Ngược Về Thời Minh
Chương 109 : Chuyện nhà của đế vương (2)
Ngày đăng: 13:22 30/04/20
Công chúa Vĩnh Thuần đứng phắt dậy, chỉ tay vào Chính Đức, giọng run rẩy:
- Huynh... huynh...
một hồi, rồi trào nước mắt không nói thành lời.
Mã Vĩnh Thành ở bên cạnh đằng hắng một tiếng, giọng âm hiểm:
- Điện hạ! Hoàng Thượng là hoàng huynh của người, cũng là quân thượng của người, mong người hãy để ý đến lễ nghi của thần tử.
Công chúa Vĩnh Thuần chợt chụp hộp mứt ném úp về phía Mã Vĩnh Thành, giậm chiếc hài cong giận dữ la lên:
- Được, được lắm! Huynh là Hoàng Thượng, huynh giết ta đi!
Nói rồi nàng nâng váy định lao ra ngoài.
Thấy Mã Vĩnh Thành mặt mũi dính đầy mứt hoa quả, trên đầu còn đội mấy miếng mứt, cặp lông mày và đôi ngươi Chính Đức đảo tới đảo lui, cố nén không cười thành tiếng. Hắn thấy tiểu hoàng muội giận đến run người, vội hoà giải:
- Được rồi, được rồi! Để hoàng huynh giúp muội, được chưa?
Ngoái đầu nhìn thấy Dương Lăng, hắn không khỏi mừng rỡ gọi:
- Dương thị độc! Khanh cùng đi với hoàng muội một chuyến, xem thử đã xảy ra chuyện gì. Chỉ cần làm cho hoàng muội vui vẻ là được, để nàng ấy khỏi phải ném đồ của trẫm nữa.
Dương Lăng giật mình, vội đáp:
- Vi thần là ngoại thần, đây hình như là tránh nhiệm của phủ Nội Vụ mà?
Chính Đức bực mình phán:
- Không sao đâu, không sao đâu! Dù sao trẫm cũng đã bẩm với Thái hoàng thái hậu rồi. Đại hôn của trẫm sẽ do bộ Lễ và phủ Nội Vụ cùng tổ chức, việc tuyển dụng nhân sự này sẽ do Hồng Lư Quan, Ôn Tắc An của bộ Lễ và khanh đảm nhiệm. Bây giờ khanh sẽ phải thường xuyên ra vào đại nội hoàng cung đó.
Nói đến đây như chợt nhớ ra điều gì, Chính Đức bèn tháo chiếc ngọc bội hình rồng giắt ở bên hông xuống đưa cho y, rồi bảo tiếp:
- Nội cung không như ngoại cung, thẻ bài bình thường không thể vào được. Trước tiên khanh hãy mang miếng ngọc bội này của trẫm đã.
Công chúa Vĩnh Thuần vẫn chưa khô nước mắt, bờ mi mượt mà, cặp mắt to tròn trong veo chớp chớp nhìn Dương Lăng một hồi, rồi chợt kêu lên:
- Ta nhận ra ngươi rồi! Sao ngươi lại mặc khôi giáp vào cung Càn Thanh vậy?
Tiểu công chúa Vĩnh Thuần chỉ cao tới ngang ngực Dương Lăng. Cũng không biết là vì tuổi còn nhỏ chưa hiểu cái gì là nam nữ cách biệt hay là vì bị người cha tốt bụng đó của nàng chiều hư, không ngờ nàng đến sát trước mặt Dương Lăng rờ rờ mảnh giáp trên ngực y một hồi, rồi tặc lưỡi khen:
- Nhìn không ra, thật là rắn chắc, chịu hai mươi gậy nhất định sẽ không sao. (B_V: Chà, hai mươi gậy không sao, còn ba mươi gậy??!)
Tiểu cô nương vừa đến sát bên, hương thơm mê người liền ùa tới, Dương Lăng không khỏi lúng túng lui lại một bước. Cốc Đại Dụng há hốc miệng ra, vừa tính nhắc nhở "Vĩnh Thuần điện hạ hãy chú ý đến khuôn phép của công chúa", nhưng nhìn thấy miếng mứt khô trên đầu Mã Vĩnh Thành, còn vị Hoàng Đế ca ca nóng tính của nàng cứ như là một kẻ bàng quan, vẫn bình chân như vại không hề phản đối, lão bèn thức thời không lên tiếng nữa.
