Nam Quốc Sơn Hà

Chương 28 : Nhân-huệ Hoàng Đế

Ngày đăng: 09:02 19/04/20


Tuy bị kiềm chế, tính mệnh như treo bằng sợi tóc, nhưng Hoàng-Nghi cũng nhận ra Nang-chang-Lan mặc chiếc áo xanh, dây lưng hồng, quần đen, cỡi ngựa đi song song với Đông-Thiên. Nàng nghiêng nghiêng cái đầu, nhìn giáo chúng như những con chó phải thần phục dưới chân mình. Tuy thấy Hoàng-Nghi bị Vũ Chương-Hào kiềm chế, mà nàng vẫn thản nhiên như không.



Từ lúc Ngọc-Liên, Ngọc-Hương thấy bọn Hoàng-Nghi bị bắt, hai nàng chỉ mới học thuật chỉ huy voi, hổ, nhưng chưa thông thạo, thành ra luống cuống không biết làm thế nào cứu ứng. Bây giờ thình lình Tây-hồ thất kiệt xuất hiện với Đông-Thiên, thì mừng chi siết kể. Hai nàng vọt ngựa tới, tóm lược tình hình kể cho chúng nghe.



Tuổi trẻ thời nào cũng vậy, rất nhậy cảm trong vấn đề tình bạn. Giữa Long-biên ngũ hùng với Tây-hồ thất kiệt, học với nhau, nô đùa với nhau, phá phách với nhau, trêu cợt nhau mấy năm qua, khiến chúng trở thành thân thiết như ruột thịt. Nghe Ngọc-Liên kể, rồi nhìn bọn Hoàng nghi đang bị kiềm chế, Tây-hồ thất kiệt đồng hú lên một tiếng dài liên miên bất tuyệt. Đó là hiệu lênh xua quân tấn công. Hai đạo Hoàng, Bạch kỳ dàn ra mau chóng vây lấy bọn Vũ Chương-Hào, Nguyễn-thị Bằng. Trần-Di ra lệnh cho Quách-Y, Mai-Cầm, Ngô-Ức chỉ huy đội tượng, hổ.



Từ lúc bọn Hoàng-Nghi bị kiềm chế, đám hổ binh, tượng binh không người thống lĩnh; tuy thấy chúa tướng bị bắt, mà chúng không biết làm thế nào, chỉ biết chạy theo. Bây giờ có người chỉ huy chúng nhe nanh, há miệng nghểnh cổ, gầm gừ, lắc lư đầu; chỉ cần một cái phất tay của Trần-Di là chúng nhào vào tấn công ngay.



Từ trước đến giờ Vũ-chương-Hào, Nguyễn-thị-Bằng có coi anh em Đông-Thiên ra gì đâu? Khi mới thấy Đông-Thiên với hai đạo Hoàng, Bạch kỳ, chúng định ép bọn Hoàng-Nghi xua thú tấn công. Nhưng bây giờ thấy Tây-hồ thất kiệt thay thế bọn Hoàng-Nghi chỉ huy hổ, tượng... chúng ớn da gà; là những đại ma đầu Hồng-thiết giáo, chuyên dùng thú để xử tử những giáo đồ phản bội, nên chúng hiểu rất rõ cái nguy hiểm trước mắt. Vũ-chương-Hào vội tiến ra cung tay hành lễ:



– Thuộc hạ tham kiến giáo chủ. Kính chúc giáo chủ thọ bằng trời đất.



Đông-Thiên cười nhạt:



– Hữu hộ giáo, Đông-phương sứ! Bản nhân sai phó giáo chủ cùng vợ chồng đạo trưởng Võ-xuân-Loan, Trần-Bình đi sứ để tuyên cáo đại nghĩa với hai vị. Hà cớ hai vị lại bắt giam lại, như thế là ý gì vậy?



Vũ-chương-Hào cung tay:



– Khải giáo-chủ, thực là oan uổng, bởi khi phó giáo chủ cùng vợ chồng Trần-Bình tới Đồ-bàn, thì tế tác của Chế-Củ đã biết hết mọi sự. Chế-Củ bàn với Lục-Đình giả làm tiệc thiết đãi, rồi bỏ thuốc độc vào thức ăn, khiến phó giáo chủ với vợ chồng Trần-Bình mê man, rồi bắt giam. Thuộc hạ với Đông-phương sứ tuy biết rõ, nhưng không thể can thiệp, vì sợ hỏng đại cuộc. Bọn thuộc hạ bàn với nhau: hãy nín nhịn cho qua, đợi đại giá giáo chủ tới ngoài thành, bọn thuộc hạ sẽ khởi binh giết Chế-Củ, tôn giáo chủ lên làm vua, bấy giờ cứu phó giáo chủ cũng chưa muộn.



Y chỉ vào bọn Hoàng-Nghi:



– Sáng nay, được tin đại giá giáo chủ sắp tới, bọn thuộc hạ khởi binh giết Chế-Củ. Cuộc chiến đang diễn ra ác liệt, thì bọn này xuất hiện, trợ chiến cho binh Chế-Củ, chúng xua thú tấn công giáo chúng, nên bọn thuộc hạ bị bại, phải rút ra đây. Tình hình trong thành thế nào, thuộc hạ không biết.



Đông-Thiên chỉ bọn Hoàng-Nghi:



– Các người nói sao lạ. Ba thiếu niên này là người của triều đình Đại-Việt cử đến giúp bản giáo. Vì thấy chúng có chân tài, ta định thu làm đệ tử. Vì chúng chưa hiểu nhiều về bản giáo, nên ta còn thử thách. Sở dĩ chúng xua thú tấn công người, chắc vì lý do trọng đại nào khác, chứ chúng không phải là những kẻ hồ đồ.



Hoàng-Nghi biết rằng nếu để chậm trễ, có thể Lý-Đoan, Trần-Ninh hay Ngọc-Liên, Ngọc-Hương nói rằng tuân chỉ Trung-thành vương diệt bọn Hồng-thiết thì hỏng bét. Nó cung tay vái Đông-Thiên:



– Khải giáo chủ, giữa hữu hộ giáo với bọn thuộc hạ, trung gian có sự hiểu lầm. Bọn thuộc hạ tuân chỉ dụ của giáo chủ tiến đánh Đồ-bàn. Nhưng giữa đường bọn thuộc hạ nghe tin hữu sứ bắt giam sứ đoàn của giáo chủ, nên khi thấy hữu sứ, với thuộc hạ của người, bọn thuộc hạ cho rằng... cho rằng cần giết hết bọn bất trung với giáo chủ. Bây giờ sự đã trắng đen, thì hẳn hữu sứ không làm khó dễ anh em thuộc hạ nữa.



