Nam Quốc Sơn Hà

Chương 30 : Di chúc giữ nước

Ngày đăng: 09:02 19/04/20


Ngày Đinh-Tỵ, mùa hạ, tháng sáu, niên hiệu Thần-vũ nguyên niên (Dương-lịch 13-7-1069), khắp đế đô Thăng-long như muốn rung chuyển lên, vì dân chúng các nơi kéo về để dự cuộc đón tiếp hoàng-đế cùng hùng sư chinh phạt Chiêm-thành hồi loan.



Cuộc đón tiếp chia làm hai buổi. Buổi thứ nhất, hôm nay, đón đoàn bộ binh, kị binh đi bằng đường bộ từ Chiêm về nước qua Nghệ-an, Thanh-hóa, Trường-yên, Thiên-trường rồi vào cửa Nam thành Thăng-long. Đoàn này do Trung-thành vương, vương phi Nguyễn-thị Trinh-Dung dẫn đầu. Kế tiếp đến tướng Dư-Phi, Bùi-hoàng-Quan với Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt. Phía sau là các hiệu Thiên-tử binh, đội binh sói, hổ, báo, tượng, hầu.



Đoàn thứ nhì về bằng đường thủy, sẽ tới bến Tiềm-long vào ngày Tân-Dậu (Dương-lịch 17-7-1069) đức vua cùng nguyên soái Thường-Kiệt, quân sư Tôn Đản đi trong đoàn này.



Trong khi hùng sư Nam chinh, tin tức được gửi về rất đầy đủ. Tin tức đó, Ỷ-Lan thần phi sai loan báo cho các thầy đồ. Các thầy đồ trên toàn quốc, tối tối ngồi kể chuyện cho dân chúng nghe. Nên diễn tiến các trận đánh, cùng hành trạng của chư tướng, dân chúng đều biết hết.



Cuộc đón tiếp hùng sư chiến thắng trở về được làng xã báo cho dân chúng rõ trước hơn mười ngày. Dân chúng từ các làng, các xã tải gạo, hoa quả, gà vịt, tôm cá, lợn... về Thăng-long để khao quân. Hóa cho nên bữa tiệc mừng chiến thắng thực lớn chưa từng thấy.



Dân chúng đứng hai bên đường đốt hương đón Trung-Thành vương với vương phi. Họ đã được biết hiện Tín-Nghĩa vương với vương phi Lê Ngọc-Nam phải ở lại trấn thủ vùng đất mới chiếm của Chiêm từ Nam-giới đến Hải-vân, bao gồm Bố-chính, Ma-linh, nên không thấy vương với vương phi trong đoàn hùng sư, họ không ngạc nhiên.



Dân chúng thì thầm, chỉ chỏ vào Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt mà bàn tán: mới hôm nào đây, bọn này còn là mười hai đứa trẻ ăn xin ở Thăng-long. May được Quốc-phụ, Quốc-mẫu nuôi dạy, mà trở thành đại tướng, trong khi tuổi còn trẻ. Cạnh Long-biên ngũ hùng là mười người anh kết nghĩa vốn thuộc Tống, mang tên Tuyết-sơn thập anh. Họ lại bàn tán về bốn thiếu nữ Kim-Loan, Kim-Liên, Ngọc-Liên, Ngọc-Hương, mà họ đã nghe tin từ mặt trận gửi về. Các bà, các cô chen nhau để xem dung nhan bốn cô, ai cũng tấm tắc khen là xinh đẹp.



Ỷ-Lan thần phi, tể-tướng Lý Đạo-Thành dẫn quần thần ra cửa Nam đón đoàn hùng-sư, rồi cùng vào thành. Đội nhạc hơn ba trăm người của Hoàng-cung được dàn hai bên đường, tấu bản « Động-đình ca ». Đội hùng sư đi qua khu nào, thì khu đó đốt pháo, dân chúng reo mừng.



Tối hôm đó bầu trời Thăng-long rực lên ánh sáng bởi pháo thăng thiên. Tướng-sĩ, binh-lính được thả cho dạo chơi đế đô. Khắp ba mươi sáu phố phường, mười ba trại, chỗ nào cũng có đoàn hát diễn tuồng, đoàn ảo thuật làm trò. Các cao lâu tửu quán đều mở rộng cửa. Nếu thực khách là binh tướng tùng chinh trở về thì được bớt một nửa tiền. Nhưng đa số nhà hàng đều đãi không.



Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt dẫn bốn cô bạn gái vào Hoàng-thành bái kiến Quốc-phụ, Quốc-mẫu rồi sang cung Ỷ-Lan bái kiến Thần-phi. Hôm nay Thần-phi dùng lễ bình dân tiếp mười hai tướng. Phi mặc chiếc quần nái, chiếc áo cánh lụa hoa cà, thân ra cửa cung đón mười hai cậu em.



An ngôi chủ khách, Phi hỏi:



– Chị ra cửa cung đón các em như vậy, các em đã thấy vinh dự chưa?



