Nhất Phẩm Giang Sơn

Chương 6294 : Cuộc chiến nơi bến cảng

Ngày đăng: 01:24 20/04/20


Nhóm sĩ phu trong lĩnh vực chính trị luôn luôn theo đuổi vương đạo thống trị thiên hạ chính là dựa vào tinh thần nhân nghĩa này. Cái được gọi là cảnh giới cao nhất chính là “Ta hành Vương đạo, chư hạ quy thuận!”



Lúc này Đại Lý với danh nghĩa “Chư hạ” đã quy thuận, chẳng phải đã chứng minh nền chính trị nhân từ của triều đình Đại Tống đã thành công rồi hay sao? Phải chăng vương đạo đã đạt đến được cảnh giới cao nhất rồi? Chẳng phải đã chứng minh được quân thần Đại Tống xứng danh là rất nhân nghĩa hay sao?



Ban đầu bởi vì lại sinh ra khuê nữ nên Hoàng thượng luôn cảm thấy rầu rĩ không vui, nhưng sau đó đã gạt sạch được những phiền muộn trong lòng, trở nên hào hứng phấn chấn, đi tới thái miếu để cáo tế với tổ tông. Không những vậy, Hoàng thượng còn tự mình chủ trì nghi lễ bái tế ở ngoại thành, hướng lên trời cao để báo cáo tin tức tốt lành này. Tất nhiên không thể thiếu được việc hậu thưởng chúng thần, thăng quan ban tước... Tất cả các quan viên từ tứ phẩm trở lên, mỗi người đều được một mức ân huệ. Những người quan viên còn lại thì được ban cho ngân lượng tương đương với một năm bổng lộc.



Chỉ chừng đó những hoạt động chúc mừng thôi mà đã hao tốn tiền bạc lên đến một ngàn vạn quan, điều này nếu để cho Minh triều và Thanh triều biết được thì chắc chắn họ sẽ phải run rẩy sợ hãi trước Tống triều.



Đối với các công thần, tất nhiên sẽ phải hậu thưởng lớn hơn nữa. Triều đình đã nghe đồn, chỉ cần Vương Khuê vừa về tới kinh thành thì sẽ được tuyên khanh bái tướng, Phạm Trấn cũng như thế. Nhưng hai người này lại rất đáng ghét, Hoàng thượng cũng không muốn nhìn thấy ai trong hai người bọn họ, vì thế cho nên Hoàng thượng chỉ cho hai người bọn họ thăng quan tiến tước chứ không cho hai người bọn họ nhận chức quan nào trong kinh thành.



Điều này đã thể hiện ra rất rõ ràng việc có lợi của sự phân chia chức quan của triều Tống, cho dù ngươi là quan lại triều đình tại kinh thành hay là quan viên tại địa phương thì cũng sẽ không có chuyện “miếu nhỏ không chứa được Bồ Tát lớn” (Ý ở đây là: Cho dù ngươi là quan viên ở địa phương thì vẫn có thể lên cấp ngang với quan viên tại kinh thành).



Về phần Trần Khác, vị tân khoa Trạng nguyên do Hoàng thượng bổ nhiệm này vốn đã là nhân vật có tiếng. Mà bây giờ, hắn vừa thi đậu xong liền được lệnh đi sứ ngay, sau đó lại nhanh chóng vượt ngàn dặm đường trở về kinh thành, rồi lại tiếp tục khẩu chiến cùng các vị Tướng công trên cung vàng điện ngọc, cuối cùng đã thuyết phục được triều đình xuất binh. Tất cả câu chuyện về hắn được toàn thiên hạ đều biết. Dân chúng đều yêu mến vị thiếu niên anh hùng này, Hoàng thượng cũng vui mừng vì hắn đã cho mình thể diện thật lớn... Ban đầu Hoàng thượng chấm cho Trần khác đỗ bảng vàng Trạng Nguyên, đã phải ra sức gạt bỏ không ít những lời khuyên can của mọi người, không ít đại thần nghị luận, bàn tán sau lưng. Nguyên nhân chính là vì Trần Khác và Hoàng thượng có quan hệ họ hàng với nhau, điều này khiến cho Triệu Trinh há miệng nhưng không thể biện minh được.



