Người Tìm Xác
Chương 160 : Oan hồn đòi mạng
Ngày đăng: 05:37 30/04/20
Thì ra sau khi Triệu Khiêm đi, việc làm ăn của nhà họ Triệu xuống dốc không phanh, trong nhà cũng trở thành vùng đất chết. Những nhà khác chỉ cách một con đường thì chẳng có chuyện gì, nhưng trong nhà thì đến cả gia súc cũng mắc ôn dịch, chưa đến một năm mà đã chết hết chẳng còn con nào.
Ông Triệu tìm thầy bói nổi tiếng ở gần đó đến xem thử, kết quả là thầy bói vừa vào cửa thì đã không nói không rằng, quay đầu bỏ về, đến nhà thì đóng cửa đuổi khách, nói sao cũng không chịu đến nhà họ Triệu nữa.
Ông Triệu biết thầy bói này đã nhìn ra được điều gì nhưng không chịu nói, bèn vung một số tiền lớn hơn mời người nơi khác đến. Kết quả là vẫn y thế, thậm chí có thầy bói còn chưa vào cửa đã bỏ đi luôn!
Sang năm sau, khi gia súc trong nhà chết hết thì bắt đầu đến lượt người chết. Mới đầu là người hầu trong nhà, chẳng hiểu nguyên cớ gì mà thắt cổ, nhảy giếng. Đêm hôm trước, lúc ăn cơm còn cười cười nói nói, sáng hôm sau đã treo cổ chết trong chuồng gia súc, không hề có dấu hiệu gì.
Người hầu nhanh chóng đồn nhau rằng oan hồn của Đỗ Quyên trở về, muốn lấy mạng những kẻ đã từng ức hiếp mình!
Đám người hầu cũ ít ỏi còn lại từng ức hiếp Đỗ Quyên đều chột dạ, nên dĩ nhiên là sợ hãi không chịu nổi, nhân lúc nửa đêm lén lút trốn đi. Mấy người hầu thì chạy được, nhưng đám vợ bé trong viện thì chẳng có nơi nào để chạy. Những người này nếu không ở kỹ viện thì cũng từ đoàn kịch, gánh hát mà ra, làm gì có nhà mẹ đẻ, dù có thì cũng đã chết hết từ lâu rồi.
Ví dụ như Lãnh Sương, từ bé đã bị anh trai và chị dâu bán vào gánh hát. Bây giờ cô đã chẳng còn biết nhà mình ở nơi nào, người nhà mẹ đẻ họ tên là gì, rời khỏi nhà họ Triệu cổ hủ vô cùng này cũng chỉ còn một con đường chết.
Nhưng dù vậy, vận xui dường như vẫn không có ý định buông tha cho từng người trong nhà họ Triệu…
Kẻ đầu tiên gặp chuyện không may là dì Hai. Năm đó, cô ta đứng đầu bảng trong thanh lâu của tỉnh, đến nay tuy đã hoa tàn ít bướm, nhưng quả thật mồm miệng thì vẫn khéo léo nên không chịu thấp hơn ai. Ban đầu, lúc vừa vào cửa bà ta đấu đá với dì Cả, không hề thiệt thòi chút nào.
Họ lập tức tìm thầy lang về bắt mạch cho ông Triệu, mới ra là ông ta trúng gió! Tiếp đó, thầy Lang lại nhìn xác của dì Hai, sau đó lắc đầu liên tục: “Gan vỡ nát rồi, hết cứu nổi!”
Vì ông Triệu trúng gió nên nhà chỉ chôn cất dì Hai qua loa, nói với người ngoài rằng bà ta bị bệnh chết. Nhưng trong nhà thì như có mây đen bao trùm, những người còn lại ngày nào cũng sống trong thấp thỏm.
Dì Cả có một đứa cháu họ xa, bà ta gom ít đồ nữ trang đáng giá của mình, thừa dịp ông Triệu nhiễm bệnh nên trộm ít tiền, định đi tìm đứa cháu họ đã nhiều năm không gặp xin nương tựa. Nhưng chưa đi được mấy dặm thì đã gặp phải thổ phỉ, dì Cả liều mạng không chịu để tiền tài lại, nên cuối cùng bị thổ phỉ đánh chết.
Người thân trong tộc đến thăm ông Triệu, đều khuyên ông mau gọi Khiêm Nhi từ Nam Dương về! Nhưng ông Triệu lại chẳng nói gì mà xua tay, không đồng ý gọi Triệu Khiêm về vào lúc này. Thật ra ông ta đã đoán được phần nào tại sao tai họa này lại ập xuống, nếu bây giờ để Triệu Khiêm trở về, chỉ sợ đứa con trai này cũng khó mà giữ được mạng!
Lúc bấy giờ, trong nhà chỉ còn dì Ba và dì Tư. Tính tình dì Tư Lãnh Sương lạnh lùng, lúc lão gia trúng gió, cô cũng không muốn liếc ông ta một lần. Ở trong phòng một mình ăn chay niệm Phật, ai không biết chuyện còn tưởng là đang cầu phúc cho ông Triệu. Nhưng thực tế thì ngày nào cô cũng nguyền rủa cho ông ta chết nhanh lên…
Tính tình dì Ba lại âm hiểm, gian trá, nhưng lại không biết nhìn người. Trước đây chính bà ta đã âm thầm xúi dì Cả và dì Hai cùng ức hiếp Đỗ Quyên. Bây giờ thì hay rồi, dì Cả và dì Hai đều chết hết, lúc này bà ta còn kém hơn cả cô.
Tuy dì Ba hầu hạ bên cạnh ông Triệu, nhưng lại như chim sợ cành cong, ngay cả cơn gió lùa qua ngọn cỏ cũng dọa cho phát hoảng! Ngày qua ngày lại, cuối cùng bà ta bị điên…
Dì Ba điên rồi, Lãnh Sương rơi vào đường cùng, đành phải ra khỏi phật đường, lo liệu chuyện trong nhà. Nhưng nào còn gì để mà lo nữa? Tổng cộng còn ba người, thì một người bị bệnh, một người điên.