– Chưa!



Phạm Dật đáp: Như vậy cũng chưa đủ.



Phi kinh ngạc:



– Thế phải làm sao các em mới vui lòng?



– Nước mình có một cái vạ, và một cái ách.



Đinh Hoàng-Nghi đáp (Từ khi biết mình là con tể-tướng Đinh Nho-Quan triều Đại-Nam, Hoàng-Nghi lấy trở lại họ Đinh): cái vạ là Chiêm-thành phương Nam luôn quấy nhiễu. Cái ách là phương Bắc luôn đe dọa. Nay ta mới đập vỡ được cái vạ, thì đã tự mãn sao được? Đã vinh dự sao được nhỉ? Chúng em chỉ vui lòng, khi khuông phò chị với đức vua gỡ được cái ách phương Bắc, thì bấy giờ chị có bắt bọn em quỳ gối, bò ra như trâu, như lợn; bọn em cũng vinh dự. Chứ bây giờ mới lập được chút ít công lao, mà đã tự mãn thì chúng em chẳng đáng làm em chị.



Ỷ-Lan nở nụ cười tươi:



– Các em thực xứng đáng là con cháu thánh Gióng. Nào bây giờ các em cùng ăn cơm với chị. Chị tuy ở nhà, nhưng cũng nhận được diễn tiến các trận đánh. Song đấy là đại cương, bây giờ chị muốn biết chi tiết. Nào các em vừa ăn vừa kể chuyện cho chị nghe nào.



Đám trẻ thay nhau thuật từ đầu đến cuối cuộc chiến. Phải tới hết canh ba mới xong. Ỷ-Lan bảo Hoàng-Nghi:



– Hôm qua, chị mới nhận được biểu của Tín-Nghĩa vương gửi về xin ân xá cho thân phụ Nang Chang Lan. Chị đợi hoàng thượng hồi loan, rồi sẽ xin phê chuẩn ân xá. Nếu như vì lẽ ông ta ác quá, thì chỉ mình ông ta bị xử tử thôi. Còn toàn gia sẽ được tha ra. Bấy giờ em với nàng sẽ đoàn tụ, chị đứng ra làm lễ cưới cho em.



Nghe nói đến Chang Lan, Hoàng-Nghi cảm thấy chán nản cùng cực. Nó thuật lại những điều mắt thấy tai nghe về nàng cho Ỷ-Lan nghe. Ỷ-Lan ngớ người ra:



– Sao lại có sự lạ thế nhỉ? Mới tháng trước, khi thượng biểu về triều, Tín-Nghĩa vương còn nhắc rằng Chang-Lan luôn khóc xin chết thay cho cha, thì làm sao cô ấy có thể đi cùng Trần Đông-Thiên? Còn biểu xin ân xá mới đây, Tín-Nghiã vương cũng nhắc rằng: thân phụ Chang-Lan xin dâng con gái cho Nghi đệ, để chuộc phần nào tội lỗi. Như vậy thì Lan đang ở trong ngục, chứ có đâu theo Đông-Thiên vào Đồ-bàn?



Lập tức cả mười hai trẻ, bốn cô Việt-kiều cùng khẳng định chính mắt thấy Chang-Lan hầu hạ Đông-Thiên, cùng vênh váo tác oai, tác quái với giáo chúng.



Ỷ-Lan cau mày suy nghĩ:



– Chị biết tin ai đây? Tin Tín-Nghĩa vương hay các em? Được, ngay ngày mai chị sai chim ưng đem chỉ dụ vào cho Tín-Nghĩa vương, để vương giải cả nhà Chang-Lan ra Thăng-long, thì sự sẽ rõ như ban ngày. Hay có hai Chang-Lan khác nhau?



Bốn hôm sau.



Suốt một giải sông Hồng, từ bến Tiềm-long trở về Nam, dài hơn mười dậm, hai bên sông, những con thuyền buôn, thuyền chuyên chở, thuyền tư gia xếp hàng đậu thành hai bức tường nối liền nhau. Trên thuyền, cờ ngũ-hành bay phất phới. Các chủ thuyền vốn là con buôn, nhân dịp này họ bán chỗ ngồi để «xem vua ta». Dân chúng phải khó nhọc lắm mới mua được một chỗ ngồi trên thuyền. Còn lại thì phải đứng trên bờ.



Ngay từ sáng sớm, già trẻ, lớn bé cơm nắm, bánh dày, bánh chưng lằn lưng mang theo cho bữa ăn trưa. Họ đón chu-sư của hoàng-đế khải hoàn trở về. Cứ mỗi quãng sông, lại bầy hương án, chức sắc trong làng khăn áo chỉnh tề đốt hương đứng chờ.



Trên bờ, từ bến Tiềm-long vào thành, hai bên đường, chỗ nào cũng hương án, người người đứng hai bên đường để được thấy nhà vua.



