Ngồi Khóc Trên Cây

Chương 17 :

Ngày đăng: 01:17 19/04/20


Chiều hôm đó, tôi phát hiện con Rùa chưa từng đọc cuốn sách nào khác ngoài cuốn Asterix và lưỡi liềm vàng ông ngoại nó để lại. Đó là cuốn sách duy nhất mà nó có.



Hồi bé tôi cũng thế. Cho tới lúc rời làng vào năm tám tuổi, tôi chưa từng đọc một cuốn sách nào.



Không chỉ ở làng, ngay cả thị trấn Hà Lam cũng không hề có nhà sách. Hồi chú Thảo còn sống, thỉnh thoảng chú mượn được của ai đó một cuốn truyện. Chú đọc và sung sướng kể cho tôi nghe từng đoạn ngắn vào những buổi trưa hai chú cháu nằm bên nhau trên chiếc phản rộng ghép bằng bốn miếng ván để chờ giấc ngủ kéo đến.



Tôi hỏi con Rùa:



- Thế em kể cho con Tập Tễnh nghe đi nghe lại mãi một chuyện à?



- Dạ.
- Dạ.



Tôi gật gù:



- Anh sẽ kể cho em nghe thêm nhiều chuyện mới. Rồi em kể lại với con Tập Tễnh. Có vô số chuyện hay ở trong sách.



- Anh kể em nghe bây giờ đi! – Con Rùa chớp mắt, háo hức giục.



Trong mười năm sống ở Sài Gòn, tôi đọc được rất nhiều truyện hay. Và tôi chọn cuốn Tâm hồn cao thượng của Edmond de Amicis để kể cho cô bạn mới. Tâm hồn cao thượng là cuốn sách tôi rất thích, nhưng điều khiến tôi chọn cuốn này là do nó gồm những mẩu chuyện ngăn ngắn, rất dễ dàng kể lại.



Dưới bóng lá của cây bướm bạc, vẫn trên phiến đá xanh bây giờ đã dịu mát khi mặt trời trượt rất dài xuống khỏi đỉnh và sắp chạm ngọn đồi phía tây, tôi từ tốn kể cho con Rùa nghe về cậu bé thành Padova và cố dằn lòng để không buột miệng thắc mắc rằng có phải nó đã lẻn vào nhà ông Bảy Thành để làm hỏng túi thuốc nhồi của người thợ săn vào tối hôm qua hay không.
Dưới bóng lá của cây bướm bạc, vẫn trên phiến đá xanh bây giờ đã dịu mát khi mặt trời trượt rất dài xuống khỏi đỉnh và sắp chạm ngọn đồi phía tây, tôi từ tốn kể cho con Rùa nghe về cậu bé thành Padova và cố dằn lòng để không buột miệng thắc mắc rằng có phải nó đã lẻn vào nhà ông Bảy Thành để làm hỏng túi thuốc nhồi của người thợ săn vào tối hôm qua hay không.



Tôi không hỏi, vì tôi biết nếu cần nói thì con Rùa sẽ tự động dốc bầu tâm sự, còn một khi nó đã lờ đi chuyện đó có nghĩa là nó không thích ai chạm vào những dây tơ bí mật trong lòng nó làm vang lên những âm thanh mà nó muốn giấu kín đằng sau vẻ ngoài bình thản kia.



Trong khi con Rùa luôn miệng xuýt xao khi nghe tới chỗ cậu bé lang thang xứ Padova ném trả những đồng tiền vàng vào mặt những người nói xấu đất nước cậu, tôi vẫn không ngớt nghĩ tới cơn giận dữ của ông Bảy Thành, và sở dĩ tôi cứ băn khoăn mãi chuyện đó là vì tôi rất lo cho con Rùa.



Tôi sợ rằng nếu nó cứ quậy phá như thế một ngày nào đó nó sẽ bị bắt quả tang, và lúc đó không biết điều gì sẽ xảy ra với nó.



Tôi lo vẩn vơ thế thôi, lòng chỉ mong mai mốt tôi rời khỏi làng con Rùa ở lại bình yên vô sự bởi vì tôi nhận ra tôi đã vô cùng yêu mến nhó. Tôi cũng cảm nhận được sự cô độc của con Rùa và điều đó không khỏi khiến tôi chạnh lòng trong rất nhiều ngày. Đúng như thằng Thục nói, con Rùa hầu như không có bạn. Những đứa cùng tuổi với nó thì học hơn nó quá xa, hai bên không có cùng mối quan tâm về bài vở, cũng không thể chia sẻ những kỷ niệm trường lớp. Ngược lại, những đứa học cùng lớp với nó ở trường làng lại quá nhỏ, con Rùa không thích hợp để chơi những trò trẻ con với đám bạn lóc nhóc của mình. Bé Loan rất quý con Rùa, lúc nào cũng bênh vực “chị Rùa” chằm chặp nhưng trừ hôm nó nói chuyện với con Rùa qua ống lon, tôi không thấy nó chạy qua chơi với con Rùa bao giờ.



Dĩ nhiên con Rùa cũng có bạn bè theo kiểu của nó: con Cổ Dài suốt ngày lùng sục kiếm ăn bên ao rau muống, thằng Đuôi Dài khoái trò trèo lên tuột xuống cây dừa sau vườn, con Đít Đỏ hay đứng rỉa cánh trên ngọn tre trước ngõ khi nắng bắt đầu lên, và những con vật khác trong rừng. Nhưng lũ bạn đó có làm cho con Rùa bớt cảm giác lẻ loi hay không thì tôi không biết, tôi chỉ thấy dậy trên lòng nỗi lo lắng mơ hồ. Tôi sợ rằng vì chở che cho đám bạn của mình, con Rùa đã gây thù chuốc oán với phường săn trong làng và rất có thể một ngày nào đó nó sẽ rơi vào tình cảnh rắc rối.



Khi nơm nớp nghĩ như vậy, tôi không ngờ viễn ảnh đó xảy ra sớm hơn tôi tưởng.