Lần trước Dương Lăng bị chính cô nhóc này ép chui ra làm con dê thế tội cho công chúa Vĩnh Phúc, bị Hoàng Đế Hoằng Trị nổi trận lôi đình lôi ra đánh cho một trận. Nay hoàng đế "già" đã đổi thành hoàng đế "trẻ", vị tiểu công chúa này lại càng không kiêng nể ai; nhìn thấy cô nhóc ranh này, thật sự y cảm thấy hơi sợ.
Công chúa Vĩnh Thuần duỗi tay ấn lên ngực y một cái, hài lòng nói:
- Tốt lắm, ngươi hãy mặc bộ đồ liền thân này, cùng bổn công chúa đến phủ Thập vương dạy dỗ cái đám gia nô càn quấy đó.
- Đúng rồi! Phải phải! Nô tài đã hồ đồ rồi! Nô tài không dám nói, không phải là vì không sợ Hoàng Thượng mà thực ra là lời nói vu vơ, không chứng không cứ, sợ sẽ khiến cho Hoàng Thượng phiền lòng không đáng.
Lão vừa tâu vừa thấp thỏm ngẩng đầu lên:
- Hoàng Thượng! Đông xưởng giám sát bá quan và Cẩm y vệ, quyền lực ngút trời, bình thường chỉ riêng số bạc biếu tặng đã nhiều không biết bao nhiêu. Còn như Tây xưởng, giám sát Đông xưởng ấy, lợi ích càng thêm ngất ngưỡng, tiện tay bóp ra một chút cũng sẽ không để Hoàng Thượng phải lo sầu đến như vậy đâu.
Hơn nữa, Đông xưởng và Tây xưởng này là do ai cai quản chứ? Thái giám Ty Lễ Vương công công đó. Toàn bộ thuế giám (giám sát thuế), quặng giám (giám sát khai mỏ), diêm giám (trông coi muối ăn), châu giám (giám sát việc khai thác ngọc trai) trên cả Đại Minh đều do Vương công công phái ra từ ty Lễ Giám. Những giám sát nội cung này được quyền tự thiết lập nha môn trưng thu thuế má. Dân gian có câu: " Bộ Hộ chiếm ba phần quyền thu thuế, ty Lễ Giám lại đến bảy phần”. Nếu nói ty Lễ Giám không xoay sở được chút bạc, vậy thực rất đáng ngạc nhiên.
Đúng là “thà đắc tội quân tử, chớ đắc tội tiểu nhân”. Tuy đúng là Vương Nhạc nắm quyền ty Lễ Giám, và trong các triều đại, chính các đời Đại Minh cũng có vô số giám sát nội cung bị gọi là "Bác bì" (lột da), nổi danh khắp nơi, nhưng ở triều đại Hoằng Trị, bọn giám sát này vẫn còn tương đối an phận thủ thường.
Tuy rằng Vương Nhạc cũng ngăn cấm không nổi những chuyện bóc lột lớp lớp bên dưới (dù sao tai mắt lão cũng không thể linh hoạt đến mức ấy), nhưng số bạc mà lão nộp lên kinh phần lớn là đủ, đúng theo sổ sách kiểm tra chéo với bộ Hộ và nội khố; số dư trong tay lão quả thực không nhiều.
Nhưng bây giờ Đới Nghĩa lại nói như vậy, mặc dù tất cả đều là "có thể", "biết đâu", "phỏng chừng", thực chất vẫn chưa đủ trọng lượng để truy cứu, nhưng đã khiến Chính Đức nổi lòng nghi ngờ. Chính Đức nghe xong, vừa phẫn nộ vừa kinh ngạc kêu lên:
- Vương Nhạc dám lừa dối trẫm như vậy sao? Lời khanh nói có đúng không?
