Nhất Phẩm Giang Sơn
Chương 6278 : Dạo chơi trên hồ Kim Minh!
Ngày đăng: 01:24 20/04/20
Chờ bọn họ ăn mặc sẵn sàng, nhìn nhau một lượt, giữa sân lúc này đã không còn tiến sĩ nào mặc áo màu trắng, từ nay về sau đều là quan nhân rồi. Vì thế, bọn họ chắp tay chào nhau, cười nói, đến khi hoạn quan thúc giục mới đi lên điện tạ ơn.
Hoàng đế Triệu Trinh ngồi trên long ỷ, mỉm cười nhìn những người trẻ tuổi đang có tinh thần phấn chấn bên dưới. Những người này sẽ là trụ cột của Đại Tống trong hơn mười hay hai mươi năm sau này, lúc đó bọn họ sẽ chung tay cùng nhau gánh vác những trọng trách mới!
Mà một đám tân khoa tiến sĩ dưới bậc thềm, ngoại trừ mười người giáp khoa thì tất cả những người còn lại đều lần đầu tiên được nhìn thấy vị thiên tử Đại Tống được con dân vô cùng kính yêu này.
Rất nhiều người lệ nóng lưng tròng, thậm chí có người khóc không thành tiếng. Cũng không rõ là vì nhìn thấy vị thiên tử kia mà kích động, hay là vì chính mình “triều vi điền xá lang, mộ đăng thiên tử đường” mà rơi lệ.
Hoàng thượng nhẹ nhàng động viên bọn họ một phen, sau đó liền ban chỉ thưởng túi gấm cho chúng tiến sĩ bên dưới.
Bên trong túi gấm chứa đựng văn kiện chứng nhận thân phận, chính là giấy ủy nhiệm. Chẳng qua hôm sau bọn họ còn phải đến Lại bộ để xem xét, rồi sau đó mới có thể được cấp cho quan vị, từ đó mới chính thức trở thành một quan viên Đại Tống.
Hơn nữa, bởi vì chế dộ quan lại đặc thù của Đại Tống nên Lại bộ chỉ xem xét rồi trao tặng bậc quan bắt đầu được phát bổng lộc mà thôi. Về phần sai phái cụ thể thì bọn họ còn phải đến Thẩm Quan viện để tiếp nhận sắc hoàng*. Có giấy chứng nhận thân phận và sắc hoàng mới có thể trở thành một quan viên Đại Tống thực sự.
*sắc hoàng: sắc phong của hoàng đế.
Nếu chỉ vẻn vẹn có giấy chứng nhận thân phận thì cũng chỉ có thể tính là tán quan, thí dụ như Trần Khác, năm năm trước hắn đã lãnh giấy chứng nhận thân phận, nhưng vẫn bị triều đình để đó mà thôi…
Sau khi trao tặng bậc quan, thiên tử lại tiếp tục ban thưởng ngự bút, văn phòng tứ bảo*, một số nhã vật khác, những thứ để mặc như quan bào, giày, mũ… Ngoài ra còn ban thưởng cho mỗi người ba nghìn quan, gọi là phí “kỳ tập”.
*văn phòng tứ bảo: bao gồm 4 món là bút, mực, giấy, nghiên.
Cái gọi là “kỳ tập” ý nghĩa thực sự chính là hội họp. Kim điện xướng tên chẳng qua chỉ là một trong những nghi lễ và hoạt động chúc mừng mở đầu sau khi thi đậu tiến sĩ mà thôi. Về sau còn có những nghi lễ khác như Quỳnh Lâm Yến, Kim Minh Trì Tứ Yến, Trạng Nguyên Cục, Bái Hoàng Giáp, Tự Đồng Niên, Triều Tạ, Kiệt Tiên Thánh Tiên Sư, Biên Đăng Khoa Lục, Khắc Đề Danh Bi Đẳng… Những nghi lễ này đều do triều đình tổ chức. Ngoài những nghi lễ đó ra, tân khoa tiến sĩ cũng phải tự mình tổ chức các loại hoạt động tụ họp, ăn mừng.
Trong cả ba tháng mùa xuân, đều là thời gian chúc mừng theo luật định của đám tiến sĩ, cho dù bọn họ có đi chơi kỹ viện thì cũng không ai quản, hơn nữa còn được hoàng đế xuất tiền. Chỉ có như vậy thì mới có thể thể hiện được sự ưu việt của việc thi đậu tiến sĩ.
