nề gật đầu bước đi.
Gió đêm u uất, tường đá im lìm dưới bầu trời sao lồng lộng, một cánh chim ưng lướt về phía vầng trăng non. Lữ Cánh Nam bước ra hậu viện khu nhà, nói với bóng đen đứng phía trước: "Á La đại nhân."
Bóng đen quay đầu lại, điềm đạm nói: "Ừm, con biết không, thôn Công Bố này là hậu duệ của Ngoại Kim Cương viện ở Phương Nam của chúng ta, Cánh cửa sinh mệnh chính là Thánh đàn của giáo ta."
Lữ Cánh Nam khẽ kêu lên: " Á, điều…điều này thì con không hề nghĩ đến, chỉ cảm thấy có chút quen thuộc thôi."
Lạt ma Á La nói: "Lần này có thể liên hệ được với họ đúng là thu hoạch bất ngờ, đã xa cách cả nghìn năm rồi, bọn họ vẫn kiên trì với sứ mệnh của mình. Nếu không phải nhìn thấy những thứ bên trong Thánh đàn, ta cũng không ngờ bọn họ lại chính là hậu duệ của Ngoại Kim Cương viện đâu."
Lữ Cánh Nam nhìn theo bóng chim ưng đã biến thành một chấm đen trên nền trời, nói: "Báo với Trưởng lão hội rồi ạ?"
Lạt ma Á La gật đầu: "Ừm, chuyện ở đây vẫn phải để Trưởng lão hội cân nhắc đưa ra quyết định, ta không thể làm chủ được."
Lữ Cánh Nam nói: "Vậy, còn thân phận Thánh sứ đại nhân của Cường Ba thiếu gia…"
Lạt ma Á La đáp: "Chuyện này thì ta cũng không biết. Thân phận Thánh sứ là gì, Thánh sứ phụ trách sứ mệnh gì, bọn họ đều không hé môi nửa lời. Bọn họ cũng tuân thủ theo quy tắc giống như chúng ta, chỉ trung thành với lời thề, chứ không trung thành với bất cứ người nào, tuyệt đối không nói chuyện này với người ngoài đâu, cho dù là người cùng giáo phái cũng không thể. Có điều theo ta thì trải quan một nghìn năm, phương pháp xác nhận thân phậ Thánh sứ của họ e là đã có vấn đề. Nói thế nào thì Merkin cũng không thể là Thánh sứ mới ohải, hắn là người ngoại quốc cơ mà."
Lữ Cánh Nam trầm ngâm: "Liệu có khả năng không phải Merkin, mà một người nào đó trong đám lính đánh thuê của hắn?"
Lạt ma Á La lắc đầu: "Không, ta đã xác nhận lại rồi, chính là Merkin. Hơn nữa, con cũng biết đấy, Thánh sứ không chỉ có mình Merkin và Cường Ba thiếu gia,còn có những Thánh sứ khác nữa…"
Lữ Cánh Nam ngạc nhiên thốt lên: "Đây…rốt cuộc là chuyện thế nào vậy? Thánh sứ này rốt cuộc là để làm gì? Con nghe cách nói của Đa Cát, hình như Thánh sứ có quan hệ trực tiếp với Bạc Ba La thần miếu thì phải?"
Lạt ma Á La gật đầu: "Ừm, Thánh sứ hình như là người có thể đi thẳng đến Bạc ba La thần miếu, hoặc là người có thể nảy sinh một mối liên hệ gì đó với Bạc Ba La thần miếu, còn những người khác thì đều không có tư cách này. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, cho dù không có thôn Công Bố xác nhận thân phận Thánh sứ của Cường Ba thiếu gia, thì chẳng phải là chúng ta cũng nghĩ như vậy hay sao, trong cơ thể của Cường Ba thiếu gia, chẳng phải đang chảy dòng máu cao quý thần thánh đó hay sao?" Ông hướng ánh mắt nhìn lên bầu trời đêm xa thẳm, một chút ưu tư thấp thoáng hiện lên vầng trán, thầm nhủ: "Nhưng mà sức khỏe của Cường Ba thiếu gia cũng khiến người ta thật hết sức lo lắng, lần sơ suất này…thật không biết phải ăn nói với Trưởng lão hội thế nào…"
Lữ Cánh Nam dường như đã nhìn thấu tâm tư của lạt ma Á La, liền truy vấn: "Á la đại nhân, con muốn biết, sức khỏe của Cường Ba thiếu gia, rốt cuộc…"
Lạt ma Á La lắc đầu nói: "Còn nhớ chuyện ta từng nhắc nhở con không, chớ nên đánh giá thấp người bộ tộc Qua Ba, chớ nên coi thường vu thuật của người Tạng cổ. Lần này, Cường Ba thiếu gia chính là trúng phải cổ độc Đại Thanh Liên, ba vị trưởng lão đó đã chứng thực rồi."
