Mật Mã Tây Tạng

Chương 75 : Thân thế của Cương Lạp

Ngày đăng: 19:01 20/04/20


Đợi cho tình hình của Ba Tang ổn định, Lữ Cánh Nam mới đi ra. Trương Lập vội hỏi: "Anh Ba Tang thế nào rồi? Sao đột nhiên lại… thành ra như thế chứ?"



Lữ Cánh Nam nói: "Khi đại não ra lệnh mà thân thể từ chối chấp hành, thần kinh đại não sẽ bị tổn thương giống như một người không đủ sức mà cứ nằng nặc đòi mang vác một vật gì rất nặng rồi cơ báp bị tổn thương vậy. Biểu hiện là thần kinh đại não sẽ phóng điện, y học gọi là động kinh, còn trong dân gian vẫn gọi là chứng phong sừng dê. Có điều mọi người có thể yên tâm, tình trạng của anh Ba Tang không tệ như chúng ta tưởng tượng đâu, chỉ là đột nhiên nhận một kích thích mà anh ta không thể chấp nhận, phản ứng đầu tiên của đại não là sẽ ngắt mạch, lăn ra hôn mê để tự bảo vệ, nhưng lúc đó rõ ràng là anh ta không bị hôn mê, khi về đến làng thần kinh bớt phần căng thẳng thân thể mới phản ứng với sự kích thích kia. Có thể anh ta sẽ hoàn toàn không nhớ gì về những việc xảy ra lần này, mọi người cũng không ai được nhắc đến trước mặt anh ta đấy nhé, biết chưa?"



Cô ngoảnh đầu lại nhìn, nhóm của Trác Mộc Cường Ba đang ngồi đối diện với mấy người trong nhóm giáo sư Phương Tân. Nhạc Dương làm bộ làm tịch, xắn ống tay áo, mồm năm miệng mười kể cho giáo sư Phương Tân câu chuyện anh hùng của bọn họ. Lữ Cánh Nam bước đến nói với Nhạc Dương: "Mấy chuyện nhảm để sau rồi nói, chúng ta hãy sắp xếp lại những thông tin thu thập được trong ngày trước đã!"



Mọi người ngồi quây lại, sắp xếp một lượt các thông tin về núi tuyết mà từng nhóm thu thập được.



Núi ở đây không cao lắm, so với độ cao bình quân của những ngọn núi vùng trung bộ dãy Himalaya thì thấp hơn nhiều, nhưng mức độ nguy hiểm lại là lớn nhất trong cả dãy Himalaya này. Chẳng hạn như tuyết lở, băng lở, đá lăn, bão tuyết, tất cả đều chỉ có thể coi như những mối nguy bình thường dễ thấy, còn mối nguy lớn nhất phải kể đến gió thốc trên đỉnh núi. Nơi đây nằm ở dải giao nhau giữa các đợt gió mùa, gió ẩm từ Ấn Độ Dương thổi vào gặp phải vùng lá chắn mạnh nhất của cả dãy Himalaya, mạch núi khu vực này lại hơi cong vào bên trong, vậy nên cuồng phong thổi tới liền hình thành lốc xoáy, đó chính là gió thốc trứ danh của vùng núi này. Gió mạnh mang theo bông tuyết quất vào người thật chẳng khác gì dùng dao băng cắt thịt. Tốc độ gió ở đây thay đổi theo thời gian, nên nếu xuất phát từ sáng sớm tinh mơ thì lúc lên đến đỉnh núi sẽ gặp được gió phần nào nhẹ hơn, còn nếu xuất phát sau giờ trưa, khi lên đến đỉnh, gió to nổi lên thì cả đàn bò Yak cũng có thể bị thổi bay chứ chẳng nói gì đến con người.



Mối nguy kì dị nhất phải kể đến mù tuyết. Vì có gió thốc, tuyết trên núi bị thổi cho bay mù mịt khắp trời, cảnh tượng không khác bão cát là mấy. Ở trong núi khi đó, hai người đứng đối mặt nhau chỉ cách có ba bước cũng đã không thấy bóng người rồi. Trong màn bụi tuyết ấy, bên tai chỉ nghe thấy tiếng gió thổi vù vù, dù có đã lăn xuống ngay trước mặt cũng không thể nào biết được. Người bản địa gọ thứ mù tuyết ấy là mê hồn vụ, người lạc vào bên trong đó rồi thì dù có xoay xở cách nào cũng không thể tìm được đường đi chính xác, có khi đi vòng quanh cả trái núi rồi mà không hề hay biết, cho đến khi sức cùng lực kiệt sẽ đông cứng lại thành những bức tượng người, ai may mắn thì còn giữ được toàn thây, không may thì bị lũ yêu tinh tuyết kéo về ăn thịt.



