Ngược Về Thời Minh
Chương 187 : Quân đến Đại Đồng
Ngày đăng: 13:23 30/04/20
Dương Đình Hòa hơi ngẩn người, rồi lão lập tức đùng đùng nổi giận, giục ngựa lên trước quát lớn:
- Lớn mật! Có biết trước mặt ngươi là ai không?
Đừng thấy ba người này xuất kinh ban đêm, bộ dạng tả tơi khốn đốn mà tưởng có thể coi nhẹ. Chỉ nhìn trang phục và khí thế của bọn họ, Lưu Đại Bổng Chùy cũng cảm thấy cả ba đều là những vị quan lớn khó dây vào. Nghe đối phương quát xong, tròng mắt gã thoáng xoay chuyển, hỏi lại:
- Các vị là ai?
Dương Đình Hòa thấy đại quân đã tăng tốc tiến đi mà gã lính khốn kiếp trước mặt này lại đưa hai mươi thị vệ dàn hàng chữ nhất chặn kín cả đường đi nên không khỏi lo lắng vô cùng. Lão liền nghiêm giọng bảo:
- Ba người trước mặt ngươi là tam đại học sĩ của Nội Các từ kinh sư tới, có việc cực kỳ quan trọng cần gặp Dương tướng quân. Mau mau tránh đường! Kẻo làm lỡ quân cơ ắt ta sẽ chém cái đầu của ngươi xuống.
Vừa nghe lai lịch của đối phương ghê gớm như vậy, khí thế của Lưu Đại Bổng Chùy cũng không khỏi kém hẳn đi. Nhưng gã lại nghĩ Dương đại soái đã trọng dụng một tên tiểu tốt như mình như vậy, nếu mình cứ để mặc bọn họ đi qua như thế này, một là sẽ phụ lòng tin tưởng của đại soái, hai là sẽ bị các chiến hữu chê cười. Thế là gã bèn lấy hết can đảm trả lời:
- Vâng lệnh đại soái, mời ba vị đại nhân mau mau về kinh! Tiểu nhân có quân lệnh trên người, không dám làm trái!
Không ngờ chỉ một viên hiệu úy cỏn con mà cũng dám cãi lại mình, Dương Đình Hòa giận dữ không kềm được nên chỉa roi ngựa về phía Lưu Đại Bổng Chùy, tức giận quát lớn:
- Ngươi… Ngươi lớn mật lắm! Ngươi nghĩ trên cổ ngươi có mấy cái đầu?
Lúc này Lưu Đại Bổng Chùy cũng đã quyết liều một phen, gã bèn hếch mũi lên trời nghênh ngang đáp:
- Quân lệnh như núi! Dù là ông Trời cũng đừng hòng qua chỗ này được.
Tiêu Phương không ngờ Dương Lăng lại phái một tên lính chẳng hiểu biết gì cản đường bọn họ, dù Dương Đình Hòa đầy bụng kinh văn cũng chẳng thể giải thích được gì với cái gã võ biền không thông lý lẽ này, quan uy thì lại càng chẳng dùng được. Thấy Dương Đình Hòa gặp cảnh như vậy, Tiêu Phương cũng thầm khoái chí trong lòng.
Lý Đông Dương đưa tay ra ngăn Dương Đình Hòa lúc này đang đùng đùng nổi giận nóng nảy vung roi lia lịa, lão vuốt râu cười nói với Lưu Đại Bổng Chùy:
- Vị hiệu úy này! Người không biết không có tội. Ngươi là sỹ tốt trong quân, chắc không biết ba người bọn ta đồng thời xuất kinh là chuyện quan trọng đến cỡ nào.
Ngươi hết lòng với nhiệm vụ, điều ấy hết sức đáng khen. Nhưng chuyện này có liên quan đến giang sơn xã tắc và muôn vạn dân chúng Đại Minh, bản quan khuyên ngươi mau mau tránh đường để bọn ta đi qua, bằng không ít nhất cũng nên chuyển lời của ta cho Dương tướng quân, xin y thay đổi suy nghĩ. Còn nếu như để lỡ việc của bọn ta, một hiệu úy nho nhỏ như ngươi không gánh vác nổi đâu. Ngươi phải biết là dù đương kim thánh thượng ở đây, một khi nghe nói có ba người bọn ta cùng tới ắt cũng biết là có chuyện động trời cần bẩm báo, ngàn vạn lần không thể chậm trễ chút nào.
Lưu Đại Bổng Chùy nghe xong không khỏi cảm thấy tức cười. Thấy vị lão tiên sinh này nói năng văn chương như vậy, bất giác gã nhớ đến một câu thoại trong vở kịch nào đó bèn ngẩng cao đầu, xổ luôn một tràng:
- Tướng ở ngoài biên cương, có lúc không cần theo lệnh vua!
