Năm Tháng Tĩnh Lặng, Kiếp Này Bình Yên

Chương 12 : Cảnh thiền cửu hoa

Ngày đăng: 08:44 19/04/20


Vẫn nói rằng núi Cửu Hoa có chín ngọn núi hình dáng như hoa sen, mang một

vẻ kỳ vĩ tú lệ bẩm sinh, trường tồn cùng thời gian, có một linh hồn bất

diệt. Rất nhiều người đến nơi này nảy sinh những tưởng tượng ảo mộng

trong không khí Thiền của hoa sen, họ thường xuyên quên mất nỗi mơ hồ

của kẻ qua đường là chính bản thân mình.



Phong cảnh núi Cửu Hoa

là một bức tranh sơn thủy thiên nhiên, treo lửng lơ giữa tầng mây, dòng

thủy mặc trôi chảy nói cho chúng ta hay sự sáng suốt trí tuệ của Phật,

Thiền. Ánh mặt trời nơi đây rất huyền ảo mơ hồ, khi bạn đến, sinh mệnh

điểm tô dung nhan thanh xuân, khi bạn quay mình, năm tháng đã già đi,

đánh mất vẻ ban đầu. Phật nói, kiếp phù sinh như cát bụi, chín đóa hoa

sen ấy, đã nhìn thấu hết mọi bèo tụ bèo tan của đời người, sẽ không vì

ai mà đợi chờ ngày mai định mệnh, cũng không vì ai mà thay đổi câu

chuyện đã hoàn thành.



(1) Nguồn gốc Cửu Hoa



Khởi hành với

một tâm thế như hoa sen, núi Cửu Hoa đã mở rộng cánh cửa lòng với chúng

sinh, Thiền lý của núi Cửu Hoa cũng cảm nhiễm cả vùng Huy Châu rộng lớn, khiến cho hoa sen như nước nở rộ trong từng ngóc ngách cổ kính, thê

lương.



Nơi đây là đạo tràng của Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, cao tăng Kim Kiều Giác[4] đã từng du ngoạn Cửu Hoa, tìm tòi những điều

huyền bí, vất vả tu luyện những mấy chục năm, đến năm chín mươi chín

tuổi thì viên tịch. Qua ba năm, nhục thể của ngài vẫn tươi tắn như còn

sống, chúng tăng lữ bèn căn cứ theo đạo hạnh của ngài lúc sinh thời và

rất nhiều dấu hiệu khác, cho rằng ngài là hóa thân của Địa Tạng Bồ Tát.

Và họ đã xây dựng tháp đá, lưu giữ và thờ cúng nhục thân của ngài trong

đó, đồng thời tôn ngài thành “Kim Địa Tạng” Bồ Tát, còn núi Cửu Hoa dần

dần trở thành đạo tràng Địa Tạng Bồ Tát, trăm ngàn năm qua, khói hương

không dứt, hưng thịnh chẳng suy.



[4] Kim Kiều Giác/ Kim Kyo–gak

(696 – 794), tu sĩ Tân La (Silla), tục gọi là Kim Địa Tạng, là họ hàng

của quốc vương nước Tân La cổ (nay là phía Đông Nam bán đảo Triều Tiên).



Cho dù là vào mùa nào, hoặc là bạn từ đâu tới, tiếng kinh kệ ở Cửu Hoa sơn

vẫn vang khắp nơi nơi. Bạn vội vã hay nhàn tản đi tới, thì gió trong sơn miếu đều thổi bay bụi trần vương trên người bạn, để trái tim tinh khiết chảy trôi theo Thiền ý.



Phóng hết tầm mắt nhìn ra xa, những lầu

gác đền đài ẩn sau rừng cây, tựa đời người như tụ như tan. Cả ngọn núi

Cửu Hoa được xây dựng theo phong cách kiến trúc Huy phái, những bức
đất mênh mông vô tận, bạn không biết là sinh mệnh đã tạo nên sự thần kỳ

của vạn vật, hay là vạn vật nung nấu lên sự thần kỳ của sinh mệnh.