Ai cũng biết, loại thủ đoạn thi ân này thực ra là vì lung lạc sĩ tử, bồi dưỡng họ trở thành những người trung thành với hoàng triều Đại Tống. Nhưng bản thân một người chịu hoàng ân thì rất khó khiến cho người đó không sinh ra sự cảm kích trong lòng, theo đó cũng sẽ sinh ra ý nghĩ đền đáp.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~ ~~
Tiếp theo đại lễ là lúc kim khoa Trạng Nguyên đại biểu cho toàn thể tiến sĩ tạ ơn. Theo như quy chế thì những lời tạ ơn này, hẳn là do Trạng Nguyên khóa trước chỉ dẫn hắn viết ra, nhưng lần này Trần Khác đỗ Trạng Nguyên quá đột ngột, hắn căn bản không hề chuẩn bị trước gì cả.
Cũng may là mỗi lần đại lễ như vậy thì những bài văn dự thi của Trạng Nguyên cũng như những lời tạ ơn triều đình của người đó đều đã truyền ra khắp thiên hạ. Mặc dù Trần Khác chưa chuẩn bị viết ra từ trước, nhưng hắn cũng có ấn tượng khá rõ ràng…, đơn giản chính là những lời tạ ơn hoa lệ mà thôi. Mới vừa rồi ở trên đường vào cung, quan viên Lễ Bộ dẫn đường đã nhắc nhở hắn nhanh chóng suy nghĩ về những lời tạ ơn rồi.
Nghi lễ xướng danh dài dòng, rồi ban thưởng, phát giấy chứng nhận, tất cả kéo dài hơn một canh giờ. Thời gian như vậy cũng đủ để cho hắn bình phục lại tâm tình, nghĩ ra một bài văn chương rực rỡ sắc màu rồi.
Triệu Trinh nghe xong bài văn tạ ơn đầy sự bay bổng cũng như hoa lệ của Trần Khác liền cười cười gật đầu.
Đại lễ Truyền Lư đến đây là kết thúc, đám tân khoa tiến sĩ bãi triều, tiếp tục những quy trình còn lại. Nhưng thiên tử lại không bãi triều mà ngồi trên bảo tọa nhìn ra xa, dõi theo bóng dáng của “tam đỉnh giáp” đang theo Ngự đạo đi ra cửa chính. Mãi cho đến khi nghe thấy tiếng trống nhạc dẫn đường, lễ quan nâng bảng, tam đỉnh giáp men theo Ngự đạo khuất bóng phía sau cửa nhỏ bên cửa Tuyên Đức, rồi tiếp tục đi thẳng tới Ngự nhai.
Lúc này, Hoàng thượng mới thu hồi ánh mắt, hướng tới chúng tướng công cười nói:
- Tân khoa Trạng Nguyên của quả nhân, quả thật là có tài văn chương kiệt xuất đệ nhất, có thể dưới tình huống không hề chuẩn bị gì mà làm ra được một bài văn biền ngẫu hay tuyệt như vậy.
Chúng tướng công đều là những người nổi tiếng về học vấn, đối với bài văn tạ ơn này của Trần Khác đều tự có nhận xét riêng… Văn chương phải nói là rất tốt, nhưng tập hợp tài hoa của hai đời Trạng Nguyên mới có thể viết ra được bài văn ở mức độ này thì quả thật vẫn làm cho người khác khá thất vọng. Nhưng nghe Hoàng thượng vừa nói như vậy, các đại thần lập tức phải nhìn Trần Khác với con mắt khác trước. Văn biền ngẫu so với cổ văn khó khăn hơn nhiều, phải có vần có điệu, nhất định phải cân nhắc nhiều lần mới có thể phù hợp với quy củ, Trần Khác có thể ngay tại trường lập tức làm ra một bài văn như vậy, không những không hề sai sót mà còn rất có trình độ, quả thật không hổ danh tiếng Trạng Nguyên chút nào.
- Trạng Nguyên lang quả thật có tài, vi thần chúc mừng hoàng thượng.
Hàn Kì lên tiếng nói:
- Chẳng qua, trên buổi lễ tạ triều hắn cũng nói, bản thân mình là một quan nhân, dường như được Hoàng thượng phá lệ, ngoài cảm kích còn cảm thấy rất sợ hãi. Không biết hắn có chỗ nào tốt mà khiến cho hoàng thượng phải phá lệ như thế?
Có quan nhân đậu trạng nguyên, đã xóa bỏ hoàn toàn những hạn chế từ ngày khai quốc đến nay đối với con cháu quan lại thi tiến sĩ. Đối với một số Tướng công này, hiển nhiên là chuyện tốt… Nhà ai mà chẳng có con cháu sẽ tham gia thi phải không?