Đáng sợ nhất là lũ yêu tinh tuyết chưa ai trông thấy bao giờ, chẳng ai nói được rốt cuộc nó là cái thứ gì, tóm lại chỉ nghe đồn chúng cao lớn kinh dị, sức khỏe vô cùng có thể xé người sống ra làm hai mảnh. Mỗi khi có mù tuyết, nhìn thấy trong đó có cái bóng cao chừng bốn năm mét, người ta cứ ngỡ là tảng đá lớn, nhưng có thể chính là yêu tinh tuyết cũng nên. Về sau có cả đoàn khảo sát khoa học đến đây, đoán rằng đó chính là người tuyết, nhưng thời tiết lúc đó hơi xấu, các chuyên gia trú trong làng suốt nửa năm không dám vào núi, vậy nên cũng chưa tận mắt trông thấy lũ yêu tinh tuyết bao giờ.



Mối nguy giấu kín nhất là những khe rãnh băng ẩn dưới tuyết, có chỗ sâu đến cả trăm mét, bên trên chỉ có một tầng băng mỏng, phía dưới là đất đông cứng còn rắn chắc hơn cả sắt thép, không may giẫm hụt xuống thì đừng nói là thương tật có thể cứu chữa, ngã không thôi cũng đủ chết một trăm lần rồi.



Tất nhiên, đó đều chỉ là những mối nguy mà bao đời nay dân làng truyền lại, có thể kể ra được, ngoài ra nghe nói vẫn còn có vô số những nguy hiểm khác mà người gặp phải cầm chắc chết, những thứ ấy mới đáng sợ tột cùng, còn nguy hiểm hơn cả nguy hiểm nữa. Tuy nhiên, những nguy hiểm ở vùng đất Tử vong Tây phong đới này không đủ khiến các thành viên trong đội e sợ, điều khiến thần kinh họ thật sự căng thẳng là, theo các tư liệu chính thức, cho đến nay vẫn chưa có ai leo lên được đến đỉnh ngọn núi không cao lắm này từ phía Trung Quốc cả. Còn về gió thốc, mọi người đều cho rằng khả năng tương đối cao là dân làng phóng đại lên; gặp phải gió thốc đáng sợ như vậy mà còn có người sống sót trở về được ư? Làm sao mà họ biết tường tận, nói nghe cặn kẽ rõ ràng như thế? Còn về mù tuyết thì đội trưởng Hồ Dương từng có trải nghiêm sâu sắc rồi. Tuyết đọng dưới đất bị cuồng phong thổi tung lên, tùy theo lượng tuyết có bao nhiêu mà quyết định mật độ của mù sương, lúc mù mịt, đừng nói là cách ba bước, thậm chí còn có thể khiến người ta giơ tay lên cũng không nhìn thấy năm đầu ngón tay chứ chẳng chơi. Những chuyện lạc đường trong núi vì gió lớn và mù tuyết thì ở đâu cũng có. Giữa màn bụi tuyết đó không thể phân biệt được phương hướng, lại còn bị gió lớn thổi cho ngã xiêu ngã vẹo, chuyện đi vòng tròn tuyệt đối chẳng hề khoa trương một chút nào, bản thân đội trưởng Hồ Dương đã đích thân nếm trải rồi.



Hồi đó ở Nam cực, có một lần khi còn là nhân viên khảo sát chưa có kinh nghiệm gì, Hồ Dương đi ra ngoài lấy nước ở nguồn nước cách trạm của họ chưa đến hai trăm mét. Trời lúc ấy cũng có gió nhưng không lớn lắm. Bất ngờ khi anh vừa rời khỏi trạm thì gió đột nhiên tăng tốc, đến khi anh ra được chỗ có nước, gió đã mạnh đến mức đủ thổi ngã cả người, trời đất mù mịt, trước mắt chỉ còn hoa tuyết bay, trạm nghiên cứu hoàn toàn biến mất trong tầm mắt. Đội trưởng Hồ Dương thầm kinh hãi, vội phán đoán phương hướng, rồi liều đội gió đi về phía trạm, kết quả là đi gần năm trăm mét rồi cũng không thấy trạm nghiên cứu của họ đâu. Anh hoảng quá cuống cả lên, lại xoay người đi ngược trở lại hướng mà anh cho là ban đầu, tính toán bước chân, không ngờ cả chỗ lấy nước cũng không thấy đâu nữa. Cứ thế, đội trưởng Hồ Dương đi đi lại lại hơn nửa tiếng đồng hồ, cuối cùng cơn gió cũng dần yếu, anh mới nhìn rõ được xung quanh, mồ hôi lạnh lập tức túa ra đẫm cả người. Trong hơn nửa tiếng đồng hồ, không ngờ anh đã đi vòng vòng theo một hình tròn đường kính khoảng chục mét không biết bao nhiêu lần. Mặc dù không có chuyện đuổi theo bước chân như trong sa mạc, nhưng còn đáng sợ hơn, khi gió lớn thổi qua, dấu chân lưu lại sẽ lập tức bị đợt tuyết mới phủ lên, hoàn toàn biến mất, cứ tưởng rằng đang đi đường thẳng, kết quả lại là đi vòng vòng. Khi ấy còn có hai đội viên khác ra tìm anh về, không ngờ cũng bị đi vòng tròn, ba người đã vẽ ra ba vòng tròn hình chữ phẩm (品) phía trước trạm nghiên cứu. Tuy cả ba người sau đó nhìn nhau cười ha hả, nhưng thực ra trong lòng ai cũng kinh sợ. Gió lớn có thể khiến người ta hoàn toàn mất cảm giác, tuyết mù mịt khiến mắt người chỉ có thể nhìn xa không đến một mét, nên cho đến tận bây giờ, mỗi lần nhớ lại kinh nghiệm đó đội trưởng Hồ Dương lại rùng mình.