Ngọn gió núi trong lành lướt qua, làm thức tỉnh những suy nghĩ còn u mê,

từng trận gió rì rào như sóng biển mang đến mùi trầm hương cổ mộc thơm

ngát. Trong thời đại vừa theo đuổi đỉnh cao vừa sùng bái tự nhiên này,

và cũng trong thời đại vừa chạy theo trào lưu lại vừa vứt bỏ trang sức

bề ngoài, trở về với bản ngã, càng có nhiều linh hồn cần đi từ nóng vội

đến trầm tĩnh, càng nhiều sinh mệnh cần đi từ rực rỡ lóa mắt đến bình dị thực chất, vẫn nói người ở ngôi cao lạnh không chịu nổi[5], nhưng chỉ

có đăng cao, mới có thể nhìn rõ núi sông trùng điệp, hiểu được vạn tượng gió mây.



[5] Nghĩa bóng chỉ người có địa vị cao thường không có tri kỷ.



Khi mây khói mịt mù lan tới, bạn vẫn có thể nhìn thấy rõ một tảng đá lớn,

bên trên khắc ba chữ “Phi Nhân Gian”. (không phải chốn nhân gian) Nơi

đây chỉ nghe thấy tiếng chuông, chỉ nhìn thấy đỉnh núi cheo leo trong

mây khói chờn vờn, nhân gian dường như càng lúc càng xa mãi muôn trùng.

Những người đến đây đều muốn trong một thời gian ngắn ngủi được đắm mình hoàn toàn vào trong mộng cảnh. Trong mơ, bạn là một tiên khách chốn núi thiêng, không nếm trải khói lửa nhân gian nữa, trong mơ bạn ngồi nghiêm trang trên đài sen, ngắm hết những khách qua đường lặng lẽ tới tới lui

lui.



Trong mộng, mấy độ sen rụng rồi sen lại nở, khi tỉnh lại

tuổi xuân tươi đẹp đã chẳng còn. Lúc mây khói nhạt nhòa tan đi, bạn nhìn thấy bản thân đang đứng giữa ranh giới của mộng và tỉnh, cõi lòng xao

động đó như những gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ phẳng lặng.



Một

đời người luôn đi tìm phong cảnh hoàn mỹ nhất, há không biết phong cảnh

hoàn mỹ nhất lại thường không hẹn mà gặp hay sao? Bạn trao cho Thiên Đài một quãng thời gian, Thiên Đài sẽ trả lại bạn một khoảng năm tháng.



Ai nói thời gian dễ dàng vứt bỏ con người, nhân lúc tháng ngày không chú

ý, bạn có thể ném bỏ nó, giẫm lên cầu thang mộng tưởng, phiêu du trong

thánh địa tinh thần. Có những chuyến biệt ly mà không cần ngoảnh đầu

nhìn lại, giống như một số chuyện cũ không cần phải hồi tưởng. Núi Cửu

Hoa chính là như thế, nó đem đến cho bạn quá khứ hữu tình, rồi lại đem

đến cho bạn tương lai bình thản, mà cuộc sống của thời khắc này hoàn

toàn thuộc về chính bạn. Nếu như vẫn quên lãng, thì hãy mượn núi Cửu Hoa như chiếc bút tuyệt diệu, lấy núi làm giấy, lấy sông làm mực, vẽ hết vẻ đẹp thiên thu, phong nhã vạn đời.



Há chẳng biết, văn chương phi

thường, cần phải có phong cảnh phi thường, và còn cần có cuộc đời phi

thường. Bạn đến với một tâm trạng nặng nề, thì có thể sẽ ra đi với một

tâm thế thanh thản thoải mái. Sau này, mặc dầu tháng năm như nước, sông

núi già đi, phong cảnh của núi Cửu Hoa vẫn như ngày hôm qua. Đóa hoa sen tinh khiết đó vẫn âm thầm tỏa hương giữa phong cảnh nhân sinh người đến kẻ đi.