Ngược Về Thời Minh
Chương 209 : Vũ khí hóa học
Ngày đăng: 13:23 30/04/20
Dương Lăng ung dung dẫn Mã Cáp Lư rời khỏi lều lớn, nhưng vừa khuất tầm mắt của những người trong lều y đã vội tăng tốc, bước nhanh đến sườn núi. Chủ lực quân Minh đã rải ra đến nửa ngọn núi, phòng ngự bốn phía, chỉ còn lại một ít quân binh dưới chân núi chấp hành kế sách bắn hết hỏa pháo là lui, nhằm kiềm chế nhuệ khí giặc, cố thủ chờ cứu viện của Dương Lăng.
Chiến mã hí vang, ánh lửa nổi lên bốn bề, một mớ bùn đất mang theo tuyết trắng bắn tung lên trời, trong làn khói mịt mù không ngừng có chiến mã đạp phải mìn ngã gục kéo theo cả người cưỡi. Thế nhưng dòng nước lũ xung phong vẫn không mảy may ngưng nghỉ. Cho dù có chiến mã chệch hướng vì sợ hãi thì kỵ sĩ trên ngựa cũng lập tức cố sức điều chỉnh cho nó xông về phương hướng chính xác.
Theo quán tính được tạo nên bởi hàng trăm hàng nghìn chiến mã cùng lao đi như tên bắn, tất cả mọi thứ trước mặt chúng đều trở thành mục tiêu bị san phẳng. Lúc này cho dù là kỵ sĩ cưỡi ngựa cao siêu đến cỡ nào cũng không thể ghìm cương chiến mã của chính mình. Bất kỳ chiến mã nào dừng lại sẽ lập tức trở thành một chướng ngại không đáng kể, chỉ trong khoảnh khắc sẽ bị giẫm thành bùn nhão, không chút lưu tình.
Cờ sói tung bay, vô số chiến mã giẫm tuyết đạp bùn, cuồn cuộn ào tới. Giáo kích dày đặc như rừng, đao thép sáng bóng như tuyết để lộ mũi đao sắc lạnh đến thấu xương, tiếng vó ngựa như sấm, đinh tai nhức óc. Hứa Thái mặt xám nghoét, trán vồng gân xanh, hai tay nắm chặt thanh đao nhìn chằm chằm vào đội kỵ binh Mông Cổ đang không ngừng tiến sát tới gần. Những kỵ binh xông tới gần nhất đã rút cung lắp tên, Hứa Thái vẫn chưa hạ lệnh khai hỏa.
"Vù", như một đám ong vàng bay vút lên trên cao, lang nha tiễn mang theo tiếng rít khát máu lao tới. Tất cả binh sĩ đều cấp tốc tránh ra đằng sau những tấm cự thuẫn to cao bằng đầu người, đồng thời giơ tấm chắn tròn lên bảo vệ đỉnh đầu.
"Cộp... cộp cộp cộp...", trên mặt thuẫn phủ đầy một lớp tên, có một ít tên xuyên qua khe hở cự thuẫn bắn trúng người binh sĩ, có kẻ rú lên ngã xuống. Chỉ sau khoảnh khắc, lại có tiếng "cộp cộp cộp…" vang lên. Loạt tên thứ hai đã tới.
Cưỡi ngựa bắn tên là bản lĩnh sở trường của kỵ binh Mông Cổ, có khá nhiều chiến sĩ có thể bắn được hơn mười mũi tên trong vòng một hơi thở. Nếu như một đại đội kỵ binh Mông Cổ đang hùng hổ xông tới, bọn họ có thể bắn khoái tiễn dày đặc vừa xa vừa chính xác ngay trong giây phút tiếp cận địch đầu tiên, lợi hại vô cùng. Nếu phe địch cũng dùng cung tên đối đầu thì lập tức sẽ phải rơi ngựa quá nửa.
