Ngược Về Thời Minh

Chương 30 : Mồng một Tết

Ngày đăng: 13:20 30/04/20


Dương Lăng nghe giọng nàng có chút ngượng nghịu, bèn chăm chú ngắm nhìn. Nàng vừa mới gội đầu, mái tóc xõa xuống ngay ngắn sau lưng, óng ả mượt mà, toát ra nét tươi trẻ dịu dàng. Bên dưới hai hàng mi cong vút là một đôi mắt tròn xoe, ngây thơ chớp chớp như đang tránh né một điều gì.



Dương Lăng nghĩ thầm: "Chẳng lẽ lại là thứ tuyệt học gia truyền gì đó tuyệt đối không được truyền cho người ngoài."



Mặc dù y biết Ấu Nương đã trao trọn trái tim thiếu nữ cho mình, nhưng nếu gia tộc của nàng thật sự có quy định như vậy thì y cũng không thể trách nàng được, tuy tận đáy lòng y vẫn thấy có chút mất mát. Y gượng cười nói:



- Ồ, thì ra là công phu gia truyền của Hàn gia nhà nàng. Không cho phép người ngoài học sao? Ha ha, là ta lỗ mãng quá."



Theo phong tục xưa nay, con gái lớn lấy chồng phải xem nhà chồng như nhà mình, trong khi nhà cha mẹ ruột lại trở thành người ngoài. Nếu thiên vị bên ngoại hơn, vậy đã vi phạm thất xuất chi lệ (đã có giải thích ở chương trước) rồi. Với Hàn Ấu Nương, câu nói vừa rồi của Dương Lăng có thể xem như một lời trách móc hết sức nặng nề.



Nàng không khỏi lo lắng phân trần:



- Không phải, không phải đâu. Thiếp nào dám giấu giếm tướng công chuyện gì, nếu chàng muốn học, thiếp sao dám không dạy chứ? Bộ côn pháp này do cha thiếp học được từ Thiếu Lâm tự ở Hà Nam, gọi là... gọi là Phong Ma côn pháp.



Thời buổi này, quy định về xuất gia cực kỳ nghiêm ngặt, người dưới sáu mươi tuổi muốn đi tu phải được cha mẹ và quan viên địa phương đứng ra chứng nhận, sau đó lên kinh tham gia khảo thí, người nào tinh thông kinh văn mới được phát cho độ điệp (giấy chứng nhận công tác của thầy chùa – ND.) Các chùa chiền lớn do thiếu người kế tục, đành phải thu nhận rộng rãi đệ tử tục gia, cho nên cả vùng Hà Nam, Hà Bắc có rất nhiều môn đồ Thiếu Lâm tục gia. Thuở nhỏ phụ thân của Ấu Nương cũng vì gia cảnh bần hàn nên đã tới chùa Thiếu Lâm kiếm cơm, nhờ đó mới học được một thân võ nghệ.



Nghe thấy cái tên "Phong Ma côn pháp," lại liên tưởng đến vẻ mặt giấu giấu diếm diếm của Ấu Nương, Dương Lăng chợt hiểu ra. Nhìn vẻ mặt thẹn thùng và vóc dáng yêu kiều của Ấu Nương, y càng cảm thấy đáng yêu, không khỏi bật cười lớn. (Phong ma nghĩa là điên khùng – ND.)



Bị y cười, Hàn Ấu Nương lúng túng vô cùng, bối rối nhìn chồng. Thấy Dương Lăng cứ khoái chí cười mãi mặt nàng bất giác đỏ lựng, ngượng ngùng nói:



- Ấu Nương vốn không muốn nói, đều tại tướng công ép người ta... Nghe xong rồi còn cười người ta nữa.



Nói rồi nàng dẩu môi lên. Dương Lăng cười đau cả bụng một hồi, thấy khuôn mặt nàng đầy vẻ ấm ức thì vừa cười vừa khẽ ôm Hàn Ấu Nương vào lòng vào lòng:



- Ha ha ha, ta vốn không thấy buồn cười, chỉ tại nàng quá nhạy cảm khiến ta chợt nghĩ tới cảnh một nữ tử yêu kiều như nàng nhe nanh múa vuốt sử dụng Phong Ma côn pháp gì đó thôi, thật sự không nhịn được cười.


Dương Lăng mỉm cười, khẽ vân vê những đầu ngón tay, nơi đó vẫn còn sót lại cảm giác mềm mại, ấm áp của ngực nàng. Con tim của y đã bắt đầu dao động, lần đầu tiên y cảm thấy căm ghét lời nói dối trá kia của mình.



Nếu như không có lời nói dối đó thì có phải giờ này mình đã có thể tận hưởng thân thể xinh đẹp trinh nguyên của nàng rồi không? Mấy ngày nay, ít nhiều y cũng đã hiểu được phần nào về tính nết nàng. Dương Lăng biết rằng, cho dù nàng vẫn còn là xử nữ, cả đời này nhất định chỉ là nữ nhân của y, tuyệt không cải giá. Niềm tin được hình thành từ nhỏ của một người, y có thể thay đổi được sao?