Nhưng nhất định bọn họ phải hiểu rõ ràng vì sao Hoàng thượng lại khai ân. Công lao trước đây chắc chắn là một phần, nhưng tuyệt đối sẽ còn có một nguyên nhân khác, nếu không thì Hoàng thượng chính là lấy việc công thi ân rồi.
- Cần gì phải lo lắng như thế? Hắn vốn đứng đầu trong cuộc thi đình mà.
Triệu Trinh cười cười nói:
- Chẳng qua bởi vì như vậy nên quả nhân mới đưa hắn hạ xuống thứ hai đấy.
Về điều này thì có rất nhiều đại thần đã nghe nói qua, nhưng trong lòng bọn họ nhủ thầm tại sao lại có sự phá lệ kia?
- Sở dĩ trẫm phá lệ bởi vì khi thi vấn đáp hôm qua hắn đã tấu đúng.
Triệu Trinh nói:
- Các vị khanh gia không ngại xem qua một chút chứ, đây chính là bản tấu của hắn được ghi lại hôm qua.
Nói xong, Hoàng thượng liền khoát tay ra hiệu cho Hồ tổng quản đưa bản ghi chép phân phát xuống dưới.
Những vị đại thần sau khi xem xong đều không nói lời nào… Thứ nhất, hắn phán đoán về thế cục đấu tranh giữa Đại Lý, Ấp La, Mã Chí Thư rất chính xác, điều này đủ để người của Xu Mật Viện cảm thấy xấu hổ mà tự tìm đậu hũ đập đầu vào tự sát. Hiển nhiên, nếu luận về tài cán thì hắn so với những người đồng niên mạnh hơn nhiều. Thứ hai, thiên tử phái hắn đi sứ Đại Lý, tất nhiên cũng phải ban thưởng cho hắn, đây cũng là việc nên làm.
- Những Trạng Nguyên trước đây cũng không gánh trọng trách nặng nề như vậy bao giờ.
Tăng Công Lượng - một người phúc hậu nói.
- Có thể chưa từng có quan nhân đậu được Trạng Nguyên.
Hàn Kỳ không cho là đúng nói:
- Nhưng hắn chứng tỏ được bản thân mình nên đáng để cho hoàng thượng phá lệ.
- Hay là phái một Chính sứ, rồi cho hắn làm trợ thủ.
Phú Bật cũng là một người nhân hậu nói.
- Việc này hay là để bàn sau đi.
Hoàng đế cười ha ha nói:
- Quả nhân muốn đi chủ trì Quỳnh Lâm Yến rồi!
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~ ~~~~~~
Theo lệ thường của triều đại này, những ai sau khi thi đậu tiến sĩ, tất cả đều phải dạo phố ba ngày, ngày đầu tiên là tham gia Quỳnh Lâm Yến, ngày thứ hai là Khắc Bia Đề Danh, ngày thứ ba là tham gia Kim Minh Trì Yến.
Quỳnh Lâm Yến đúng là diễn ra sau lễ xướng danh. Bữa tiệc Quỳnh Lâm Yến này là do hoàng đế sắp xếp, tổ chức tại khu vườn Quỳnh Lâm Yển. Khu vườn này nằm ở phía tây thành Khai Phong, trên đường cái của cửa Thuận Thiên, mặt trước quay về hướng bắc đối diện với hồ Kim Minh. Trong vườn trồng đủ loại cổ tùng quái bách, đường đi được lát bằng đá cẩm thạch, hồ nước trong xanh, liễu rũ phất phơ, thuyền phượng trôi lững lờ. Hơn nữa, trong vườn còn có rất nhiều loại hoa cỏ, đều được mang tới từ hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến, khiến cho phong cảnh hết sức kiều diễm, thanh lịch. Năm xưa Thái tổ Hoàng đế lần đầu tiên tổ chức tiệc chiêu đãi tân khoa tiến sĩ cũng tại nơi đây.
Vì vậy nên Quỳnh Lâm Uyển chính là thánh địa trong lòng những người đọc sách khắp thiên hạ. Lúc bọn Trần Khác mới vào kinh, Tô Tuân từng lấy điều này để khích lễ mọi người. Hiện tại xem ra điều này quả thật đã có tác dụng rất tốt…
Từ hoàng cung đi tới Quỳnh Lâm Uyển phải đi qua Ngự nhai. Đối với ba người đỗ đầu bảng mà nói thì đó là một đãi ngộ phi thường vinh quang. Bọn họ không những được xuất cung từ cửa chính của Tuyên Đức môn mà còn có thể đi trên Ngự nhai, đây chính là vinh hạnh đặc biệt mà ngay cả thân vương hay tể tướng cũng chưa chắc đã có được.
