Ngải Miến Điện

Chương 6 : Nỗi thất vọng bà băm

Ngày đăng: 19:48 18/04/20


Chúng tôi tiếp tục lên đường, được một đoạn thì bắt gặp một cây đổ chắn gần hết đường ngay khúc quẹo, đúng như lời lão nói. Quả thật khúc cua rất gấp, nếu không nhớ lời lão dặn. Có khi chúng tôi đã gặp tai nạn rồi cũng nên…hai thằng nhìn nhau, cười ngao ngán. Mém chút nữa thì mai 3 đứa tôi lên mặt báo Giao Thông.



Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới lách xe qua được chỗ cây đổ, và làm 1 biển báo trước khúc cua cho mọi người biết. Xe vẫn băng băng theo hướng lão chỉ, Radio ở điện thoại tôi đã tắt được khá lâu, sau khi nghe bản tin sáng. Hoàng có vẻ khá phấn khởi về những gì mà lão nói. Nó thấy vui, Đức cũng có vẻ khỏe hơn chút xíu. Chỉ có tôi vẫn chưa cảm thấy vui, có một điều mà tôi chưa nói cho Hoàng nghe: Chuyện về lão và bản tin ban sáng.



-Hoàng này, máy nhớ chiếc xe tải của lão hôm qua không?



-Nhớ, có gì không?



-Tao… - tôi ấp úng, thực sự chuyện này để nói ra là rất khó khăn. – mày nhớ chiếc xe trông thế nào không?



-À có, tao thấy cái đầu xe của lão nát bét, vỡ cả kính cơ mà…



-Thế tại sao lão lại không sao cả, một vết xước cũng không? sao lão biết phía trước có cây đổ? Sao…



-Thôi mày hỏi tạp nham quá, không có gì đâu
-Thôi mày hỏi tạp nham quá, không có gì đâu



-Nhưng mà sáng nay…tao nghe tin thời sự radio. Người ta bảo tối hôm qua, có một chiếc xe tải bị cây lớn đổ đè lên, người tài xế thiệt mạng rồi…tao thấy người ta tả giống lão lắm, sáng nay lão biến mất, chỗ xe tải mấy tấn của lão đậu, vết xe còn chẳng có…tao sợ



Giọng tôi run lên, không dấu được nỗi lo sợ. Chả lẽ người mà khuya hôm qua chúng tôi gặp lại là…? Nhưng mà lão gặp tai nạn từ tối hôm qua, thì khuya hôm qua làm sao mà giúp tụi nó được như vậy? Ý nghĩ việc mình ở cả đêm với một người không biết là ma hay là thật, làm rôi sửng gai óc. Dẫu sao thì tôi cũng sẽ không bao giờ quên lão, và những gì lão nói.



-Thôi dẹp đi. Dù sao cũng không ai bị sao cả, bây giờ tao với mày lo cứu thằng Đức đã. Không có nhiều thời gian cho mấy chuyện tào lao này đâu. – Hoàng gằn giọng, nó vốn là người gan dạ, ít tin vào mấy chuyện ma quỷ như tôi.



Tôi và Hoàng lại bắt đầu chuyến đi. Tôi ngồi sau, nhìn thằng Đức lâu lâu kêu lên đau đớn, mà rơm rớm nước mắt vì thương nó. Bây giờ đối với tôi và Hoàng, nó như anh em ruột thịt. Nó như cánh tay, cái chân của chúng tôi. Nó đau, chúng tôi cũng không chịu nổi.



Phải gần 2 tiếng lái xe liên tục, chúng tôi mới tới được bản dân tộc nơi lão chỉ. Nếu đúng theo lão nói, thì đây là bản của người Chăm. Tôi nóng ruột, nhấc điện thoại gọi về cho anh Trần nhiều lần, nhưng đều không được, số anh khóa máy. Ở đây rừng núi, đường khó đi, chúng tôi phải hỏi thăm rất nhiều, chỉ có một vài người biết tới bà băm Bình Thuận.



Hoàng đỗ xe ở tút ngoài bản, vì đường đi lên nhà bà băm rất xấu, xe của chúng tôi không tài nào đi tiếp được. Thằng Hoàng cũng mệt lử vì phải chạy xe địa hình xấu:




-Mày cõng thằng Đức nhé Long, qua giờ nó cứ mê man vậy. Có tỉnh cũng không đi nổi đâu, có gì lát tao khỏe tao cõng nó tiếp.



-Ừh, không sao. Mày xách bịch đồ đi, để tao cõng nó luôn cho.



Trời bắt đầu lên nắng, thằng Đức sụt chỉ còn hơn 40kg, nhưng cũng đủ khiến tôi bã mồ hôi. Đường đi bộ lên nhà bà băm thì toàn sỏi, đá lớn. khiến cho chân tôi và Hoàng đều trầy xước, rươm rướm máu.



Phải đến giữa trưa, chúng tôi mới tìm ra ngôi nhà của bà băm. Nó biệt lập với tất cả những bản người, những khu dân xung quanh. Nhà bà ấy chỉ là một căn nhà gỗ, nằm gần phía bìa rừng Bình Thuận. Tôi tiến lại, gõ cửa và gọi lớn. Phải đến một lúc sau, một người phụ nữ tầm 50 tuổi mới bước ra, mặt bà ta toàn những nếp nhăn, và nhìn có vẻ khắc khổ. Nhìn thằng Đức nằm vật trên vai tôi, bà gắt:



-Chúng mày lại kiếm tao chữa ngải chứ gì?



Bà ta không đợi chúng tôi nói gì, đã ra sức đuổi về:



-Tao không nhận chữa ngải nữa. Sống chết có số, nếu thằng đó còn muốn sống, thì ngải sẽ rũ bỏ nó mà kiếm vong khác thôi.



Rồi bà đóng cửa, không đợi chúng tôi nói bất cứ một từ nào. Tôi và Hoàng đứng đó, trân người vì bất ngờ, bao nhiêu hy vọng việc Đức sẽ được cứu, bao nhiêu công sức chúng tôi vượt đèo núi để tới nơi này, chỉ đổi lại bằng một câu nói “Tao không cứu” của bà ta ư?