Cách tốt nhất để đối phó với mù tuyết và gió thốc chính là không dây dưa với chúng. Những lúc đó nếu muốn giữ mạng, phải tìm một hang động ở gần mà trốn vào; còn cứ ngoan cố đội gió tiến lên, thì thà rằng tự đào hố chôn mình luôn còn hơn. Nếu may mắn, gió sẽ ngừng ngay, vẫn còn hy vọng sống sót; nếu không may mắn, khó nhọc đi được mười mấy cây số, sẽ phát hiện mình nằm đơ ra tại chỗ ban đầu, đông cứng thành que kem.
Con sói mẹ từ đầu chí cuối vẫn lặng lẽ nhìn, cho đến phút cuối cùng, mới hướng về phía Cương Nhật Phổ Bạc một ánh mắt nhìn đầy cảm kích, rồi khó nhọc ngoảnh đầu về bóng tối xa xăm vô tận, nơi bầy sói đã từng dừng chân nghỉ lại, nhẹ nhàng khép mắt. Nơi trời đất giao nhau xuất hiện một vệt sáng của buổi bình minh, trong đêm gió tuyết bão bùng ấy, Cương Nhật Phổ Bạc đã có thêm một đứa con, tên là Cương Lạp…



° ° °



Nghe Trác Mộc Cường Ba kể về lai lịch của Cương Lạp, Trương Lập không khỏi ngầm thở dài một tiếng. Nhạc Dương thì nắm chặt tay lại, nghiến răng hỏi: "Cường Ba thiếu gia, Hải lam thú không phải là một giống Tạng ngao rất quý giá hay sao? Tại sao… tại sao đám người ấy lại…"



Trác Mộc Cường Ba đáp: "Không, cậu nghĩ sai rồi, một thứ vật phẩm hay động vật quý giá hay không, là do sự ưa thích và hiểu biết của con người đối với nó quyết định. Mười mấy năm trước, Tạng ngao không phải là thứ trào lưu thời thượng như hiện nay, chúng chỉ là những người bạn giúp dân Tạng chăm nhà coi cửa mà thôi, cũng không có người nào dùng tiền để định giá chúng cả. Còn nữa, chó ngao Tây Tạng khi còn non trông chẳng khác gì chó con bình thường cả, cho dù là những người Tạng lớn tuổi giàu kinh nghiệm cũng không thể phân biệt được con chó ấy lớn lên sẽ trở thành chó ngao Tây Tạng hay chỉ là chó bình thường, bọn săn trộm lại càng không để ý đến mấy chuyện ấy."



Nói tới đây, Trác Mộc Cường Ba bỗng chợt nhớ lại những lời Cương Nhật Phổ Bạc từng nói với gã nhiều năm về trước: "Có ngao Tây Tạng? Cậu cảm thấy cái lũ bị nhốt trong lồng, hay đeo xích sắt, xích bên cạnh chuồng cừu là chó ngao Tây Tạng sao? Không, cùng lắm chúng chỉ có thể gọi là những con chó to mà thôi! Chỉ khi chúng tự do tự tại chạy dưới trời xanh mây trắng, lướt đi trên đồng cỏ cao nguyên như một cơn gió, lúc ấy chúng mới là chó ngao Tây Tạng chân chính…"



Khi Trương Lập và Nhạc Dương đang bồi hồi xúc cảm vì thân thế của Cương Lạp, không ai ngờ, Cương Lạp đang ở ngay bên ngoài căn nhà nhỏ. Nó nhạy bén nhận ra tiếng người đang nói chuyện trong nhà, tựa như bị khơi gợi lại hồi ức cũ, cúi đầu nghĩ ngợi gì đó, rồi lập tức lắc lắc đầu, ngước nhìn người áo xám đứng sau lưng, dẫn đường cho người đó đi về phía khu núi non trùng điệp. Một người một chó ngao không phát ra bất cứ âm thanh gì.



Cương Lạp dẫn đường cho người đó đến trước căn nhà bằng đá của Cương Nhật Phổ Bạc, đẩy cửa ra. Trong nhà, lò sưởi đang cháy lép bép, Cương Nhật Phổ Bạc ngồi bên cạnh, chưa ngẩng đầu lên đã nói: "Ông đến rồi à."



--------------------------------



1 Là phương thức leo núi khởi nguồn từ khu vực Alps, người leo núi theo kiểu này đa phần phải tự lực để leo lên đến đỉnh, ngoài ra không có sự giúp đỡ nào khác.