Về phần những tiến sĩ còn lại cũng chỉ có thể đi cửa nhỏ hai bên mà thôi. Không có biện pháp mà, chênh lệch hai bên chính là chỗ này a…, dù sao thì cũng là đường đi dành riêng cho hoàng thượng, cho những người đặc biệt đi cũng đã là quá lắm rồi, các ngươi không lẽ cũng có tư cách đi lên đó sao?
Nhân vật chính của ngày hôm nay chính là tam đỉnh giáp, kể cả nhị tam giáp là những nhân vật phụ cũng chưa đủ tư cách.
Đương nhiên, trong cuộc đời này của tam đỉnh giáp cũng chỉ có giây phút này là được như vậy, sau này nếu dám tiếp tục đi trên đó chính là đại nghịch bất đạo rồi…
Cho nên, khi đi ra từ cửa chính của Tuyên Đức môn, trên mặt ba vị lão huynh đều tỏa sáng rực rỡ chưa từng có.
Dân chúng đến trước cửa Tuyên Đức xem náo nhiệt sớm đã chen lấn xô đẩy, chật như nêm cối. Bọn họ vừa thấy được tân khoa Trạng Nguyên đi ra, lập tức liền hoan hô ầm cả lên, ai nấy đều cố sức vươn tay ra như muốn chạm vào ba vị Khôi Tinh*, dường như làm vậy có thể được hưởng một chút tài hoa từ ba người kia vậy.
*Khôi Tinh: vị thần chúa tể về văn chương thời xưa của Trung Quốc.
Đám binh sĩ Hoàng Thành Ti và phủ Khai Phong tay nắm tay, người hợp người, cố hết sức ngăn cản mọi nơi, khó khăn lắm mới tạo ra được một khoảng trống để đi.
Ba người Trần Khác chỉ thấy dưới cửa Tuyên Đức dựng lên một cái cổng chào, phía trước trưng bày những đồ nghi trượng thật dài, những chiếc ô Hồng La mới tinh cùng với bảng Cao Chân, trên những cái bảng đó viết những chữ vàng chính là “Vua ban thưởng thi đậu Trạng Nguyên”; Bảng Nhãn, Thám Hoa cũng được viết mỗi bên một cái.
Còn chưa kịp nhìn rõ thì kèn trống đã vang lên tiếng cổ nhạc, ba người lập tức được nghênh đón vào trong cổng chào.
Bên trong cổng chào có đặt một chiếc bàn lớn, trên bàn đặt “kim hoa mê tửu”, phủ doãn phủ Khai Phong Bao Chửng đang đứng đó mỉm cười, vừa thấy tam đỉnh giáp xuất hiện, ông liền nói ngay:
- Chúc mừng, chúc mừng!
Sau đó ngay lập tức khoác thêm một tấm lụa đỏ thẫm lên người bọn họ.
Lại có quan viên bưng lên ba chiếc trâm kim hoa, cài lên đầu ba người, mỗi người một chiếc trâm kim hoa. Tập tục này khiến cho Trần Khác không còn biết nói gì nữa, mặc dù hiện tại hắn đã là người Tống, nhưng đối với loại phong tục này vẫn cảm thấy không được tự nhiên. Chẳng qua, tại buổi họp mặt hôm nay cũng chỉ đành phối hợp mà làm thôi.
Sau khi cài trâm xong, quan viên lại tiếp tục dâng rượu, Bao Chửng nhìn những người trẻ tuổi này một cách đầy tình cảm, bưng rượu lên, lớn tiếng nói:
- Những người tài giỏi, lão phu kính các ngươi một ly! Chúc các ngươi sau này sẽ trở thành những trụ cột của Đại Tống!
Sau khi khách, chủ đối ẩm xong, Bao Chửng đưa tay ra nói:
- Trạng Nguyên lang, để lão phu đỡ ngươi lên ngựa!
Tự mình dẫn đường đưa ba người ra khỏi cổng chào, chỉ thấy nghi trượng đã được chuẩn bị sẵn sàng, phía đằng trước là nghi trượng của phủ doãn Khai Phong, phía sau là “tam đỉnh giáp”, hàm bài, cùng với nghi trượng do chính hoàng thượng ban cho, cả đoàn kéo dài chừng chục trượng.
