Ngược Về Thời Minh

Chương 145 : Tức nước vỡ bờ

Ngày đăng: 13:22 30/04/20


Nếu như sông Tần Hoài là cảnh sắc êm ả dịu dàng thì bến Đào Diệp chính là chiếc giường thêu cẩm tú trong cảnh sắc dịu dàng ấy. “Bến đò Đào Diệp nước mênh mang, trên bờ lầu gác dưới thuyền ngang. Kẻ đến người đi tranh nhau tới, thuyền hoa ca hát khúc an nhàn.” (Hán Việt: Đào diệp độ đầu thủy du du, ngạn hạ du thuyền ngạn thượng lâu; quy khách hành nhân tranh độ cấp, ca thuyền họa phảng mãn trung lưu.)



Nơi đây tiếng sênh ca (1) từ những tửu lâu, kỹ quán vọng lại quanh quẩn khắp bên tai khiến cho người đi ngẩn ngơ nhung nhớ. Trên mặt nước du thuyền lui tới như thoi đưa, đèn đóm sáng choang. Trong thuyền hoa (thuyền vẽ hình, trang trí dùng để đưa du khách ngoạn cảnh) có giai nhân Giang Nam, có nhạc công thượng đẳng, khiến cho du khách ai nấy đều mê mẩn quên hết trời trăng tháng ngày.



Tuy trời đã tối, trên bến đò những người bán rong vẫn cất cao tiếng rao mời rượu nhạt, đồ chín và các món ăn vặt. Nơi đây có thể gọi là một trung tâm giải trí thương nghiệp thành thị.



Từ đầu những năm Hồng Vũ, từ khi Chu Nguyên Chương hạ lệnh xây dựng mười sáu lầu quán mang những cái tên Đạm Yên, Kinh Tùng, Trọng Trạch, Lai Tân… và phổ biến việc nuôi dưỡng quan kỹ (2) cho đến nay, Kim Lăng luôn nồng mùi son phấn trăng hoa: luyến đồng (3) cợt nhả khách làng chơi, kỹ nữ tài giỏi tranh nhau đua tài khoe sắc. Những quan lại cùng thân sĩ, danh sĩ "chơi gái không quên lo việc nước, lo nước không quên kiếm gái chơi" cũng chạy theo xu thế này.



Trên lầu Đạm Yên, Nam Kinh cấp sự trung Đới Tiễn chau mày hỏi khẽ:



- Vương đại nhân! Dương Lăng chịu đến sao?



Vương Quỳnh cười nhạt, đưa mắt nhìn mọi người chung quanh rồi bảo:



- Hôm nay có các đại quan của Nam Kinh Lục Bộ, các vị đồng liêu ở Ngự Sử đài, Bố chánh ty và Thủ bị doanh liên danh* mời y đến dự tiệc, nếu y còn làm bộ làm tịch không tới thì đó không phải là Dương Lăng nữa rồi. (*cùng ký tên)



Từ khi bị giáng khỏi kinh sư, tóc lão đã bạc thêm mấy phần, nếp nhăn trên mặt cũng nhiều hơn nhưng thần sắc lại trầm ổn và kiên quyết hơn trước. Khi "đạo đức lễ giáo" mà lão xưa nay vẫn luôn cho là có thể giải quyết mọi vấn đề lại không thể đẩy tên gian nịnh vào chỗ chết, thậm chí còn không nhận được sự hưởng ứng của đông đảo quan viên triều đình thì lão mới biết giờ đây lễ nhạc suy đồi, đã không thể chỉ vẻn vẹn dựa vào di huấn của thánh nhân là có thể "trị quốc bình thiên hạ" được nữa.



Người lão phái đi nghe ngóng tin tức trong kinh đã trở về. Lão đã biết Dương Lăng kết giao với huân thần (bề tôi có công) lẫn công khanh và những bậc quyền quý trong kinh, giúp bọn họ chuyển lậu hàng hoá; nghe nói hắn còn vận chuyển một số lượng lớn vật phẩm tinh xảo của dị quốc về kinh dâng cống cho Hoàng thượng. Kẻ này nếu không phải là phường gian nịnh thì cớ chi phải lao tâm khổ tứ như vậy?