Biết làm sao được, ai bảo Triệu Trinh đã có tai tiếng trong khoa thi trước? Năm đó ở khoa thi thứ hai Khánh Lịch, ban đầu Trạng Nguyên là Vương An Thạch, sau đó tại vì Vương An Thạch ”nói lời không cẩn thận” nên đã đánh mất chức Trạng Nguyên. Thực ra những người hiểu rõ nội tình đều có thể biết được, vấn đề căn bản không phải như vậy —— Chuyện là do Tào hoàng hậu thấy Dương Trí tuổi trẻ, khôi ngô tuấn tú nên đã muốn kén làm chất nữ tế. Vì muốn làm cho hôn sự này tăng thêm phần long trọng và cũng muốn “nước phù sa không chảy vào ruộng người ngoài” nên Triệu Trinh liền vung cán bút sắp đặt chức Trạng Nguyên cho Dương Trí.



Con người ta chỉ cần đã từng lấy trộm một lần thì ngày sau, lúc nào người khác cũng nghĩ hắn là kẻ trộm. Cho nên lần này cũng không tránh khỏi mọi người dị nghị về việc Hoàng thượng chạy cửa sau cho người nhà. Nên biết rằng miệng lưỡi của sĩ phu Tống triều rất lợi hại, làm tổn hại đến ai thì cũng mặc kệ, dù ngươi có là Hoàng đế hay là tướng quốc thì cũng như nhau cả thôi, huống hồ người được nói đến ở đây lại là Trần Khác, chỉ là một tân Khoa trạng nguyên mà thôi... Vì vậy hắn phải lập tức rời kinh, nếu không sẽ tránh không nổi việc bị người ta châm chọc, khiêu khích trong mọi tình huống.



Nhưng lúc này thì lại tốt rồi, Trạng Nguyên đã lập được kỳ công mở mang bờ cõi, điều này khiến cho những kẻ buôn chuyện phải hoàn toàn câm miệng lại, đồng thời cũng khiến cho Trần Khác trở thành một trong những nhân vật vĩ đại nhất của Đại Tống.



Mặc dù việc Hoàng thượng ban thưởng còn chưa công bố, nhưng tất cả mọi người đều hiểu rằng, tiểu tử kia vừa có thành tích khoa cử, vừa có quan hệ, lại lập được chiến công hiển hách này, tất nhiên sẽ được thăng chức rất nhanh, con đường làm quan sau này sẽ lên như diều gặp gió. Cho nên cũng không có gì khó hiểu khi văn võ bá quan Quảng Tây lại đi nịnh hót Trần Khác cả.



Huống chi Trần Khác lại còn rất biết điều, không hề quên ghi trong báo cáo tổng kết gửi triều đình về việc tây lộ Quảng Nam xuất binh hiệp lực cùng hắn, khiến cho bọn họ cũng trở thành công thần mở mang bờ cõi.



Cái đó gọi là “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Trong bữa tiệc mừng, lão Vương Hãn cười tủm tỉm tặng cho Trần Khác hai món quà quý —— Một là, năm mươi ngàn dân phu hắn thu nạp từ số dân cư ít ỏi ở tây lộ Quảng Nam, rồi lại mượn thêm năm mươi ngàn quân từ vùng Hồ Nam, gộp lại là đủ một trăm ngàn dân phu mà Trần Khác cần.



Phần quà hậu hĩnh này giải quyết được công việc khẩn cấp trước mắt nên không cần phải nói thêm. Nói về phần quà thứ hai, Vương Hãn đem toàn bộ những nghệ nhân tay nghề giỏi trong Đô tác viện ở tây lộ Quảng Nam đến cho Trần Khác, đồng thời hứa rằng sẽ cung cấp tất cả các nguyên vật liệu cần thiết, toàn lực ủng hộ cho việc khai thông dòng chảy trên sông Hồng Thủy...