Phía sau hàm bài có ba con ngựa đang đứng, con ở giữa càng thêm bắt mắt. Toàn thân nó là một màu trắng như tuyết, không có lấy dù chỉ một chút pha tạp, bên dưới cổ ngựa đeo một dải lụa màu đỏ. Hình thể con ngựa này cường tráng tuyệt mỹ, trông rất thần tuấn, vừa nhìn là biết ngay không phải tầm thường.
- Trạng Nguyên lang, ngươi có biết lai lịch của con ngựa này không?
Bao Chửng giữ lấy dây cương, cười nói:
- Con ngựa này tên là “Ngọc Tiêu Dao”, có huyết thống thuần chủng cao quý, chính là con ngựa được hoàng thượng sủng ái nhất, hôm này lại để cho ngươi cưỡi, phải biết đây là vinh hạnh đặc biệt như thế nào.
Trần Khác đành phải hướng về phía trong cung cúi chào gửi lời cảm ơn, lúc này hắn mới tiếp nhận dây cương, một chân dẫm lên bàn đạp, cũng không cần lão Bao đỡ, hắn khẽ tung chân phóng lên mình ngựa một cách tự nhiên, phóng khoáng, khiến cho những người tới xem phải trầm trồ khen ngợi một phen.
Chương Hành và Đậu Biện thì gặp khó khăn. Bọn họ đều là thư sinh yếu đuối, từ khi sinh ra tới giờ chưa từng cưỡi ngựa, huống chi đây còn là những con tuấn mã cao như thế này? Nếu mà không lên được ngựa, hoặc là lên ngựa rồi mà không cưỡi được, bị ngựa hất ngã xuống đất thì chẳng phải sẽ biến thành trò cười lớn hay sao?
Thế nhưng đã là tam đỉnh giáp mà không dám lên ngựa thì lại càng đáng chê cười. Trước mặt bao nhiêu người, bọn họ chỉ đành cứng rắn ngẩng đầu lên, kéo áo bào bước tới. May là người dắt ngựa có tài, khi bọn hắn leo lên bàn đạp thì người này nâng đỡ rất chính xác, giúp hai người bọn họ đỡ phải cố sức nhất. Mà hai con ngựa được tuyển chọn này cũng rất biết nghe lời, lúc này mới khiến cho hai người yên lòng.
Có điều một màn này càng làm cho mọi người cảm thấy Trạng Nguyên lang thần tuấn, bất phàm.
Sau khi ba người ngồi vững vàng, liền nghe đám nha dịch đồng loạt hô vang:
- Trạng Nguyên tuần phố…
Nghi trượng của phủ Khai Phong đi trước, sau đó là chiếu lệnh sắc hoàng bổ nhiệm Trạng Nguyên của hoàng đế, tiếp theo là một đoàn cờ xí màu vàng khoảng mấy trăm người. Trên những lá cờ đó có viết tên của những tân khoa tiến sĩ, đón gió bay phấp phới, trông rất khí thế. Rất nhiều bậc cha mẹ chỉ vào những lá cờ đó, giáo huấn con cháu nhà mình phải học hành chăm chỉ, tương lai mới có thể có tên trên một lá cờ như vậy.
Trên suốt đường đi, chiêng trống đánh vang trời, pháo hoa tung bay khắp nẻo, hương khói lượn lờ. Pháo nổ rồi đến pháo hoa được đốt khắp nơi, giống như một loại giải thoát của những tiếng nổ liên miên không ngừng. Đi qua hết con phố này đến con phố khác, dòng người kéo theo như nước chảy, đầu người nhấp nhô như sóng triều. Đám dân chúng Biện Kinh vì muốn được chiêm ngưỡng phong thái của Trạng Nguyên lang mà chen chúc, đẩy tới đẩy lui, lao nhao vẫy gọi, như điên như say. Cũng may là Ngự nhai có hàng rào hai bên nên cũng không cần đám binh sĩ tiếp tục sắp xếp tạo thành rào chắn như lúc trước nữa.
