Mật Mã Tây Tạng
Chương 77 : Bình minh núi tuyết
Ngày đăng: 19:01 20/04/20
Nhìn vẻ mặt nghi hoặc của Nhạc Dương, giáo sư Phương Tân mỉm cười nói: "Tôi biết cậu muốn hỏi gì rồi, nếu bầy sói đã có thể tiến hóa đến đẳng cấp xã hội cao như thế rồi, tại sao lại không xuất hiện người sói phải không? Thực ra cũng rất đáng tiếc, tại sao ngày nay không xuất hiện người sói chứ? Đó chính là vì, bọn chúng đã chậm mất một bước, tổ tiên chúng ta đã tiến lên trí tuệ tập thể trước rồi, cũng chính là nền văn minh mà ngày nay mọi người vẫn nói, trong khi bầy sói muốn tiến lên một nền văn minh thuộc về loài sói thì lịch sử đã không cho phép nữa rồi. Cậu phải biết rằng, tiền để xuất hiện sói di cư là những năm tháng đói kém, nếu không có con người, bọn chúng đã có thể đạt được tiến hóa cực đại, nhưng rất đáng tiếc, con người đã tiến hóa trước chúng. Cậu thử nghĩ xem, khi khó khăn đói kém, con người cũng phải đối mặt với tình trạng ấy, bầy sói dù có lợi hại đến đâu cũng sao có thể so được với loài người cũng đói khát như chúng cơ chứ. Trong lịch sử từng xuât hiện những lúc sói thành họa trên diện tích lớn, tổ tiên chúng ta đã dốc hết sức lực ra để diệt trừ, giờ thì đã hiểu ra rồi chứ. Vì vậy lũ sói chỉ có thể dừng ở sói di cư, chứ không thể tiến hóa thêm một bước nữa. Nhưng cho dù là thế, muốn khống chế cả một tập thể rất nhiều con sói, cân đối công việc ở các phương diện khác nhau, thì cũng cần có một vị thủ lĩnh có mưu lược, kiến thức, năng lực hành động đều vượt xa những con sói khác, chính là vua sói, được tất cả bầy đàn công nhận."
Trương Lập nói: "Vậy thì trong đàn sói mà chúng ta thấy kia…"
Giáo sư Phương Tân lắc đầu: "Trong đàn sói các cậu trông thấy đó không có vua sói đâu. Trước tiên là đàn sói chưa đủ số lượng để nảy sinh trí tuệ tập thể, chưa đạt đến mức có thể đột phá rào cản trí tuệ. Kế đó, nếu đã có vua sói, thì địa vị của nó là hết sức siêu nhiên, không cần phải tốn công tìm kiếm để nhận diện làm gì, nhìn một cái là thấy ngay… Ừm, tất nhiên, tôi cũng chưa thấy bao giờ, có điều đại đa số các chuyên gia đều có nhận định như vậy cả. Tôi nghĩ, với cảm giác mà đàn sói này mang đến cho tôi và Cường Ba, có lẽ chúng là bộ phận nhỏ ly khai khỏi một đàn sói đã sản sinh trí tuệ tập thể, do mấy con sói đầu lĩnh dẫn đầu, còn mục đích và kế hoạch của chúng là gì thì vẫn còn phải tiến hành quan sát sâu hơn mới đưa ra kết luận được. Cường Ba, cậu thấy thế nào?"
Trác Mộc Cường Ba gật đầu: "Tôi cũng cho là như vậy. Trong quá trình chiến đấu giữa bầy sói và đàn bò Yak, không thấy xuất hiện một vị chỉ huy duy nhất, bọn chúng chia thành mấy nhóm lớn để triển khai hành động."
Giáo sư Phương Tân nói: "Đúng rồi, các cậu kể rằng cuối cùng khi lang tiêu vang lên, trên núi tuyết có dạ đế đáp lại tiếng sói tru hả?"
Nhạc Dương gật đầu: "Dạ đế ấy chính là yêu tinh tuyết, chú Cương Nhật Phổ Bạc bảo thế."
Giáo sư Phương Tân nói: "Ờ, người tuyết, yêu tinh tuyết, dã nhân, dạ đế, các cách gọi đều có cả, có điều chỉ người Hạ Ba Nhĩ sống trong dãy Himalaya và cư dân ở đây mới phát âm là "dạ đế" thôi. Tôi từng nghe một thuyết nói rằng, cách phát âm "dạ đế" này là do người Hán lưu lại, người Hạ Nhĩ Ba lại đem nó dịch âm ra, về sau lại được dịch âm sang nước ngoài, rồi lại được dịch âm ngược trở lại một lần nữa."
Nhạc Dương nói: "Làm sao có chuyện đó được?"