Vừa nghĩ đến thời hạn hai năm, đến sự chia ly đang rình rập và đã được báo trước ấy, y không còn dũng khí chiếm hữu nàng nữa. Đã không thể hứa hẹn với nàng điều gì, y sao có thể thản nhiên hưởng thụ quyền lợi của một người chồng? Thế nhưng, cho dù có phải sống trong cảnh nghèo túng ở thời đại này hay không, y đều không nỡ rời xa, bởi vì nơi đây còn có người vợ y vẫn bận lòng, người vợ y luôn quyến luyến.



Dương Lăng lặng thinh nghĩ ngợi, trái tim bắt đầu thắt lại như thể đang có kim đâm...



"Hữu phục chương chi mỹ vị chi hoa, hữu lễ nghi chi đại vị chi hạ" (*), Hoa Hạ, chữ "Hoa" trong cái tên của dân tộc lâu đời ấy xuất phát từ những phục sức mỹ lệ của nó. Trong lịch sử Trung Hoa, Hán phục nhà Minh có nhiều kiểu dáng nhất, và đương nhiên cũng đẹp đẽ nhất. Nhờ đôi bàn tay khéo léo của Ấu Nương, bộ trang phục ngày Tết đơn giản đã được khâu cắt lại trông rất hợp với dáng người Dương Lăng, mặc vào rất đẹp. (* lấy cái đẹp của phục sức gọi nó là Hoa, lấy cái quý của lễ nghi gọi nó là Hạ)



Dương Lăng mặc trường bào cổ tròn, vạt áo màu xanh, tay áo rộng, đầu đội khăn vuông, vóc dáng cao ráo, mắt sáng như sao. Khí chất nho nhã ấy khiến Ấu Nương vui sướng vô bờ.



Ấu Nương mặc quần hoa, bên ngoài khoác bằng chiếc váy kẻ ô màu lam, thân trên mặc một chiếc bì giáp (**) màu hồng lạt. Eo thon ôm sát, váy xoè đung đưa, mái tóc đen nhánh thắt thành hai bím buông dài tới eo, cả người toát ra vẻ thanh nhã thuần khiết. (**Một loại áo thời cổ, không có cổ áo và tay áo. Ảnh: http://hiphotos.baidu.com/potsong/pi...04a08bb70a.jpg)



Bên dưới ống váy lấp ló một đôi hài thêu hoa mũi vểnh. Nàng bưng bánh cảo mới ra lò, còn nghi ngút khói đến đặt xuống chiếc bàn vuông con con được để trên giường. Dương Lăng thẳng lưng, ngồi xếp bằng ngay ngắn bên cạnh bàn, ánh mắt vô cùng chăm chú.



"Đàn ông không có tiền đồ mới chui đầu vào bếp," đó là câu mà Hàn Ấu Nương vừa mới nói, so với câu "quân tử không đứng gần bếp," ý nghĩa thật không khác là bao. Dương tú tài tuân mệnh ngồi yên, nhưng trong đầu cứ suy đoán bậy bạ, ánh mắt láo liên lén thưởng thức vẻ đẹp của vị thê tử nhỏ bé đang bận bịu của mình, dĩ nhiên y cũng không hề quên cặp chân thanh tú dưới váy nàng.



Đôi bàn chân của Hàn Ấu Nương rất đẹp. Thời thơ ấu, Dương Lăng đã từng chứng kiến tục bó chân, khi ấy trông vô cùng kinh dị. Để có được " Kim Liên Tam Thốn" (***) (gót sen ba tấc,) bàn chân người phụ nữ bị biến dạng khủng khiếp, xấu xí đến thảm thương. Còn đôi chân của Hàn Ấu Nương may mắn không bị bó, Dương Lăng nghĩ có thể do gia cảnh nhà nàng bần cùng, con gái cũng phải ra đồng làm ruộng, nên mới may mắn giữ gìn được vẻ đẹp này. (*** Chân bị bó rồi được gọi là “liên”, các “liên” kích thước khác nhau thì được chia vào các đẳng cấp khác nhau, trên bốn thốn là thiết liên, bốn thốn là ngân liên, còn ba thốn thì là kim liên.)



Thật ra lúc ấy, tục bó chân vẫn chưa thịnh hành cho lắm, con gái bó chân không nhiều, mãi đến cuối triều Minh tục lệ mới bắt đầu trở nên phổ biến; đến đời nhà Thanh, thứ phong tục bệnh hoạn này mới đạt đến tầm ảnh hưởng cao nhất. Bằng không với nguyện vọng cao cả của Ấu Nương là trở thành một người vợ hiền thục đức hạnh, có lý do gì để nàng không bó chân cơ chứ? Nếu như thế, hôm nay Dương Lăng đã không thể thấy được vẻ oai hùng, mạnh mẽ của nàng khi quật ngã tên cường đạo Thát Đát trên tường thành rồi.



Bánh cảo nhân củ cải trắng thịt heo được bê lên bàn, còn có một đĩa bò muối, một đĩa thịt thái miếng, và một bình rượu trắng nhỏ.



Đây đích thực là ngày tết ấm áp và hạnh phúc nhất của đôi uyên ương trong đêm đông lạnh giá, ngay sau một trận chiến sinh tử. Ấu Nương ngồi đó ăn uống ngon lành, đôi mắt sáng long lanh, hòa hợp với khung cảnh xung quanh tạo nên bức tranh lãng mạn nhất trong mắt Dương Lăng.