Sau khi một đoàn nghi trượng dài thật dài đi qua, lúc này mới có thể thấy được kim khoa Trạng Nguyên lang đang ngồi trên Ngạo Tiêu Dao, trong tay cầm cương màu vàng, trên mình khoác lụa hồng, trâm hoa, chậm rãi giục ngựa tiến đến. Chỉ thấy trên thân hắn mặc một bộ áo vàng, áo lục, trên đầu đội mũ quan Thùy Diêm hình chữ nhật màu đen làm bằng vải mỏng, hai bên trái phải có hai dải lụa màu tím buông xuống buộc vào dưới cằm, làm nổi bật lên khuôn mặt anh khí bừng bừng kia, giống như ngày xuân rạng rỡ mê người, làm cho trái tim của những tiểu thư lá ngọc cành vàng và đám thiếu nữ hậu duệ quý tộc đang ở trên lầu hai bên lối đi không khỏi xao xuyến.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~ ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Những thiếu nữ kinh thành làm sao có thể bỏ qua cơ hội có thể quang minh chính đại thưởng thức tài tử Đại Tống đây? Nhưng do không thể chen lấn như đám người bên dưới, thế nên vài tháng trước các nàng đã đặt sẵn chỗ tại những cửa hàng cũng như tửu lâu ở hai bên đường. Có người vì xem náo nhiệt, có người vì mê các tài tử đẹp trai, thậm chí có người chỉ vì để có chỗ đứng xem lễ xướng danh Trạng Nguyên bên ngoài cửa Đông Hoa mà ngay từ lúc canh bốn đã ngủ dậy kêu gọi bạn bè đi cùng.
Đợiđến lúc lễ xướng danh kết thúc, các nàng lại khẩn trương ngồi xe đi tới Ngự nhai, một mặt ngồi uống rượu mua vui, một mặt chờ Trạng Nguyên dạo phố.
Ngày ấy, Hoàng thượng cùng các vị tướng công bàn chuyện, tất nhiên đã truyền ra khắp tầng lớp trên ở thành Biện Kinh, tiểu quận chúa rất quan tâm đến Trần Khác tất nhiên sẽ là người biết đầu tiên những tin tức này. Đây cũng chính là nguyên nhân ngày hôm nay nàng quyết định cùng hắn ở chung một chỗ.
- Đúng vậy a, ngay cả Trạng Nguyên mà Hoàng thượng cũng không tha.
Trần Khác cười gượng nói:
- Đúng là muốn ta đi bán mạng đấy.
- Khi nào thì lên đường?
- Còn phải đợi ý chỉ.
Trần Khác nói:
- Chẳng qua quân tình đang rất khẩn cấp, không có khả năng chờ lâu thêm nữa. Nói thật, Hoàng thượng để cho ta vui chơi ba ngày đã là nhân từ lắm rồi.
- Đi Đại Lý chắc sẽ đi ngang qua quê nhà của Tam ca phải không?
Tiểu quận chúa hạ giọng nói.
- Đúng vậy a.
Trần Khác gật đầu nói:
- Đường này phải đi qua mà.
- Vậy Tam ca đi qua nhà mà không ghé vào thăm sao?
Tiểu quận chúa cũng không biết vì sao lại hỏi như vậy.
- Ta không phải là Đại Vũ.
Trần Khác lắc đầu cười nói:
- Đương nhiên phải đi qua rồi, chờ lúc ta trở lại sẽ mang theo Tô tỷ tỷ của muội tới kinh thành. Đến lúc đó nếu nàng chưa quen cuộc sống nơi đây thì muội cần phải chiếu cố thật nhiều đó nha.
- Nhất định rồi!
Ánh mắt tiểu quận chúa phức tạp nhìn hắn, nàng cố hết sức tươi cười nói:
- Muội kính ngưỡng nhân tài như Tô tỷ tỷ đã lâu, nhất định phải thường xuyên thỉnh giáo mà.
- Ừ, hai người đều là những thiếu nữ huệ chất lan tâm, chắc chắn sẽ hòa hợp được với nhau.
Trần Khác cười gật gật đầu, hắn nhìn khuôn mặt của tiểu quận chúa chuyển từ nhợt nhạt đáng thương đến cao hứng xinh đẹp một cách chân thành vì hắn, giống như một khúc “nhị thập tứ bàn tâm”, không biết từ lúc nào đã được hát lên rồi.
Không biết có phải vô tinh hay cố ý mà lúc này trên thuyền bên cạnh lại có một ca kỹ dạo lên đàn tỳ bà, ngân nga một khúc hát:
Ngô sơn thanh, việt sơn thanh, lưỡng ngạn thanh sơn tương đối nghênh, thùy tri ly biệt tình? Quân lệ doanh, thiếp lệ doanh, la đái đồng tâm kết vị thành, giang biên triều dĩ bình…
(Tạm dịch: Bờ bắc Tiền Đường, bờ nam Tiền Đường, sao sông nỡ làm đôi bờ cách trở. Lệ chàng rơi, lệ thiếp rơi, La Đái đồng tâm chưa kết xong, sao nước đã dâng ngập đôi bờ.)