Hứa Thái kiêu dũng thiện chiến, đã từng xâm nhập vào đại mạc nên đã quen thuộc chiến thuật này của địch. Hơn nữa, tuy Độc Hỏa pháo rất thích hợp để đối phó với kiểu xung phong nghìn nghịt người ngựa như thế này nhưng tầm bắn không xa. Nếu như khai hỏa khi đại đội kỵ binh của giặc chưa xông vào tầm sát thương, tuy có thể khiến một số chiến mã địch trong vùng đạn pháo phải hoảng sợ, nhưng trong khi quân ta nạp lại đạn, kỵ binh Mông Cổ mau lẹ như gió đã có thể xông tới trước mặt rồi. Chỉ cần nắm bắt thời cơ không chuẩn thì thứ được gọi là "vũ khí sắc bén" đó sẽ biến thành que cời lò, không còn đất dụng võ.
Loạt tên thứ ba như mưa trút xuống cự thuẫn, lại có một ít sĩ tốt không kịp đề phòng bị trúng tên ngã xuống. Lúc này Hứa Thái mới gằng giọng rống to:
- Bắn!
Kỵ binh Mông Cổ đã xông qua khỏi vùng gài mìn dần dần xông đến, chỉ cách khoảng ba mươi trượng. Từng họng pháo đen ngòm phun ra những ngọn lửa tử thần. Trong một loạt tiếng gầm đinh tai nhức óc đầy giận dữ, hàng nghìn hàng vạn viên đạn chì, đá, đinh sắt đã bắn trả lại với tốc độ còn nhanh hơn cả tên sắc, quét ngang qua luồng đại quân Thát Đát đang ồ ạt xông đến gần.
Dưới nhát quét ngang của cơn mưa sắt thép, những chiến sĩ Mông Cổ kiêu dũng và chiến mã mạnh mẽ như rồng đã không thể dùng thân thể xương thịt của mình để ngăn đỡ. Lập tức những kẻ đương đầu đều bị thổi tung! Người ngã ngựa đổ, thuẫn gỗ nát tan, thuẫn sắt cũng biến thành cái sàng, tuột tay bay lên không trung. Dưới uy lực khủng bố như đất rung núi lở của hỏa pháo dày đặc, những binh sĩ Mông Cổ chỉ mặc áo da, giáp da biến thành một đống lá quay cuồng trong bão táp, tức thì bị cuốn phăng xuống đất bụi.
Đòn phản kích này thực ác liệt, hỏa pháo bắn thẳng vào giữa đội hình xung phong dày đặc đã tạo nên tổn thất khủng khiếp: có gần một nghìn dũng sĩ ngã ngựa, hơn năm trăm thớt ngựa bị mù, toàn thân đẫm máu đang la hí giãy giụa. Khí thế không thể ngăn trở của kỵ binh Mông Cổ vì thế mà khựng lại.
Nhân thời cơ này Hứa Thái ra lệnh lắp tiếp đạn dược vào hỏa pháo. Đồng thời hắn vẫn còn hai mươi khẩu vẫn chưa khai hỏa đang sẵn sàng đón địch, điều này nhằm tránh cho khoảng thời gian giữa hai loạt bắn quá lâu.
Bá Nhan cũng hạ lệnh quyết tử. Hắn quát tháo ra lệnh cho đại tướng thân tín của mình là Bác Đạt Nhĩ Mô lập tức tổ chức xung phong, nội trong khoảng thời gian ngắn nhất phải công phá được phòng ngự dưới chân núi.
Trận đánh hôm nay không dùng đến bất cứ mưu lược gì, mục tiêu duy nhất của hai phe công và thủ đều là ngọn núi này. Quân Thát Đát chỉ cần đánh chiếm được ngọn núi này thì sẽ thành công toàn diện, bằng không mọi thứ sẽ kết thúc. Bản thân là đại tướng tâm phúc của Bá Nhan, Bác Đạt Nhĩ Mô biết rõ tầm quan trọng của thời gian. Hắn lập tức cùng phó tướng là Hất Lâm Đạt Đạt mỗi người dẫn hai nghìn kỵ binh, bày trận hình cánh nhạn từ hai bên đánh thốc vào chân núi. Được đại tướng dẫn đầu làm gương xung phong lên trước, đám binh sĩ vừa la hét vừa liều chết xông lên, hai mắt đỏ ngầu.
