Ngược Về Thời Minh

Chương 139 : Trường can hành

Ngày đăng: 13:22 30/04/20


Quyển bốn -



------------------------



chuyện ở Tô-Hàng đã đi đến hồi kết.



Viên Hùng bị bắt, ty thuế quan bị trừ tận gốc rễ, năm ngàn tên thuế lại trong chớp mắt biến thành những kẻ nổi loạn giết quan tạo phản, bị tống vào trong ngục tối.



Mạc Thanh Hà vừa bị giết, tam đại phú hào đất Giang Nam là Mạc phủ đất Hàng Châu, Lý Quý của Tô Châu và Đỗ Thanh Giang vùng Kim Lăng cùng bị đám nha sai Nội xưởng không biết từ đâu chui ra một mẻ hốt sạch.



Không ai có thể ngờ rằng Dương Lăng mới vừa tiếp nhận ty Thuế Giám, căn cơ chưa vững mà lại dám tung ra một mẻ lớn như vậy, lại có thủ đoạn sét đánh như thế.



Lý Đại Tường hay tin sợ mất mật, lập tức đóng cửa không ra ngoài, lấy cớ thân mang trọng bệnh. Nhưng hắn vốn là ông chủ hệ thống cửa hiệu vải Lý Ký lớn nhất vùng Tô-Hàng, là nhà thu mua vải, sợi, tơ lụa lớn nhất vùng, mặc dầu bình thường hắn vẫn hay ép giá thu mua nhưng dân chúng cũng đã hình thành nên thói quen có hàng tất phải bán. Nay hắn đột nhiên ngưng mọi hoạt động khiến cho những người dân đã quen bán vải vóc cho cửa hiệu tơ lụa Lý Ký nhất thời chưa kịp thích ứng.



Những người dân kéo sợi dệt vải đợi hết mấy ngày nhưng những cửa hiệu tơ lụa Lý Ký vốn luôn mở cửa khắp nơi đều im lìm đóng kín. Bọn họ đành phải bảo đàn ông trong nhà gánh từng bao tải đến từng hộ dệt và cửa hiệu tơ lụa khác để chào hàng.



Nghe kể chuyện về Lý Đại Tường, Dương Lăng muốn khóc dở mếu dở. Không lẽ bây giờ sai người kêu hắn đến gặp mình? Vấn đề là cái mông của vị Lý công công này cũng chẳng "sạch sẽ" gì, sợ rằng thư mời vừa gởi đến, hắn không cuốn gói bỏ chạy thì cũng sẽ thắt cổ tự tử thôi, dám đến Hàng Châu mới là lạ!



Bằng không... hay là mình chủ động đi gặp hắn vậy? Có vết xe đổ của Viên Hùng, Tất Xuân và Mạc Thanh Hà, áng chừng kết quả cũng sẽ như vậy thôi. Nhưng bây giờ hai quan thuế giám mới vẫn chưa nhậm chức, nếu Lý Đại Tượng cũng "nửa đường đứt gánh" thì chẳng phải thế cuộc ở Giang Nam sẽ nguy hay sao?


Dương Lăng đành phải sai người đi thỉnh giáo nàng, nhưng Tiểu Lâu không đến mà lại gửi một tờ hoa tiên* thơm ngát, trên đó liệt kê danh tính, tính tình và năng lực của hơn chục vị thái giám trấn thủ ở những vùng lân cận, như thể nàng sớm biết Dương Lăng sẽ hỏi chuyện này vậy. (*: loại giấy viết thư khổ nhỏ, có vẽ màu; được dùng để viết thư từ cho lịch sự)



Dương Lăng cũng không sao tin được nàng ta. Tuy rằng biện pháp mà Tiểu Lâu đề ra đích thực sẽ giải quyết được tình hình Giang Nam trước mắt, là biện pháp tốt nhất để tránh ty Lễ Giám mượn cớ công kích y. Nhưng sự điềm tĩnh ngày đó của nàng ta thật sự không giống với vẻ yếu ớt sợ sệt khiến người ta phải động lòng mà nàng ta biểu hiện ra bên ngoài.