Nghe Hoàng-Nghi biện luận, Vũ Chương-Hào biết rằng điều đó chưa chắc đã là sự thực. Nhưng trước mắt, tướng sĩ, giáo chúng của y còn không quá năm nghìn người. Trong khi hai đạo Hoàng, Bạch-kỳ đông đến mấy vạn, lại thêm đạo binh thú của bọn Hoàng-Nghi, Trần-Di nữa, nếu y không thả ba trẻ ra thì cái họa bị tiêu diệt khó tránh.



Y đưa mắt cho Thị-Bằng, cả hai vội thả bọn Hoàng-Nghi ra. Hoàng-Nghi chạy lại bên ngựa Nang-chang-Lan, nắm lấy tay nàng:



– Lan, anh nhớ em đến chết được. Em...



Chang-Lan giật tay ra:



– Trước mặt đại giá giáo chủ, anh phải giữ lễ độ, không được bầy tỏ tình cảm yếu mềm. Anh về trận của anh đi.



Hoàng-Nghi như bị gáo nước lạnh dội lên đầu, nó kinh ngạc:



– Em... sao em...



Chang-Lan cau mày:



– Giữa trận tiền, mà người mềm yếu như vậy sao đáng là đệ tử Hồng-thiết giáo? Lui!



Đông-Thiên hỏi bọn Hoàng-Nghi:



– Tình hình quân ta thế nào?



Hoàng-Nghi tuy bị ái tình nó vật, nhưng y vẫn còn tỉnh táo. Y trình bầy sơ lược kế hoạch của Trung-thành vương, rồi kết luận:



– Quân ta đã chiếm được thành Đồ-bàn rồi. Theo lệnh của Trung-thành vương, khi Chế-Củ còn, thì cuộc chiến còn, điều cần nhất là phải đuổi theo bắt cho được Chế-Củ, rồi giáo chủ trở về Đồ-bàn ban lệnh an dân, và lên ngôi vua.



Đông-Thiên bảo Vũ Chương-Hào:



– Hiện trận chiến ở Thi-nại đang diễn ra cực kỳ ác liệt. Quân ta chưa đổ bộ lên bờ được. Bố-bì Đà-na đắp đồn lập mặt trận dài từ cửa biển Thi-nại tới sông Tu-mao. Cho nên ta phải đánh từng đồn một, rất tốn sức, tốn thời giờ. Vì vậy trước đây cánh quân của ta phải tiến về hợp với cánh quân của Trung-thành vương đánh Đồ-bàn, thì nay ta đánh phía sau phòng tuyến Tu-mao. Bây giờ ta để hữu sứ, Đông-phương sứ, cùng đạo quân của Hoàng-Nghi đuổi theo Chế-Củ. Còn bọn ta tiến về phía Tu-mao. Người nghĩ sao?



Vũ Chương-Hào cung tay:



– Xin tuân chỉ dụ của giáo chủ.



Thế là đội quân của Chương-Hào với đội quân của Hoàng-Nghi đang thù nghịch, chém giết nhau, bây giờ hợp thành một cánh, đuổi theo Chế-Củ.



Vừa ra khỏi cửa Tây, thì gặp hiệu quân Bổng-nhật. Đô-thống Vương-văn-Trổ chỉ Vũ-chương-Hào:



– Thế nào! Phép lạ ở đâu khiến các vị này đi với ta?



Trần-Ninh cười:



– Quốc-tổ, Quốc-mẫu linh thiêng lắm, ngài phù hộ cho con cháu hiểu nhau.



Hoàng-Nghi tóm lược sự kiện thuật cho Vương-văn-Trổ, Trần-lam-Thanh nghe, rồi nó nói:



– Bọn đệ đi tiên phong, hai vị đi tiếp ứng nghe.



Nó lại nói với Chương-Hào:



– Hữu sứ với Đông-phương sứ thông thuộc đường lối, xin hai vị dẫn đường cho bọn hậu bối đuổi giặc.



Không đừng được, Chương-Hào phải ra lệnh cho thuộc hạ hợp với bọn Hoàng-Nghi. Nhưng là con cáo già, y cẩn thận hơn. Y nhảy lên bành voi ngồi chung với Hoàng-Nghi; Thị-Bằng ngồi chung với Lý-Đoan, Ngọc-Liên.



Voi của Lý-Đoan dẫn đầu đoàn quân, hướng phía Bồng-sa tiến phát. Dọc đường Vũ Chương-Hào cật vấn Hoàng-Nghi về việc gặp Đông-Thiên. Hoàng-Nghi biết rằng Vũ là một ma đầu xảo quyệt, linh lợi có thừa, chỉ cần dấu một điểm là y biết ngay. Vì vậy nó tường thuật từ đầu đến cuối, không bỏ sót một chi tiết nào.



Chương-Hào thắc mắc:



– Ta có một nghi ngờ: xưa nay triều Lý cực kỳ thù hận Hồng-thiết giáo, mà sao nay nhà vua lại giúp giáo chủ làm vua Chiêm? Có gì dấu diếm ở trong không?



Biết rằng khó mà biện thuyết với Vũ, Hoàng-Nghi làm bộ ngây thơ:



– Điều này thì tiểu bối hoàn toàn không biết. Hữu sứ kinh lịch khắp thiên hạ, hữu sứ thử kiến giải xem.



– Ta thì ta đoán rằng: triều Lý do cửa Phật mà có, nên ông vua nào cũng phải tỏ ra từ bi, hỷ xả, khoan thứ, bỏ thù. Chắc vì vậy mà nhà vua nghĩ: bọn ta ở Chiêm lâu ngày, từ tiếng nói, đến cách ăn ở, y phục giống Chiêm, thì để bọn ta làm vua Chiêm, hơn là triều Lý cử quan sang cai trị, rồi cứ phải đánh dẹp bọn Chàm nổi lên phục quốc rất cơ cực. Lại nữa chúng ta là người Việt, mà cai trị Chiêm, thì giòng giống Việt tại đây mới chiếm ưu thế, diệt dần giòng giống Mã-lị-á. Có đúng thế không?