Kẻ này vừa mới thành lập Nội xưởng liền bắt đầu kết giao với quyền thần, vơ vét tiền tài; nhìn thủ đoạn ở Giang Nam và trước mặt Hoàng thượng của y là biết y là kẻ dã tâm bừng bừng. Kẻ làm đại sự thì không câu nệ tiểu tiết, vì đại nghĩa tiếc chi chút nghĩa khí nhỏ nhặt? Vì tập thể tiếc gì bản thân? Nếu lúc này mà không trừ khử y, đợi y mọc đủ lông đủ cánh thì đại thế đã mất rồi.



Mượn sức Đông xưởng chỉ là việc bất đắc dĩ. Nhưng nếu muốn không để chúng mượn thế vùng lên thì bá quan trong triều phải nhận lĩnh vai trò chủ đạo trong quá trình trừ gian. Nhưng lúc này bá quan văn võ lại không thể đồng tâm hiệp lực, rất đông quan viên thậm chí ngay cả Lý đại học sỹ vẫn bàng quan đứng ngoài nhìn, mà kế sách của mình đã như tên lắp nỏ, không thể không bắn. Từ khi nghe người trở về báo tình hình trong kinh, lão đã quyết định phải gặp Dương Lăng một lần. Lúc này không thể không đặt thêm một quả cân cuối cùng lên trên bàn cân được nữa.



Ngự sử Nam Kinh là Tưởng Khâm hừ một tiếng, giọng không vui:



- Đạo bất đồng bất tương vi mưu (4). Tuy Dương Lăng quyền cao chức trọng, nắm quyền tuần sát Giang Nam, song chúng ta không cần thiết phải để ý tới hắn. Nếu không phải là nể mặt Vương lão đại nhân thì Tưởng mỗ quyết sẽ không đến.



Bạc Ngạn Huy cùng là Ngự sử với Tưởng Khâm, nghe vậy thì giật nhẹ tay áo lão, khẽ trách:



- Luận chính nghĩa, chẳng lẽ ông so được với Vương thượng thư? Luận thù riêng, chẳng những Vương đại nhân vì Dương Lăng nên bị giáng khỏi kinh sư, mà con của đại nhân còn bởi Dương Lăng mà bỏ mạng, không lẽ lại không căm hận Dương Lăng như chúng ta? Ngày nay nội thị làm loạn, có thể thuyết phục được Hoàng thượng cũng chỉ có Dương Lăng. Vương thượng thư dẹp bỏ ân oán cá nhân, thiết rượu khoản đãi y còn không phải là vì giang sơn xã tắc, bá tánh lê dân ư? Ông xem đó, lòng dạ ông không bằng phần vạn của thượng thư đại nhân mà còn ở đây nói xằng nói bậy.



Tưởng Khâm bực bội hừ một tiếng, thấy mọi người trên bàn tiệc đều không nói gì thì lại khẽ đáp:



- Nói là nói vậy, nhưng Tưởng mỗ nghe nói đám nội thị được xưng là Bát Hổ và Dương Lăng vốn là bè lũ, thậm chí việc mê hoặc thánh thượng cũng là ý của Dương Lăng, việc này trong kinh ai nấy đều sớm đã biết. Vương đại nhân muốn thuyết phục Dương Lăng trừ gian, há chẳng phải là bảo hổ lột da ư?



Bạc Nhan Huy thở dài một hơi, đáp:



- Thật ra... Tôi cũng không ôm hy vọng gì, mọi chuyện cứ thuận theo số trời vậy.



- Khâm sai Dương đại nhân đến!



Dương Lăng leo vội lên lầu, liếc nhanh thì thấy ngoài quan thủ bị Nam Kinh là Quan đại nhân ra, những người còn lại y đều không nhận ra, song nhìn vào quan phục của những vị quan ngồi đầy trên bàn tiệc thì rõ ràng đều mang dáng dấp "quan chức cấp cao của chính phủ", bèn vội mỉm cười ôm quyền nói:



- Các vị đại nhân đợi đã lâu, Dương mỗ tới trễ, xin thứ lỗi, thứ lỗi!



Y đích thực đã đến hơi trễ. Ngay khi nhận được thiếp Vương Quỳnh mời y đến dự tiệc, quả thực Dương Lăng đã lưỡng lự một lúc lâu. Vương Quỳnh vì y mà bị giáng chức, vì y mà mất con, có thể nói bất luận là công hay tư hai người đều có thù sâu như biển; lão mời mình đến dự tiệc là muốn diễn tuồng gì đây?