Khoảng giờ Thìn, một đội nữ binh giáp bạc sáng ngời, do công chúa Thiên-Ninh dẫn đầu duyệt một lần an ninh từ Hoàng-thành tới bến Tiềm-long. Đến giờ Tỵ, ba tiếng pháo nổ vang, cổng điện Càn-nguyên mở lớn, một chiếc xe tứ mã chở Ỷ-Lan thần phi, thái-tử Càn-Đức, hoàng tử Chí-Nhân từ từ rời Hoàng-thành. Khi xe tới cửa thành, thì lại có hai đội giáp sĩ theo hai bên xe hộ tống. Dân chúng thấy Ỷ-Lan thần phi thì đồng cúi đầu vái lạy. Xe đến bến Tiềm-long, công chúa Thiên-Ninh hướng dẫn Thần-phi, hai hoàng tử xuống con thuyền Chu-tước.



Đến giờ Ngọ, từ hạ lưu sông Hồng, một đàn chim ưng xếp hàng mười bay ngược trở về bến Tiềm-long.



Thái-tử Càn-Đức tuy mới bốn tuổi, nhưng đã tỏ ra chững chạc. Tay thái tử chỉ lên trời, hỏi Ỷ-Lan:



– Mẹ ơi! Chim ưng dẫn đường kìa! Chắc phụ hoàng sắp tới rồi phải không?



– Đúng vậy.



Ỷ-Lan đáp: Con ban chỉ cho cử âm nhạc đi.



Càn-Đức bước ra đầu thuyền cất tiếng:



– Đốt pháo lệnh.



Viên thái-giám đứng ở đầu thuyền Chu-tước đánh lửa châm vào chiếc pháo thăng thiên rồi tung lên trời. Pháo nổ đùng một tiếng, ánh lửa tỏa ra hình một con rồng vàng. Lập tức các đội nhã nhạc cùng cử bản « Long-hồi ».



Thuyền Chu-tước nhổ sào rời bến xuôi về Nam. Hai bên Chu-tước, có mười chiến thuyền, do nữ thủy thủ áo hồng chèo. Trên thuyền là các đội âm nhạc.



Từ phía hạ lưu, một chiến thuyền khổng lồ dẫn dầu, bên hông có chữ Động-đình. Dân chúng biết đó là soái thuyền hạm đội Động-đình. Trên soái thuyền treo lá cờ có hình con rồng lượn và con chim âu đang bay, đó là kỳ kiệu của thủy-quân Đại-Việt. Đứng trên đài chỉ huy là đô-đốc Trần-Lâm. Hai bên soái thuyền là hai chiến thuyền xung kích loại trung. Đứng trên đài chỉ huy của hai chiến thuyền là hổ-uy thượng-tướng quân Lý Thường-Hiến, định-viễn tướng quân Nguyễn-Căn.



Phía sau soái thuyền khoảng nửa dặm là thuyền Kim-phượng, nơi an tọa của hoàng đế cùng nguyên soái Thường-Kiệt, quân sư Tôn-Đản Cẩm-Thi, đô-đốc phò-mã Hoàng-Kiện, công-chúa Động-Thiên.



Tiếp theo là các chiến thuyền lớn nhỏ thuộc ba hạm đội Động-đình, Bạch-đằng, Thần-phù, nối nhau thành một giây dài.



Trên tất các soái thuyền, chiến thuyền, binh tướng gươm đao sáng ngời, ngồi ngay ngắn, đưa tay vẫy dân chúng ở những thuyền đậu ven sông, trên bờ sông.



Thuyền Chu-tước xuôi giòng, khi gặp thuyền Kim-Phượng, thì quay ngược đầu về Thăng-long, rồi kè sát vào nhau. Ỷ-Lan thần phi bồng thái-tử Càn-Đức, công chúa Thiên-Ninh bồng hoàng-tử Chí-Nhân, cùng nhảy sang thuyền Kim-phượng.



Nhà vua vẫy tay cho Ỷ-Lan:



– Miễn lễ.



Công-chúa Thiên-Ninh hô lớn:



– Bái kiến phụ hoàng, thần-vũ bình phiên.



Ỷ-Lan đặt Càn-Đức, Thiên-Ninh đặt Chí-Nhân xuống sàn thuyền. Ba chị em cùng phủ phục hành đại lễ. Hai hoàng tử, một lên bốn, một lên ba, nhưng cũng đã được học đầy đủ lễ nghi. Nhà vua thản nhiên để cho ba con hành đại lễ.



Lễ tất.



Nhà vua để hai hoàng tử ngồi lên hai đùi. Ngài hôn hai con, rồi hỏi thần-phi:



– Có sự gì khẩn cấp không?



– Tâu bệ-hạ mọi sự tốt đẹp.



Nhà vua hỏi công chúa Thiên-Ninh:



– Ninh nhi tóm lược tình hình cho ta nghe. Trước hết là tình hình Tống.



