Nhất Phẩm Giang Sơn
Chương 3104 : Thưởng phạt phân minh
Ngày đăng: 01:22 20/04/20
- Việc tối kỵ của nhà binh?
Sắc mặt Địch Thanh có chút trầm ngâm hỏi.
- Nguyên soái, ngài xuất thân nhà binh. Trong quan trường ở kinh thành, khắp nơi đều là quan văn, làm gì có ai là đồng minh của ngài?
Trần Khác nói những lời từ đáy lòng:
- Một mình xâm nhập, bên trong bên ngoài đều không ai viện trợ, với người dụng binh mà nói đây là đường cùng!
- …
Địch Thanh trầm mặc một lát, ông làm sao không biết những lời của Trần Khác đều là sự thực. Nhưng ông cũng có chấp niệm của bản thân mình, ta lấy quân công và thành tích để nói chuyện, dựa vào cái gì mà không thể không được làm Xu Mật Sứ đây? Chẳng lẽ chỉ vì ta không phải là người đọc sách sao?
Trong phút chốc, ông dường như trở về thành Biện Kinh của hai mươi lăm năm về trước.
Ngày đó, trên đường phố giăng đèn kết hoa, là ngày mà các tiến sĩ tân khoa đi diễu hành huênh hoang khắp nơi. Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa đứng đầu tam giáp trên người mặc cát phục, đầu cài trâm hoa hồng, cưỡi trên con ngựa cao to, được xướng tên bước ra từ Đông Hoa môn. Dân chúng kinh thành chen chúc nhau đến xem, trong đó cũng không ít những quân sĩ đi đày vừa bị xăm mặt lẫn vào.
Mọi người ai cũng nhìn lên đầy vẻ hâm mộ, con đường làm quan rộng mở, đi ngựa cao, mặc áo gấm, có thể phô trương trước những đứa bạn cùng lứa tuổi. Những người trẻ tuổi bị in dấu ấn sỉ nhục trên mặt, cuộc sống cực khổ u ám, thần sắc khó tránh khỏi chán nản. Trong đó có kẻ tự ai oán nói:
- Người ta cao cao tại thượng, chúng ta cả đời này cũng chỉ ở trong đống bùn mà thôi.
Một đám binh sĩ nghe được đều cười khổ một hồi, ngươi làm sao chỉ toàn nói lời thật ?
Bỗng nhiên một âm thanh trong trẻo vang lên:
- Chưa biết được, còn phải xem sự nỗ lực trong tương lai!
Mọi người nghe được quay đầu lại nhìn, trông thấy một thiếu niên anh tuấn chừng mười tám tuổi, lúc y ngẩng cao gương mặt bị xăm nhìn chằm chằm vào nhóm tân khoa tiến sĩ đang huênh hoang, trong mắt tràn đầy một vẻ không cam tâm!
Nháy mắt đã hơn mười năm trôi qua, ở chiến trường Tây Bắc, người thiếu niên bị xăm mặt đó dựa vào sự uy dũng của chính mình đã tạo nên được thanh danh hiển hách. Nhưng ông vẫn bị đám quan văn kỳ thị, thậm chí lăng nhục. Ngay cả kỹ nữ ngồi cùng đám quan văn cũng dùng giọng điệu lẳng lơ châm chọc vết ấn vàng trên mặt ông.
Có lần, ông đích thực không thể nhịn được nữa, nhưng cũng không thể nổi giận ở trên bàn rượu, cho nên sang ngày hôm sau liền sai người đem kỹ nữ kia ra đánh một trận.
Đây cũng là chuyện bình thường, nói thế nào thì ông cũng là Phó đô quản của một nhánh binh mã, một Đại tướng quân có hơn một trăm ngàn binh mã dưới trướng, bị một ả kỹ nữ châm chọc thì làm sao có thể nén giận cho được?
Việc như thế cũng là bình thường, thế nhưng ông đã sai lầm. Chỉ vài ngày sau, một thuộc cấp tên Tiêu Dụng của ông đến thăm, hai người vừa mới ngồi xuống uống rượu thì y đã bị quan văn đó cho người bắt đi, sau đó gán ghép cho một tội danh sẽ bị chém đầu.