“Tự cổ thanh lâu đa kỳ nữ.” Cho dù nàng ấy là nữ trung hào kiệt, nhưng khi đã lo sợ Mạc Thanh Hà trả thù, nàng ta ắt sẽ luôn nấp sau hậu trường, bởi vì ngày ấy đã cho thấy rõ ràng Mạc Thanh Hà không hề hoài nghi nàng ta.



Tại sao nàng ta lại muốn xung phong đứng ra đích thân bày binh bố cục từ đầu cho đến khi giết chết Mạc Thanh Hà? Biểu hiện của nàng ta quá ư là tích cực, hơn nữa không hề có đủ lý do để phải làm như thế. Nghĩ không thông được nguyên do trong chuyện này nên từ đầu chí cuối Dương Lăng vẫn cảnh giác với nàng ta.



Nhưng những biểu hiện trước mắt của Tiểu Lâu thì lại không thể chỉ trích gì được: nàng ta ru rú trong nhà không gặp người ngoài, lại còn chủ động hiến kế lấy lòng khâm sai, bày mưu vạch kế cho y. Nó cũng phù hợp với cảnh ngộ gia quyến phạm quan hiện tại của nàng ta: luôn phải cẩn thận lo lắng mọi bề, chỉ mong có thể tự bảo vệ mình.



Vì là quan khâm sai tiếp nhận mật báo từ nàng ta, thế nên dù trong lòng có nghi ngờ gì chăng nữa thì lúc này chẳng những Dương Lăng không thể chất vấn mà còn phải ra sức bảo vệ, thu xếp chỗ ở ổn thoả cho nàng ta để không bị kẻ khác lên án.



Sau khi nhận được ý tưởng của Tiểu Lâu, Dương Lăng cũng đã sai người đến các huyện phủ phụ cận âm thầm dò hỏi. Mặc dù tin tức đưa vội tạm thời chưa có những sự việc và nội dung chi tiết mà nàng ta đã nêu trong thư, song tham khảo một chút thì thấy có vẻ như Tiểu Lâu không hề nói dối.



Sau khi cân nhắc một hồi, Dương Lăng chọn trong danh sách ra hai vị thuế giám, sai người đến đó truyền lệnh hai người phải lập tức đến Hàng Châu nhậm chức. Thái giám của ty Thuế Giám trên danh nghĩa là khâm sai do Hoàng đế tự thân cắt cử, song trên thực tế đều do người phụ trách ty Thuế Giám điều phối, chọn lựa. Thuế khoá Giang Nam không thể bỏ trống lâu ngày được, do đó hiển nhiên y có quyền tiến hành an bài trước rồi mới về kinh xin thánh chỉ xác nhận sau.



Hai vị thuế giám tân nhiệm này sướng như lên mây, chạy không ngừng nghỉ tới Hàng Châu. Sau khi đưa thiếp đến phủ xin viếng thăm ông chủ mới là Dương Lăng xong, bọn họ lập tức bắt tay vào giải quyết ngay công việc: kiểm kê danh mục và các khoản thuế, lọc ra các loại thuế phụ thu, chiêu mộ nhân thủ,…làm việc hết sức ra đầu ra đũa. Tuy rằng hai người cố ý lấy lòng nên hơi có vẻ biểu diễn nhưng năng lực làm việc đích thực cũng không tệ.



Lý Đại Tường đang nhắm mắt chờ chết thì nhận được tin do Trương thiên sư mang đến, liền giống như ăn được tiên đơn hồi sinh, ba hồn bảy vía đều trở về. Có hai tấm gương một chết một sống là Mạc Thanh Hà và Viên Hùng trước mắt, còn có bọn thuế giám các phủ huyện lân cận giương mắt hổ nhìn chằm chằm, Lý Đại Tường quả thật không hề dám có chút ý niệm chần chừ quan sát nữa, mà quyết dốc lòng ra sức làm việc cho Dương Lăng.