Nhạc Phi Diễn Nghĩa
Chương 17 : Hồi thứ mười bảy
Ngày đăng: 08:33 19/04/20
Ngũ quân Đề Đốc nghe chư tướng nói như vậy đáp:
- Chư tướng đề nghị như vậy cũng phải, song chồng con ta đã chết về tay Phiên nô, thù ấy
không đội trời chung, ta đã có cách phá tan bọn Phiên quân tàn bạo.
Mọi người im lặng, phu nhân lại truyền lệnh:
- Chư vị hãy tuân lệnh ta thi hành cho nghiêm cách mới được. Nơi Tam Sơn
khẩu đã có bố trí sẵn súng thần công. Bây giờ phải đem hết thiết hỏa xa
ra đó để làm chướng ngại vật cản đường tiến của quân địch. Khi chặn được địch rồi thì phải nhả đạn trước sau cho đều chớ để một tên nào tẩu
thoát, nhớ chưa?
Chư tướng đồng thanh tuân lệnh đi bày trí đâu đó
xong xuôi thì phu nhân cũng kiểm điểm binh mã, đội ngũ chỉnh tề kéo binh ra ngoài thành lập trận thế.
Ngột Truật xem thấy phu nhân oanh oanh liệt liệt, chép miệng khen thầm:
- “Hèn chi thiên hạ đồn chẳng sai, rõ ràng là trang nữ trung hào kiệt”.
Lương phu nhân thấy Ngột Truật nhìn sững liền quát lớn:
- Tên mọi kia, ra trận sao không xưng tên còn đứng đó sao?
Ngột Truật đáp:
- Đại Kim Quốc, tứ điện hạ Xương Bình Vương Tảo Nam đại nguyên soái, Hoàn Nhan Ngột Truật chính là ta, còn ngươi là ai hãy xưng tên ra trước đây
cho thiên hạ biết.
Ngột Truật lại nói:
- Ta hằng nghe ngươi là một tay võ nghệ cao cường tinh thông thao lược nhưng nay ta cử đại binh thi hành theo thiên mạng chiếm đoạt giang san nhà Tống, chẳng khác đá
kia đem đi chọi trứng, nội nay mai Biện Kinh sẽ thuộc về tay ta. Nếu
ngươi thức thời hãy tuân theo mạng trời quy hàng cho sớm thì mạng ngươi
được bảo toàn mà chức Ngũ Quân đô đốc của ngươi cũng không mất. Ngươi
hãy chọn một đường mà đi kẻo ăn năn không kịp đấy.
Lương phu nhân nghe mấy lời ngạo mạn nổi giận mắng:
- Loài mọi Phiên, chồng con ta đã vì mi bỏ thây trong Phiên trại, ta hận
vì chưa bắt được mi để ăn gan cho hả giận nên quyết đến đây liều sinh tử một phen. Mi đừng uốn ba tấc lưỡi đối với ta vô ích.
Ngột Truật cười gằn:
- Ai giết chồng ngươi để làm gì? Ta chỉ truyền lệnh vây chặt trong dinh
ta đó thôi, nếu ngươi bằng lòng quy hàng ta sẽ trả chồng con ngươi ngay
tức khắc.
Lương phu nhân không tin hết lớn:
- Đừng nói dối, hãy xem ngọn thương của ta đây.
Vừa nói phu nhân vừa vung thương đâm thẳng. Ngột Truật đưa búa ra đỡ rồi tiếp đánh.
Hai người đánh nhau chừng năm hiệp vẫn chưa phân thắng bại nhưng xét thấy
nữ nhi chống với anh hùng được sao? Lương phu nhân liệu bề đánh không
nổi nên quay ngựa chạy lui vào ải.
Ngột Truật vỗ ngựa rượt theo.
Khi quân Phiên đến gần trước ải, Lương phu nhân truyền lệnh nổ súng thần công và xô thiết hỏa xa ra cản đường.
Chư tướng vâng lệnh cho nổ
súng vào đám quân Phiên. Đột nhiên một tiếng sét nổ vang lên long trời
lở đất, khói bốc lên chín tầng mây loang ra ngoài mấy dặm.