Hoàng-Nghi thấy Chương-Hào chỉ vì cái danh, mà nhìn sự vật toàn mầu xanh, nó vội nói thêm vào:



– Sự thực như hữu sứ kiến giải cũng có, mà theo tiểu bối còn một điều nữa là: Hồng-thiết giáo tổ chức chặt chẽ, có nhiều người minh mẫn tuyệt đỉnh, võ công cao thâm. Nếu như các vị cai trị Chiêm, thì bọn Mã-lị-á có nổi lên chống cũng không nổi. Tương lai, các vị còn tiến vào Nam, chiếm Chân-lạp nữa. Triều đình Đại-Việt luận bàn: từ khai quốc đến giờ Đại-Việt luôn bị cái ách đe dọa của phương Bắc, gần đây lại thêm cái rắc rồi ở phương Nam. Cho nên triều đình muốn sao dứt được cái rắc rối, để có thể yên tâm chống họa Bắc. Nếu Chiêm quốc được cai trị bởi các vị, ít ra Hồng-thiết giáo không phải là bạn tốt, thì cũng chẳng phải là kẻ thù như Chế-Củ.



Bỗng tiếng chim ưng tuần phòng trên trời réo lên báo hiệu. Hoàng-Nghi nhìn về trước, có khói bốc lên, rồi tiếng quân reo, ngựa hý. Vương-văn-Trổ đã phi ngựa lên trước quan sát. Ông nói:



– Đây còn cách Bồng-sa hơn hai mươi dặm. Phía trước kia có trận giao tranh rất ác liệt. Chắc là quân của Chế-Củ với quân của Vũ-kị thượng tướng quân Hà Mai-Việt. Ta phải lên tiếp viện mau.



Đến đó có đôi chim ưng bay tới, chúng ré lên báo hiệu khẩn cấp. Lý-Đoan gọi chim ưng xuống, lấy thư ra đọc, quả là lời cầu cứu của Phạm-Dật, Kim-Loan:



«... Tiền quân của Chế-Củ rút tới Bồng-sa, chúng tôi tung phục binh đánh hậu quân của Chế. Những tưởng hiệu Bổng-nhật với đội thú của Hoàng-Nghi đuổi tới đánh phía sau địch. Nhưng sau nửa giờ vẫn không thấy đâu. Trung quân của Chế-Củ đánh quặt trở lại. Chúng tôi bị bao vây... »



Hoàng-Nghi hội với Vũ-chương-Hào, Nguyễn-thị-Bằng, Vương-văn-Trổ, Trần-lam-Thanh. Nó nói:



– Đúng kế hoạch, thì hai đô thống với bọn đệ đuổi sát phía hậu quân Chế-Củ. Nhưng vì có sự hiểu lầm, bọn đệ bị Vũ hữu sứ kiềm chế, thành ra ta tiến quân chậm, mới nên nông nỗi. Bây giờ chúng ta phản ứng ra sao?



Vương Văn-Trổ đề nghị:



– Ta viết thư cho Hà Mai-Việt, báo tin để họ phá vòng vây, còn ta thì đánh bọc hai bên.



Trần-Ninh viết thư sai chim ưng đi liền. Sau khi thỏa thuận, Vương-văn-Trổ, Trần-lam-Thanh đem hiệu Bổng-nhật đánh vào bên phải; Vũ-chương-Hào, Nguyễn-thị-Bằng với bản bộ quân mã đánh vào bên trái; bọn Hoàng-Nghi, đem đội võ sĩ Long-biên, đội voi, đội hổ đánh vào chính giữa.



Ba cánh quân đánh trống, tiến lên.



Bọn Hoàng-Nghi thúc quân lên đường. Mỗi lúc tiếng quên reo, ngựa hí càng gần. Khoảng hơn khắc sau, phía trước hiện ra một trận chiến: quân Việt đóng trên một ngọn đồi thấp thoai thoải, dàn trận thành hình cánh cung. Đội kị binh Phù-đổng núp sau những tảng đá lớn dùng tên cản trở không cho quân Chiêm tiến lên. Đội sói núp bên cạnh trong tư thế phòng vệ. Còn quân Chiêm thì dàn ra vây chặt dưới đồi. Dường như họ đã xung phong nhiều lần, nhưng không kết quả, vì xác người, xác ngựa nằm rải rác trên sườn đồi.



Hoàng-Nghi đốt pháo thăng thiên tung lên trời. Đó là hiệu lệnh tấn công. Đạo Bổng-nhật từ phía phải, đạo của Vũ-chương-Hào từ phía trái, vừa reo hò xung vào phòng tuyến Chiêm. Bọn Hoàng-Nghi cầm cờ phất, đám võ sĩ Long-biên đứng trên lưng voi, cung dương, tên nạp; đội hổ đi phía trước. Quân Chiêm thấy hổ mà vẫn bình tĩnh, dương cung chống trả. Nhưng chỉ hai loạt tên đầu của đội võ sĩ Long-biên, hơn nghìn người chết. Đội hình Chiêm bị cắt làm đôi. Phía trên đồi, Phạm-Dật, Kim-Loan xua đội sói đổ đồi. Đạo kị binh Phù-đổng rời khỏi chỗ nấp đánh trở xuống. Không đầy nửa giờ, vòng vây bị phá vỡ, quân Chiêm bỏ chạy về hướng Nam.



Hai quân bắt tay được với nhau. Vợ chồng Huyền-kỳ chủ vội đến trước Vũ-chương-Hào, Nguyễn-thị-Bằng thi lễ. Phạm-Dật kể với Hoàng-Nghi:



– Trận chiến vừa qua, nghĩ lại mà rùng mình. Bọn Chiêm rút về Bồng-sa, vừa ngừng lại nấu cơm ăn, Vũ-kị đại tướng quân với bọn ta phục binh, xông ra đánh cắt hậu quân chúng thực dễ dàng. Trong khi giao chiến, ta cứ nghĩ rằng bọn mi tới liền, tiêu diệt đám hậu quân, rồi đuổi theo trung quân chúng. Không ngờ chẳng thấy bọn mi đâu, trong khi trung quân chúng trở lại đánh tập hậu. Bọn ta đành rút lên đồi cố thủ.