Lữ Cánh Nam vội nói: "Cũng có nghĩa là lúc ấy ngâm trong nước sạch chỉ giải trừ được đau đớn bên ngoài, chứ không thể trừ tận gốc cổ độc?"
Lạt ma Á La gật đầu xác nhận. Lữ Cánh Nam lolắng nói: "Vậy thì sẽ ra sao?"
Lạt ma Á La lắc đầu: "Không nói được, ba vị trưởng lão chỉ khẳng định trong khoảng thời gian tới đây sẽ không xuất hiện bất cứ vấn đề gì, lâu nhất cũng không quá hai ba năm, sau đó thì không rõ, ta còn phải thỉnh giáo Trưởng lão hội, xem các vị đại nhân ở đó có cách gì không. Phải rồi, chuyện này ngàn vạn lần không được để Cường Ba thiếu gia biết, trừ phi là chúng ta đã tìm được phương cách giải quyết."
Lữ Cánh Nam không nói gì.
Lạt ma Á La đột nhiên gằn giọng: "Ở đây có quá nhiều chuyện cần chúng ta phải làm rõ đầu mối, một nghìn năm chờ đợi mòn mỏi có lẽ chính là vì ngày hôm nay đây! Con nhất định phải nhớ rõ thân phận và sứ mệnh của mình, trên danh nghĩa con là chỉ huy của đội ngũ này, chúng ta không cho phép con phạm bất cứ sai lầm nào, đặc biệt là đối với Cường Ba thiếu gia, con hiểu chưa?"
Lữ Cánh Nam cúi gằm mặt: "Con hiểu rồi."
Lạt ma Á La thấp giọng xuống: "Đúng rồi, còn hai chuyện nữa con cần phải biết, con còn nhớ bài ca Đa Cát đã đọc thuộc lòng đó không?"
Lạt ma Á La nói: "Hồ thần và một hồ khác đối xứng với nó trên núi Cương Để tư đều nổi tiếng cả, chắc mọi người đều biết chứ?"
Trác Mộc Cường Ba nói: "Có phải đại sư nói đến hồ thần Mã Bàng Ưng Thác và hổ quỷ Lạp Ngang Thác?"
Nhạc Dương cũng sực nhớ ra, cách hồ thần Mã Bàng Ưng Thác không xa, ước chừng một đường vạch, còn có một hồ nước được mệnh danh là hồ quỷ Nạp Ngang Thác. Có truyền thuyết nói hai hồ này vốn là một cặp vợ chồng, cũng có truyền thuyết nói hồ Nạp Ngang Thác như vầng nguyệt ở phương Tây, còn hồ thần Mã Bàng Ưng Thác là mặt trời ở phương Đông. Theo các chuyên gia khảo cứu, hai hồ này trước đây thông nhau, về sau bị tách rời do vận động địa chất, nhưng cũng từng có sông đào nối liền lại, về sau mực nước thay đổi nên lòng sông đào khô cạn, đến ngày nay có kẽ hai đáy hồ vẫn còn thông với nhau. Điều khiến người ta không thể tin được là nước trong hồ thần thì trong veo, mát ngọt, còn nước hồ quỷ lại chát xít đắng ngắt; hồ thần những khi trời trong thường phản chiếu phật quang trên đỉnh thần sơn, còn hồ quỷ thì quanh năm mây mù mờ mịt, mặt hồ vừa u ám vừa kỳ bí, tương truyền màu sắc nước hồ ấy cũng biến ảo bất định giữa ba màu xanh, đen, trắng. Ngày nay, người ta vẫn đi qua khoảng giữa hai hồ để tiến vào Phổ Lam.