Giáo sư Phương Tân mỉm cười: "Cậu không biết sao, ở huyện Đạt Mã từng có một con đường cổ nối liền Đại Đường và Thổ Phồn, tương truyền là do Văn Thành công chúa hoạch định xây dựng, người nước Đại Đường có thể thông qua con đường này mà thẳng đến Thiên Trúc, ừm, bên ngoài huyện thành có bia khắc bằng chữ Hán mà. Cũng có khả năng là do người Hán chúng ta đặt tên lắm chứ, có điều trong sử liệu không thể tìm thấy dấu tích gì mà thôi. Chúng tôi từng tìm kiếm trên diện rộng, cuối cùng chỉ phát hiện trong một cuốn tạp ký của người thời Tống có bài thơ Đường không đề tên tác giả nhắc đến: Đỉnh cao núi tuyết; có vượn đêm gào; trăng vừa lộ ra; có sói hòa theo… Chữ đêm gào (dạ đề) này có phải chữ dạ đế mà người Hạ Nhĩ Ba dịch âm ra hay không thì chúng tôi không thể biết được."
"Cổ đạo Đường – Phiên?" Nhạc Dương lấy làm kỳ lạ nói: "Giáo quan và Mã Bảo có nhắc đến đâu nhỉ?"
Giáo sư Phương Tân nói: "Ừm, là thế này, con đường đó đã biến mất từ lâu lắm rồi, có thuyết nói đấy là đường do Văn Thành công chúa xây nên, cũng có thuyết bảo đó là đường Xích Tôn công chúa đã đi và đất Tạng, nhưng đến ngày nay thì ngoài một tấm bia đá có khắc chữ Hán ra, không thể tìm được một sử liệu nào, cũng không tìm thấy dấu vết của con đường cổ xưa ấy nữa. Tôi đoán chừng có lẽ là vì con đường này băng qua đại tuyết sơn, quả thực hết sức hiểm trở khó đi, vậy nên sử dụng chưa được bao lâu đã bị bỏ hoang rồi. Chúng tôi cũng tình cờ nghe nói đến khi đến huyện Đạt Mã lần trước thôi, đúng không, Cường Ba?"
Đường Mẫn nghi hoặc lặp lại: "Gió lớn lắm à?"
Bọn họ đều chưa từng trải nghiệm gió trên núi tuyết, gió như thế nào thì gọi là gió lớn họ cũng chưa có khái niệm rõ ràng cho lắm.
Đội trưởng Hồ Dương nói: "Cô nhóc, ở đây không phải là Tử vong Tây phong cốc, nó gọi là Tử vong Tây phong đới, cả mạch núi hướng về phía Tây Bắc dài mấy trăm cây số đều bị bao bọc trong dải gió Tây. Những cơn gió thốc kia vượt qua núi, đến phía bên kia thì gặp phải khí áp thấp của cao nguyên, liền cuộn ngược trở lại, hoàn toàn khác hẳn với gió xuống dốc trên các sông băng thông thường, đó tuyệt đối là gió lên dốc đấy, chỗ chúng tôi vẫn gọi là vòi rồng xoắn, khá giống với lồng quay trong máy giặt là một kiểu gió lốc theo hướng ngang. Gió thổi thốc từ phía dưới lên trên, muốn đứng cũng khó có thể đứng cho vững được, dù dựng trại kiểu kén tằm cũng không thể chống đỡ lại thế gió ấy được, trừ phi có thể đến nơi đóng quân lâm thời đã định trước kịp lúc, bằng không rất có thể ngay từ dưới chân núi chúng ta đã bị thổi cho tan đàn xẻ nghé đó."
Hiện giờ vãn còn ở chân núi tuyết, cả đoàn đều dốc hết tốc lực băng qua những con dốc đầy cỏ, trăng lặng sao mờ, sắc trời sáng dần lên, tinh thần của mọi người cũng dần dần khá hơn. Nguồn: https://truyenfull.vn
Gió sớm lành lạnh phất vào mặt làm tinh thần sảng khoái, không khí đặc biệt thanh tân, hít sâu một hơi, tựa như có bạc hà trong miệng, mát đến tận phế phủ, tiếng côn trùng ẩn trong đám cỏ không ngừng không nghỉ, khi cao khi thấp, rất có âm điệu, khi thì như tiếng huyền cầm trầm ấm thiết tha, lúc lại như tiếng đàn tranh cao vút vời vợi. Phía Nam rặng núi, tinh tú vẫn còn chưa khuất hẳn, ánh sao lấm tấm lấp lóe như những viên bảo thạch, một vầng trăng sáng lộ nửa mặt ra trong áng mây, chậm rãi chìm xuống phía sau đỉnh núi phía Tây, vừa đúng lúc trông như một hạt minh châu khảm trên đỉnh núi, ánh trăng dịu dàng phản chiếu lên núi tuyết tựa ánh sáng của chư thần phổ chiếu khắp mặt đất mênh mang. Vào thời khắc đó, trắng xóa là tuyết trên núi, trắng sáng lên chính là vầng nguyệt trong mây kia.
