[Dịch] Nhật Nguyệt Đương Không
Chương 299 : Thiên Nghi, Thiên Xu* (thượng).
Ngày đăng: 14:20 06/09/19
Quế Hữu Vi tiếp tục kể rõ chuyện liên quan đến lễ Phi Mã:
- Thiếp mời dự lễ Phi Mã có hai màu đỏ và vàng, thiếp màu vàng do người của Phi Mã Mục Trường đưa tới các danh phái thế tộc, thiếp màu đỏ thì giao cho ta, để người của bang Trúc Hoa chuyển tới tay những người trẻ tuổi nổi tiếng, từ lần lễ thứ hai trở đi, vẫn sắp xếp như vậy, cho tới bây giờ.
Vạn Nhận Vũ gật đầu nói:
- Lúc nhận được thiếp Phi Mã, ta đang ở Tấn Lăng, nếu không có người thuộc mạng lưới của bang Trúc Hoa, thì không thể giao tận tay ta được.
Quế Hữu Vi vui vẻ nói:
- Lần này ta nhận được bảy thiếp Phi Mã, hai cái trong đó là cho Ưng gia và Phù Quân Hầu. Thiếp của Ưng gia đã đưa đến Thần Đô, thiếp của Phù Quân Hầu thì ta ghi thêm mấy lời bình “Bại tướng dưới tay Ưng gia, thân phận mập mờ, bụng dạ khó lường”, thiếp của Phạm Khinh Chu thì ghi “Cải tà quy chính, dùng trí bắt ‘trộm hái hoa’ ở Thành Đô”. Ý của ta không muốn Phạm Khinh Chu tham dự lễ Phi Mã, mà mong rằng có thể gia tăng thanh thế cho Phạm Khinh Chu, để trường chủ tự cân nhắc.
Long Ưng cười nói:
- Hóa ra tiểu đệ vẫn có phần. Ha ha! Thật là sảng khoái!
Quế Hữu Vi mỉm cười nói:
- Trong đám thanh niên mới quật khởi, có ai hơn được Ưng gia? Xuất sắc như Phù Quân Hầu còn phải nhượng bộ lui binh mà.
Vạn Nhận Vũ mỉm cười nói:
- Nếu như Quế bang chủ nói cho tiểu tử này biết, tân trường chủ có dung mạo hoa nhường nguyệt thẹn, chắc chắn hắn còn phấn khởi hơn bây giờ gấp vạn lần.
Long Ưng cười khổ nói:
- Đừng nghĩ tiểu đệ tệ thế chứ! Chỉ nghe danh tiếng Phi Mã Mục Trường cũng đủ khiến ta tôn kính rồi.
Vạn Nhận Vũ thuận miệng nói:
- Chứ không phải yêu thương sao?
Quế Hữu Vi không kìm được phải bật cười, hồi lâu mới nói:
- Nói chuyện với các ngươi ta cảm thấy rất nhẹ nhàng thoải mái, không cần phải nghiêm túc quá.
Y quay sang Long Ưng, nói:
- Có thể nói thế này, về các con của Tống Sư Đạo và Thương Tú Tuần, tuy nam có tướng mạo đường đường, nữ cũng thanh tú đoan chính, nhưng vẫn thiếu chút gì đó, không thể hiện được phong thái hơn người của cha mẹ họ. Tuy nhiên đến Thương Nguyệt Lệnh thì lại khác, tục truyền vẻ đẹp và khí chất của nàng không hề kém Thương Tú Tuần, mà còn có phần hơn.
Đôi mắt Long Ưng lập tức sáng ngời, nói:
- Ôi mẹ ơi! Thế thì nàng ta hấp dẫn lắm đây!
Vạn Nhận Vũ tức giận nói:
- Rốt cuộc cũng lòi đuôi háo sắc ra rồi! Sao không hỏi, vì sao nàng họ Thương mà không phải họ Tống?
Long Ưng không hề ngượng ngùng, nói:
- Đương nhiên Quế bang chủ đã có câu trả lời. Hừm! Chỉ cần đoán cũng biết, hai họ Tống – Thương đều là thế gia vọng tộc hiển hách, Tống Sư Đạo và Thương Tú Tuần đều là con một, để nối dòng hương hỏa cho hai họ, đời này mang họ Tống, đời sau mang họ Thương, cũng là điều dễ hiểu thôi.