"Mã Bàng Ưng Thác, Nạp Ngang Thác? Đây là tên gì vậy?" Đa Cát ngược lại tỏ ra hết sức mù mờ đối với những cái tên tưởng chừng ai cũng biết này.
Lạt ma Á La nói: "Đây chính là tên ngày nay của chúng đấy, nơi sinh mệnh sinh ra và nơi sinh mệnh kết thúc sớm đã bị người ta cho vào quên lãng rồi, ta nghĩ, sau này, có lẽ không còn ai nhớ đến nữa đâu."
Trác Mộc Cường Ba thắc mắc: "Đại sư, người có thể cho chúng tôi biết những cái tên này rốt cuộc là thế nào hay không? Tại sao tên mà Đa Cát nhắc đến lại khác xa tên mà chúng tôi biết đến thế?"
Lạt ma Á La nói: "Cường ba thiếu gia, chắc là cậu cũng biết núi thần Cương Nhân Ba Tề được vô số tôn giáo nhận là Thánh địa tối cao của tôn giáo mình. Cuộc tranh đấu giành giật quyền phát hiện và chủ quyền đối với núi thần chưa bao giờ gián đoạn trong lịch sử cả, mỗi giáo phải đều nói rằng núi thần Cương Nhân Ba Tề là Thánh địa duy nhất của họ, đồng thời mỗi giáo phái đều đặt cho núi thần những cái tên khác nhau, trong đó cũng bao gồm cả hồ thần và hồ quỷ. Trong cuộc tranh đấu ấy, kịch liệt và lợi hại nhất chính là Bản giáo nguyên thủy ở cao nguyên Tây Tạng và Tạng truyền Phật giáo, tên mà ngày nay chúng ta biết, chính là do người chiến thắng đặt ra, còn tên mà Đa Cát nhắc đến, có lẽ là tên cổ từ thời vương triều Tượng Hùng."
Giáo sư Phương Tân lúc này cũng lên tiếng: "Tôi hiểu rồi, tương truyền Mã Bàng Ưng Thác là tên do giáo đồ Phật giáo đặt sau khi chiến thắng giáo đồ Bản giáo, ý nghĩa là hồ Bất Bại, trong tư liệu cũng có nhắc đến chuyện này."
Lạt ma Á La đưa mắt nhìn giáo sư Phương Tân, rồi tiếp tục nói: "Mã Bàng Ưng Thác thực ra là tên có từ thời vương triều Thổ Phồn, nhưng không phải là tên do các giáo đồ Phật giáo chiến thắng Bản giáo đặt ra đâu, còn cái tên từ thời vương triều Tượng Hùng để lại thì chính xác là đã bị lịch sử nhấn chìm từ lâu lắm rồi. Trong lịch sử có một quãng thời gian rất dài, các giáo đồ Bản giáo đi ngược chiều kim đồng hồ vòng quanh núi thực ra để không cho phép người khác dùng bất cứ phương thức nào tiếp cận ngọn núi thần này. Cho đến ngày nay, núi thần mới mở rộng vòng tay rộng lớn của nó, tiếp nhận tín đồ với đủ loại tín ngưỡng khác nhau từ khắp nơi trên thế giới đến đây. Thực ra, trong giáo phái mà tôi tu hành, ý nghĩa của núi thần và hai cái hồ lớn này là: Cửu trùng Vạn Tự Sơn tượng trưng cho luân hồi liên miên không dứt, còn hồ thần tức là nơi sự sống sinh ra, hồ quỷ là nơi sự sống chấm dứt, vạn sự vạn vật trong đại thiên thế giới đều không ngừng luân hồ xoay chuyển giữa sống và chế. Nếu mọi người có chút hiểu biết về tôn giáo thì chắc sẽ biết ý nghĩa tượng trưng này bao hàm cả lý luận về Bản giáo lẫn lý luận luân hồ của Phật giáo, khi mà hai bên vẫn còn chưa phân cao thấp rõ rệt."