***
Đại quân cuối cùng cũng đã tới Đại Đồng. Tổng chế Tam biên Dương Nhất Thanh điều quân đóng tại các cửa ải hiểm yếu trên Trường Thành, trước mắt ông ta đang ở Trấn Khương Bảo. Nơi đó vốn có chợ chuyên buôn bán ngựa giao dịch với quan ngoại, được xây dựng ngay sát mặt ngoài của Trường Thành.
Để tiện cho việc chỉ huy vùng lân cận nên Dương Nhất Thanh cho lập quân doanh tại đây, Tuần phủ Đại Đồng Hồ Toản đích thân áp tải lương thảo đến Trấn Khương Bảo, hiện đang cưỡi ngựa vội vã trở về. Hay tin kéo tới nghênh tiếp đón đại quân của Dương Lăng vào thành là quan viên các cấp ở nha môn Tuần phủ. Trên đường hành quân, bọn Dương Lăng thấy tòa thành lớn vốn phồn hoa này đã trở nên tiêu điều hơn không ít, quan binh trên đường còn nhiều hơn dân chúng.
Các quan viên nghênh đón khâm sai đến dịch quán. Dịch quán ở nơi này so với dịch quán Xương Bình nơi Dương Lăng từng ngụ lại tất nhiên là hoàn toàn khác hẳn. Khu nhà hào hoa nằm ở lớp thứ ba của dịch quán dành riêng để nghênh tiếp đại thần, được bố trí cực kỳ xa hoa. Dương Lăng vào ở trong dịch quán, phía ngoài dịch quán thì để cho hai trăm thân binh của bản thân và ba trăm thị vệ đại nội cư trú, các quan binh còn lại thì được sắp xếp đến học cung (trường học thời xưa - ND) hoặc là cho cắm trại ở thao trường.
Bận rộn một hồi mọi việc mới xong xuôi, Dương Lăng liền tiễn các vị đại nhân ra đi. Y trở về dịch trạm, nghênh đón Chính Đức vào trong thu xếp cho hắn ở phòng của mình, rồi cười nói:
- Hoàng thượng! Trên đường ngài cũng đã phải chịu vất vả rồi, nay rốt cuộc cũng có nơi thoải mái hơn một chút. Ngài cứ nên ở lại đây mà nghỉ ngơi dưỡng sức đi, đợi sau khi thần thông báo cho Hoa Đáng, tất cả mọi việc được an bài ổn thỏa rồi ngài sẽ lên núi Bạch Đăng đàm phán với y là xong.
Chính Đức gật gật đầu, rồi lại hỏi:
- Dương Nhất Thanh đang ở Trấn Khương Bảo, lúc nào mới có thể trở về? Trẫm muốn tìm hiểu một chút về tình hình chiến sự cụ thể.
Dương Lăng nhíu mày suy nghĩ một lúc rồi đáp:
- Bá Nhan nóng lòng thoát thân, nhưng lần này hắn trộm gà không thành còn mất nắm gạo, các bộ lạc tổn thất nặng nề. Vốn nội bộ Thát Đát đã không ổn định rồi, bây giờ chưa chiếm được chút lợi lộc nào ắt hẳn hắn chẳng cam tâm rút về. Nay hắn đang cùng Dương Nhất Thanh có công có thủ, chiến sự kịch liệt, thần nghĩ đừng nên thông báo cho Dương Nhất Thanh biết việc Hoàng thượng đến đây thì hơn. Để thần đến Trấn Khương Bảo thăm y là được.
Chính Đức cả mừng:
- Hay lắm! Trẫm đang muốn đến quan ải xem cảnh chém giết ngoài chiến trận, đến lúc đó trẫm sẽ đi với khanh. Đúng rồi, Đại vương là phiên vương ở Đại Đồng, khanh đã đến đây rồi, theo lễ phải đi bái kiến. Khanh chuẩn bị lúc nào thì đi?
Dương Lăng đáp:
- Hôm nay trời đã tối, không tiện đến phủ Đại vương bái kiến, thần định ngày mai sẽ đi. Hoàng thượng cũng muốn đi sao?
Chú thích:
(1) nguyên văn "Quan phổ nhi" (官谱儿), "phổ nhi" nghĩa là tiêu chuẩn hoặc quy củ, trỏ những nghi lễ rườm rà chốn quan trường, nay thường dùng để châm biếm các buổi họp, lễ rườm rà và tốn kém của quan chức Trung Quốc.
(2) chỉ nam sủng vị thành niên, đối tượng tình dục cho những kẻ thích trẻ em nam (vừa ấu dâm vừa đồng tính luyến ái).