(ở đây ý chỉ nỗi buồn ly biệt của người con gái.)
Khúc hát càng làm tiếng lòng tiểu quận chúa thêm xúc động, khiến cho đôi mắt nàng trở nên đỏ ửng, hai tròng mắt hiện lên hơi nước, sau một lúc lâu nàng mới buồn bã nói:
- Tam ca, huynh có thể thổi cho muội nghe một khúc nhạc bằng liễu địch được không?
- Liễu địch sao?
Trần Khác hơi sửng sốt, sau đó chợt nói:
- Đương nhiên không thành vấn đề.
Lúc này, vừa lúc thuyền đi ngang qua một nhánh liễu rũ, hắn liền đứng dậy, rút nhuyễn kiếm bên hông ra, nhắm thật chuẩn rồi cắt xuống một đám.
Cầm lấy một đám cành liễu, quay trở lại chỗ ngồi, sau đó Trần Khác lựa ra một cành mượt mà, cắt bỏ đầu đuôi, rồi nhẹ nhàng vuốt vuốt, cẩn thận tách ra phần thân liễu sao cho nó có thể lưu lại đầy đủ vỏ ngoài. Tiếp đó, hắn dựa theo quy tắc khoét ra vài cái lỗ tròn trên thân liễu rồi đưa lên môi, nhẹ nhàng thổi.
Tiếng sáo ngân nga vang vọng khắp hồ Kim Minh, lúc này hắn đang thổi chính là khúc “Ngọc lâu xuân”, có lẽ hắn muốn dùng “Đông thành tiệm giác phong quang hảo” đứng đầu thời Tống nhằm trấn an trái tim của tiểu quận chúa. Mặc dù khúc nhạc này được vô số người biết nhưng ở thời Tống này chính là nổi tiếng nhất, cũng vì thế mà hắn được người ta phong cho một danh hiệu rất tao nhã đó là “Hồng Hạnh Thượng Thư”.
Trần Khác nghĩ rằng, với sự thông minh của tiểu quận chúa, chắc chắn nàng có thể hiểu được tâm ý của mình.
Ai ngờ tiểu quận chúa lại khẽ hé đôi môi đỏ mọng, hát lên khúc “Ngọc lâu xuân” của Âu Dương Tu kia:
- Tôn tiền nghĩ bả quy kỳ thuyết, dục ngữ xuân dung tiên thảm yết. Nhân sinh tự thị hữu tình si, thử hận bất quan phong dữ nguyệt.**
**:
Trước ly tính chuyện về nhà,
Ngại ngùng chưa nói, xuân đà biến suy.
Thế nhân là giống tình si,
Hận này đâu phải tại vì gió trăng.
- Ly ca thả mạc phiên tân khuyết, nhất khúc năng giáo tràng thốn kết. Trực tu khán tận lạc thành hoa, thủy cộng xuân phong dung dịch biệt…***
***:
Chia tay ngại khúc ly ca,
Một chương đã đủ xót xa ngậm ngùi.
Thử trông thành Lạc hoa rơi,
Gíó mưa xuân cũng dễ thời biệt ly.
Một khúc hát qua đi, lúc này nước mắt của tiểu quận chúa đã tuôn rơi không ngừng.
Trần Khác thầm than một tiếng, rồi lập tức ra tay làm lại một cây liễu địch khác, sau khi đưa cho nàng mới nói:
- Mới vừa rồi tay ta có hơi run, cây liễu địch mới này tinh chuẩn hơn nhiều.
- Muội muốn cái kia cơ.
Tiểu quận chúa lại lắc đầu.
- Hay là thôi đi.
Trần Khác xấu hổ cười nói:
- Cái này dính môi của ta vào rồi.
- Cái lúc trước huynh cho muội, muội vẫn thổi tới mức không thể thổi được nữa mà.
Khuôn mặt tiểu quận chúa đỏ như ráng chiều, hai mắt lại dũng cảm nhìn thẳng vào Trần Khác, một tay giật lấy cây liễu địch đầu tiên rồi nắm chặt trong tay, hạ giọng nói:
- Muội không chê nó bị bẩn…
- Đừng quên rửa lại cho sạch nhé.
Cho dù Trần Khác có ngu ngốc cỡ nào thì cũng có thể cảm nhận được tâm ý nồng nàn của tiểu quận chúa. Mỹ nhân tình thâm quả thật làm cho hắn không thể chịu đựng được, hắn liền đứng lên, thấp giọng nói:
- Ta phải đi rồi, đám đồng niên vẫn đang chờ ta.