Ngoài miệng nói vậy nhưng trong lòng lạt ma Á La lại đang thầm gào thét: "Hồ Bất Bại, đó là cái tên vương triều Thổ Phồn đặt để kỷ niệm Đạo quân Ánh sáng! Quên rồi, thế nhân này đều quên hết cả rồi!"
"Ồ" Trương Lập nói, "biển nơi sự sống sinh ra, không phải rất giống với cách nói hiện đại hay sao?"
Giáo sư Phương Tân gật đầu: "Chúng ta không biết tư tưởng triết học của cổ nhân thế nào, nhưng ở Tây Tạng đúng là có rất nhiều cách nói cực kỳ ăn khớp với khoa học hiện đại ngày nay, chẳng hạn như nói người từ khỉ tiến hóa mà thành, dãy Himalaya từng là đại dương, sự sống bắt nguồn từ biển…"
Nhạc Dương đột nhiên nói: "Vậy thụy thú canh giữ bốn phương đó, liệu có phải chính là...
Lạt ma Á La gật đầu đáp: "Đỉnh Cương Nhân Ba Tề còn một tên khác, gọi là chúa tể của mọi dòng nước, là nơi bắt nguồn của bốn con sông thánh có tên lần lượt được đặt tên theo bồn loài động vật."
Trác Mộc Cường Ba thấp giọng nói: "Sông Sư Tuyền, sông Tượng Tuyền, sông Mã Tuyền, sông Khổng Tước…Đây…đây chính là thụy thú canh giữ bốn phương ư?"
Lạt ma Á La điềm tĩnh nói: "Không giống như mọi người nghĩ cho lắm, thực ra bốn cái tên này cũng như tên mã Bàng Ưng Thác vậy, đều là tên do người chiến thắng đặt ra, bọn họ giữ lại cách đặt tên trước đó, nhưng lại không biết ý nghĩa bên trong những cái tên ấy. Thời Vương triều Thổ Phồn trị vì, tên bốn dòng sông này dịch nghĩa nguyên bản phảo là từ miệng sư tử chảy ra", "từ miệng voi chảy ra…"Người ta không biết tại sao lại đặt tên như vậy, liền cho rằng những nơi ấy rất giống với mấy loài động vật này. Nếu có cơ hội đến tận nơi xem, mọi người sẽ thấy thực ra rất khó tìm ra mối liên hệ giữa tên gọi với các địa phương đó. Nếu dựa theo một số ghi chép còn sót lại của giáo phái chúng tôi, trong lịch sử từng xuất hiện cách đặt tên thế này, Nanh sói bảo vệ phương Tây Bắc, Vuốt đại bàng uy chấn phương Tây Nam, thân thể của voi lớn và Sừng bò Yak lần lượt ở phương Đông Bắc và Đông Nam. Hơn nữa, bốn cái tên này vốn cũng không phải để chỉ bốn mặt của đỉnh Cương Nhân Ba Tề, tượng trưng cho bốn loại sức mạnh và bốn nguyên tố lớn mà đời người phải có. Sói tượng trưng cho sức sống, voi tượng trưng cho thân thể, bò Yak tượng trưng cho sự phồn vinh, đại kim bằng tượng trưng cho linh hồn. Đồng thời, bốn loài động vật này cũng chính là tứ đại thụy thú bảo vệ bốn phương."
"Không giống lời kể của các vị trưởng lão thôn Công Bố lắm."Trác Mộc Cường Ba nói.
Lạt ma Á La đưa mắt nhìn Đa Cát hỏi: "Ở chỗ các cậu người ta nói như thế nào?"
Đa Cát nói: "Ừm, lẽ ra là tiếng gầm cuả sói tuyết cao nguyên, nanh vuốt của mãnh hổ, mắt của đại bàng, sừng của bò Yak mới đúng."