Có chim ưng mang thư đến, Phạm-Dật mở ra coi, rồi cung kính nói với Vũ-chương-Hào, Nguyễn-thị-Bằng:



– Thưa hữu sứ, Trung-thành vương cho biết, hiện quân Đại-Việt đã chiếm xong Đồ-bàn và các huyện lân cận. Chỉ dụ của đức vua ban ra rằng: quân Đại-Việt tiến đánh đến Bắc Hải-vân thôi. Còn phía Nam Hải-vân trao cho các vị trong Hồng-thiết giáo. Đạo quân của Trung-thành vương đánh Đồ-bàn; đạo quân của nguyên soái Thường-Kiệt đánh Thi-nại, đều với mục đích giúp các vị. Hiện nay đại giá giáo chủ đang đánh quân Chiêm ở Tu-mao, vậy kính mời hữu sứ, Đông-phương sứ về Đồ-bàn tổ chức an dân, cai trị.



Vũ Chương-Hào mừng chi siết kể, bởi từ trước đến giờ y vẫn coi thường Đông-Thiên. Trong trận chiến Đồ-bàn vừa rồi, bất đắc dĩ y phải khuất phục Đông-Thiên để chờ thời, chứ trong lòng y, thì y vẫn nghĩ rằng, lật Chế-Củ rồi, y sẽ lên làm vua. Bây giờ Đông-Thiên đang tham chiến ở Tu-mao, Trung-thành vương gọi y về giữ Đồ-bàn, thì là điều y cầu mà không được. Vì sau khi y tổ chức nền cai trị Đồ-bàn, rồi cử người thân tín đi nhậm tất cả lộ, phủ, huyện, trang, xã, thì sau này Đông-Thiên không thể tranh thắng với y. Y vui vẻ nói:



– Tôi xin tuân chỉ của vương gia.



Sau khi cho quân ăn cơm trưa rồi, Phạm-Dật nói với vũ-kị đại tướng quân Hà Mai-Việt:



– Hà tướng quân cùng hai vị Huyền-kỳ chủ ở lại đánh chiếm, tổ chức cai trị các vùng xung quanh. Anh em chúng tôi xin đuổi theo quân Chiêm ngay, không cho chúng kịp nấu cơm ăn. Như vậy khi chạy tới Nỏng-khà thì tan rã.



Hổ, sói được xua lên xe, dùng voi kéo. Phạm-Dật hỏi anh em:



– Ê! Bọn bay mệt chưa?



– Mệt hay không, đếch cần bàn đến! Hãy đuổi theo giặc tới cùng đã.



Bốn trai, ba gái, đi trên bốn voi xua quân lên đường. Lý-Đoan luôn luôn dùng chim ưng theo dõi tình hình quân Chế-Củ. Trưa hôm ấy bọn chúng dừng quân dưới chân một ngọn núi đá dựng đứng, cạnh con suối. Phạm-Dật quan sát kỹ, chúng quyết định hạ trại: lưng dựa vào núi, phía trái là ngọn suối, phía phải là cánh đồng. Hoàng-Nghi bố trí các xe thành những bức tường che mặt trước, mặt phải. Sau đó phân chia cho Ưng-binh, Ngao-binh canh phòng, rồi nấu cơm ăn.



Thú rừng được thả ra cho chạy tự do. Đội võ sĩ Long-biên cử mười toán đem chó sói đi săn. Rừng núi vùng này rất nhiều thú. Chỉ hơn giờ sau, các toán săn bắn đem về nào hươu, nào nai, nào hoẵng, nào heo rừng, nào trâu rừng không biết bao nhiêu mà kể; làm lương thực. Đội voi, ngựa thì ăn cỏ. Đội hổ, sói, hồi chiều sau trận giao chiến với quân Chiêm, chúng được thưởng thức một bữa thịt người ê hề, nên bây giờ chúng kiếm chỗ nằm nghỉ. Ngọc-Liên, Ngọc-Hương vốn có tài nấu ăn. Hai nàng cắt một đùi nai, rồi lấy củi khô đốt lên nướng. Bẩy người vừa cắt thịt ăn vừa bàn luận.



Hoàng-Nghi vừa ăn, vừa thừ người ra tỏ vẻ đăm chiêu. Ngọc-Liên hỏi:



– Anh ba Nghi đang nghĩ gì vậy?



– Anh thấy chúng mình trải qua một đêm xung sát mệt lử, bây giờ hãy tạm nằm nghỉ. Đêm nay trời tối, ta đem quân đuổi theo Chế-Củ, gây cho quân sĩ của y kinh hoàng, thì mới mong bắt được y. Tuy nhiên, anh ngại một điều, quân của chúng tuy hao hụt, nhưng cũng còn vài vạn. Ta làm sao địch nổi?



Phạm-Dật phất tay:



– Hồi sáng, giao chiến với bọn Chiêm, anh thấy chúng mệt mỏi lắm rồi. Vì từ sớm hôm qua, chúng chia thành hai phe ủng Vũ Chương-Hào, phe ủng Chế-Củ đánh nhau kẻ chết, người bị thương; rồi khi quân ta vào thành, chúng rút chạy. Khi đến đây vừa dừng lại nấu cơm thì bị đổ ra đánh. Ta đồ chừng chúng chạy khoảng năm chục dặm ắt dừng lại nghỉ ngơi. Bây giờ giữa đêm, ta tung phục binh đánh, thì y phải bỏ chạy.



Lý-Đoan, Trần-Ninh tán thành:



– Thôi ăn rồi đi ngủ, để sức đêm nay xung sát. Mình phải đánh tan quân Chế-Củ cho tên chó Trần Thanh-Nhiên lé mắt chơi.



Hoàng-Nghi đưa mắt nhìn về Đồ-bàn, trong lòng buồn rười rượi.



Kim-Loan hỏi nó:



– Chú ba này, chị thấy gần đây, dường như chú có điều gì buồn thì phải. Chị tuy chưa là vợ của anh Dật, nhưng tương lai cũng là chị dâu chú. Vậy chú có điều gì bất mãn, chú có thể nói cho chị nghe được không?



Hoàng-Nghi thở dài:



– Chuyện em chẳng có gì lạ cả, vẫn lại chuyện Chang-Lan mà thôi.



Rồi nó tường thuật cuộc đối thoại với Lan hôm trước cho Kim-Loan nghe. Kim-Loan nhăn mặt:



– Điều Lan nói, chị không lạ. Vì chị đã từng sống trong trang Vọng-hương của Võ– Xuân-Loan, nên chị biết vấn đề này rất rõ. Chính vì vậy chị với Kim-Liên không chịu nhập Hồng-thiết giáo, rồi đưa đến cha, anh bị chúng hành hạ. Như Chang-Lan kể, thì nàng nhập Hồng-thiết giáo lâu rồi, nên coi sự hiến thân cho lão Đông-Thiên là một vinh dự. Trong những ngày vừa qua, chị thấy cô ấy tỏ ra rất có oai quyền với mười kỳ chủ, gần như tự coi mình là vợ của giáo-chủ vậy. Như thế thì chú chẳng nên để ý đến con người ấy làm gì.