Trước
cảnh tượng ấy ai nấy đều kinh hồn táng đỏm. Khi bình tĩnh lại thì thấy
mấy khẩu thần công đều toác miệng ra làm đôi, cửa ải bị vỡ toang, tạo
thành một con đường lớn chạy thẳng tắp vào ải.
Cho nên đời sau
thiên hạ thường có câu: “Lôi chấn Tam Sơn khẩu, pháo toạc Lưỡng Lang
quan” nghĩa là trời đã giúp quân Phiên phá súng, mở đường cho Ngột Truật xua quân theo đại lộ tràn vào ải.
Lương phu nhân thấy lòng trời giúp cho Ngột Truật nên chép miệng thở dài than:
- Thôi thế này thì khí số nhà Tống đã hết rồi.
Bà không chần chừ vội quất ngựa chạy thẳng vào rừng. Thật từ khi bà biết
cầm thương lên ngựa đến giờ chưa khi nào thảm bại một cách kinh khủng
như chuyến này.
Bà chạy một đỗi xa xa đến một lùm cây rậm rạp muốn tìm chỗ nghỉ ngơi đôi chút, bỗng nghe có tiếng gọi văng vẳng:
- Phu nhân ôi, công tử ở đây này, xin phu nhân hãy xuống ngựa vào đây.
Phu nhân nghe vậy vội gò cương nhìn vào lùm cây rậm kia thì rõ ràng hai vợ
chồng người vú con đang bồng công từ. Bà vội xuống ngựa chạy đến bồng
con hôn và khóc một hồi.
Vợ chồng người vú hỏi:
- Chẳng hay phu nhân ra trận thắng bại thế nào?
Phu nhân lắc đầu đáp:
- Trời đã giúp cho kẻ địch chiếm cứ thành trì rồi. Ta chắc lão gia và con ta khó toàn mạng được. Bây giờ chưa biết chúng ta phải nên ẩn trú nơi
nào?
Nói đến đây phu nhân tủi lòng rơi lụy, than thở cùng vợ chồng người vú trong rừng rậm rất bi thảm.
Quân Phiên ăn uống no say
rồi, vâng lệnh chúa soái đi vòng qua thành thẳng đến bờ sông Hoàng Hà,
lựa một chỗ đất trống rộng an dinh hạ trại.
Dinh trại quân Phiên
liên tiếp kéo dài theo bờ sông, hàng ngũ nghiêm chỉnh kỷ luật đường
hoàng khiến bá tính phủ Hà Giang bình yên như chẳng có giặc vậy. Binh sĩ Phiên chẳng có tên nào dám bén mảng đến thành.
Dinh trại quân Phiên sắp đặt xong liền lo đóng thuyền bè để vượt qua sông.
Quan địa phương nơi ấy phi ngựa đi ngày đêm về Biện Lương cấp báo. Khi đến Biện Lương thì gặp buổi lâm triều.
Quan địa phương vào trước điện Kim giai tâu:
- Muôn tâu thánh thượng, Kim Phiên Ngột Truật kéo binh năm mươi vạn đến
đóng bên bờ sông Hoàng Hà, cúi xin Thánh thượng điều binh khiển tướng
lập tức đẩy lui quân giặc kẻo nhân dân đang vô cùng khiếp đảm.
Vua Khâm Tông nghe tin ấy lấy làm kinh hãi phán hỏi bá quan:
- Binh thế của Ngột Truật quá hùng cường, chẳng hay chư khanh có kế chi đánh lui được quân giặc không?
Trương Bang Xương vội quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, vợ chồng Lục Đăng thất thủ lộ An Châu đã tử tiết, vợ
chồng Hàn Thế Trung đã bỏ ải Lưỡng Lang chạy trốn còn Trương Thúc Dạ thì dâng Hà Giang phủ đầu hàng, tất cả cũng chỉ cản trở bước tiến của quân
giặc đôi chút mà thôi. Đến khi Ngột Truật vượt khỏi sông rồi thì thành
Biện Lương này nhất định sẽ vào tay hắn.