Lạt ma Á La gật đầu với Trác Mộc Cường Ba: "Có cách nói ấy, là do cùng với dòng thời gian thay đổi, thế giới trong lòng cổ nhân cũng nảy sinh biến đổi. Tứ phương thụy thú mà tôi nói có lẽ là của thời kỳ Phật giáo mới lên cao nguyên Thanh Tạng này, khi ấy vương triều Tượng Hùng sắp diệt vong nhưng cũng chưa hoàn toàn diệt vong. Người Tượng Hùng coi Cửu Trùng Vạn Tự sơn là trung tâm thế giới, thụy thú bảo vệ tứ phương của họ chính là sói, voi, đại bàng và bò Yak Tây Tạng. Còn bốn loài thú mà Đa Cát nói, đó là thụy thú của thời kỳ vương triều Thổ Phồn, lấy Lhasa làm trung tâm. Chiến ngao, mãnh hổ, đại bàng và bò Yak Tây Tạng chính là thụy thú bảo vệ cho bốn phương của nước Thổ Phồn. Có một điều chắc giáo sư Phươgn Tân cũng biết là mỗi quốc gia mỗi dân tộc đều có totem và tìn ngưỡng riêng của mình, khi chiến tranh khiến các vùng lãnh thổ thôn tính lẫn nhau, những văn hóa và tín ngưỡng đó cũng dung hợp lại, không có thứ gì là bất biến vĩnh viễn cả. Thực ra cả hai cách đặt tên này đều đã có bóng dáng của thần thú bảo vệ trong Phật giáo, chỉ có điều không giống tên của bốn con sông mà ngày nay mọi người đều biết rõ đấy thôi, tên ngày nay thì đã hoàn toàn là tên trong Phật giáo rồi. Tạm gác những tên khác sang một bên không nói, chỉ nói riêng tên sông Khổng tước thôi, trước khi Phật giáo thâm nhập vào cao nguyên Thanh Tạng, người Tượng Hùng tuyệt đối không bao giờ lấy Khổng Tước ra để đặt tên cho sông đâu."
Giáo sư Phương Tân thắc mắc: "Nhưng trong Phật giáo thì đại bàng cũng là một loài thụy thú mà, hà tất phải thay bằng tên Khổng Tước?"
Lạt ma Á La đáp lời: "Không sai. Thực ra ở thời kỳ đầu của vương triều Thổ Phồn, có lẽ vẫn đặt tên dòng sông đó là Đại Bàng, sở dĩ dùng Khổng Tước minh vương trong Phật giáo để thay thế đại bàng là bởi vì vương triều Thổ Phồn sau khi hoàn toàn chinh phục Tượng Hùng đã cố ý đổi tên dòng sông ấy. Đương nhiên, ở đây có một phần rất lớn là quan điểm cá nhân của tôi, chúng tôi vẫn chưa có chứng cứ trực tiếp, dù sao thì ngày nay những tư lieụe văn bản cổ xưa nhất cũng chỉ có thể truy ngược về những ghi chép ở Đôn Hoàng, hầu hết là tư liẹu từ sau khi vương triều Thổ Phồn thành lập, còn các tư liệu thời vương Triều Tượng Hùng thì đã biến mất hoàn toàn. Mà chúng ta muốn tìm Bạc Ba La thần miếu, có một phần rất lớn nội dung canà phải truy ngược về thời vương triều Tượng Hùng mới được. Đây là thách thức lớn nhất trong công tác thu thập tư liệu của chúng ta đấy."
"Đợi chút đã," Nhạc Dương nói, "Bạc Ba La thần miếu ấy biến mất trước khi vương triều Thổ phồn bị diệt vong cơ mà nhỉ, có liên quan gì đến vương triều Tượng Hùng đâu chứ."
Lạt ma Á La lắc đầu: "Nhưng cậu chớ có quên, mấu chốt để tìm kiếm Bạc ba La thần miếu là người bộ tộc Qua Ba, là Đạo quan Ánh sáng, muốn tìm hiểu về bọn họ buộc phải truy tìm về thời kỳ trước vương triều Tượng Hùng. Cũng như chuyến đi Cổ Cách lần này cả chúng ta vậy, có liên quan rất lớn tới vương triều Tượng Hùng, có thể nói là nối liền một mạch cũng không ngoa; huyện Phổ Lam này,chẳng phải cũng chính là nơi phát tích của Cổ cách vương đấy hay sao?"