– Tâu phụ-hoàng. Đúng kế hoạch của Vương An-Thạch, Hy-Ninh đế truyền cho Kinh-Nam vương đem quân đánh chiếm Hy-hà của Tây-hạ. Như vậy, theo Thạch khi Hy-hà mất thì Thổ-phồn bị đe dọa, mà Tây-hà không cứu ứng kịp ắt Thổ phải bỏ Tây-hạ theo Tống.



Nhà vua, Tôn-Đản, Thường-Kiệt đều khen:



– Kế sách An-Thạch thực hay.



– Vì Kinh-Nam vương chuyển quân thần tốc, bí mật, khiến Tây-hạ, Thổ-phồn không kịp trở tay, chỉ một trận Tống chiếm được vùng phì nhiêu này. Thổ-phồn rúng động. Tống gửi sứ sang ép Thổ-phồn phụ thuộc Tống. Khi sứ đoàn tới bên giới, thì bị quân Thổ-phồn ngộ nhận là đoàn do thám, chúng giết sạch. Kinh-Nam vương nổi giận đánh tràn sang, chỉ trong hơn tháng chiếm gần hết lãnh thổ Thổ-phồn.



Tôn-Đản nhìn Cẩm-Thi rồi lắc đầu:



– Không ngờ chú sáu dữ quá.



– Tây-hạ đem quân nghiêng nước cứu Thổ-phồn. Kinh-Nam vương dâng biểu xin cho rút quân. Nhưng Vương An-Thạch thấy kế của mình thành công thì tâu với Hy-Ninh đế quyết giữ Hy-hà. Kinh-Nam vương cứ lần nữa kéo dài, không cho quân Tống đại chiến với Tây-hạ, vì vương thấy quân số mình không đủ để đánh nhau với hai nước. Vì vậy Tống triều phải điều hết binh mã từ Trường-sa tiếp viện cho vương.



– Đúng như trước đây Thiệu-Cực đã ước tính. Dù phú quý tột đỉnh, dù uy quyền nghiêng thiên hạ, mà Kinh-Nam vương vẫn không quên nguồn gốc.



Nhà vua khen Tự-Mai rồi hỏi: Vậy tại sao Tống không cứu viện Chiêm?



– Tâu, giữa lúc Tống dồn hết năng lực đánh ở phía Tây, thì sứ Chiêm đến Biện-kinh cáo việc ta tiến quân. Vương An-Thạch cứ dằng dai không cho triều kiến. Khi sứ Chiêm được vào bệ kiến, thì ta đã tiến đánh Thi-nại. Vì vậy Tống chỉ có thể gửi đội võ-sĩ sang giúp Chiêm gọi là có cho khỏi thất hứa.



Đến đây thì thuyền đã về đến bến Tiềm-long.



Nhà vua, Thần-phi, hai hoàng tử, công chúa Thiên-Ninh cùng lên xe về hoàng thành. Hai bên đường, bách quan dân chúng thắp hương chào đón. Phía sau xe vua là xe chở Chiêm vương Chế-Củ, hoàng hậu, phi-tần Chiêm. Nối tiếp là những đoàn tù binh, đa số là quan lại võ tướng, họ đều mặc quần áo trắng. Không ai bị trói cả.



Riêng Long-thành ẩn sĩ Tôn Đản và công chúa Ngô Cẩm-Thi thì lên kiệu, do hơn nghìn đệ tử của ông bà đón thẳng về trại hoa ở bờ hồ Tây.



Khi nhà vua tới cung Long-thụy, mắt ngài sáng rực khi thấy đội võ-sĩ Long-biên, đội thủy ngư Giao-long cùng Tây-hồ thất kiệt, Long-biên ngũ hùng dàn ra đón.



Nhà vua xuống xe, rồi nói với đám trẻ:



– Các khanh đều là em của Thần-phi, thì cũng như em trẫm. Cuộc viễn chinh vừa rồi, tiếng là thắng do toàn quân, nhưng hầu hết là nhờ quyết tâm của Phi với các em. Các em không phải là binh tướng, nên Phi không để các em đón trẫm mgoài thành, mà đón trẫm ở đây, thì trẫm đã hiểu ý phi rồi. Nhưng... nhưng sao các em lại mặc y phục đại tang thế kia?



Hoàng-Nghi cúi mặt xuống nói trong hơi thở hổn hển:



– Quốc-phụ băng hà đêm qua. Quốc-mẫu chờ bệ hạ với hai vương về nhìn mặt rồi mới thiêu.



Nhà vua kinh hoảng đến lặng người đi. Ngài vội nói với Thường-Kiệt:



– Nguyên soái tìm một cung sạch sẽ để Chiêm-vương, vương phi cùng gia quyến ở. Cắt võ sĩ canh gác bảo vệ cẩn mật, cung cấp lương thực, như một thân vương Đại-Việt. Còn tù binh, thì đem lên cho ở Hà-Bắc, nuôi như nuôi quân mình. Đợi tang lễ Quốc-phụ xong rồi trẫm sẽ thiết triều quyết định số phận Chiêm-vương.