Đới Nghĩa vội vã dập đầu đáp:
- Hoàng Thượng đã hỏi tới, nô tài chỉ theo việc mà luận bàn, căn cứ theo lẽ thường để phỏng đoán mà thôi, thật sự không có bằng chứng.
Lưu Cẩn cũng sớm bất mãn với Vương Nhạc, nhưng Vương Nhạc là nguyên lão bốn đời, trong cung tai mắt cũng rất đông, nếu không nắm chắc lão thật chẳng dám mở mồm nói bậy. Lúc này, được cơ hội hết sức hiếm có, lão bèn thừa cơ tâu:
- Những chuyện này nếu thật sự có người rắp lòng tư lợi, làm sao Đới công công có thể biết được chứ? Mật thám giỏi thì chỉ có ở Đông xưởng và Tây xưởng, nhưng hai xưởng này lại đều dưới quyền của Vương công công, ai dám nói ra nói vào?
Nghe thế, nghi vấn trong lòng Chính Đức càng thêm sâu. Nhịn không được, y cả giận bảo:
- Tiên hoàng tin yêu Vương Nhạc, giao phó hết Đông xưởng và Tây xưởng cho lão ta, từ lúc trẫm lên nắm quyền cho tới nay cũng chưa từng hỏi đến. Vương Nhạc nắm giữ hai xưởng đã lâu năm, e rằng toàn bộ dây mơ rễ má đều là thân tín của lão ta, đương nhiên sẽ không lộ cho trẫm biết tin tức. Hừ! Xem ra trẫm phải tra xét bọn chúng thật kỹ một phen.
Đới Nghĩa mừng rỡ ra mặt, song lại cố làm ra vẻ lo lắng, nhíu mày tâu:
- Đông xưởng và Tây xưởng đều do Vương công công nắm giữ, Cẩm y vệ lại vốn chịu sự quản thúc của Đông xưởng. Nay Hoàng Thượng muốn tra xét, sợ cũng không tra ra được gì đâu!
Chính Đức đập bàn "bốp" một cái, không phục:
- Đông xưởng và Tây xưởng còn không phải là do Hoàng Đế cho bọn chúng thiết lập ư? Đông xưởng, Tây xưởng đều là người của lão ta à? Hừ! Chẳng lẽ trẫm không thể lập thêm một xưởng nữa sao... Đúng rồi! Trẫm sẽ thiết lập thêm một Nội xưởng, do trẫm đích thân cai quản. Đông xưởng, Tây xưởng, Cẩm y vệ, văn võ bá quan đều sẽ nằm dưới sự giám sát của Nội xưởng của trẫm, xem còn ai dám giấu gạt trẫm nữa không!
Bốn người Đới Nghĩa, Lưu Cẩn, Mã Vĩnh Thành và Cốc Đại Dụng vừa nghe, tim đập một phát nhảy tót lên tới cổ họng. Hoàng Đế đích thân cai quản hả? Nói như đùa, Hoàng Đế làm gì có thời gian mà quản lý xưởng vệ, còn không phải chỉ là đứng tên rồi kiếm kẻ khác làm thay à!
Miếng bánh từ trên trời rơi xuống đó nha, nói không chừng bộp một cái liền rơi giữa bốn người bọn mình. Giám sát Đông xưởng, Tây xưởng, Cẩm y vệ, văn võ bá quan, ôi trời đất ơi...
Ngay khi bốn người đang nín thở đến độ ù cả tai vì thiếu dưỡng khí, thiên tử Chính Đức chợt vỗ bàn, phán ra một câu kinh thiên động địa:
- Đi gọi Dương Lăng về, bảo y tổ chức Nội xưởng cho trẫm!
- A!!!
Đám người Lưu Cẩn vừa nghe xong liền choáng váng mặt mày. Lâu nay các xưởng (Đông xưởng, Tây xưởng, nay thêm Nội xưởng) vẫn luôn do hoạn quan chấp chưởng, xưa nay chưa từng dùng ngoại thần, không lẽ Hoàng Thượng Chính Đức muốn Tiểu Lăng tử tiến cung(*) hay sao?
(*): ý là vung đao tự…