Trác Mộc Cường Ba nói: "Đại sư, thụy thú canh giữ bốn phương này rốt cuộc là chỉ gì vậy? Chúng không chỉ là một thứ văn hóa và tín ngưỡng mà thôi đúng không?"
Lạt ma Á La nói: "Còn nhớ những gì tôi nói với cậu tối hôm qua không? Tứ đại thánh thú canh giữ bốn phương này tuyệt đối không đơn giản chỉ là một loại totem. Trên cao nguyên cổ đại, mỗi quốc gia đều có thụy thú của riêng mình, chúng không phải totem, mà là những vị thần bảo hộ thực sự tồn tại. Tôi đã bảo trở về tôi sẽ nói chuyện với cậu rồi mà."
Trong lúc mội người trò chuyện, trực thăng đã bay vào địa giới Trát Đạt. Thổ lâm tựa như ảo ảnh đập vào mắt những người ngồi trên máy bay, mặt đất biến thành sắc vàng, quái thú và thành trì xen lẫn vào nhau, con rồng khổng lồ đang cuộn tròn ngẩng đầu lên gầm rú, trong không trung phảng phất vang lên tiếng tù và đồng văng vẳng. Bay qua vùng đất hoang vu cằn cỗi này cảm giác tựa hổ đi xuyên lịch sử, trở về thời đại hồng hpang vậy. Mặt trồ lặn ở Trát Đạt tròn, to, đẹp một vẻ thê lương mà cổ phác, sắc tựa như màu đỏ vẽ trên giấy trắng tuyền. Gió buốt lạnh thổi qua, cuộn lên lớp cát từ ức vạn năm trước, lũ cỏ duy nhất có thể sinh tồn ở vùng đất này rạp cúi xuống, run rẩy rập rình theo cơn gió. Nơi này, nơi này chính là Cổ Cách đây rồi, nó cũng như tất cả những vương quốc đã bị lịch sử lãng quên khác, đã bị vùi lấp trong phong trần tuế nguyệt, lặng lẽ nằm giữa dãy Himalaya và đỉnh Cương Nhân Ba Tề, cung điện huy hoàng thuở nào đã hóa thành cát bụi, gió thổi cát bay, vô số truyền thuyết đẹp thê lương cũng bay trong gió cát, cảnh vật lướt qua, chuyện xưa tựa như mây như khói.
Đi đường cả một ngày trời, mặc dù không phải đi bộ, nhưng vẫn khiến mọi người cảm thấy hơi mệt mỏi uể oải, khi dòng sông Tượng Tuyền như một dải lụa bạc vắt qua mặt đất vàng sệt, cả đoàn người mới cảm thấy thư giãn phần nào. Mặt trời hoàng hôn hắt lên sông Tượng Tuyền ngoằn ngoèo uốn khúc một lớp màu vàng đỏ rực rỡ lấp lánh, lầu tháp và tượng điêu khắc phản chiếu dưới mặt sông đều trở nên lung linh sinh động. Giáo sư Phương Tân nhớ đến một bài thơ cổ, "Đại mạc cô yên trực, trường hà lạc nhật viên", cảnh vật trước mắt đại để chính là như vậy đấy, một sự hoang vụ đắm chìm trong dòng sông lịch sử. Mặc Thoát là ốc đảo cô độc trên cao nguyên, nơi ấy có thảm thực vật phong phú và những cây đạ thụ rợp tán; còn vùng đất Trát Đạt này lại là gò hoang của cao nguyên Thanh Tạng, chỉ có một thứ đất vàng trải dài ngút tầm mắt, có cát bay mù mịt khắp trời. Nhìn cảnh sắc ấy, trong lòng người bỗng dâng lên nỗi quạnh hiu cô tịch của các vị độc hành hiệp khách thời cổ, lãng đãng khắp trốn giang hồ, trời đất bao la rộng lớn, phía trước là số mệnh không thể đoán biết, không thể do bản thân mình quyết định, điều duy nhất có thể làm chỉ là nắm cho chắc thanh kiếm trong tay.