- Trong cơn nguy cấp này
tôi xét các quan văn võ không ai đủ tài ba cho bằng Lý Can, Tông Trạch.
Nếu thánh thượng muốn sớm trừ giặc Kim Phiên thì phải phong Lý Can làm
đại nguyên soái, Tông Trạch làm tiên phong, phát cho năm vạn quân ra
Hoàng Hà phá giặc ắt là xong.
Vua Khâm Tôn y tấu lập tức hạ chỉ
phong Lý Can làm Bính Bắc đại nguyên soái, Tông Trạch làm tiên phong
thống lãnh binh nhung đi dẹp giặc.
Hai người tạ ơn rồi lãnh chỉ lui ra.
Lý Can vốn là một quan văn nhưng nhờ tài bác học túctrí đa mưu nên làm
được đến chức Gián nghị. Nếu dùng văn chương thì giỏi thật song qua việc võ điều binh khiển tướng thì thật chưa từng. Nay bọn Kim Phiên binh
hùng tướng mạnh đã xâm nhập vào địa phận chỉ còn cách có con sông Hoàng
Hà mà loài gian nịnh tâu vua cho Lý Can ra điều binh khiển tướng, đủ
thấy gian thần xem sơn hà xã tắc có ra chi? Miễn chúng hại được người
trung là hả dạ. Thế mà vua cũng nhắm mắt nghe theo.
Lý Can về đến
phủ vào hậu đường, giã biệt phu nhân để sửa soạn lên đường, bỗng thấy
một hảo hán đang đứng dưới thềm ngó lên, tướng mạo cao lớn vạm vỡ khác
thường. Lý Can vội hỏi:
- Ngươi tên họ là chi?
Người ấy đáp:
- Bẩm lão gia tôi là Trương Bảo.
Lý Can lại hỏi:
- Lâu nay ngươi ở đâu, làm nghề gì?
Trương Bảo đáp:
- Lâu nay tôi ra hải ngoại chuyên nghề buôn bán.
- Ngươi tự xét ngươi có tài cán gì không?
Trương Bảo đáp không nghĩ:
- Tôi có thể vác năm sáu trăm cân chạy cả ngày không biết mệt.
Phu nhân nghe vậy đề nghị:
- Tướng công nên đem nó theo làm kẻ hầu hạ tâm phúc thì tốt lắm.
Lý Can nghe lời cho Trương Bảo sửa soạn đi theo.
Sáng hôm sau Tông Trạch đến rất sớm mời chủ soái ra giáo trường để lo việc
khiển binh. Lý Can vội vã ra tận ngoài thềm nghênh tiếp Tông Trạch vào
trong đãi đằng trà nước rồi nói:
- Thưa ngài xin ngài xét thử xem
có phải là gian thần nó quyết làm hại tôi không. Tôi đây là quan văn
biết gì đến việc điều binh khiển tướng thế mà nó bảo tấu cho ra cầm quân đánh giặc. Tôi chỉ còn cách trông mong nơi ngài và xin gửi cả tính mệnh cho ngài, nếu ngài thể tình tôi lấy làm đội ơn.
Tông Trạch thưa:
- Nguyên soái chớ lo điều ấy, trời nào lại bỏ người ngay đâu mà nguyên soái sợ.
Hai người chuyện vấn hồi lâu rồi lên ngựa ra ngoài giáo trường kiểm điểm
binh mã, phát pháp, làm lệnh nhắm sông Hoàng Hà tiến quân.
Để ngăn
ngừa giặc, nguyên soái truyền cho quân sĩ kéo hết thuyền ở dưới sông lên bờ rồi bài binh bố trận theo dọc tuyến sông. Sắp đặt đâu đó an bài,
Tông Trạch liền sai người tâm phúc mang một bức thư chạy thẳng đến Thang Âm huyện, triệu thỉnh mấy anh em Nhạc Phi đến. Trong thư Tông Trạch tha thiết mời anh em Nhạc Phi hãy đem tài sức ra cứu nước.