Mười Tội Ác 1: Bóng Ma Đêm Mưa
Chương 5 : Bệnh viện tâm thần
Ngày đăng: 12:39 18/04/20
Bây giờ tôi không tồn tại, nhưng trong quá khứ tôi đã từng tồn tại – Wan Faulkner.
Tôi muốn kể sự thật cho mọi người, mặc dù sẽ chẳng ai tin tôi. Thế giới này thực ra chỉ là một cuốn sách, mỗi người chúng ta đóng một vai trong cuốn sách đó và chẳng ai có thể thay đổi được số phận của mình. Cuốn sách cứ âm thầm đi đến hồi kết đã được định đoạt sẵn, giống như thể mỗi chúng ta đều sẽ chết. Đó là sự thật không thể thay đổi!
Trong văn phòng tổ chuyên án, giáo sư Lương và Bao Triển đang đánh cờ, còn Tô My và Họa Long ngồi trước bàn máy tính tranh cãi gì đó.
Giáo sư Lương hỏi: “Tiểu My, chuyện gì thế cháu?”
Tô My đáp với giọng bực bội: “Họa Long cứ đòi cháu đưa ảnh của anh ấy lên mạng.”
Giáo sư Lương dàn hòa: “Thì cháu đưa lên cho cậu ấy! Đơn giản thế có gì đâu mà phải lớn tiếng.”
Tô My cự nự: “Giáo sư không biết đấy thôi!”
Bao Triển cũng quay lại hỏi: “Anh ấy muốn đưa lên trang nào?”
Tô My bất lực đáp: “Google!”
Trừ Họa Long ra, ba người còn lại liền phá lên cười. Vừa lúc ấy phó cục trưởng Bạch Cảnh Ngọc cầm một cuộn hồ sơ hình sự bước vào.
Họa Long: “Chào sếp! Lại có vụ gì ạ? Lần này đi đâu vậy?”
Phó cục trưởng trả lời với vẻ mặt vô cùng nghiêm trọng: “Địa ngục! Tôi không hề nói ngoa chút nào!”
Tô My nhăn mày: “Rốt cuộc nơi đó ở đâu mà phó cục trưởng nói nghe khiếp thế?”
Bạch Cảnh Ngọc vòng vo: “Nơi đó người béo bước vào lập tức hóa gầy, người gầy bước vào lập tức hóa phì nộn. Bất kể người béo hay kẻ gầy bước vào thì họ đều có điểm chung là nhất định sẽ biến thành những cỗ xác không hồn, vẻ mặt vô cảm, chân tay lờ đờ.”
Giáo sư Lương gõ nhẹ xuống mặt bàn nói: “Tôi biết đó là nơi nào rồi. Bệnh viện tâm thần!”
Bạch Cảnh Ngọc gật đầu: “Đúng vậy! Lần trước tôi từng đến bệnh viện tâm thần thị sát một lần, trong đó nhốt rất nhiều kẻ mắc bệnh tâm thần gây ra nhiều vụ trọng án. Hôm ấy tôi đã sốc nặng”
Tô My tò mò: “Ồ! Chuyện gì mà khiến phó cục trưởng phải sốc vậy?”
Hồ như Bạch Cảnh Ngọc không muốn nhắc lại chuyện cũ, suy tư một lát, ông cười mà như mếu đáp: “Họ uống thứ họ thải ra!”
Ngày 29 tháng 12 năm 2007, bệnh viện tâm thần thành phố An Định xảy ra một vụ án giết người vô cùng nghiêm trọng, viện trưởng và viện trưởng phu nhân bị sát hại, hiện trường gây án diễn ra tại nhà xác của bệnh viện, cảnh tượng trông vô cùng thảm thương đến không nỡ nhìn, trên vách tường trong phòng in rất nhiều dấu vân tay và cả dấu vân chân. Cảnh sát địa phương đã tiến hành điều tra bước đầu, dấu vân tay là của viện trưởng phu nhân, còn dấu vân chân là của viện trưởng. Nhân viên trông nhà xác vẫn thoi thóp thở.
Ba nạn nhân bị trói trên băng ca cứu thương, cả ba đều được gây tê toàn thân.
Viện trưởng và viện trưởng phu nhân đã tử vong.