Quế Hữu Vi nheo mắt nhìn Long Ưng, hỏi:
- Ta vốn tưởng Thương Nguyệt Lệnh sẽ không tiếp nhận Phạm Khinh Chu, nào ngờ nàng cũng tôn trọng một kẻ chỉ là “nửa sư huynh” như ta. Nửa tháng trước, ta nhận được thiếp Phi Mã dành cho Phạm Khinh Chu và đã thay mặt chuyển đi, hẳn là mấy ngày nay đã tới tay Nam Quang. Xin hỏi Ưng gia, ngươi sẽ tham dự lễ Phi Mã với thân phận Long Ưng hay thân phận Phạm Khinh Chu?
Long Ưng khó hiểu hỏi lại:
- Việc này lẽ ra phải bí mật, vì sao Đại Giang Liên lại biết nhanh như vậy?
Quế Hữu Vi giải thích:
- Chuyện này đương nhiên có nguyên cớ, thiếp đỏ là công khai, ta lại thông báo rộng rãi, nói là loại bỏ Phù Quân Hầu khỏi danh sách, thay bằng nhân tài mới xuất hiện là Phạm Khinh Chu, để gây tổn hại danh dự Phù Quân Hầu. Không ngờ là chó ngáp ruồi, chẳng những có thể phá hủy gian mưu của Đại Giang Liên, mà còn giúp cho Ưng gia đạt được ước nguyện, có cơ hội lẫn vào tổng đàn của Đại Giang Liên.
Vạn Nhận Vũ nói:
- Nhưng vì sao Đại Giang Liên cho rằng Ưng gia còn có người khác cạnh tranh?
Quế Hữu Vi trầm ngâm nói:
- Đó là vì có những người khác cũng nhận được thiếp đỏ! Mẹ của Thương Nguyệt Lệnh là một cô gái Cao Ly tuyệt sắc, theo cha tới Trung Thổ, cha của bà đưa bà tới thăm Thiếu soái Khấu Trọng, vừa đúng lúc gặp cha của Thương Nguyệt Lệnh ở lễ Phi Mã, đôi bên vừa thấy đã yêu. Bởi vậy có người nói lễ Phi Mã là “So ngựa, kén rể”! Ha ha!
Mặt Long Ưng lộ vẻ “Thì ra là thế”, hiển nhiên nghĩ rằng nhan sắc mỹ lệ của Thương Nguyệt Lệnh là được thừa hưởng từ mẹ của nàng.
Quế Hữu Vi nói:
- Ưng gia chưa trả lời câu hỏi của ta.
Long Ưng cười khổ, nói:
- Nếu như để Tiểu Ma Nữ biết ta đến Mục Trường theo đuổi Thương Nguyệt Lệnh, thì mười bữa ăn nàng ấy không đánh ta cả mười thì cũng đánh hết chín. Giả trang thành Phạm Khinh Chu để lừa gạt thì lại càng không ổn, hay là để Nam Quang đi thay ta đi! Mục tiêu của ta chỉ là lẫn vào Đại Giang Liên, tìm hiểu rõ ràng hư thực. Đối với Thương Nguyệt Lệnh, ta xin lỗi vì không có phúc để hưởng đâu!
Vạn Nhận Vũ nói:
- Chuyện không đơn giản như vậy, “người cạnh tranh” mà Hoa Giản Ninh Nhi nói tới, chắc chắn không phải là những người tham dự và có tư cách theo đuổi Thương Nguyệt Lệnh nào khác, mà là người của Đại Giang Liên. Bởi vậy có thể thấy được, trong số sáu người nhận thiếp đỏ còn lại, có người của Đại Giang Liên.
Long Ưng cười nói:
- Chuyện này rất dễ đối phó, chỉ cần Quế bang chủ báo cho Thương Nguyệt Lệnh, để nàng không tiếp nhận bất cứ thiếp đỏ nào từ người theo đuổi, thì Đại Giang Liên sẽ vô kế khả thi. Ha ha!
Quế Hữu Vi nói:
- Cách này tuy là gọn gàng dứt khoát, nhưng lại không dùng được. Thương Nguyệt Lệnh có cá tính độc lập, có quan điểm và chủ trương riêng của mình, nếu nàng hỏi cho ra ngọn nguồn, ta có thể nói cho nàng biết những gì? Chẳng lẽ là chuyện Long Ưng và ta ra sức đề cử Phạm Khinh Chu sao? Vả lại, khiến những người vô tội mất đi cơ hội, chúng ta có nhẫn tâm làm được không?