Đi tới lưng chừng núi thì trăng đã lặn về Tây, thay vào đó là ráng mây rực rỡ hiện ra phía trời Đông. Phía sau rặng núi sáng bừng lên, nơi chân trời bị tách ra một quầng sáng hình cung rõ rệt, những ráng mây bảy sắc đùn lên, tập trung phía trên rặng núi trập trùng, tựa như trăm loài chim cùng tề tựu về chầu chim phượng. Những dải ánh sáng ấy biến hóa hết sức khác thường, lúc như cưỡi rồng ngự gió ngự sương, lúc lại như cá chép vượt biển, có lúc lại giống chim ưng bắt thỏ, hay thiên mã hoành không, màu sắc diễm lệ phi phàm, đỏ như hồng bảo thạch, trắng như ngọc mỡ dê, lam thì như bầu trời xanh ngắt, lục thì như đồng cỏ mênh mang, quả là thiên công tạo hóa, khiến người ta lưu luyến quên cả lối về, tâm trạng cũng thông suốt và thư giãn hơn nhiều. Trong những ráng mây sắc màu rực rỡ ấy, vầng hồng từ từ dâng lên, mới đầu còn như một tiểu cô nương hay xấu hổ, giơ đàn tì bà lên che khuất nửa mặt, chỉ để lộ ra một nửa nhỏ của khuôn mặt, sắc đỏ bừng bừng, ngượng ngùng thẹn thùng không dám ra ngoài. Mọi người đều không cầm lòng được mà dừng bước, sững sờ đứng trên lưng chừng núi đợi mặt trời lên, tâm trạng ấy, tựa hồ như đợi chú gà con mổ vỡ vỏ trứng chui ra, tràn đầy niềm vui và sự kích động như khi chứng kiến một sinh mạng mới sắp có mặt trên đời này. Vầng hồng mới nhú không hề chói lóa, ánh sáng ôn nhuận mềm mại như ngọc, thần quang đều thu vào bên trong, nhưng lại ẩn chứa sức mạnh vô cùng vô tận. Nó chầm chậm gắng sức dâng lên cao, từng chút, từng chút, một cái mâm bằng huyết ngọc từ từ thành hình giữa những đỉnh núi sừng sững, mây mù bốn phương tám hướng đều tụ về triều kiến như muôn sao chầu quanh vầng nguyệt, tưng bừng hoan ca để chúc mừng ngọn nguồn của vạn vật trong trời đất lại một lần nữa xuất hiện. Cuối cùng, vầng hồng ấy vùng lên mạnh mẽ, tựa như dưa chín rụng cuống, chim non phá vỡ vỏ trứng, hoàn toàn thoát khỏi đường chân trời hình thành bởi dãy núi non nhấp nhô trùng điệp, tựa như cánh chim thoát khỏi lồng tung bay cao vút; tốc độ dâng lên của vầng dương cũng dần tăng, chỉ trong khoảnh khắc ánh sáng chói ngời đã phủ xuống mặt đất bao la, cả ngọn núi tuyết thần thánh cũng khẽ run lên trước uy nghi ấy! Mặt đất kiền thành cúi đầu khuất phục, những cơn gió đang thỏa sức tung hoành giữa núi non bỗng dưng lặng đi, cảm giác ấm áp bao bọc toàn thân mỗi người, khiến một chút mệt mỏi cùng tất thảy nỗi u uất khó chịu trong tâm thức đều tan biến. Đó là nguồn ánh sáng đã tạo nên vạn vật chúng sinh, đó là suối nguồn của mọi thứ lực lượng, đó là vị chúa tể chân chính của cả tinh hệ này! Mọi người không sao hiểu nổi, cảnh mặt trời trên núi tuyết này có điểm gì khác với những nơi khác, tại sao lại khiến tâm trạng của mình xao động đến thế, cảm giác xung động chỉ muốn khóc òa lên mà quỳ xuống bái lạy ấy khởi nguồn từ nơi nao? Nhất thời, thiên địa đều chìm trong tĩnh lặng, chỉ có quầng sáng chói lòa đang chăm chú quan sát vạn vật nó tỏa chiếu, không phân chính tà, không có đúng sai, từ thuở hằng cổ nó đã tồn tại, rồi mãi mãi về sau nó cũng vẫn bừng cháy như thế, đối với nó, con người chỉ là một loại chúng sinh trên mặt đất mênh mang này, cũng hèn mọn nhỏ bé, cũng chỉ là một thứ ký sinh vật sống trên thân thể đồng loại của nó, địa cầu.
Lặng ngắt một hồi lâu, không ai nói gì, tâm trạng mỗi người mỗi khác, có hào hùng, có thẹn thùng, có kính ngưỡng, có tự ti. Mang theo tâm trạng phức tạp lạ thường, Lạt ma Á La là người đầu tiên xoay lại; mấy người Trác Mộc Cường Ba, Đường Mẫn vẫn đứng bần thần ở đó. Lữ Cánh Nam lạnh lùng phát ra mệnh lệnh: "Tiếp tục tiến lên."
--------------------------------
1 Thật tiếc khi lần này đội của Lữ Cánh Nam đã bỏ lỡ cơ hội rút ngắn hành trình tìm Bạc Ba La của họ.