– Kể từ lúc nàng thuật rằng được phục thị Đông-Thiên là một vinh hạnh lớn, thì em cảm thấy lợm giọng, không muốn nói chuyện với nàng nữa. Còn em buồn, là buồn cho số kiếp mình mà thôi. Em đợi sau trận đánh này trở về, sẽ tìm Mộc-tồn hòa thượng xin thọ giới, để làm một tiểu Mộc-tồn.



Nghe Hoàng-Nghi kể, Kim-Loan an ủi nó:



– Chuyện tình, thì chỉ là cái vui nhỏ. Cái vui lớn là sự nghiệp vĩ đại mà chúng ta đang làm đây mới đáng kể. Không lẽ chỉ vì một đứa con gái Chiêm, tư cách chưa đáng gía một đồng, mà chú ba lại táng chí như thế sao?
– Rút cuộc Ưng-sơn song hiệp với Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng cùng truy lùng tung tích lão phu.



Thúc-Tề an ủi:



– Tuy Ưng-sơn với Mộc-tồn đã tìm ra đại nhân thực. Nhưng này đại nhân, đại nhân đừng theo Chiêm vương bôn ba kháng chiến nữa, mà cứ ẩn ở trong thành này với anh em chúng tôi. Thành này được canh phòng rất cẩn thận, thì hai người đó dễ gì hại nổi đại nhân!



Lục Đình lắc đầu:



– Ưng-sơn với Mộc-tồn là hai người khác nhau, xưa nay hai người chưa từng hành động chung bao giờ, mà nay cùng hợp sức thì lão phu... lão phu khó có thể thoát nổi. Tiên sinh không biết đấy thôi. Khi hai người này tuyên án, thì họ đã nghiên cứu đường đi nước bước, ăn chắc có thể hành động được, họ mới lên án tội nhân. Nhưng thôi, lão phu đành gửi cái mạng nhỏ bé này cho tiên sinh, làm thằng khờ ẩn trốn trong thành này vậy. Thôi tiên sinh ra bàn giao chức vụ ngay đi.



Phạm Thúc-Tề cáo từ Lục Đình ra ngoài, thì gặp Chế-ma-Đa. Cuộc bàn giao thực mau chóng. Bởi lực lượng phòng vệ Chàm tại Phong-sa-trang chỉ có khoảng hơn nghìn bộ binh, dưới quyền viên lữ-trương tên Yan-Dung.



Thúc-Tề tổ chức ngay lập tức buổi họp tại dinh tổng-trấn phân chia nhiệm vụ xong, thì vào yết kiến Chiêm vương Chế-Củ với triều đình để tường trình công cuộc phòng thủ: Phạm Bá-Di trấn cửa Tây, Đặng Túy-Ông trấn cửa Bắc, Đinh Môn trấn cửa Đông, Hồ Đơn-Á trấn cửa Nam, Phạm Thúc-Tề điều động trung ương. Các đệ tử, bang hội người Hoa được phân chia cho bốn cửa, mỗi cửa ba trăm người, với hổ, báo, voi v.v. Riêng đội quân của Yan-Dung đóng tại trung-ương, tùy nghi điều động tiếp cứu các mặt. Những nữ đệ tử của Quảng-Đông ngũ cái thì được xung vào bảo vệ nội cung. Còn dân chúng thì đàn ông con trai tuổi từ mười lăm đến năm mươi phải ở lại giữ thành. Đàn bà, con gái, người gìa thì tạm cho tản về trang ấp. Vì lương thực chỉ có thể đủ nuôi quân, nuôi dân quân, cung quyến trong hai tháng. Thúc-Tề đã cho chuyển kho lương ở miền Nam Runsari về tích trữ trong thành, một là để nuôi quân, hai là để giặc không thể cướp mất.



Lục Đình kinh ngạc vô cùng khi thấy Thúc-Tề điều động, tổ chức phòng thủ mau chóng, đúng binh pháp Tống, như một đại tướng quân kinh nghiệm.



Chế-Củ ban chỉ dụ:



– Chiều mai thì đội cao thủ Tống sẽ đến. Vậy Phạm tiên sinh dẫn người chỉ huy cao nhất vào yết kiến trẫm, trẫm cùng y kiểm điểm lại, bàn kế sách. Sau đó trẫm cùng thị vệ, cao thủ Tống rút vào khu rừng phía Tây. Còn tể tướng thì trấn ở đèo Runsari. Như vậy có trời mà biết, chứ đừng nói là bọn Việt.



Thấy Thúc-Tề tỏ vẻ trầm ngâm, Chế-Củ hỏi:



– Phạm tiên sinh có gì nghi hoặc chăng?



– Thần hơi lấy làm lo lắng về đoàn cao thủ Tống. Theo tể tướng cho biết, chỉ có hai vị là quan chức triều đình, còn lại là phường vong mạng, đầu trộm đuôi cướp bị tù, mới được ân xá. Nay đưa họ vào thành, vạn nhất mà họ quen thói cũ, thì làm sao mà kiềm chế được?



– Ý khanh ra sao?



– Đêm nay bệ hạ ban hịch cần vương phải không? Khi bệ hạ ban hịch đến các thôn trang, mà ở đó không có người tổng chỉ huy, thì dân chúng mạnh ai nấy làm, người nọ dẫm chân lên người kia, có khi đánh lẫn nhau thì nguy vô cùng. Theo ý thần, thì bệ hạ phân các đại thần mỗi người tổng chỉ huy một vùng, lãnh đạo cuộc kháng chiến phục quốc. Nhưng liệu dân chúng có nghe theo chư vị đó không?



Chế-Củ gật đầu:



– Tiên sinh luận đúng.



– Vậy bệ hạ hãy phân chia cho mỗi vị: người thì năm, người thì mười thị-vệ, để các vị ấy có một sức mạnh tối thiểu khiến quần chúng khuất phục. Đợi đám cao thủ Tống tới, bệ hạ lại phân chia họ thành ba mươi toán, mỗi toán mười người đi theo chư đại thần. Như vậy ta có thể lợi dụng cái sức của họ, nhưng không sợ cái bất lợi trong họ, vì ta có thị vệ bên cạnh kiềm chế.