Phần quà này không hề kém phần hậu hĩnh so với phần quà trước, cần phải biết rằng Đô tác viện là đơn vị chế tạo quân khí và các vật tư quân sự để triều đình cấp cho các nơi. Nhất là tây lộ Quảng Nam chính là nơi biên phòng trọng yếu, hội tụ vô số những người có tay nghề giỏi, gần như có thể sánh ngang với toàn bộ các xưởng nam bắc thành Biện Kinh.



Khai thông lòng sông, loại bỏ đá ngầm, xây dựng đê đập... Tất cả những việc này đối với hậu thế cũng là những công trình lớn, huống hồ với điều kiện kỹ thuật chưa phát triển của Tống triều, nếu như không có quân đội trợ giúp thì thật sự là muôn vàn khó khăn.



~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~



Kẻ lõi đời hám lợi Vương Hãn này hào phóng dốc sức báo đáp như thế thì tất nhiên không phải chỉ vì Trần Khác biết điều với hắn. Sở dĩ Vương Hãn dốc sức ủng hộ cũng là vì có dụng ý riêng trong lòng... Vương Hãn mua chuộc Trần Khác không phải chỉ vì y muốn trông cậy vào Trần Khác, mà còn để cho con cháu của y có thể được hưởng phần thiện duyên này.



Đương nhiên điều quan trọng nhất mà Vương Hãn biết rõ chính là sông Hồng Thủy được khai thông sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn đối với tây lộ Quảng Nam.



Quảng Tây nhiều núi, nhiều dân tộc thiểu số, có thể nói là nơi nghèo nhất trong Đại Tống. Mà Tống triều lại theo thể chế kinh tế khu vực, tức là các khu hành chính phải tự chịu trách nhiệm về việc làm ăn lời lỗ của mình. Đầu tiên thì tiền thuế nộp lên triều đình là không thể thiếu, trừ phần đó ra thì các địa phương tự chi tự tiêu, đương nhiên phần chi tiêu lớn nhất trong đó là quân phí và quan bổng thì vẫn do triều đình chu cấp.



Thấy tây lộ Quảng Nam bình định đã lâu, ngày sau triều đình sẽ tổ chức khảo sát văn võ bá quan Quảng Tây, tất nhiên sẽ có những chuyển biến về mặt chính trị đi theo hướng dân chính. Nhưng mà khuyến khích người dân nuôi tằm, tránh lãng phí, xóa bỏ đất hoang, gia tăng nhân khẩu, chăm lo thuỷ lợi, xây dựng trường học... Tất cả những hạng mục khảo sát này, có cái nào không buộc các quan viên địa phương phải bỏ ra cả đống tiền đâu?



Không có tiền thì không thể làm được gì cả, đến lúc đó thì bọn quan viên cũng sẽ không thể có được tiền đồ sau này. Vì vậy cho nên cả về việc công hay về việc tư thì Vương Hãn cũng phải cấp tài vật cho tây lộ Quảng Nam. Nhưng sau khi y nhìn bốn phía thì đành phải bất đắc dĩ cười khổ trong lòng, cái mà người ta vẫn hay gọi là vùng khỉ ho cò gáy chính là để chỉ vùng Quảng Tây này phải không?



Khốn khổ nhất chính là chuyện giao thông không thuận tiện. Quảng Tây cũng không phải hoàn toàn không có mặt nào tốt, ví dụ như các loại gỗ quý thì loại nào cũng có, chỉ cần vận chuyển được đến kinh thành một cây gỗ thôi thì cũng sẽ bán được giá thấp nhất lên đến hàng chục ngàn lượng. Nhưng các con đường tại Quảng Tây rất khó đi, rừng cây vô cùng rậm rạp, rất nhiều con đường nhỏ có khi ba đến năm ngày không có ai qua lại, trên mặt đất liền mọc ra vô số cây đại thụ. Ví dụ như một cây lương mộc vận chuyển đến kinh thành phải mất thời gian tám tháng, không biết phải tiêu hao bao nhiêu nhân lực, vật lực, vì vậy cho nên gần như không có người hỏi đến việc vận chuyển này.