Nhân viên trông nhà xác vẫn sống nhưng giờ đang rơi vào trạng thái người thực vật, bệnh trạng rất nguy kịch, có thể tắt thở bất cứ lúc nào.
Tổ chuyên án nhìn những bức ảnh. Qua ảnh có thể thấy con ngươi của ba nạn nhân lồi hẳn ra, lông mi bị cắt.
Họa Long chỉ vào bức ảnh hỏi: “Tại sao hung thủ lại làm vậy?”
Giáo sư Lương đáp: “Hung thủ muốn cho ba nạn nhân nhìn thấy nhau thật rõ…”
Vụ án nghiêm trọng đến nỗi cảnh sát địa phương, sở y tế và ủy ban nhân dân thành phố thống nhất phải mời tổ chuyên án đến giúp đỡ phá án, các lãnh đạo trên tỉnh cũng hết sức quan tâm, trưởng phòng trọng án thuộc đội cảnh sát hình sự họ Nghiêm cùng đến bệnh viện tâm thần thành phố An Định với tổ chuyên án. Cảnh sát bao vây toàn bộ bệnh viện, họ nhận định bước đầu rằng hung thủ có thể là bác sĩ hoặc bệnh nhân của chính bệnh viện này.
Bệnh viện tâm thần thành phố An Định có niên đại rất lâu đời, nó được xây dựng từ những năm 30 của thế kỉ trước, tiền thân của nó là viện điều dưỡng dành cho các sĩ quan quân đội trong thời kì chiến tranh. Trước bệnh viện vẫn còn nhìn thấy hố bom. Bước qua cánh cổng nan sắt sẽ thấy bên trong cánh cửa là hai dãy nhà gạch lợp ngói xi măng. Hai dãy nhà chia thành ba khu vực, lần lượt là phòng tiếp tân, phòng chờ khám và phòng thăm người thân. Trong bồn hoa trước cửa trồng toàn hoa mào gà. Bước qua một cánh cổng sắt nữa thì thấy mở ra không gian trước mắt vô cùng khoáng đạt, rộng rãi. Đó là một chiếc sân lớn vắng teo không bóng người, cuối sân có một tòa nhà vô cùng cũ nát, dây trinh đằng bò kín các vách tường, lá cây đã rụng hết còn trơ thân và rễ gân guốc, khô héo bám chặt lấy cả tòa nhà, trông vô cùng quái dị và đáng sợ.
Bốn thành viên của tổ chuyên án và trưởng phòng Nghiêm bước vào tòa nhà. Trong phòng họp của bệnh viện, viện phó giới thiệu với cả đoàn rằng bệnh viện tâm thần này tập hợp rất nhiều các thành phần bệnh nhân, ví dụ như bệnh nhân buộc phải cưỡng chế vào viện chữa trị, bệnh nhân thông thường, bệnh nhân đến kiểm tra thần kinh, bệnh nhân cai nghiện, bệnh nhân mắc bệnh tình dục… Tất cả có tám mươi ba bác sỹ và hộ lí, hai trăm mười bệnh nhân. Từ khi xảy ra vụ án kinh thiên động địa này thì rất nhiều bác sĩ đều làm đơn từ chức, nhưng viện phó không phê chuẩn cho bất kì ai bởi vì rất có thể hung thủ lẩn trốn trong số đó. Hơn nữa, nếu bác sĩ từ chức thì không ai chăm sóc và quản lí bệnh nhân. Rất nhiều bệnh nhân ở đây mắc bệnh tâm thần nặng từng phạm tội hình sự, gây nguy hại nghiêm trọng cho xã hội.
Giáo sư Lương bắt đầu phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Trưởng phòng Nghiêm dẫn cảnh sát địa phương tiến hành kiểm tra các tử thi chi tiết hơn, phòng kĩ thuật kiểm định các dấu vết nhỏ xuất hiện trên hiện trường vụ án. Họa Long và Tô My phụ trách thẩm vấn các nhân viên công tác tại bệnh viện, đặc biệt cần hỏi rõ hành tung cụ thể của từng người trong đêm xảy ra án mạng. Viện phó cùng các y bác sĩ tiến hành cấp cứu khẩn cấp cho nhân viên trông nhà xác, phải cứu anh ta bằng mọi cách bởi anh ta là người duy nhất sống sót và nhìn thấy hung thủ.