Hứa Thái cười nhạt, chờ cho bọn chúng đến gần, độc hỏa pháo vốn không cần nhắm chuẩn chỉ hơi quay nòng, một loạt đinh sắt, đạn chì tròn dày đặc lại được bắn ra. Kỵ binh Mông Cổ không chỗ náu thân, thuẫn sắt và áo giáp đều không hề có tác dụng gì, người ngựa lại ngã rạp một mảng lớn.
Trong đợt xung phong này, phó tướng Hất Lâm Đạt Đạt bỏ mạng tại chỗ, Bát Đạt Nhĩ Mô mù một mắt, miệng sứt một miếng to lộ rõ hàm răng trắng hếu, song hắn vẫn dẫn đám binh sĩ còn lại liều mạng xông lên.
Trận địa quân Minh cũng có hơn trăm binh sĩ bỏ mạng dưới mũi tên của kỵ binh Mông Cổ, không kịp nạp thêm đạn dược. Trong khói thuốc mịt mù, số binh sĩ Mông Cổ chưa chết lại được hai mươi khẩu đại pháo gầm thét khạc lửa đón tiếp, chỉ kịp bắn được hai loạt tên liền bị quét rơi rụng.
Nhân cơ hội này, Hất Khắc Nông liền tập kết ba nghìn tinh kỵ lại chia làm ba cánh trái giữa phải, tức tốc xông lên. Bá Nhan rỉ máu trong lòng, đây đều là bộ hạ chính quy của hắn. Nhưng lúc này không phải là lúc bo bo giữ riêng quân cho mình, bất kể phải trả cái giá lớn như thế nào, hắn nhất định phải đánh chiếm cho được núi Bạch Đăng.
Chuyến này hắn điều động tinh binh các bộ lạc với quy mô lớn để cướp bóc biên quan, đương nhiên trước tiên là để báo thù cho con của hắn, nhưng nguyên nhân quan trọng hơn đó là: Hoàng đế nhà Minh vừa mới băng hà, thiên tử mới lên ngôi là một thằng nhóc chỉ mười sáu tuổi; chúa còn nhỏ tuổi thì lòng nước chưa an, đây vốn là cơ hội tốt nhất để xâm chiếm đất đai trung thổ. Nhưng hắn không hề ngờ tên tiểu hoàng đế này không hề yếu kém chút nào, thậm chí còn hiếu chiến hơn cả vua Hoằng Trị cha nó.
Chẳng những tiểu hoàng đế mau chóng điều động trọng binh đến biên quan phòng ngự mà tướng lĩnh được phái đi còn hữu dũng hữu mưu, đại quân Thát Đát bị kiềm chân khó thoát, đã hao sạch quân nhu. Càng khiến hắn bất ngờ chính là quân Minh xưa nay chỉ thủ không công, từ sau trận chiến Thổ Mộc Bảo đã coi đại mạc là chốn vô cùng nguy hiểm, mà nay lại dám mạo hiểm phái một nhánh kỳ binh quét ngang qua đại mạc đang trống trải.
Bởi vì ba trăm thân vệ đảm trách việc giam lỏng Mãn Đô Hãi đều bị diệt sạch, cho nên hiện tại hắn vẫn chưa biết hoàng hậu Mãn Đô Hải uy danh khắp đại mạc đã rơi vào trong tay Đại Minh. Nhưng trước lúc xuất binh hắn đã âm thầm cài thám mã giám thị hành vi các bộ lạc. Tin tức các bộ lạc bị tập kích, dê bò bị giết sạch, cỏ khô tích trữ bị đốt trụi đã lặng lẽ được đưa tới. Tin tức này chẳng khác nào là muối sát vào vết thương của Bá Nhan vừa mới chiến bại.