Chẳng qua lúc này, mọi người ít chú ý tới điều mà họ gọi là “phạt nặng”, bởi lần này triều định ban thưởng cho vô số quan viên có công, còn được ban thưởng rất nhiều, từ đời Thái Tổ đến sau này chưa từng nghe nói qua.
Tất cả quan quân có công đều được thăng quan, vị trí thấp thì được thăng liền ba bậc, vị trí cao thì thăng hai bậc. Ngay cả Trần Hi Lượng người không ra trận chiến đấu cũng từ quan tri huyện bát phẩm thăng đến quan thất phẩm Tả Ti Gián.
Tuy chức quan này không lớn, nhưng cũng là chưởng quản việc khuyên can triều đình, thường là lúc triều đình có sai lầm thì có nhiệm vụ khuyên ngăn, còn những việc nhỏ thì có quyền dâng tấu, quyền cao chức trọng thì không phải nhưng sức ảnh hưởng thì hết sức lớn... Đương nhiên, việc này còn phải xem là người nào làm chức này, Phạm Trọng Yêm, Hàn Kỳ đều đi lên từ chức quan này.
Tất nhiên cũng chả ai quan tâm đến việc thăng quan của các nhân vật này, mọi sự chú ý đều được tập trung trên người của Địch Thanh.
Chỉ có điều việc này thì triều đình còn chậm chạp chưa thấy công bố.
Khó ở chỗ Địch Thanh xuất thân nhà binh, trước đó đã là Xu Mật phó sứ, nếu thăng một bậc chỉ có thể từ chức phó sứ thăng thành Tây phủ Trưởng quan Xu Mật Sứ mà thôi, cũng chính là điều mà mọi người thường gọi là “Chấp chính”.
Tuy rằng Xu Mật Viện cai quản việc quân, là cơ cấu do quan văn nắm giữ, võ tướng chỉ có thể làm tới Xu Mật phó sứ là cùng, nếu muốn tiến thêm một bước chấp chính thì là một khoảng cách xa vời vợi khó có thể vượt qua.
Cũng không ngoài dự định, các đại thần đưa ra đủ mọi lý do kịch liệt phản đối. Thậm chí ngay cả Bàng Tịch lúc trước tiến cử ông, lấy tính mạnh gia đình đảm bảo để ông giữ ấn soái, cũng kiên quyết không cho ông chức quan có thể “Chấp chính”.
Tể tướng Trần Chấp Trung cũng cực lực phản đối, triều đình cuối cùng cũng phải nhượng bộ. Thay vì thăng chức Xu Mật Sứ sửa thành thăng lên chức Tiết Độ Sứ, bốn đứa con trai ông cũng đều được thăng chức, còn được ban cho thêm không biết bao nhiêu phần thưởng, khiến cho mọi người ai ai cũng vui mừng.
Nhưng khi Địch Thanh quay trở về Biện Kinh, triều đình đột nhiên gọi đại thần hai phủ vào triều, rồi trực tiếp truyền đạt thánh dụ, thăng Địch Thanh làm Xu Mật Sứ, không được từ chối phải chấp hành ngay lập tức.
Địch Thanh lập công lớn trở về, hai bên đại thần vốn đã ở thế bị động, hiện tại lại gặp sự kiên quyết của triều đình thì biết không thể nào phản đối được nữa...
Tin tức được truyền ra khiến cả quốc gia xôn xao, so với việc nghe nói Quảng Nam bình định thì còn hưng phấn hơn. Bởi bọn họ có thể tận mắt chứng kiến kỳ tích xảy ra, từ một tội phạm thành tướng quân, rồi từ tướng quân lại có thể được chấp chính!
Quốc gia cuối cùng cũng đã thưởng phạt phân minh rồi!
Chỉ bằng vào điểm này đã dấy lên niềm tin trong lòng mọi người, bất kể là thường dân hay binh sĩ, chỉ cần sau này có ý chí cùng quyết tâm, thì sẽ có khả năng vượt trội hơn người!
Thưởng phạt phân minh thật ra chính là phương pháp được lòng dân nhất...