Tám mươi ba nhân viên trong bệnh viện được chia thành từng đợt, lần lượt bước vào phòng thẩm vấn, rất nhiều người không chịu hợp tác. Tô My phát giấy và bút cho họ, yêu cầu họ ghi tường tận mình làm gì vào đêm hôm đó, có phát hiện điểm khả nghi nào hay không. Phần lớn các y bác sĩ đều cho rằng vụ án này do viện phó hoặc các bác sĩ trong bộ lãnh đạo gây ra, số khác ghi chép lung tung, ngoài ra còn có một y tá chỉ vẽ một vòng tròn trên giấy, mà không viết chữ nào.
Tô My hỏi cô y tá đó: “Vòng tròn này có nghĩa gì? Mà… sao cô lại có râu?”
Cô y tá lạnh lùng đáp: “Tôi muốn từ chức!” Nói xong, cô trừng mắt nhìn Tô My rồi quay người bỏ đi. Lúc ra đến cửa, cô y tá đấm mạnh xuống bàn với lực rất mạnh, làm mọi thứ đang đặt trên đó rung lên bần bật.
Vì đặc thù của công việc nên các y tá trong bệnh viện tâm thần đều cao to, khỏe mạnh hệt như nam giới, người nào cũng lưng hùm eo gấu, sức khỏe phi thường.
Y tá trưởng dẫn giáo sư Lương và Bao Triển tham quan quanh bệnh viện. Kết cấu của bệnh viện này thực chẳng khác gì nhà tù, đến đâu cũng thấy cửa bằng nan sắt, những bệnh nhân tâm thần nặng được cách ly riêng một chỗ, không được phép tự do ra vào, ngoại trừ số ít bệnh nhân nhập viện tự nguyện là có thể xuất viện thì đa số những bệnh nhân bị cưỡng chế vào đây đều khó có cơ hội lành bệnh để trở về với xã hội.
Tầng hai là nơi dành cho những bệnh nhân tâm thần được người thân hoặc người giám hộ đưa tới. Tầng ba là những bệnh nhân tâm thần lang thang được ủy ban nhân dân thu nhận và đưa vào đây điều trị. Tầng bốn là những phạm nhân mắc bệnh tâm thần từng vi phạm pháp luật bị cưỡng chế vào viện.
Tại phòng tiếp tân ở tầng hai, giáo sư Lương thẩm vấn một vài bệnh nhân tâm thần tự nguyện nhập viện điều trị. Họ được phép tự do hoạt động bên ngoài, thậm chí được vào thư viện đọc sách báo, bởi vậy rất có khả năng hung thủ nằm trong số những bệnh nhân dạng này.
Người đầu tiên bước vào là một cô gái đeo kính trông rất giống dân trí thức, nom cô tiều tụy nhưng không kém phần xinh đẹp. Cô thản nhiên nói mình chính là hung thủ giết người, cô ta muốn giết viện trưởng từ lâu vì viện trưởng từng cưỡng bức cô ta. Rồi cô ta miêu tả rất sống động viện trưởng đã làm gì, các chi tiết nghe có vẻ vô cùng chân thực. Đang nói rất hùng hồn, đột nhiên cô ta quay ngoắt sang phía giáo sư Lương nói: “Ông cũng muốn cưỡng bức tôi đúng không! Tôi thừa biết!”
Giáo sư Lương lúng túng mở bệnh án. Thì ra đây là bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng. Cô ta cho rằng mình xinh đẹp và tất cả mọi người đều muốn cưỡng bức mình.
Tiếp theo là một cậu béo da trắng mắt thâm quầng, trông chẳng khác nào mắt gấu trúc. Cậu ta ngồi xổm xuống góc nhà, tay run lẩy bẩy, ngay cả cơ mặt cũng co giật theo. Y tá trưởng khe khẽ giải thích: “Vì nhiều bệnh nhân ở đây phải thường xuyên sử dụng thuốc nên mắt họ có quầng đen xung quanh và tứ chi thường run lật bật.”
Giáo sư Lương hỏi: “Cậu từng đến văn phòng của viện trưởng bao giờ chưa?”