Liễu Bưu đã quen với những thủ đoạn mưu sát, hãm hại và vu khống nên ý kiến đầu tiên của gã là y vạn lần không thể đi. Vương Quỳnh rõ ràng đã bày Hồng Môn yến (5), chắc lão già đó kiên quyết đồng quy vu tận, nói không chừng sẽ cho thủ hạ ẩn nấp để lóc thịt xưởng đốc đại nhân đây.



Ngô Kiệt xin xem thiếp mời, thấy mặt sau ghi chi chít tên một đám quan viên, thì cũng đoán không ra dụng ý của Vương Quỳnh. Ở trước mặt đông đảo quan viên như vậy mà hành thích khâm sai ư? Cho dù Vương Quỳnh không sợ chết, nhưng mưu sát khâm sai là tội lớn tru di cửu tộc, lão ta dám sao? Trừ phi lão ta muốn tạo phản.



Tương tự, Thành Khởi Vận cũng không rõ trong bình hồ lô của Vương Quỳnh có chứa thứ thuốc gì. Nhưng hôm nay những người liên danh mời Dương Lăng một cách gấp gáp thế này là toàn bộ quan lớn của cả Kim Lăng, nếu như y không đi thì chẳng khác nào đắc tội với hết thảy quan viên thành Kim Lăng cả. Sự phát triển của Dương Lăng trong tương lai sẽ lấy phương nam làm nền móng, mà những người này ngoại trừ Lục Bộ không gánh vác trách nhiệm gì lớn còn những quan viên khác đều nắm thực quyền ở Nam trực lệ, y sao có thể không đi?



Cuối cùng bọn họ thỏa thuận lập tức cho phiên tử chạy gấp đến Đạm Yên dò xét kỹ trong ngoài một lượt, xác định hoàn toàn không có mai phục gì. Lúc đó họ mới dám phái mười người thông minh tháo vát, võ nghệ siêu phàm lén giấu dao nhọn, cải trang làm kiệu phu và tùy tùng theo y đến dự tiệc.




- Đại nhân, đại nhân có gì căn dặn?



Dương Lăng lao qua túm áo gã, tím mặt gặng hỏi:



- Chính ngươi phái người giết Vương Quỳnh phải không?



Trịnh bách hộ hộ tống y đến lầu Đạm Yên. Nếu Vương Quỳnh đã chết, có đến tám chín phần là đám binh sĩ này thấy y chịu nhục, muốn trút giận cho y mà đã ám sát Vương Quỳnh. Đúng là quá vô pháp vô thiên rồi.



Trịnh bách hộ hoảng đến giật thót mình, run sợ kêu:



- Vương Quỳnh chết rồi? Sao lại thế được? Không phải vừa rồi ông ta còn... còn... Đại nhân, ty chức luôn theo cạnh đại nhân, không có mệnh lệnh của đại nhân làm sao ty chức dám ám sát đại thần trong triều? Tổng cộng mười người chúng tôi cùng theo đại nhân trở về, không thiếu một người. Chắc chắn Vương Quỳnh không phải do người của chúng ta giết!



Dương Lăng buông tay ra, ngơ ngơ ngẩn ngẩn:



- Là ai? Là ai muốn giết Vương Quỳnh?



Thành Khởi Vận chưa từng thấy vẻ mặt này của y. Tuy biết y vốn nóng tính nhưng bình thường nàng còn dám đùa cợt một tí với y, còn lúc này thấy y giận dữ đến thế nàng cũng cảm thấy rét trong lòng. Chần chờ một chốc, rồi nàng mới khẽ nhắc nhở:



- Đại nhân! Ai muốn giết Vương Quỳnh thì tự có nha môn Kim Lăng điều tra, chuyện này không liên quan đến chúng ta. Vương Quỳnh đã chết, tin tức sẽ mau chóng đưa về kinh sư, chúng ta phải làm thế nào? Lúc này đại nhân không thể không nhanh chóng quyết định được đâu!