Chính lúc Vương Hãn đang chán nản thì Trần Khác đã hoàn thành được việc ở Đại Lý, Đông Xuyên thành cũng sắp sửa xong. Công trình sông Hồng Thủy tiếp theo này mà xong, Đại Lý và nội địa Đại Tống sẽ được nối thông. Đại Lý là vùng mỏ bạc mỏ đồng, sản vật phì nhiêu, tài nguyên sẽ liên tục không ngừng được chuyển đến nội địa, các hàng hóa thương phẩm ở nội địa cũng sẽ được vận chuyển liên tục đến Đại Lý. Đương nhiên, hàng hóa của Quảng Tây cũng sẽ có thể đi nhờ xe, như vậy thì Quảng Tây không cần phải lo ngại về vấn đề vận chuyển nữa.

Tuy nhiên đầu óc kinh tế phong phú của quan viên Đại Tống không chỉ dừng ở những lợi ích ấy, điều khiến bọn họ động tâm chính là việc hàng hóa thường xuyên được lưu thông với số lượng lớn sẽ mang lại nguồn thuế vô cùng dồi dào!



Nhưng dù sao thì quan phủ cũng không thể giống như loại sơn tặc “Nếu muốn qua đường này, phải nộp lại tiền mãi lộ”, thương nhân sẽ không vì việc đi qua cửa nhà ngươi mà sẽ nộp thuế cho ngươi. Đương nhiên cũng có thể cưỡng ép trưng thu, nhưng thương nhân Đại Tống lại không phải là loại đèn cạn dầu, nếu như làm căng quá thì bọn họ sẽ thu thập tài liệu buộc tội nộp lên cho những tên Ngự sử cả ngày phát sầu vì không có việc, tự nhiên sẽ giống như một lũ chó dữ nhào cả lên.



Như vậy thì phải làm cách nào mới có thể thu thuế cho hợp pháp đây? Dựa theo pháp luật của Tống triều, hàng hóa phải nộp thuế ở nơi cảng đi, nơi chuyển vận và nơi cảng đến... Quảng Tây không phải là nơi cảng đi, cũng không phải là nơi cảng đến mà chỉ là chỗ chuyển vận.



Về lý, sau khi thuyền đồng xuất cảng xong, hoặc là đi theo Linh kênh về phương Bắc, hoặc là đi theo đường biển. Nhưng sau hàng ngàn năm vận hành, Linh kênh đã bị tắc nghẽn, nếu đào vét lên thì sẽ là cả một công trình lớn, hơn nữa so với vận chuyển đường biển thì vận tải đường kênh trong đất liền rất tốn thời gian, chi phí cao hơn, hiệu quả lại thấp. Cho nên vận chuyển đường biển là lựa chọn duy nhất.



Như vậy, cảng xuất phát đặt ở chỗ nào chính là mấu chốt. Theo lý mà nói thì Châu Giang chảy vào biển ở Quảng Châu, Quảng Châu lại là thành thị cảng lớn nhất của Đại Tống, còn có những cơ sở đóng thuyền chuyên nghiệp, như vậy thì nơi đây sẽ là sự lựa chọn số một.



Nhưng Trần Khác lại phái người xây dựng Khâm Châu cảng khiến cho Vương Hãn thấy được một tia hy vọng. Đến tận lúc này Vương Hãn mới được biết, hoá ra ở trong khu vực quản hạt của mình lại có một thế cảng đẹp đến như vậy, hơn nữa còn có đường sông nối thẳng với Châu Giang, hoàn toàn có thể tiết kiệm được một nửa quãng đường!