Cậu béo căng thẳng đáp: “Đến đó rồi! Viện trưởng uống trộm rượu của tôi. Trong phòng ông ta có một cái giếng, tôi giấu một thùng bia ở trong giếng đó, bia đặt dưới giếng ngon hơn bia ướp đá nhiều đấy, ông biết không?”
Giáo sư Lương lại hỏi: “Viện trưởng bị sát hại rồi! Cậu biết tin này chưa?”
Cậu béo thực thà đáp: “Họ có ba người, tôi nhìn rõ mồn một. Kẻ giết người đang đứng ngay sau lưng ông kia kìa!”
Giáo sư Lương và Bao Triển không kiềm được liền quay lại nhìn, sau lưng không hề có ai, chỉ có một vách tường.
Y tá trưởng xua tay bảo cậu ta đi ra. Bao Triển nhìn bệnh án, hóa ra cậu béo này là bệnh nhân mắc chứng ảo giác.
Sau khi cậu béo rời khỏi phòng, thì một thanh niên bước vào, trông cậu ta hao hao giống sinh viên đại học, rất nho nhã và có học thức. Giáo sư Lương giở bệnh án. Đây là bệnh nhân mắc chứng tâm thần phân liệt, sở hữu hai nhân cách hay nói cách khác là song trùng nhân cách. Hai nhân cách trong con người đó có tên và trí nhớ hoàn toàn riêng biệt, nhưng cùng sống trong một cơ thể. Nếu nói cơ thể chúng ta là một cỗ máy thì với người mắc chứng song trùng nhân cách, cỗ máy đó do hai người điều khiển.
Cậu ta mỉm cười chào mọi người, rồi ngồi xuống ghế phía bên kia bàn, hai tay đặt gọn gàng trên gối, trông chẳng khác gì một người hoàn toàn bình thường.
Giáo sư Lương hỏi: “Cậu tên gì?”
Cậu thanh niên đáp: “Lưu Vô Tâm!”
Bao Triển thắc mắc: “Sao trong bệnh án lại ghi anh tên là Đỗ Bình? Vậy Đỗ Bình là ai?”
Người thanh niên vỗ vào ngực mình và giải thích: “Thân thể này là của cậu ta! Của Đỗ Bình!”
Giáo sư Lương gật gù vẻ rất hiểu lời cậu ta: “Một người bị phân chia ra thành hai nhân cách! Tôi trông cậu giống người có học, vậy phải xưng hô với cậu như thế nào đây?”
Thanh niên nọ nói: “Cứ gọi tôi là Lưu Vô Tâm! Tôi sống trong cơ thể cậu ta…”
Bao Triển tò mò hỏi: “Anh có hiểu gì về Đỗ Bình không?”
Cậu thanh niên đáp: “Chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau, cậu ta không hề biết đến sự tồn tại của tôi có điều tôi cảm nhận được cậu ta. Cậu ta là kẻ vô học, lười suy nghĩ bởi vậy tôi mới xuất hiện để thay thế cậu ta. Đơn giản thế thôi!”
Bao Triển lại hỏi: “Anh rất thông minh! Người nhà đưa anh đến đây sao?”
Cậu thanh niên trả lời: “Tôi tự nguyện vào đây vì thích nơi này, thích bệnh viện tâm thần. Ở đây ai cũng có thể nói nhăng nói cuội, điên điên khùng khùng, có thể thoải mái và công khai làm điều mình thích. Tôi thích cảm giác tự do, ghét áp lực và ghét ánh nhìn của người khác. Ở đây mọi thứ bất thường đều trở thành bình thường, bất kể anh tè trên giường, hoặc nhìn ai thấy ngứa mắt là thụi liền, chẳng ai quan tâm, chỉ cần anh thích là có thể làm. Đối với các bác sĩ ở đây thì chính bình thường mới là bất thường.”
Giáo sư Lương hỏi dò: “Đỗ Bình thích nơi này không?”
Cậu thanh niên thẳng thắn đáp: “Bây giờ là tôi – Lưu Vô Tâm. Lúc này cậu ta không tồn tại.”
Giáo sư Lương lại hỏi: “Có vẻ cậu là người rất thích suy nghĩ, vậy tôi hỏi cậu, thế nào là tồn tại?”