Dương Lăng chấn động trong lòng. Không sai, một khi Vương Quỳnh chết đi, hết thảy quan viên vẫn đang đứng ngoài quan sát đều sẽ cùng chung kẻ thù địch là y. Lúc này cho dù mình có tài của Tô Tần (9) ba hoa xích thố đến như thế nào, cho dù nói cho Giang Hà* chảy ngược cũng sẽ không có mấy ai chịu tin. Bây giờ tất cả mọi đường lui đều đã bị chặn kín, trừ một ngọn núi đao đó ra, mình đã không còn con đường nào khác để đi.



(*Trường Giang và Hoàng Hà, chỉ sông lớn)



Chống lại Đông xưởng và Cẩm Y Vệ thì thế nào? Chống lại toàn bộ văn võ triều đình thì đã sao? Bây giờ mình còn đường lui ư? Mình phải ứng chiến! Không thể không chiến!



Thần sắc Dương Lăng dần dần trở nên bình tĩnh. Y quay đầu lại, đôi mắt dưới ánh sáng của ngọn nến trông như hai đóm ma trơi âm u. Y cất giọng lạnh lẽo sai bảo:



- Trịnh bách hộ! Căn dặn thuộc hạ: đêm nay toàn bộ huynh đệ không được phép rời khỏi cổng phủ một bước, chuẩn bị thật tốt để ly khai bất cứ lúc nào.



Ngô lão, Thành nhị đáng đầu, Liễu thiên hộ! Theo ta vào thư phòng!



Chú thích:



(1) các sênh ngày xưa được làm bằng quả bầu, khoét 13 lỗ, trong có máng đồng, thổi thành tiếng. Sênh ca là loại nhạc cụ này.



(2) kỹ nữ phục vụ quan chức.



(3) đĩ đực



(4) Câu này có xuất xứ trong Luận Ngữ, chương Vệ linh Công, nguyên văn như sau: "Tử viết: Đạo bất đồng bất tương vi mưu" (子曰:‘道不同,不相为谋’), ý nói người không cùng chí hướng, tư tưởng và nghề nghiệp thì không thể cùng đàm đạo hay mưu nghiệp được.



(5) xem chú thích về "Hạng Trang múa kiếm, ý tại Bái Công" ở chương trước.



(6) Thói “đại bá” của người Hoa: nguyên văn "Tứ di", biếm chỉ "nam Man tây Nhung đông Di và bắc Địch", bốn nước cạnh Trung Quốc; sau chỉ chung các nước lân bang.



(7) Lục khoa chỉ sáu khoa Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công. Thập Tam đạo thuộc Giám Sát viện.



(8) Thuyết Địa lí Chính trị là học thuyết chính trị xuyên tạc các tư liệu của khoa học địa lí để luận chứng cho chính sách đối ngoại của chủ nghĩa đế quốc nhằm bành trướng và thống trị thế giới. Ở thế kỉ 17, có tư tưởng cho rằng đời sống xã hội được quyết định bởi môi trường địa lí [Môngtexkiơ (C. de Montesquieu), Tuyêcgô (A. R. J. Turgot)]. Tư tưởng ấy phần nào có tác dụng tiến bộ vì chống lại quan niệm tôn giáo cho rằng Thượng đế quyết định tất cả. Nhưng từ giữa thế kỉ 19, thuyết địa lí đã thoái hoá thành TĐLCT. Những đại biểu chính của thuyết này trong thế kỉ 20 là Haoxhôfơ (K. Haushofer) ở Đức, Mackinđơ (H. J. Mackinder) ở Anh, Xpychmen (Spykman) ở Hoa Kì. Kết hợp với chủ nghĩa chủng tộc, TĐLCT làm cơ sở tư tưởng cho chủ nghĩa phát xít đòi "không gian sinh tồn cho dân tộc Đức" ở Châu Âu, đòi thiết lập "khu vực thịnh vượng chung" lấy đế quốc Nhật làm trung tâm ở Châu Á.



(9) Tô Tần cùng với Trương Nghi là hai nhà thuyết khách nổi tiếng thời Chiến Quốc, tương truyền cả hai đều là học trò của Quỷ Cốc tử, là đông môn của Tôn Tẫn, Bàng Quyên.



Tô Tần đưa ra thuyết hợp tung để chống Tần, còn Trương Nghi đưa ra thuyết liên hoành để phá thế hợp tung, đặt cơ sở cho nhà Tần thống nhất Trung quốc.