– Kiến thức tiên sinh thực vĩ đại.



– Bằng nay bệ hạ đem cả ba trăm cao thủ, mấy trăm thị vệ mà muốn âm thầm di chuyển thôn này, qua trang kia, thì có khác gì vác loa gọi cho quân Việt: trẫm ở đây, đến mà bắt đi?



Chế-Củ dơ tay lên trời:



– Trời Phật đem tiên sinh cho ta. Cái mà tiên sinh nhìn thấy, quả ta không thấy. Vậy ngay bây giờ Lục tể tướng hãy nghiên cứu xem ta nên gửi các đại thần tới thôn nào, ấp nào, rồi chia toán thị-vệ. Đêm nay chúng ta cùng các đại thần âm thầm ra đi. Khi đám võ lâm cao thủ Tống tới, thì chỉ việc phân chia họ thành từng toán nhỏ, rồi gửi thẳng tới thôn ấp. Như vậy khỏi lo lắng về hành vi bất lợi của họ.



Thế rồi hịch cần vương ban ra, rồi lệnh của Phạm Thúc-Tề truyền cho dân chúng rời thành, để tránh gươm đao. Dân dân chúng lũ lượt kéo nhau rời Phong-sa-trang về các trang ấp xung quanh. Còn lại thì binh sĩ, đệ tử Quảng-Đông ngũ cái, trai tráng được phân chia trấn thủ bốn cửa thành. Chế-Củ, Lục-Đình duyệt một vòng thành, cả hai đều kinh ngạc, vì đám đệ tử của Quảng-Đông ngũ cái ngoài kiến thức rộng, võ công cao, họ lại đều giỏi về binh sự như những đội trưởng, lữ trưởng. Họ điều khiển tráng đinh phân chia nhiệm vụ đâu ra đấy.



Sau đó Lục-Đình, cùng hai chục thị-vệ trang phục dân dã, hộ tống Chiêm-vương rời khỏi thành bằng bốn chiếc xe ngựa tiến vào dẫy núi phía Tây, là căn cứ để Chiêm vương điều động cuộc kháng chiến. Trong khi cung quyến để trong dinh tổng trấn.



Đến chiều, Lục Đình lại trở về thành, trong y phục dân dã, đến thị vệ, cùng quân canh cửa cũng không nhận ra ông. Ông đến nhà Thúc-Tề. Thúc-Tề ra đón ông vào. Ông xoa hai tay vào nhau:



– Bây giờ Ưng-sơn, Mộc-tồn đều tưởng hoàng thượng trao cho tiên sinh trấn thủ Phong-sa-trang bảo vệ cung quyến. Còn tôi thì ẩn thân, tổ chức trấn thủ đèo Runsari. Nhưng họ đâu có ngờ tôi bỏ Runsari về đây!



Thúc-Tề sai dọn cơm đãi khách, trong khi ăn uống, Lục Đình nói trong vẻ mừng rỡ:



– Tôi giao cho Chế-ma-Đa trấn thủ Runsari, để tôi lưu động di chuyển liên lạc giữa hoàng thượng với các đại thần. Trong khi tôi về ẩn ở đây, ngay vợ con tôi cũng không biết tôi ở đâu, thì Ưng-sơn với Mộc-tồn lào sao mà tìm ra tôi cho được!



Hai người ăn uống đàm đạo, sau bữa ăn, người nhà bưng món điểm tâm lên, Lục-Đình đưa tay ra đỡ lấy. Bất giác mặt ông tái xanh: con dao cắt bánh là mũi tên bằng vàng trên khắc hình chim ưng bay qua núi.



Thúc-Tề kinh hãi vội gọi đầu bếp với thị nữ lên tra hỏi xem mũi tên bằng vàng đó ở đâu? Thì cả hai cùng ngơ ngơ ngác ngác không hiểu tại sao? Ai đã lấy con dao đi, rồi thay bằng mũi tên?



Thúc-Tề nghiến răng vào nhau, ghé miệng vào tai Lục Đình:



– Ưng-sơn thực kinh khủng, quả danh bất hư truyền. Qua hai lần gửi tên, dường như Ưng-sơn chỉ muốn đe dọa đại nhân, chứ chưa muốn xuống tay. Bằng họ xuống tay, thì giờ này đại nhân đâu có còn tại thế? Bây giờ, tốt hơn hết khi tiểu nhân đi đâu, thì đại nhân đi bên cạnh là an toàn nhất.



Lục Đình run run:



– Đành vậy.



Hai hôm sau, bấy giờ là giờ Ngọ, trên con đường thiên lý từ phía Nam dẫn tới thành Phong-sa-trang tự nhiên có đám bụi bốc lên như đám khói đỏ. Trong đám bụi ấy mờ mờ ẩn hiện đội kị mã phi như bay. Người võ sinh trưởng toán canh gác vội lên vọng đài quan sát. Sau khi suy nghĩ, y cầm dùi đánh ba tiếng trống. Lập tức Hồ Đơn-Á từ dưới thành tung mình lên vọng lầu hỏi:



– Cái gì vậy?



– Trình sư phụ, một đội kị mã hỗn độn đang phi tới.



Hồ Đơn-Á mở to mắt nhìn đám bụi, đoàn kị mã, rồi cau mày:



– Đám kị mã này y phục không giống người Chàm, quân không ra quân, dân không ra dân, trong khi ngựa thì lại là ngựa chiến của Pandurango. Hãy thúc trống báo động.



Người đệ tử vội cầm dùi đánh trống. Lập tức các cửa khác cũng thúc trống vang trời. Bốn cửa thành đóng lại. Võ-sinh, binh-sĩ, dân quân đều vào vị trí phòng vệ. Đến đó, thì đội kị mã đã tới. Người chỉ huy ngửa mặt nhìn lên vọng lầu, rồi nói một tràng tiếp ộp ệp. Nghe qua, Hồ Đơn-Á biết viên chỉ huy này nói tiếng Hoa vùng Biện-kinh. Một kị mã trong y phục võ quan Chiêm đi cạnh người chỉ huy thông dịch:



– Đại quan Thiên-triều muốn nói chuyện với tướng trấn thủ.



– Trấn cửa thành Nam là tôi.



Hồ Đơn-Á đáp lại bằng tiếng Biện-kinh: Nhưng tôi không phải là tướng trấn thủ thành. Dám hỏi các vị là ai?