Cậu thanh niên đáp: “Tôi và ông giống nhau, chỉ tồn tại trong không gian và thời gian nhất định. Chúng ta từ đâu đến và vì sao lại ở đây? Câu trả lời là chúng ta đều được nhào nặn ra từ hư vô. Nếu nói chúng ta đều tồn tại trong một cuốn sách thì chúng ta chính là nhân vật trong cuốn sách đó, còn những người đọc sách lại là nhân vật của một cuốn sách khác!
Giáo sư Lương quay lại chủ đề: “Vào buổi tối viện trưởng bị sát hại, anh đang làm gì?”
Cậu thanh niên trả lời gọn lỏn: “Đọc sách!”
Bao Triển hỏi luôn: “Sách gì vậy?”
Cậu thanh niên nói: “Lược thời gian!”
Y tá Chu ngước nhìn bầu không chi chít ánh sao và cô đã tìm được đáp án từ nơi sâu thẳm của đường chân trời. Sau lần cầu nguyện đó, cô nhờ người mua hộ cuốn truyện của mẹ Teresa và lấy Mẹ làm tấm gương. Vì tận mắt chứng kiến bao nhiêu tấm thảm kịch giữa trần thế nên cô càng muốn vắt hết sức mình để biến bệnh viện tâm thần giống như địa ngục này trở thành thiên đường.
Kết thúc thời gian thực tập, cô nói với viện trưởng: “Tôi muốn ở lại đây làm nhân viên hộ lí tình nguyện.”
Viện trưởng ngạc nhiên bảo: “Tình nguyện sao? Làm tình nguyện thì không có lương đâu đấy!”
Y tá Chu khảng khái đáp: “Tôi không cần lương! Tôi làm ở đây không phải vì tiền!”
Viện trưởng hỏi: “Thế cô định làm bao lâu?”
Y tá Chu trả lời: “Làm cả đời!”
Từ đó cô bắt đầu mở từng cánh cửa đi vào từng trái tim. Trên thế giới này, người bẩn thỉu nhất luôn là người cần được tắm rửa sạch sẽ nhất, người bị vứt bỏ là người cần được yêu thương và quan tâm nhất.
Ở viện có một bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng bị bức hại, anh ta luôn cảm thấy có người muốn truy sát mình, bởi vậy anh ta luôn luôn trốn chạy khắp nơi, lang thang từ bắc vào nam, từ đông sang tây. Khi vào bệnh viện tâm thần này, anh ta lấy tất cả lông tóc trên cơ thể bện thành một sợi dây và luôn trong tâm trạng sẵn sàng chạy trốn. Nhưng từ lúc y tá Chu đến đây, anh ta đã bỏ thói quen này. Câu đầu tiên y tá Chu nói với anh ta là “Đừng sợ! Tôi sẽ bảo vệ anh! Anh đan sợi dây này bao lâu rồi?”
Bệnh nhân đáp: “Chín năm!”
Y tá Chu khẽ thở dài, lẩm bẩm: “Những chín năm liền!”
Trước đây chưa ai từng nói sẽ bảo vệ anh ta, từ nhỏ đến lớn người ta chỉ nói với anh những câu đại loại như “Cút!” “Đồ thần kinh!” “Tránh xa tao ra!” “Cho phát đấm bây giờ!”
Y tá Chu cố gắng truyền bá phúc âm bằng ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu nhất. Trong một lần mất điện, mọi người vây quanh ánh nến, hoa tuyết ngoài cửa sổ lặng lẽ bay theo gió, cô nói với các bệnh nhân rằng đây không phải bệnh viện tâm thần, đây là ngôi nhà của chúa Jesus Kito, đồng thời còn là ngôi nhà của chính mình, mọi người đều là anh chị em của nhau nên cần giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau. Trong đêm tuyết rơi ấy, cô dạy họ hát bài hát của Cơ đốc giáo, rồi bảo với họ hôm nay là ngày lễ đặc biệt.
Một bệnh nhân hỏi: “Ngày lễ gì vậy?”
Y tá Chu đáp: “Ngày lễ Giáng sinh!”
Lễ Giáng sinh đó, y tá Chu cho Ô Ô hai quả táo, còn dạy cậu thiếu niên mắc chứng mất trí nhớ ấy rằng con người cần phải yêu thương nhau vì mọi người đều là anh em một nhà, vạn vật trên cõi đời này đều là tạo vật của chúa.