Hiện tại hắn vừa mới dùng vũ lực đàn áp, thống nhất đại mạc, một khi hắn phải chịu áp lực nặng nề như thế này, ắt các bộ lạc có dã tâm sẽ rục rịch ngóc đầu dậy, cục diện đại mạc mới vừa thống nhất ắt sẽ lại sụp đổ tan tành. Con đường thoát duy nhất chính là giết chết Hoàng đế nhà Minh. Thắng lợi trọng đại về mặt quân sự này có thể thay đổi toàn bộ những vấn đề đang tồn tại trên thảo nguyên, khiến uy vọng cá nhân hắn đạt tới một đỉnh cao chưa từng có. Tất cả mọi chất vấn và chỉ trích sẽ do chiến công lẫy lừng này mà tan thành mây khói.
Người chết chất thành gò trên sườn núi, chân tàn tay cụt khắp nơi, máu nhuộm khắp mặt đất, mùi máu tanh xộc vào mũi kích thích sát khí của mọi binh sĩ. Cung, đao, thuẫn, súng cùng triển khai, đao chém tên bắn như sóng vỗ; máu vấy giáp y cũng vẫn mặc kệ. Tất cả mọi người như trở nên điên rồ, không ngừng vung vũ khí, quên hết sinh tử, quên cả sợ hãi.
Dưới chân núi, Bá Nhan thúc ngựa chạy qua chạy lại, cổ vũ binh sĩ dũng cảm xông lên phía trước. Lúc này, mỗi khắc trôi qua thì hy vọng thành công của hắn càng nhỏ đi một phần, làm sao hắn không sốt ruột như lửa đốt trong lòng?
Lúc này, một tướng lĩnh Thát Đát hổn hển chạy lại bẩm:
- Đại Hãn, đã lắp xong bốn mươi khẩu pháo. Có dùng chúng để công phá núi không?
Bá Nhan nghe vậy liền cả mừng, lập tức gò ngựa hạ lệnh:
- Mau lên! Lập tức vận chuyển tới trước núi, dùng pháo công núi, phía sau tiếp tục lắp ráp. Dùng hết cả một trăm hai mươi khẩu đại pháo cho ta, để ta xem Chính Đức còn có thể trốn ở chỗ nào. Ha ha ha...
Một loạt kèn lệnh cất lên, giặc Thát đang công núi ào ào rút lui. Quâm Minh lấy làm ngạc nhiên:
- Giặc Thát lui rồi? Bọn chúng không tấn công nữa mà bỏ chạy sao?
Nhưng ngay sau đó bọn họ liền phát hiện quân địch đang đẩy mấy chục chiếc giá gỗ cao lớn về phía dưới chân núi, đằng sau mỗi chiếc giá là mấy trăm tên lính Thát Đát cầm dây thừng dài thật dài. Đó là thứ gì vậy? Đám quan binh đến từ Kinh doanh lấy làm lạ, nhưng quan binh dưới trướng Hứa Thái và chiến sĩ Đóa Nhan Tam Vệ lại lần lượt hét lên hoảng sợ:
- Pháo Hồi Hồi! Bọn chúng đã vận chuyển pháo Hồi Hồi tới!
Hứa Thái đanh giọng quát:
- Sợ cái gì! Nơi đây bốn mặt là bình nguyên, toàn là đất cát, bọn chúng lấy đá ở đâu mà bắn lên núi chứ?
Binh sĩ chung quanh nghe vậy mới cảm thấy hơi yên tâm.
"Pháo Hồi Hồi"(1) được tạo bởi những thanh gỗ lớn làm giá, kết nối với nhau bởi đai riềng kim loại. Trên giá đặt một trục pháo có thể chuyển động, trên trục là một thanh gỗ dài được bắt cố định làm "nòng pháo". Trên thực tế đây là một loại máy bắn đá, dùng để ném đạn đá, bên dưới hệ thống buộc hơn trăm sợi dây thừng, mỗi sợi do hai người cùng kéo, tầm bắn có thể đạt tới mấy trăm bước.