Ghi chú,



Đoạn này Việt-sử-lược chép: Ngày Tân-Dậu (17-7-1069) vua về đến Thăng-long, dừng thuyền ở bến Đông-triều. Chư quan hữu-tư sắp đặt binh giáp nghiêm-trang, nghi vệ rực rỡ. Vua lên bờ, ngự trên báu xa có dát vàng ngọc. Các quan đều cỡi ngựa. Lính dắt vua Chiêm-thành theo sau. Vua Chiêm mình mặc áo vải trắng, đầu đội mũ làm bằng cây gai, tay trói sau lưng có giây vải buộc. Năm lính hiệu Vũ-đô dắt di. Các đảng thuộc cũng bị dắt theo sau.



Trong khi đó vào tháng tám năm 1980, tại đại hội y-khoa Hàng-châu Trung-quốc, tôi có dịp làm quen với bác-sĩ Lý Chiếu-Minh ở Hùng-xuyên (Hunchon) và nữ bác-sĩ Lý Diệp-Oanh ở Thuận-xuyên (Sunchon) thuộc Bắc-Hàn. Nhân nghe tôi họ Trần, bác-sĩ Diệp-Oanh đùa: « Vì tổ tiên anh xua đuổi, nên tổ tiên tôi mới thành thuyền nhân, và Đại-hàn mới có họ Lý ». Nhân dịp đó, hai đồng nghiệp rủ tôi sau đại hội, du lịch Bắc-hàn. Khi tôi tới Hùng-xuyên, cũng như Thuận-xuyên, tông tộc họ Lý có đem gia phả ra, để nhờ tôi giải thích một vài sự kiện lịch-sử Việt-Nam. Trong cả hai gia phả thuộc hai chi khác nhau họ Lý đều chép về cuộc chinh tiễu Chiêm-thành rất chi tiết, lại khác hẳn với VSL. Tôi cho rằng gia-phả đúng hơn, vì vua Lý Thánh-tông là đại nhân quân trong sử VN, hẳn không nỡ trói, làm nhục vua Chiêm. Cho nên cuộc đón rước vua Thánh-tông thuật trên đây, tôi theo gia phả của họ Lý, chứ không theo Việt-sử-lược.



Trong hai bộ Quách-thị nam chinh, Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký cũng ghi: « Vua Giao-chỉ là Nhật-tông thắng Chiêm-thành, bắt chúa Chiêm, cùng các đại thần đem về Thăng-long, cho ở trong trang trại bên sông Hồng. Mỗi khi thiết triều cho chúa Chiêm ngồi ghế, khi tâu không phải xưng tên. Sau lại tha cho về. Từ đấy chúa Chiêm quy phục ».



Đoạn này, với gia phả họ Lý, đã chứng tỏ vua Thánh-tông rất nhân từ, không giống như VSL chép.



Ngay khi nghe tin Quốc-phụ băng hà, nhà vua cùng quần thần vội tới phủ Khai-quốc. Quốc-mẫu Thanh-Mai, hai hoàng tử Hoằng-Chân tức Trung-thành vương, Chiêu-văn tức Tín-nghĩa vương cùng các vương phi cung nghinh thánh giá thiên-tử, để nghe đọc di chúc.



Di chúc để trong một ống bằng bạc. Quốc-mẫu cung kính trao ống bạc gắn kín cho nhà vua. Chính tay nhà vua cầm dao tiện nắp mở ra. Trong ống có một trục lụa khá lớn với ba cái ống nhỏ khác bằng bạc hàn kín, trên mỗi ống đều có khắc tên người. Một ống khắc chữ « Quốc-mẫu » một ống khắc chữ « Ỷ-Lan thần phi », một ống khắc chữ « Thường-Kiệt nhi ». Nhà vua trao trục lục viết di chúc cho công chúa Thiên-Ninh đọc để mọi người cùng nghe.



Công chúa tiếp trục, rồi đọc lớn:



« Vạn vật có sinh, thì có diệt. Con người chỉ là một hạt cát trong vạn vật, nên cũng phải chịu cái định luật ấy. Có xuất thế thì có ly thế; kinh Phật giáo định rõ sinh, lão, bệnh, tử.



Nghĩ lại, cuộc đời nhưng như bóng ngựa câu qua cửa sổ, mới hôm nào còn là đứa trẻ tóc đỏ, khóc oe oe, thế mà nay đã đi vào tuổi cổ lai hy (70), chưa biết bao giờ sẽ giã từ thế gian, mà ước vọng cho đất nước chưa làm được lấy một nửa, nên ta viết di chúc để lại cho đệ tử, cho con cháu, hầu tiếp nối đoạn đường ta đang đi dở dang.



Chư đệ tử, các con, các cháu.




Phạm Dật nói nhỏ vào tai Kim-Loan:



– Ngũ đệ đề nghị cho ngửi khăn, chứ nếu là anh, thì anh cho các quái ngửi quần của các nàng, mà phải là quần mặc ba tháng chưa giặt!



Kim-Loan cười nhăn mặt, vỗ vào vai chồng:



– Nhảm nào.