Ô Ô nói: “Cháu không nhớ cha cháu tên là gì nữa cô ạ!”
Y tá Chu đáp: “Cha cháu chính là Thượng đế, đức Cha của muôn người!”
Ô Ô gật gù: “Tên này có vẻ dễ nhớ đấy!”
Y tá Chu gợi ý: “Cháu có hai quả táo, cháu nên tặng cho người mình quý nhất một quả. Vì cô rất quý cháu nên mới tặng táo cho cháu.”
Ô Ô ngây thơ hỏi: “Thế nếu cháu không cho người khác thì cô có đánh cháu không?”
Y tá Chu đáp: “Không! Nhưng nếu cháu còn gọi biệt danh của cô thì cô sẽ xử lí cháu ngay lập tức.”
Ô Ô cười hì hì, thẽ thọt gọi: “Cô mông to ơi!”
Y tá Chu lập tức nổi giận, mắng cậu bé rồi cho cậu một cái bạt tai thật.
Ô Ô chẳng những không giận mà còn bảo: “Cháu phải nhớ kĩ chuyện này mới được!”
Ô Ô cầm cuốn nhật kí, trên đó viết: “Hôm nay cô Chu cho mình hai quả táo và một cái bạt tai. Mình sẽ tặng một quả cho anh Vô Tâm, chẳng biết bao giờ anh ấy mới trở lại nữa! Cô Chu có biệt hiệu là “Mông to” vì mông của cô ấy rất to.”
Y tá Chu tò mò hỏi: “Sao cháu lại muốn tặng táo cho anh Vô Tâm?”
Ô Ô đáp: “Vì anh ấy đã dạy cháu một cách nhớ rất hay. Anh ấy bảo cháu ghi lại những chuyện quan trọng vào nhật kí, như thế cháu sẽ không quên chúng nữa!”
Ngay sau đó, y tá Chu làm động tác như thể định giơ tay tát, cô nạt: “Thằng nhóc này! Sao cứ gọi biệt hiệu của cô thế hả? Lại còn ghi cả vào trong nhật kí nữa!”
Ô Ô trả lời một câu khiến cô cảm động đến rơi nước mắt, cậu bé bảo: “Cháu sợ… cháu sẽ quên mất cô…”
Nhật kí của Ô Ô rất ngắn, thường chỉ viết một câu, trong đó ghi chép những câu chuyện thường ngày xảy ra trong bệnh viện tâm thần, chỉ duy trang cuối cùng cậu viết khá dài: “Hôm nay, anh Vô Tâm nói viện trưởng là người xấu, y tá trưởng cũng là nguời xấu. Viện trưởng đưa mình đi khám sức khỏe, còn bảo ngày mai sẽ đưa mình sang bệnh viện khác để khám, sau đó mình sẽ được ra viện. Mình chẳng thể nhớ nổi hình dáng của mẹ trông như thế nào, nhưng mình nghĩ chắc mẹ sẽ giống với cô Chu…”
Ô Ô mất sáu mươi phần trăm lá gan, cậu bé chết sau khi ngất xỉu vì mất máu quá nhiều. Đến tận lúc chết, cậu bé đáng thương đó vẫn không biết rằng sau khi cha mẹ quẳng cậu lại bệnh viện tâm thần, họ chẳng bao giờ cần cậu nữa. Người giám hộ từ bỏ trách nhiệm giám hộ cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến viện trưởng dám lấy nội tạng của một người đang sống sờ sờ mang đi bán.
Viện trưởng chết vì ông ta không tin các bệnh nhân tâm thần cũng biết yêu thương nhau.
Ô Ô có ba nguời bạn thân là Gấu béo, chị Kính cận và Lưu Vô Tâm.
Lưu Vô Tâm và Đỗ Bình ở chung trong một cơ thể, nhân cách thông minh trong cơ thể ấy ý thức rằng lão viện trưởng tham lam sớm muộn gì cũng ra tay với những bệnh nhân tâm thần khác, trong đó có chính mình, bởi vậy trên trang bìa cuốn Lược sử thời gian, cậu ta viết một câu thế này: “Đỗ Bình! Tôi cảnh báo anh, viện trưởng sắp cắt thận của anh đấy! Cả thận của chị Kính cận và Gấu béo nữa! Hi vọng anh đọc được những dòng này của tôi!”