Long Ưng tán thành:
- Quế bang chủ suy nghĩ rất chu đáo.
Vạn Nhận Vũ hỏi:
- Tiểu thư Thương Nguyệt Lệnh bao nhiêu tuổi rồi? Vì sao Quế bang chủ nói mình là “nửa sư huynh” của nàng?
Quế Hữu Vi nói:
- Năm tới nàng vừa đúng hai mươi tuổi. Bởi vì năm nàng lên mười hai, được đưa đến Lĩnh Nam theo sư mẫu của ta học thổi tiêu, cho nên có thể coi như nàng và ta là nửa sư huynh sư muội.
Sư mẫu của Quế Hữu Vi chính là con gái của Từ Tử Lăng và Thạch Thanh Tuyền, là người mà Võ Chiếu muốn gặp nhất.
Vẻ mặt Long Ưng và Vạn Nhận Vũ hơi biến đổi.
Long Ưng chắc lưỡi nói:
- Đàn ông trong thiên hạ, ai là người xứng với nàng đây?
Quế Hữu Vi thản nhiên nói:
- Đương nhiên đó là Ưng gia của chúng ta, nếu là trước kia, Phù Quân Hầu cũng có thể vào vòng.
Vạn Nhận Vũ trợn mắt nhìn Quế Hữu Vi, nói:
- Tiểu tử này đã nổi danh háo sắc, Quế bang chủ còn vẽ đường cho hươu chạy?
Quế Hữu Vi thở dài:
- Bởi vì ta biết, nếu Ưng gia không đến tham dự lễ Phi Mã, Thương Nguyệt Lệnh sẽ hết sức thất vọng.
Long Ưng cụt hứng, đành im lặng.
Vạn Nhận Vũ kinh ngạc hỏi:
- Làm thế nào Quế bang chủ biết được là Thương trường chủ sẽ thất vọng?
Quế Hữu Vi nói:
- Chuyện bắt đầu từ lúc một cô bạn thân của nàng ở Trường An đến Mục Trường thăm nàng, nghe được chuyện Ưng gia chém chết Tiết Hoài Nghĩa trước mặt vạn người trong thành, lại biết sau đó Ưng gia đại chiến với Hoành Không Mục Dã, lấy được chiến lợi phẩm đem tặng cho Thái Bình công chúa và “Thiên Chi Kiều Nữ” Địch Ngẫu Tiên, từ đó nàng cảm thấy rất hứng thú đối với Ưng gia. Khi nàng hỏi thăm ta về chuyện liên quan đến Ưng gia, ta chỉ kể lại chi tiết hơn mà thôi. Ài! Ưng gia một thân một mình chém đầu Tẫn Trung, rồi sau lại đại phá quân của Tôn Vạn Vinh, đó là hai chiến công quá rực rỡ, ngay cả ta trong lúc kể lại, cũng có phần không tin những lời mình nói kia mà!
Vạn Nhận Vũ nói:
- Nếu ta là Đại Giang Liên, trước hết phải dùng trăm phương ngàn kế, ngăn không cho tiểu tử này đến được Phi Mã Mục Trường.
Long Ưng nói:
- Ta tuyệt đối không đến đó được, trừ phi có người có thể thuyết phục được Tiểu Ma Nữ, mà điều đó thì lại càng tuyệt đối không thể!
Quế Hữu Vi thở dài:
- Nhân duyên thiên định, không thể miễn cưỡng được.
Ba người lại bàn bạc những chuyện khác, Quế Hữu Vi cùng ăn cơm trưa với bọn hắn, vui vẻ một hồi mới rời đi.
(*) Thiên Nghi: Thiên nghi có nghĩa là “quy luật của trời đất”, trong truyện này, dùng để chỉ “Hỗn Thiên Nghi” (Máy định vị thiên thể).
Thiên Xu: là một từ đa nghĩa, là tên một huyệt ở ngang rốn, cũng là tên một vì sao trong Thất Tinh Bắc Đẩu, nhưng trong truyện này dùng để chỉ một công trình kiến trúc bằng kim loại, được đúc và dựng lên ở Lạc Dương (tức Thần Đô) từ năm 695 tới 714 mới hoàn thành, được đặt tên là “Đại Chu Vạn Quốc Tụng Đức Thiên Xu”.