Sau khi quân Mông Cổ sử dụng pháo Hồi Hồi ném cự thạch phá hủy tường thành Tương Dương chỉ sau một loạt bắn, thì cuộc đại chiến Tương Dương kéo dài suốt ba năm mới tới hồi kết thúc. Loại máy bắn đá tương tự đã từng sớm xuất hiện vào thời Xuân Thu. Loại pháo Hồi Hồi này rất dễ lắp ráp, vào năm Tĩnh Khanh thời Bắc Tống, lúc tấn công Biện Lương, quân Kim đã từng lắp hơn năm nghìn khẩu pháo chỉ trong một đêm. Không ngờ để đánh chiếm núi thành công, Bá Nhan đã cho xe thồ vận chuyển một số lượng lớn khí giới đến lắp ngay gần chân núi.
Có điều không cách nào bọn chúng kiếm được “đạn” là đá tảng to lớn ngay tại chỗ để “bắn”. Chiến mã Mông Cổ cho dù có khỏe cỡ nào cũng không thể kéo những tảng đá lớn nặng mấy trăm cân đi mấy chục dặm để tập kích bất ngờ như vậy. Rốt cuộc bọn chúng sẽ dùng thứ gì để công phá núi?
"Pháo Hồi Hồi" dừng lại dưới chân núi, khoảng cách này đã quá tầm nỏ mạnh, không thể gây thương tổn cho chúng. Quan binh trên núi chỉ có thể nắm chặt binh khí yên lặng chờ đợi.
Bá Nhan nhếch mép cười gằn. Hắn vốn không ngờ quân số trên núi lại sai lệch so với tin tình báo, hình như không chỉ nhiều hơn gấp đôi, cho nên thế công gặp phải trở ngại. Nhưng hắn có món lợi khí này, quân Minh lại chỉ dùng vũ khí thủ núi đơn giản thì sẽ còn có thể giữ được bao lâu?
Tuy máy bắn đá chủ yếu được dùng để ném những tảng đá lớn phá hủy tường thành, đè chết binh sĩ, nhưng lúc đại quân Mông Cổ tây chinh, trong trận chiến Vác-xa-va, bọn chúng lại chợt nảy ra diệu kế, khơi mào cho thời đại chiến tranh hóa học. Bọn chúng đã sử dụng pháo Hồi Hồi bắn một lượng lớn bong bóng có chứa khói độc vào thành, khiến cho toàn thành Vác-xa-va chìm trong thạch tín và khói độc.
Thấy được hiệu quả mới của thứ vũ khí này, lúc đại quân Mông Cổ tấn công Con-xì-tan-ti-nô-pô-li (nay là thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ), nhằm lúc dịch hạch hoành hành trong quân đội, quân Mông Cổ bèn dùng pháo ném luôn thi thể của quân sĩ mắc bệnh vào thành, khiến trong thành bùng phát bệnh dịch. Nghe nói thương nhân nhiễm dịch trong thành chèo thuyền trốn ra ngoài, mang theo khuẩn bệnh dịch hạch Châu Á này tới Châu Âu, dẫn đến việc gây ra cơn đại dịch "Cái chết Đen" mà người dân Châu Âu nghe đến là khiếp sợ. Trận đại dịch này đã cướp mất tính mạng một phần ba dân số Châu Âu lúc bấy giờ.
Sau khi nhà Bắc Nguyên tan rã, giặc cướp cưỡi ngựa tập kích biên giới chủ yếu chỉ nhằm cướp bóc. Ngoại trừ năm trước, lúc đánh chiếm Đại Đồng bọn chúng có sử dụng "pháo Hồi Hồi" để ném đá, còn lại rất ít khi dùng, cho nên ngay cả Hứa Thái cũng không nghĩ ra được ý đồ sử dụng vũ khí hóa học.
Dưới núi, những khẩu "pháo Hồi Hồi" đã được lắp đặt chu đáo. Một quả bóng lửa khổng lồ bay thẳng lên mỏm núi, rớt ầm xuống đất, một đám khói cay xè tức thì lan ra. Không biết bên trong bọn chúng nhét thêm những thứ gì mà quả bóng vỡ tan rồi lại vẫn cháy phừng phừng, bốc ra mùi cay đến sặc người.
Dưới núi, từng quả bóng khói lửa lại được ném lên núi như những ngôi sao băng...