Kị mã đó ngước mắt nhìn lên, thấy Hồ Đơn-Á là một trung niên Hán tử, trang phục như nho sĩ Trung-quốc. Y nói lớn:



– Ta là chinh Nam thượng tướng quân Tu Kỷ của Thiên-triều. Ta được chỉ dụ của Hy-Ninh hoàng đế đem đội võ sĩ sang trợ giúp cho Chế-Củ để đánh bọn Giao-chỉ.



Chế-Củ là tên tục của Chiêm-vương, khắp nước Chiêm, không ai dám gọi như vậy. Nay Tu-Kỷ hô hoán lên là điều cực kỳ vô phép. Cạnh Tu-Kỷ có năm hán tử to lớn, râu ria xồm xoàm, trang phục theo ngũ hành: vàng, trắng, đen, xanh, đỏ. Nghe Tu-Kỷ hống hách Đơn-Á phát bực mình. Ông nghĩ thầm:



– Đám cao thủ của Tống viện trợ đã tới. Viên tướng này tỏ vẻ hách dịch, đã vậy ta làm bộ ngớ ngẩn trêu y cho bõ ghét.



– Ông tên là Chinh Thượng-Kỷ hả? Ông là lái buôn ngựa phải không?



Đơn-Á nói với Tu-Kỷ: Ông định bán bao nhiêu tiền một con ngựa?



Tu-Kỷ nổi giận, y nhắc lại:



– Ta là tướng quân Thiên-triều sang giúp chúa người. Người mau vào gọi tướng trấn thủ ra nói chuyện với ta.



– Tướng trấn thủ của tôi khó tính lắm, ông phải nói cho rõ thân phận thì tôi mới dám vào thưa lại.



Tu-Kỷ nổi cáu:



– Chế-Củ dâng biểu sang xin Thiên-triều trợ giúp chống bọn Việt. Cho nên Thiên-tử sai chúng ta sang cứu chúa người. Ta họ Tu tên Kỷ, lĩnh chức Chinh Nam thượng tướng quân. Nghe chưa. Mau vào báo với chúa người, để y mở cửa đón ta!



Thấy Tu-Kỷ càng hạch dịch, nổi nóng, Đơn-Á càng trêu già:



– Vua kiêu căng thì mất nước, quan kiêu căng thì mất chức, tướng kiêu căng thì bại trận. Này Tu tướng quân, nếu tôi là người Chiêm, thì tôi sẽ khinh bỉ tướng quân là phường vô học bất thuật, là bọn võ phu cục cằn. Còn tôi, thì tôi cũng là người Hoa như tướng quân, tôi xin mạo muội góp mấy câu, mong tướng quân để vào tai.



Ông nói khoan thai như thầy dạy trò:



– Dù tướng quân có là Hy-Ninh hoàng đế đi nữa, thì khi tới Chiêm cũng là khách. Là khách thì nên nói năng từ tốn, nhã nhặn, tỏ ra là người Trung-quốc, vốn làm chủ Hoa-hạ, chứ có đâu vô phép, gọi tên chúa nước Chiêm ra loạn xạ như vậy? Tôi cũng là người Hoa như tướng quân, tuy xa cố quốc lâu ngày, nhưng cũng dám chê tướng quân nói năng như thế là không phải vậy! Tôi không báo với tướng trấn thủ thành đâu. Vì báo, rồi ông ta ra đây để thấy một người Hoa thô lỗ cục cằn như tướng quân à?



Một người từ phía sau phi ngựa vọt lên, cung tay lễ phép, y nói bằng tiếng Biện-kinh:



– Xin lỗi tiên sinh, chúng tôi từ Pandurango tới. Khi đi đường chúng tôi được tin quân Việt đã hạ xong thành Nỏng-khà, hiện đang đem quân vượt đèo Rundari đến đây. Một đạo thủy bộ khác sắp đổ bộ Pandurango, như vậy ngay cả chúng tôi, tiền hậu đều thọ địch, chứ không phải mình tiên sinh đâu! Vì lẽ đó Tu tướng quân hơi nóng nảy, mong tiên sinh bỏ quá đi cho.



– À thì ra thế. Tu tướng quân vì sợ giặc quá, thọt dế lên cổ, nên muốn vào thành ẩn thân, thế mà Tu tướng quân cứ nói quanh co mãi. Tu tướng quân ơi, giặc đã đến đâu mà tướng quân quá kinh hãi vậy? Tướng quân kinh hãi như thế rồi chim teo lại, e đức vua tuyển làm tổng lĩnh thái giám không chừng.



Nghe Đơn-Á nói, đám võ sĩ đi theo Tu Kỷ cùng cười ồ lên, làm y ngượng chín cả người. Nguyên thời niên thiếu, Tu Kỷ được Khu-mật viện Tống bố trí sang tranh chức châu trưởng ở Bắc-biên Đại-Việt. Trong trận đấu, y bị đối thủ bóp dương v*t đến hư hai quả ngọc hành, cho nên sau y ứng tuyển làm phò mã ở Biện-kinh bị loại. Chuyện này võ lâm đều biết. Nay vô tình Đơn-Á đùa y, mà lại trúng vào cố tật, nên mọi người đều bật cười, khiến y ngượng quá, tưởng muốn chui xuống đất như con giun. (Xin đọc Anh hùng Bắc-cương, của Yên-Tử cư-sĩ).



Đơn-Á vẫn vô tình:



– Xin tướng quân cho biết cao danh quý tính?



Hồ Đơn-Á hỏi viên tướng đó: nghe ngôn từ của tướng quân, thì rõ ra là người văn võ kiêm toàn.



– Tôi là Yên Đạt, hiện lĩnh chức Trấn-viễn đại tướng quân.



– Vậy xin đại giá Yên tướng quân chờ một lát, để tôi vào báo với Phạm tiên sinh là người trấn thủ thành này.



Lát sau Hồ Đơn-Á với Phạm Thúc-Tề cùng lên cổng thành. Thúc-Tề cung tay hành lễ:



– Vong quốc Quảng-châu Hoa nhân Phạm-Thúc-Tề kính chào nhị vị đại tướng quân. Thành này hiện không do quân Chiêm trấn giữ, mà đo bọn Hoa kiều chúng tôi đảm trách. Vậy chúng tôi kính mời đại giá nhị vị đại tướng quân vào thành, còn quý vị võ-sĩ hãy tạm dừng bước chờ đợi.