- Muội tiễn Tam ca…
Tiểu quận chúa vịn góc bàn, chậm rãi đứng lên, thấp giọng nói:
- Tam ca đi đường cẩn thận…
Trước một câu tiễn hắn rời thuyền, sau một câu tiễn hắn rời kinh.
- Quận chúa, nàng phải vĩnh viễn vui vẻ đó!
Trần Khác liền chắp tay chào rồi phất tay rời khỏi thuyền, nhưng hắn đã để lại một mảnh buồn bã phía sau.
Nhìn bóng dáng hắn rời đi, nước mắt của tiểu quận chúa rốt cục cũng không kìm nổi nữa, tuôn xuống như mưa.
Trương thị chẳng biết từ lúc nào đã xuất hiện bên cạnh nàng, nhẹ nhàng kéo nàng tựa lên vai mình, rồi dịu dàng an ủi:
- Đều đã qua rồi, qua hết rồi, kiếp sau chúng ta sẽ gặp hắn trước, kiếp này đành phải nhường cho người khác thôi.
Tiểu quận chúa gật gật đầu, để trán của nàng dựa vào lòng Trương thị, rồi khóc rống lên.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Sau khi chia tay huynh muội Triệu gia, Trần Khác cũng cảm thấy vô cùng buồn bã, hắn cũng không tham gia buổi yến tiệc cùng ngày hôm đó. Buổi tối, quan Tham Nghị của Chính Sự Đường ghé qua thông báo cho hắn biết ngày mai phải thượng triều.
Mặc dù sớm đã chuẩn bị tâm lý nhưng Trần Khác vẫn cảm thấy khá khẩn trương. Kết quả là gần như mãi đến nửa đêm hắn vẫn không thể chợp mắt được, rồi từ nửa đêm về sáng lại bị cảm giác bối rối dày vò, mãi tới khi Trần Hi Lượng gọi thì hắn mới rời khỏi giường.
- Chuẩn bị thượng triều thôi.
Lan Bội di nương gõ cửa, gọi hắn lên nhà dùng cơm.
Trần Khác bất đắc dĩ thở dài một hơi, hắn nghĩ hôm sau phải ngủ cho đã mới được, lúc này hắn đang cảm thấy cuộc sống thật là khổ cực. Chẳng qua hắn vẫn bò dậy, rồi mặc đại vào một bộ quần áo đơn giản, sau khi rửa mặt liền đi tới tiền sảnh.
Trần Hi Lượng đã ăn xong từ lâu, ngồi ở gần đó chờ hắn. Hôm nay là ngày cả hai phụ tử đều phải thượng triều, cũng có thể xem như là một đoạn giai thoại rồi.
Chẳng qua ông ta đã biết tin tức nhi tử mình sắp sửa phải đi sứ, thế nên trong lòng tự nhiên không thể yên ổn, ông liền dặn dò hắn về lễ nghi khi vào triều, nhằm giải tỏa bớt một phần lo lắng.
Trần Khác vừa chịu đựng ma âm rót vào não vừa ăn qua loa vài miếng, nói:
- Ăn xong rồi.
Lan Bội và một tỳ nữ liền cầm hai bộ quan phục màu lục mới tinh đã ủi phẳng tươm tất, người trước hầu hạ Trần Hi Lượng, người sau hầu hạ Trần Khác mặc quần áo.
Nhìn nhi tử cao lớn, anh tuấn cũng mặc quan bào giống mình, Trần Hi Lương không khỏi cười mắng:
- Tiểu tử thối, không ngờ mới đó mà đã vượt qua cả phụ thân rồi.
Trên người ông ta mặc dù cũng là quan phục màu lục, nhưng thực tế quan hàm của ông mới là thất phẩm mà thôi, cũng thuộc loại quan phục do ban thưởng mới có.
Quan hàm của Trần Khác lại là lục phẩm, vừa đúng cao hơn ông ta một bậc.
Chẳng qua ngoài miệng thì Trần Hi Lượng chua ngoa nhưng trên mặt lại đầy kiêu ngạo, nước đá có lạnh thì cũng từ nước mà ra, trò giỏi hơn thầy, con giỏi hơn cha, thế hệ sau càng mạnh mẽ hơn thế hệ trước.
Hai cha con mặc xong quan phục, cùng cưỡi trên những con ngựa cao lớn, nhanh chóng thượng triều từ sớm.