Tuy Phạm Dật Kim-Loan nói với nhau rất nhỏ, nhưng mọi người đều nghe rất rõ. Tất cả cùng ôm bụng cười rũ rượi.



Ỷ-Lan quyết định:



– Nghe đây! Bây giờ chị quyết định dùng phương pháp chọn khăn. Ta ngừng ăn tiệc đã, để mời quan Thái-phó Đại-tư-mã Lý Thường-Kiệt với tám nàng Phương tới đây dự tiệc một thể.



Ỷ-Lan cầm bút viết một chỉ dụ, sai chim ưng mang đi liền.



Thời xưa, một chỉ dụ của vua, hoàng-hậu, phi-tần ban ra, thì dù người nhận có bận rộn đến đâu cũng phải lên đường ngay. Gần giờ sau, thì có tiếng vó ngựa lộp bộp. Nội công Thiên-Ninh rất cao, nàng lắng nghe, rồi nói:



– Có một người cỡi ngựa, với hai xe song mã tới. Có thể anh Kiệt đến. Cô để Ninh ra đón.



Thiên-Ninh ra ngoài sân, thì quả Thường-Kiệt với tám đệ tử tới. Lễ tất. Thường-Kiệt hỏi:



– Công-chúa, không biết hôm nay là ngày gì mà lại tốt cho huynh đến thế. Thần-phi sai chim ưng tuyên chỉ gọi huynh với tám cô đệ tử vào ăn yến.



Thiên-Ninh dơ ngón tay chỏ lên trời:



– Bí mật! Còn nhiều chuyện vui nữa, chứ không giản dị như thế đâu.



Nàng dùng lời nói bình dân với tám cô Phương:



– Các cháu nhớ nhé. Kể từ lúc này, tuyệt đối không được gọi tên nhau ra. Khi hành lễ với Thần-phi thì cứ gọi là sư thúc, chứ không gọi là bệ hạ, hay điện hạ.



– Dạ.



– Các cháu đưa khăn quàng cổ cho cô.



Tám nàng Phương ngơ ngơ ngác ngác không hiểu công chúa muốn gì, nhưng cũng tháo khăn quàng trao cho Thiên-Ninh. Thiên-Ninh vẫy tay:



– Chúng ta vào dự yến.



Nàng hô lớn:



– Có Thái-phó Lý Thường-Kiệt và tám nữ đệ tử tham kiến Thần-phi.



Ỷ-Lan vẫy tay:



– Sư huynh không nên đa lễ.



Tám nàng Phương cùng quỳ gối rập đầu:



– Bọn đệ tử xin tham kiến sư thúc.



– Các cháu bình thân.



Cung nữ xếp chỗ cho các nàng Phương ngồi. Ỷ-Lan chỉ Tây-hồ thất kiệt với Hoàng-Nghi nói với Thường-Kiệt:



– Sư huynh ơi! Muội mời sư huynh với tám sư điệt chữ Phương vào đây, chẳng qua cũng vì chuyện trăm năm của đám này.



Nói rồi phi tóm tắt những gì đã xẩy ra từ trưa đến giờ. Dù đã tập võ, nhưng tám nàng Phương cũng là con gái, nghe đến chuyện hôn nhân là cúi đầu e lệ.



Công chúa Thiên-Ninh để tám cái khăn ra trước án thư rồi nói:



– Duyên-tình là do trời xếp đặt. Đây là tám cái khăn của tám nàng Phương. Bây giờ tám em hãy đứng dậy, mỗi em chọn lấy một cái khăn.



Từ lúc tám nàng Phương bước vào, bọn Tây-hồ thất kiệt với Hoàng-Nghi liếc nhìn, bất giác cùng giật mình, vì cả tám nàng, mỗi người một vẻ. Người thì ủy mị, người thì thanh tao, người thì sắc sảo. Bất giác cả tám người cùng nghĩ thầm: Thôi thì được làm chồng một trong tám cô này cũng tốt phúc rồi, chứ đâu giám lựa chọn! Bây giờ nghe Thiên-Ninh nói, chúng truyền tay nhau tám cái khăn, rồi đưa lên mũi ngửi. Thoáng một cái, mỗi người đã chọn một cái.



Công-chúa Thiên-Ninh cầm cái khăn trên tay Hoàng-Nghi hỏi:



– Khăn này của ai?



Phương-Quỳnh cúi đầu:



– Khải công chúa của thần.



Công chúa chỉ ghế cạnh Hoàng-Nghi cho Phương-Quỳnh:



– Cháu ngồi đây đi.



Sau đó công chúa tiếp tục gọi. Khăn trên tay Trần-Di là của Phương-Lý, trên tay Dương-Minh là của Phương-Cúc, trên tay Triệu-Thu là của Phương-Liễu, trên tay Mai-Cầm là của Phương-Đơn, trên tay Quách-Y là của Phương-Tiên, trên tay Ngô-Ức là của Phương-Dược, trên tay Tạ-Duy là của Phương-Quế. Sau khi tám cặp ngồi yên chỗ rồi, công chúa Thiên-Ninh hướng Thường-Kiệt:



– Âm-dương là đạo của trời. Hôm nay muội tuân chỉ Thần-phi hỏi tám đệ tử của huynh cho tám em nuôi của phi. Vậy ý huynh thế nào?