Một võ-sĩ râu rậm, y phục mầu vàng tỏ vẻ bực mình:



– Chúng ta đem mạng sống đi ngàn dặm cứu chúa người, mà người còn nghi ngờ ư?



Thúc-Tề cung tay:



– Xin tráng-sĩ miễn chấp. Bởi theo quân luật bản triều lập ra từ thời vua Thái-tông chinh tiễu Thái-nguyên, U-tô đã định rằng: « Trong lúc có chiến tranh, bất cứ quân tướng nào mới tới, đều phải ở ngoài thành chờ đợi, chỉ chúa tướng được vào để bàn luận kế sách hay nhận lệnh mà thôi ». Nay dù các vị với chúng tôi rời cố quốc muôn dậm, cũng không thể không giữ luật nước, bằng không người Chiêm họ cười chúng ta rằng: bọn vai u thịt bắp vô pháp vô thiên.



Yên-Đạt, Tu-Kỷ thấy Thúc-Tề đem quân luật của Đại-Tống ra để ước thúc viên võ sĩ của mình bằng ngôn từ ôn nhu văn nhã, lại chửi khéo y là bọn vai u thịt bắp, thì không dám coi thường. Tu-Kỷ quay lại nói với đám võ sĩ:



– Các vị hãy tạm chờ chúng tôi ngoài thành. Sau khi yết kiến quốc vương, chúng tôi sẽ trở ra để phân chia nhiệm vụ cho các vị.



Thúc-Tề sai mở cửa thành. Tu-Kỷ, Yên-Đạt với năm võ sĩ râu rậm vừa vào thành, thì cổng đóng lại. Võ-sinh, dân quân trở về vị trí của mình để canh gác. Tới dinh tổng trấn, Thúc-Tề mời Tu, Yên với năm võ sĩ râu rậm vào trong. Phân ngôi chủ khách xong, Thúc-Tề giới thiệu Quảng-Đông ngũ cái, rồi trình bầy kế hoạch cần vương mục đích: kéo dài cuộc chiến để chờ quân Tống đánh sang Đại-Việt, bấy giờ Chiêm mới phản công. Ông đề nghị phân chia võ sĩ làm ba mươi toán như kế hoạch đã định.



Tu-Kỷ nổi giận:



– Thế là thế nào? Chúng tôi là đại diện Thiên-triều sang đây trợ giúp Chiêm vương, thì vương phải chờ bọn tôi sang rồi mới định kế sách mới phải chứ? Có đâu đặt cái cầy trước con trâu? Tôi không đồng ý phân chia như vậy. Việc trước mắt, yêu cầu tiên sinh cho anh em chúng tôi vào thành nghỉ ngơi, ăn uống đã. Sau đó tôi xin yết kiến quốc vương để luận kế sách.



Thúc-Tề đành chấp thuận. Ông truyền cho chư đệ tử mở cổng thành đưa đám võ sĩ vào cư ngụ trong trại quân; sai binh sĩ làm cơm đãi khách, sai người tắm ngựa, cho ngựa ăn.



Riêng Tu-Kỷ, Yên-Đạt với năm võ sĩ râu rậm được mời vào dinh tổng-trấn. Tu-Kỷ nóng nảy:



– Quốc vương của người đâu? Ta muốn được gặp y ngay.



Phạm Bá-Di đưa mắt nhìn Tu-Kỷ, rồi nói bằng giọng lạnh như băng:



– Này Tu tướng quân. Cái gì là « quốc vương của người »? Chúng tôi đã thưa với tướng quân rằng chúng tôi là dân Tống, thì chúa của chúng tôi là Hy-Ninh hoàng đế. Hy-Ninh đế hiện đang ở Biện-kinh chứ đâu có ở đây?



Từ lúc đến Phong-sa-trang Tu-Kỷ hết bị Hồ Đơn-Á giả bộ ngơ ngơ ngẩn ngẩn trêu chọc, bây giờ lại đến Phạm-bá-Di nói ngang, y chịu hết nổi. Điên tiết, y vung tay chặt vào góc cái án thư. Một mảnh án thư bị tiện đứt ngon, bằng phẳng. Y nói với Yên-Đạt trong giận dữ:



– Thật là xui cùng mạng, khi chúng ta vào cái xứ thấp nhiệt này lại gặp bọn ngớ ngớ ngẩn ngẩn.



Phạm Bá-Di lẳng lặng cúi xuống nhặt miếng gỗ bị chém đứt để lên bàn, rồi nói bâng quơ:



– Ối chao! Cái bàn dễ thường làm từ đời ông Bành-tổ mục nát cả rồi nên Tu tướng quân mới chạm tay vào, đã bị gẫy như thế này đây.



Nghe Bá-Di nói, Tu-Kỷ mới hiểu rằng mình đang đối diện với bọn hủ nho, không có một chút kiến thức gì về võ công. Cơn giận của y tiêu tan ngay:



– Ta nói cho các người biết, hai ta là đại tướng quân, đem những võ sĩ vô địch sang đây giúp Chiêm vương, thế mà Chiêm vương với các người lại lập kế trốn chui, trốn nhủi, thì chúng ta không chấp thuận. Chúng ta muốn đối trận với bọn Việt, rồi chỉ cần một hai chiêu, chúng ta giết hết bọn tướng của chúng, sau đó không cần đánh, bọn quân sĩ cũng chạy như vịt.



Y chỉ năm võ sĩ râu rậm:



– Không cần nói đâu xa, ngay Trường-bạch ngũ hùng đây mà ra tay, thì không một cao thủ Việt nào chịu nổi lấy quá hai chiêu. Bây giờ ta muốn các người đưa ta đi gặp Chiêm vương.



Nguyên bọn năm người râu rậm là năm tên đại đạo khét tiếng xuất thân từ phái Trường-bạch, hai chục năm qua, chúng tung hoành suốt một giải Quan-ngoại tới Liêu-đông. Dù hắc đạo, dù bạch đạo nghe đến tên chúng đều kinh hồn táng đởm. Hy-Ninh đế phải tốn không biết bao nhiêu tiền bạc mới chiêu hàng được chúng. Nay nhân cứu Chiêm-thành, nhà vua sai chúng theo Tu-Kỷ để lập chút công, rồi phong chức tước cho sau. Tu-Kỷ tưởng đem tên chúng ra, thì bọn Thúc-Tề phải rét run, không ngờ năm người vẫn thản nhiên như không, vì không biết gì về ân oán giang-hồ ở Trung-nguyên.