Ngồi Khóc Trên Cây

Chương 21 :

Ngày đăng: 01:17 19/04/20


Thung lũng mộng mơ là nơi con Rùa giấu con nai con khỏi mắt của phường săn. Đó cũng là thiên đường bình yên của những con thú nhỏ. Đã đặt chân đến miền đất hứa này rồi, không một con thú nào muốn quay lại bên kia ngọn đồi để sống nơm nớp trước những mũi súng và những cái bẫy rập.



Chỉ bọn khỉ là thích trở lại phía rừng ngoài, chẳng hiểu tại sao. Con Rùa bảo tôi vậy, khi hai đứa tôi chui vào hang để quay về lối cũ, ba con khỉ liền lập tức bám theo. Có thể vì chúng là loài thú thông minh nhất trong đám, luôn nuôi trong lòng sự tự hào chính đáng là chỉ có chúng mới có thể đi xuyên qua ngọn đồi mà không sợ lạc đường để chết giấm giúi ở một ngóc ngách nào đó trong hang tối. Ước muốn trở thành người dẫn đường tin cậy và là một trợ thủ đắc lực cho con Rùa cũng có thể là động lực khiến tụi nó luôn muốn có mặt ở khu vực hiểm nguy.



Bọn khỉ lúc tụt lại đằng sau lúc vọt lên đằng trước, liên tục va một cách bất cẩn vào chân tôi và thường là do thằng MiếngVá hiếu động dẫn đầu.



Tôi cố nhớ những chỗ đầu tôi đụng phải các mẩu đá chĩa xuống từ trần hang và vì không thể nào nhớ nổi nên tôi phải đi lom khom một quãng khá xa mới dám thẳng lưng lên.



Trước mặt tôi, con Rùa vẫn lặng thinh rảo bước mặc cho bọn khỉ nhảy nhót và chí chóe luôn mồm.



Chỉ đến khi tiếng nước chảy vọng tới càng lúc càng gần và ánh mặt trời từ bên ngoài rèm nước tạo nên một quầng sáng đục mờ nhễ nhại ở phía trước, con Rùa mới lên tiếng:



- Miếng Vá, gượm đã em!



Lần này tôi đã bớt ngạc nhiên khi con khỉ con đứng lại ngay khi nghe mệnh lệnh của con Rùa. Hai con khỉ kia cũng lập tức dừng chân.



- Sao thế em? – Tôi hỏi.



- Cẩn thận kẻo chạm phải phường săn ở bên ngoài.
Hai con khỉ bồn chồn chạy tới chạy lui trên miệng hố, mắt nhìn con Rùa chờ đợi.



Tôi thấy rõ một chân thằng Miếng Vá bị kẹp vào bẫy, trông nó đau đớn và lo lắng.



Con Rùa nhờ tôi kiếm vài khúc cây và khi tôi đang lượm những cành cứng đem về, con Rùa leo xuống đáy hố và làm cách nào đó chỉ riêng nó biết đã phá tung được cái bẫy kẹp. Thằng Miếng Vá tỏ ra rất đau đớn trong lúc con Rùa tháo bàn chân nó ra khỏi bẫy. Trông nó vừa kêu khóc vừa choàng tay ôm chặt cổ con Rùa, tôi như nhìn thấy một đứa bé con đang được mẹ chăm sóc vết thương và cảm giác đó khiến tôi nghe cay cay nơi sống mũi.



Sau khi tôi và hai con khỉ tiếp sức cùng con Rùa lôi thằng Miếng Vá lên khỏi miệng hố, cả bọn quay trở lại lối cũ – con khỉ con đeo trên lưng một con khỉ lớn, miệng không ngớt rên theo kiểu khỉ – để ngược về phía thác nước.



Theo cách sắp xếp của con Rùa, để phòng những người thợ săn thình lình xuất hiện, một lần nữa bọn tôi lại xuyên qua rèm nước để vào trong hang, trong khi đó con Rùa ở lại ngoài rừng để lùng sục các loại cây lá cỏ dược liệu trị thương.



Một chốc sau, nó trở vô với cả nắm lá mỏ quạ, bòng bong và mọc sởi – đó là theo lời con Rùa, còn trong các thứ lá trên tay nó tôi chỉ bết mỗi lá cúc tần.



Con Rùa cầm chân thằng Miếng Vá nhúng vào rèm nước để rửa sạch vết thương trước khi nhai nát các thứ lá trong miệng, cẩn thận đắp lên. Con khỉ con lúc này có lẽ đã bớt đau, nó vẫn ôm cứng cổ con Rùa nhưng chỉ phát ra những tiếng rít khẽ trong cổ họng như một động cơ bị nén.



Dưới thứ ánh sáng mờ mờ chỗ cửa hang, con Rùa trông rất giống một bác sĩ trong thời chiến. Nhìn các động tác khéo léo và thuần thục của nó, tôi đoán nó đã nhiều lần chữa thương cho các con vật trong rừng, có lẽ đó là lý do bọn thú nhỏ tin cậy và yêu mến nó đến vậy.



Sau khi đắp thuốc, nó lấy lá chuối rừng, bọc bàn chân bị thương của thằng Miếng Vá rồi lấy dây chuối buộc chặt giống như người ta gói bánh tét vào những ngày cuối năm.