Thường-Kiệt mừng không bút nào tả xiết:



– Tám đệ tử của thần, được Phi hạ cố hỏi cho tám vị tướng tài đức vẹn toàn, thực phúc tích không biết từ bao đời để lại.



Ông hô tám đệ tử quỳ gối tạ ơn bà mai Thiên-Ninh, tạ ơn Thần-phi, rồi ngồi vào tiệc. Mười hai trẻ ngồi bên mười hai thiếu nữ ôn nhu văn nhã, xinh đẹp, chúng tự cảm ơn Thần-phi đã nuôi dạy chúng, nay lại hỏi cho chúng người vợ xinh đẹp, lại có tài. Mười hai cặp, mắt liếc, tình nồng rừng rực như hoa xuân nở.



Trong suốt bữa tiệc, Ỷ-Lan với Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt lại nói chuyện về cuộc Nam chinh vừa qua.



Tiệc vừa tàn thì vương phi Tín-Nghĩa là Ngọc-Nam tới. Nàng hành lễ với Ỷ-Lan, Thiên-Ninh. Ỷ-Lan nắm tay Ngọc-Nam, rồi nói với Thiên-Ninh:



– Công chúa! Ở đây chúng ta đều là người nhà, xin công chúa cho miễn mọi lễ nghi, để chúng tôi có thể nói chuyện thân mật.



– Cháu xin vâng lời cô.



Ỷ-Lan tóm lược chuyện Hoàng-Nghi, Chang-Lan cho Ngọc-Nam nghe, rồi nói:



– Tất cả năm cậu, bốn cô đây đều chính mặt thấy Chang-Lan làm những chuyện đồi phong bại tục, kinh tởm. Trong khi Chang-Lan lại nói rằng nàng chưa từng rời khỏi Bố-chính. Vậy vụ này ra sao, Ngọc-Nam nói cho mình nghe đi.



Vương-phi Ngọc-Nam vốn gần với Hoàng-Nghi từ nhỏ, thân với y nhất trong Long-biên ngũ hùng. Phi cốc lên đầu Nghi:



– Thực cổ nhân nói: thâm tư đa oán cũng phải. Em yêu Chang-Lan quá rồi mờ cả mắt ra đến không biết gì nữa. Có bao giờ em nghĩ cái con quỷ cái Chang-Lan theo gã Đông-Thiên với Chang-Lan ở tù là hai người khác nhau không?



– Em không tin, vì vẫn khuôn mặt kia, tiếng nói kia mà...



– Được, chị hỏi em mấy câu nhé?



– Em xin lắng nghe.



Ngọc-Nam lắc đầu:



– Em với Chang-Lan yêu nhau gần tháng, em từng cầm tay nàng, hôn tay nàng, thì em phải biết rằng bàn tay nàng trắng ngần, thon như búp măng. Chứng tỏ nàng chưa từng luyện võ. Lòng bàn tay nàng tươi hồng chứ không phải đỏ như máu, chứng tỏ nàng chưa luyện Hồng-thiết công. Có đúng thế không?



–???.



– Còn cái cô Chang-Lan theo gã Đông-Thiên võ công cao cường, biết xử dụng Chu-sa huyền-âm chưởng, ắt bàn tay phải đỏ lòm. Có đúng thế không?



–?!?!?!



– Suốt mấy tháng qua, Chang-Lan luôn ở cạnh chị, thì sao có thể đi cùng gã Đông-Thiên vào đánh Nhật-lệ, Hải-vân, Đồ-bàn!!!



Long-biên ngũ hùng nghe Ngọc-Nam hỏi Hoàng-Nghi mà toát mồ hôi lạnh, vì tự cảm thấy mình thiếu tinh tế. Như vậy rõ ràng có hai Chang-Lan khác nhau.



Ngọc-Nam tiếp:



– Trong những ngày ở Bố-Chính, chị đã thẩm vấn thân phụ Chang-Lan, thì ông khai rằng: Trước đây ông có ăn nằm với con hầu, đẻ ra đứa gái lớn hơn Chang-Lan một tuổi, tên Chang-Slang. Mấy năm trước, mẹ Slang chết, nó bỏ theo Hồng-thiết giáo. Ừ, chắc là con quỷ cái đó mạo danh Chang-Lan.



Hoàng-Nghi à lên một tiếng:



– Em ngu quá! Em ngu quá! Thì ra gã Đông-Thiên biết rõ chuyện em với Chang-Lan, rồi y cho Slang giả làm Chang-Lan, đưa bọn em vào bẫy.



Nói đến đây Hoàng-Nghi lại bên Thúy-Phượng hỏi:



– Thúy-Phượng, Chang-Lan đầu rồi?