Phía dưới viết câu hỏi của Đỗ Bình: “Anh là ai? Chúng tôi phải làm gì bây giờ?”
Lưu Vô Tâm đáp: “Ăn miếng trả miếng!”
Tổ chuyên án kiểm định nét chữ thì biết đó là nét chữ của Lưu Vô Tâm và Đỗ Bình, tuy hai nhân cách phân liệt ở chung trong một cơ thể nhưng nhân cách chính và nhân cách phụ có tên gọi và trí nhớ khác nhau, thậm chí nét bút cũng không giống.
Ngày thứ tư sau lễ Giáng sinh cũng chính là buổi tối Ô Ô qua đời, viện trưởng yêu cầu y tá trưởng nhanh chóng ướp tử thi. Y tá trưởng ra lệnh cho Đỗ Bình, Gấu béo, chị Kính cận mang Ô Ô xuống mật thất. Tâm trạng của ba bệnh nhân tâm thần rất nặng nề và đau buồn. Vừa nghĩ đến tương lai đen tối của mình vừa căm thù viện trưởng, họ đã lấy trộm thuốc gây tê và bộ dao kéo, máy móc phẫu thuật.
Trong nhà xác, họ bắt đầu tiến hành gây tê toàn thân cho viện trưởng và viện trưởng phu nhân cùng nhân viên trông nhà xác, bắt họ nằm trên ba băng ca cứu thương. Viện trưởng phu nhân chỉ ngẫu nhiên bị sát hại, hôm đó bà tình cờ ở cùng chồng. Gã trông nhà xác bị cố ý sát hại, ngày thường gã này có hai tật xấu là uống rượu và đánh bệnh nhân sau khi uống rượu.
Ba nạn nhân nằm trên cáng bắt đầu van xin ba bệnh nhân tâm thần tha mạng, tuy họ bị gây tê toàn thân nhưng họ hoàn toàn không mất ý thức, trong lúc lơ mơ họ vẫn có thể nói.
Đỗ Bình nói với viện trưởng: “Ông muốn biến thành thực vật không?”
Gấu béo thản nhiên chêm vào: “Tôi muốn xem xem da mặt ông thế nào.”
Chị Kính cận phẫn nộ gằn giọng: “Thường ngày các người bắt chúng tao làm việc, giờ chúng tao bắt đầu làm việc đây!”
Một công nhân lò mổ chuyên nghiệp cần mười phút để xử lí xong một con lợn, còn ba nhân viên phẫu thuật được chính y tá trưởng nghiêm khắc dạy dỗ và giám sát này chẳng mất đến mười phút để hoàn thành cả quá trình. Vết vân tay và vân chân in trên tường chỉ là trò đùa ác ý của những bệnh nhân tâm thần.
Y tá trưởng chết trong nghĩa địa bệnh viện vì trong quá trình hung sát nạn nhân, Đỗ Bình đột nhiên trở lại nhân cách của Lưu Vô Tâm, mật thất là hiện trường gây án đầu tiên. Lưu Vô Tâm ngăn Gấu béo và chị Kính cận, cậu ta biết y tá trưởng chẳng sống được bao lâu nữa, nên bảo hai người kia vứt bà ta ra nghĩa địa.
Nhân cách thông minh ấy đào một ngôi mộ rỗng với mục đích ngầm để lại manh mối cho tổ chuyên án. Cậu ta lồng túi nilon vào hai chân trước khi tới hiện trường gây án. Lưu Vô Tâm có thói quen đi dạo khi trời mưa, mỗi lần sân viện ngập bùn lầy, cậu ta lại xỏ chân vào túi non, rồi thắt nút ở cổ chân trước khi đi dạo. Đó chính là nguyên nhân vì sao tổ chuyên án không tìm thấy vết bùn trên đôi dép của Lưu Vô Tâm.