Nhìn xuống, những cánh rừng đất giống như thành trì, như quái thú trải ngút mắt dưới cửa khoang máy bay, mảnh đất cằn cỗi bạc màu hoang vu không cỏ cây hoa lá trong ánh tàn dương toát lên vẻ đẹp bi tráng lạ thường khiến mọi người cảm giác như đang theo bước chân vương tử A Lý tiến về phía Tây, lại càng có cảm giác hào hùng như Khoa Phụ đuổi mặt trời vậy. Người ta thường nói, đến A Lý mà không thấy thổ lâm coi như là chưa từng đến A Lý. Vùng thổ lâm cao thấp lô nhô này đã trở thành biểu tượng đặc biệt của vùng cao nguyên phía Tây, từ trên cao nhìn xuống, có chỗ giống như thành quách phương Tây, có chỗ lại giống điện đường phương Đông, long cung loạn các, lầu quỳnh tháp ngọc, tòa này nối liền tòa kia, liên miên không dứt; mở rộng tầm mắt ra xa dần, vệt đỏ hồng kéo dài dưới vầng tịch dương kia mỗi lúc một lan rộng, hòa lẫn vào vùng thổ lâm cao thấp nhấp nhô bên dưới, vừa giống như sa mạc mênh mông ào ạt, lại như mây đỏ chất chồng. Chăm chú nhìn thật lâu, sẽ sinh ra ảo giác không biết mình đang ở chỗ nào, không phải đang đứng trên mặt đất, mà cũng chẳng phải lơ lửng trên không, phảng phất như cảnh đẹp mơ hồ biến ảo kia đã bị kéo lại gần ngay trước mắt, muốn hòa nhập với thân ta thành một thể vậy.
Trong cảm nhận thẩm mỹ kỳ dị ấy, các đội viên vừa bay lên cao vừa tìm kiếm mục tiêu. Lữ Cánh Nam nói với mọi người, Nạp Nam Tháp là thần Rắn sáng tạo thế giới của Mật Tông, thổ lâm tuy lớn nhưng các chuyên gia khảo sát thực địa đã đánh dấu mấy chỗ tương tự nhau trên bản dodò, trong Đos những chỗ hình dáng giống rắn khổng lồ rất ít ỏi. Hơn nữa, dựa trên tư liệu mà Đa Cát và thôn Công Bố cung cấp, hình dáng đại thể của thổ lâm hình rắn đã được vẽ ra, điều bọn họ cần làm bây giờ chỉ là lần lượt nhận diện mà thôi.
Đa Cát chỉ ngón tay, trong rãnh sâu phía trước, một con rắn khổng lồ uốn khúc ngoằn ngoéo, đầu ngẩng ngực rộng, dương dương tự đắc, dòng sông Tượng Tuyền chảy bên dưới nó liền trở thành con sâu nhỏ hiên flành. Ở đầu bên kia của con rắn khổng lồ, bất ngờ hiện lên mờ mờ mấy nếp nhà. Lữ Cánh Nam và lạt ma Á La đưa mắt nhìn nhau, quả nhiên đúng như bọn họ nghĩ, ở nơi này, nhà nước đang tiến hành nghiên cứu khảo sát khoa học.
"Đến nơi rồi" Lữ Cánh Nam ra lệnh, trực thăng liên từ từ hạ xuống. Vừa xuống khỏi máy bay, Đa Cát đã phấn khích lộn nhào mấy vòng liền. trực thăng hạ cánh xuống phần đuôi của Nạp Nam Tháp. Nhìn từ dưới mặt đất, Nạp Nam Tháp về cơ bản là một quả núi đất khổng lồ, thổ lâm từ từ cao dần lên dọc theo một con dốc kéo dài, lỗ chỗ có đến trăm ngàn lỗ thủng, trông không khác gì một cái tổ ong bắp cày phóng to lên vô số lần cả. Nhưng rất rõ ràng, những hang động ấy tất cả đều là hang Phật; tượng Phật bên trong tắm ánh tà dương, tuy chỉ hiện lên lờ mờ nhưng vẫn nhìn rõ tư thái. Nhạc Dương ngẩng đầu lên nói: "Đây…đây là nơi nào thế?"