Dù sao cũng là lão tướng quân đã mang binh đánh giặc lâu năm, Vương Hãn nghĩ được là làm được. Y liền chuẩn bị phần quà hậu hĩnh này để chờ Trần Khác, hy vọng hắn có thể quyết định cảng rời bến sẽ đặt ở Khâm Châu cảng.



Nghe xong lời thỉnh cầu của Vương Hãn, Trần Khác từ chối trả lời, bình thản cười nói:

- Chúng ta hãy khảo sát thực địa trước đã rồi mới nói sau.



- Phải làm thế, nên làm thế.

Vương Hãn lập tức sai công vụ cùng hắn xuôi nam, chưa hết một ngày đã tới một cảng biển đơn sơ ở Quảng Tây - Khâm Châu - An Viễn thành. Liền thấy được một bến tàu làm bằng xi măng bê tông lặng lẽ đứng bên bờ biển Nam Hải sóng xanh trập trùng.



Bến tàu có thêm đoạn đê biển dài hơn mười dặm này chính là do Trần Khác sai người liên tục thi công tu sửa trong mười ngày không ngừng nghỉ để hoàn thiện. Sau khi tiếp nhận thêm vật tư quân nhu từ Giang Nam chuyên chở tới, nơi này đã trở thành cảng cung cấp quân nhu cho tây lộ Quảng Nam.



Do người quản lý và quân đội đóng trên bến tàu đã được thông báo từ trước nên bọn họ đã ra đón chào từ xa.



Trần Khác và Vương Hãn cưỡi ngựa đi dọc theo con đường bê tông lớn màu trắng hướng về bến tàu, hai bên đường là những cây dừa cao lớn, thỉnh thoảng còn có vài chú hải âu bay lướt qua đỉnh đầu, đưa ánh mắt tò mò ngó nhìn.



Khâm Châu cảng ở bên bờ biển thành An Viễn là một vịnh nước sâu. Phía trước cảng có một cửa vịnh hẹp bảo vệ toàn bộ vịnh nước Khâm Châu ở phía trong, khiến cho vùng biển bên trong vịnh luôn luôn được bình yên.



Đứng trên bến tàu, nhìn Khâm Châu vịnh sóng xanh vỗ bờ, trong lòng Trần Khác cũng gợn lên hàng ngàn hàng vạn con sóng. Kiếp trước hắn đã từng tới nơi này, nơi này từng được Tôn Trung Sơn quy hoạch trở thành cảng biển nước sâu tự nhiên lớn thứ hai phía nam, lúc ấy những chiếc tàu biển tải trọng hàng chục ngàn tấn, những chiếc cần cẩu lớn và vô số container chồng chất như núi đã để lại cho hắn ấn tượng vô cùng sâu sắc.



Lúc này hắn đang đứng trước một Khâm Châu cảng của ngàn năm trước, tự nhiên sẽ không thể thấy được bóng dáng của tàu lớn, máy móc cần cẩu, container, nhưng con đường lớn ngắn nhất theo phía tây nam dẫn ra biển hướng thẳng về Đông Nam Á này vẫn không hề thay đổi một chút nào. Mà chính mình sẽ tự tay sáng lập một Khâm Châu cảng ra đời trước một ngàn năm!



- Đây sẽ là bến cảng do ta sáng lập, là lịch sử do ta sáng tạo ra!

Trần Khác bóp chặt hai nắm tay, trong lòng thầm nói. Cảm giác “Ngàn dặm giang sơn làm bàn vẽ, tranh vẽ do tay vung bút lên” này thật sự làm cho người ta phải mê say!


- Nếu như sau này được Vương công quan tâm nhiều hơn thì bọn họ cũng sẽ kiếm lại được món hời khác thôi.

Trần Khác cười ha hả nói:

- Cứ quyết định như vậy đi!



- Được, vậy thì ta cũng không khách khí nữa.

Mọi phiền não của Vương Hãn đều đã tiêu tan hết, trong lòng phấn khởi nói:

- Người đâu, mau bày tiệc rượu, lão phu cùng với tân khoa Trạng Nguyên phải uống thoải mái một phen!