Ban đầu y tá Chu không hề biết ba người họ là hung thủ, bởi vậy cô chỉ vẽ một vòng tròn để gợi ý cho tổ chuyên án điều tra về việc bệnh viện bán thận của bệnh nhân tâm thần, hi vọng nhờ đó có thể chấm dứt hành vi phi pháp và vô nhân đạo này. Nhưng sau khi vụ án đi vào chiều sâu thì y tá Chu bắt đầu sinh nghi. Đỗ Bình, Gấu béo và chị Kính cận cũng không hề có ý che giấu họ thành thật kể hết sự tình cho y tá Chu nghe.
Y tá Chu không bao che cho ba bệnh nhân của mình, mà cô ấy đã làm ba việc cho họ.
Y tá Chu để họ sám hối, trút bỏ hết tội nghiệt trong linh hồn.
Y tá Chu cầu nguyện cho họ lần cuối.
Y tá Chu cùng họ hát bài hát của Cơ đốc giáo, sau đó làm dấu thập tự trước ngực, rồi dẫn ba người vào phòng họp tự thú.
Đỗ Bình, Gấu béo và chị Kính cận thành khẩn kể lại cả quá trình gây án, tuy xen vào đó là tư duy hỗn loạn và những lời lẽ thiếu logic của bệnh nhân tâm thần, nhưng về cơ bản vụ án đã tạm thời khép lại.
Tổ chuyên án rất muốn nói chuyện với Lưu Vô Tâm nhưng kể từ khi dẫn giáo sư Lương và Tô My rời khỏi mật thất, nhân cách đó không bao giờ xuất hiện nữa.
Về sau, cảnh sát vẫn không điều tra ra ai là kẻ cố tình phóng hỏa ở bệnh viện đêm hôm ấy, rất nhiều hồ sơ của bệnh nhân bị thiêu rụi cùng với một số tác phẩm nghệ thuật. Y tá Chu trở thành viện trưởng Chu, cô rất tiếc nuối vì tất cả tài liệu có giá trị đã thành đống tro tàn. Trong bệnh viện tâm thần có cả những nhà nghệ thuật đôi khi thiên tài cũng bị coi là kẻ tâm thần. Ngoại trừ bệnh nhân chuyên chế tác thủ công mỹ nghệ thường đan bện lông tóc trên cơ thể mình ra, thì ở đây còn có họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà ảo thuật và các nhà hoạt động nghệ thuật khác nữa.
Năm 2000, có một người xòe bốn chiếc ô, bốn chiếc ô đó đều rách nát trơ gọng, không còn mảnh vải che, anh ta cứ tha thẩn đi trong gió tuyết giữa sân bệnh viện tâm thần.
Năm 2001, có bệnh nhân tâm thần khắc bản đồ Thanh Minh Thượng Hà siêu nhỏ lên vỏ lon bia.
Năm 2002, có người lấy đinh khắc một câu trên vách tường “Biến mất ở cõi trên tất cả sẽ trùng phùng ở cõi dưới.”
Giáo sư Lương nhìn vách tường và trầm tư hồi lâu. Ông cảm thấy nét chữ ấy rất giống bút tích của Lưu Vô Tâm, mà năm 2002 Đỗ Bình chưa bị nhốt vào bệnh viện tâm thần này. Giáo sư Lương cảm thấy rất kì lạ vì hồ sơ của bệnh nhân này đã bị thất lạc. Ông liền hỏi lão gù trong phòng tiếp tân của bệnh viện.
Giáo sư Lương: “Làm ơn cho hỏi một chút, ở đây có bệnh nhân tâm thần nào tên là Lưu Vô Tâm không ạ?”
Lão gù: “Đỗ Bình chính là Lưu Vô Tâm mà! Cậu ta có hai tên.”
Giáo sư Lương lắc đầu: “Tôi muốn nói đến Lưu Vô Tâm khác cơ! Năm 2002 có phải có một bệnh nhân cũng mang tên này vào đây không?”
Lão gù nhíu mày suy nghĩ: “Lưu Vô Tâm à? Để tôi nhớ lại xem! À! Hình như tôi có ấn tượng về người này.”
Giáo sư Lương vội hỏi: “Người đó làm gì?”
Lão gù gù đáp: “Nge nói cậu ta là nhà văn. Cậu ta ở bệnh viện tâm thần này gần mười năm, giờ đã ra viện cũng được gần mười năm rồi!”
[1] Basilica di San Francesco d’Assisi: Ngĩa là Thánh Phanxico thành Assisi