– Em đưa Chang-Lan ra bến thủy quân, thì thuyền chở thân vương Bài-ma-la đã nhổ neo đi từ lâu rồi. Chang-Lan khóc nức nở, rồi từ biệt em, dùng ngựa hướng về phương Nam mà đi. Em hỏi Chang-Lan đi đâu, thì nàng nói rằng nàng về Chiêm bằng đường bộ.



Ỷ-Lan rùng mình:



– Trời ơi! Thân gái dặm trường, đường về Chiêm xa diệu vợi, làm sao Chang-Lan...



Nàng bảo Thúy-Phượng:



– Em đến điện Uy-viễn, nói với quan trực Khu-mật viện sai chim ưng đi khắp phủ huyện, các trạm dọc đường từ đây vào Chiêm, nếu thấy Chang-Lan thì giữ lại, rồi báo về cho chị ngay.



Long-Biên ngũ hùng đứng dậy:



– Chúng em xin chị cho phép dùng ngựa đuổi theo Chang-Lan ngay.



– Không được.



Công-chúa Thiên-Ninh nói: Bây giờ các em là Đô thống, cầm quân trong tay. Quân luật cấm không cho tướng rời quân, trừ khi phụ hoàng cho phép. Vậy chỉ bốn em Kim-Loan, Kim-Liên, Ngọc-Liên, Ngọc-Hương có thể lên đường đuổi theo mà thôi.



Trưa hôm ấy, Khu-mật viện báo cho biết, sau khi sai chim ưng truyền tin đi khắp các phủ, huyện, đồn trấn, đều không tìm thấy bóng dáng Chang-Lan. Bọn Kim-Loan, Kim-Liên, Ngọc-Liên, Ngọc-Hương chia nhau đi khắp các ngả tìm, kiếm, nhưng không ra tung tích.



Hai hôm sau, thì trấn Thiên-trường báo về cho biết, đã thấy con ngựa của Chang-Lan cột ở một gốc cây ven sông, còn người nàng thì không thấy. Hoàng-Nghi cùng Phương-Quỳnh vội lấy ngựa đi Thiên-trường, đến tận nơi hỏi han dân chúng nơi cột ngựa, thì không ai thấy bóng dáng nàng đâu. Quan trấn thủ Thiên-trường cho rằng nàng đã nhảy xuống sông trầm mình rồi. Hoàng-Nghi đặt một lễ thực lớn tế ở bến sông, rồi lên đường về Thăng-long.



Chàng tạ Ỷ-Lan:



– Thần phi ơi! Xét về nhan sắc thì Chang-Lan không hơn Phương-Quỳnh, xét về tài thì Chang-Lan càng không thể so sánh với Phương-Quỳnh. Nhưng... nhưng... cái tình là cái chi chi, em không thể giảng nổi. Phi ơi, không biết bao giờ em mới quên được Chang-Lan. Vậy em xin Thần-phi khoan cho em làm lễ thành hôn với Phương-Quỳnh, để em đi tìm cho ra tung tích Chang-Lan đã.



– Này Nghi đệ, chị đã từng qua cái tuổi của em, chị hiểu em lắm. Nhưng giả như Chang-Lan qua đời rồi thì sao? Không lẽ em tìm nàng cả đời? Trong khi đó, Phương-Quỳnh đang tuổi hoa nở. Mặt trời, mặt trăng thì muôn đời không đổi, nhưng hoa nở chỉ có thì.



– Phi với em bề ngoài thì là tình chị em, nhưng thực ra phi với em như mẹ với con. Ngoài tình mẹ con ra, còn cái nghĩa chúa tôi. Phi bảo em nhảy vào lửa, vào nước em cũng tuân chỉ phi mà làm. Nhưng nếu nay em tuân chỉ phi cưới Phương-Quỳnh, rồi em với Quỳnh không có chút tình nào thì em lại bất nhẫn với Quỳnh.



Lời Hoàng-Nghi làm Thần-phi nhớ lại chuyện nhà vua với Dương Hồng-Hạc. Tuy nhà vua tuân chỉ đức Thái-tông cưới Hồng-Hạc làm vợ, nhưng hai chục năm qua, chưa một lần nhà vua gần bà, vì vậy bà phẫn hận gây ra không biết bao nhiêu điều khó khăn cho nhà vua. Phi nắm tay Phương-Quỳnh:



– Phương-Quỳnh ơi! Sự đã như thế này, thì sư thúc sẽ tìm một đấng anh hùng khác đễ gả cho cháu. Cháu đừng buồn.



Phương-Quỳnh chắp tay vái phi:



– Trai năm bẩy vợ, gái chính chuyên một chồng. Phi đã tuyên gả em cho Nghi, dù chỉ là một lời, nhưng nghĩa đá vàng ba sinh không thể đổi. Dù Nghi tìm thấy Chang-Lan hay không, thì em chỉ biết có Nghi mà thôi.