- Nếu ta mà không hợp tác thì chắc vẫn còn đang phải đói bụng phải không?

Trần Khác cười khổ không ngừng nói.



- Ha ha ha...

Vương Hãn chỉ biết cười liên hồi.



~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~



Một lát sau, tiệc rượu đã được dọn lên. Quan viên Tống triều ăn uống rất cầu kì, cho dù đây là chốn thâm sơn cùng cốc thì cũng không thể qua loa được. Ngoài hai mươi tư món gồm có tám món khô, tám món tươi, tám món hoa quả, lại có mười hai món mặn nóng, tám món chay, lại thêm mười tám món hải sản…



Ở Biện Kinh, ăn hải sản là chuyện rất xa xỉ, nhưng ở Khâm Châu vịnh này thì hải sản lại dồi dào, hải vị cần gì có nấy, thành ra ăn uống no nê thoải mái. Nhìn những món hải sản trước mặt được chế biến tỉ mỉ, trình bày tinh tế, phối liệu phức tạp, hương thơm nồng đượm, Trần Khác không ngừng nhíu mày.



- Thế nào, Trọng Phương? Không quen ăn hải sản ư?

Vương Hãn thân thiết hỏi.



- Không phải, hải sản chính là sở thích của ta.

Trần Khác cười khổ nói:

- Nhưng những nguyên liệu này lại bị đầu bếp chế biến quá phức tạp khiến cho ta không khỏi có cảm giác tiếc của trời.



- Hả?

Vương Hãn cười nói:

- Trước đã nghe nói Trọng Phương có sở trường về tay nghề làm bếp, không biết có cao kiến gì?



- Bản thân hải sản vốn đã rất tươi.

Trần Khác cười nói:

- Đầu bếp vì muốn thức ăn nhìn trông thật đẳng cấp nên đã chọn dùng những phương thức chế biến phức tạp, lại dùng những mùi nhân tạo nên đã làm mất đi sự tươi ngon tự nhiên của hải sản. Đây chẳng phải giống như có lòng tốt mà lại làm chuyện xấu sao?



- Đúng thế. Ta đến Quảng Tây bao nhiêu năm nay nhưng tổng cộng chỉ ăn hải sản có vài lần, cũng là bởi vì cảm thấy mùi vị của nó toàn dựa vào các loại gia vị, bản thân ta không thấy có hứng thú gì.

Nghe Trần Khác nói có đạo lý rõ ràng, Vương Hãn cười nói:

- Trọng Phương đã nói như vậy nghĩa là thực lòng muốn nếm thử chút gì đó tươi ngon rồi.



- Chuyện này thì có gì khó?

Trần Khác cười nói:

- Để tên đầu bếp đi theo ta, ta sẽ ra tay làm vài món hải sản sở trường, lúc đó lão trượng sẽ biết lời nói của ta không giả.



- Được. Hôm nay lão phu được thơm lây nên có lộc ăn rồi.

Vương Hãn mừng rỡ nói:

- Mau mau phân phó xuống dưới đi.



Nguyên liệu nấu ăn đều đã có sẵn, chế biến hải sản lại cực nhanh. Vì vậy chỉ trong chớp mắt, người hầu đã bưng lên một món cá ban hấp, dùng lá sen tươi phủ lên trên, mặt trên cá có cẩu kỷ tử, táo đỏ và ngân nhĩ, chân giò hun khói các loại..., tuy rằng xem qua thì rất đơn giản nhưng thực ra cũng không tầm thường chút nào.



Vương Hãn vừa cầm đũa thử một miếng, quả nhiên vừa đưa vào miệng đã cảm thấy khác lạ, vị ngon vô cùng, y lại uống một ngụm rượu Tiên Lộ do Trần Khác mang đến, trong người liền có cảm giác như bao nhiêu công danh lợi lộc đều trở thành phù vân hết.



Vương Hãn khen không dứt lời, lại có người bưng lên món cá Tô Mai Tam Điệp, món này so với món trước thì phức tạp hơn một chút, người ta đem loại cá Tô Mai quý báu giết sống rửa sạch, sau đó lọc thịt từ hai mặt rồi cắt thành miếng dày hình chữ nhật. Sau đó chân giò hun khói, nấm hương cũng cắt thành hình dạng như miếng cá, xếp chồng lên cùng miếng cá thành ba hàng, cuối cùng cắt rời đầu cá và đuôi cá ra, đặt ở hai đầu, gắn lại thành hình một con cá hoàn chỉnh, nổi lửa to để hấp chín rồi mới lấy ra.



Khi bưng lên trông rất đẹp mắt, màu xanh, đỏ, đen, trắng phân ra rõ ràng, thịt cá trơn mềm, cùng vị đượm của chân giò hun khói và nấm hương, trở nên vô cùng tươi ngon hấp dẫn.



Ngoài món hấp, còn có nhiều món chế biến khác như xào, nướng, xiên…, so với món đun nhừ ban đầu thì phải ngon hơn gấp trăm lần. Ngoài cá, còn có sò hến, tôm cua, cách chế biến càng đơn giản hơn, chỉ nhúng vào nước sôi một lúc chấm vào nước gia vị tự tạo rồi ăn luôn, hương vị tươi ngon vô cùng.



Cuối cùng, đầu bếp bê lên một cái nồi đất đựng cháo còn đang sôi sùng sục, cho thêm một bát lớn nhím biển vào để làm thành món cháo nhím biển mà Trần Khác yêu thích nhất... Kiếp trước, khi hắn có chút gia sản cũng không dám ăn nhím biển như vậy, nhưng ở thời điểm hiện tại, người Tống triều không dám ăn nhím biển, vì vậy chi phí cho một nồi cháo nhím biển còn không bằng một đĩa thịt bò xào, cho nên cứ đến bờ biển thì Trần Khác nhất định phải cho người làm món này để ăn cho thật đã.



Người Tống ăn uống thanh đạm, không thích nhiều mỡ, hải sản chính là sở trường của Vương Hãn. Ăn xong, uống một bát cháo nhím biển thơm ngon bổ dưỡng, cả người cảm thấy vô cùng thoải mái. Vương Hãn say khướt nói:

- Hoá ra tiệc rượu không có ca múa cũng có thể làm cho người ta được thỏa mãn như thế này.

Quan viên Tống triều chú trọng hưởng thụ, đã là yến hội thì nhất định phải có ca múa, nếu không sẽ không trở thành tiệc rượu. Lần này điều kiện đơn sơ, không có ca múa, Vương Hãn vốn vẫn cảm thấy không vui trong lòng, nhưng đến lúc này, sau khi đã ăn một bữa tiệc hải sản đích thực, y đã quên hết tất cả, chỉ muốn ngủ một giấc thật ngon.



Thấy Vương Hãn đã say, bên ngoài trời cũng đã tối, Trần Khác liền cáo từ rời tiệc, chuẩn bị trở về chỗ ở nghỉ ngơi.



Vừa ra khỏi phòng, hắn liền bắt gặp một vầng trăng non treo trên mặt biển, đầy ắp một bầu trời sao dát bạc lên những con sóng, hơi mặn của gió biển đưa tới tiếng sóng vỗ nhịp nhàng.



Liễu Nguyệt Nga nhất thời bị cuốn hút bởi cảnh sắc hùng vĩ hấp dẫn này. Thực ra vào lúc ban ngày, khi lần đầu tiên nhìn thấy biển rộng, nàng đã cảm thấy rung động thật sâu, nhưng lúc ấy do chỉ chú ý đến sự an toàn củaTrần Khác nên nàng cũng không ngắm nhìn được nhiều.



- Đi dạo bên bờ biển một lát đi.

Trần Khác dịu dàng nói.













V