Những Vụ Án Trên Thế Giới

Chương 29 : Bà đỡ đến từ địa ngục

Ngày đăng: 12:20 30/04/20


Miyuki Ishikawa được xem là bà đỡ tàn độc nhất Nhật Bản khi đã ra tay giết hại và giấu xác hàng trăm đứa trẻ sơ sinh chỉ vì bố mẹ chúng không đủ điều kiện để nuôi con.



Sáng 12/1/1948, hai sĩ quan cảnh sát đồn Waseda đi tuần tra, thấy một chiếc túi bỏ không và phát hiện trong đó chứa thi thể của 5 đứa bé. Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy, những đứa trẻ không chết một cách tự nhiên và cuộc điều tra của họ dẫn tới việc phát hiện ra nữ sát thủ hàng loạt tàn độc nhất Nhật bản là Miyuki Ishikawa.



Ngay sau đó, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Kotobuki là Miyuki Ishikawa và chồng là Takeshi Ishikawa, đã bị bắt ngày 15/1/1948 vì nghi ngờ liên quan đến vụ việc.



Quá trình điều tra cho thấy, nạn nhân của vợ chồng Ishikawa không chỉ dừng lại ở con số 5 mà là đến gần 200 sinh linh bé bỏng. Những đứa bé sơ sinh đã bị bức chết một cách tức tưởi dưới sự bỏ mặc, ngược đãi. Trên thực tế, con số nạn nhân chính xác của cặp vợ chồng này là không thể xác định được.



Miyuki Ishikawa sinh năm 1897 tại Kinitomi, tỉnh Miyazaki. Cuộc đời trước đây của bà ta là một bí ẩn, chỉ có thông tin bà ta tốt nghiệp từ đại học Tokyo, sau đó về làm Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Kotobuki. Sau này, Miyuki kết hôn với Takeshi Ishikawa nhưng cả hai đều không sinh được người con nào.



Miyuki được xem là một bà đỡ lành nghề, mặc dù lúc bấy giờ tại Nhật, nghề này chưa được xem là một công việc chính thức, cũng không được ban hành giấy phép hành nghề. Miyuki có một tuổi thơ bất hạnh khi thường xuyên bị người cha độc ác bỏ đói và đánh đập dã man. Nỗi ám ảnh kinh hoàng đó chính là nguyên nhân khiến bà ta ra tay giết hại 169 đứa trẻ theo cách thức tương tự mà chẳng cần suy nghĩ.



Trước đây, khi khoa học chưa phát triển đầy đủ như hiện nay, hầu hết trẻ sơ sinh đều được sinh ra bằng biện pháp tự nhiên, đi kèm nhiều biến chứng nguy hiểm và đau đớn khủng khiếp. Vào thời điểm đó, vai trò của các bà đỡ là vô cùng quan trọng vì họ có tác động trực tiếp đến sự an toàn của sản phụ và em bé.
Trước đây, khi khoa học chưa phát triển đầy đủ như hiện nay, hầu hết trẻ sơ sinh đều được sinh ra bằng biện pháp tự nhiên, đi kèm nhiều biến chứng nguy hiểm và đau đớn khủng khiếp. Vào thời điểm đó, vai trò của các bà đỡ là vô cùng quan trọng vì họ có tác động trực tiếp đến sự an toàn của sản phụ và em bé.



Những năm 1940, khoảng thời gian sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, cả nước Nhật rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về mặt kinh tế. Đây cũng là thời kỳ bùng nổ dân số của Nhật với con số ước tính khoảng 2,6 triệu đứa trẻ chào đời mỗi năm trong giai đoạn từ 1947-1949. Sự gia tăng một cách đột biến về tỷ lệ trẻ em đã gây ra tình trạng khó khăn, ách tắc tại các bệnh viện phụ sản. Bệnh viện Kotobuki của Miyuki cũng không tránh khỏi gánh nặng quá tải đó.



Hầu hết sản phụ đến sinh nở tại bệnh viện Kotobuki đều thuộc tầng lớp lao động nghèo, kinh tế không ổn định. Thời điểm đó, nạo phá thai là một việc trái pháp luật. Chính vì thế, các gia đình nghèo lỡ có con không còn cách nào khác là phải sinh chúng ra, rồi họ tiếp tục đối mặt với bi kịch khác khi không thể đủ khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng chúng.



Trước thực trạng tàn nhẫn của cuộc sống, Miyuki đã nghĩ ra một cách mà bà ta xem là vô cùng hoàn mỹ, vừa cứu rỗi được cho đứa trẻ không phải sống một cuộc đời khổ sở mà ngay cả cha mẹ chúng cũng không phải mang gánh nặng suốt cuộc đời. Cách thức của bà ta chính là giết đứa trẻ ngay sau khi chào đời bằng cách bỏ đói cho đến khi chúng chết đi rồi đem giấu xác rải rác khắp thành phố. Điều kinh khủng hơn là rất nhiều phụ huynh của những đứa trẻ kia cũng tự nguyện nhờ vả đến Miyuki để bà ta giúp giải quyết “gánh nặng” bằng một cách tàn độc đến không thể ngờ.



Trục lợi từ tội ác khó dung tha



Để hợp thức hóa cho việc làm của mình, Miyuki đã rủ thêm chồng, đồng thời tuyển một bác sĩ khác là Shiro Nakayama để làm giả mạo giấy chứng tử của những đứa bé. Sau một thời gian, Miyuki bắt đầu nghĩ ra cách vòi tiền từ những cặp bố mẹ muốn bỏ con của mình với lý do là chi phí này còn rẻ hơn rất nhiều so với việc phải nuôi một đứa trẻ thành người.




Việc trục lợi trên thân thể của trẻ sơ sinh vô tội đã mang về cho vợ chồng Miyuki một khoản thu khổng lồ. Rất nhiều y tá làm việc tại bệnh viện phụ sản Kotobuki không thể chấp nhận cách làm khủng khiếp của Miyuki nên đã xin nghỉ việc. Dù cho việc làm dã man của Miyuki được thực hiện bán công khai nhưng quan chức tại Shinjuku, vì lý do nào đó vẫn nhắm mắt làm ngơ, xem như chưa biết chuyện gì cả.



Sau khi việc làm tày trời của Miyuki và đồng bọn bị phanh phui, cảnh sát tiếp tục tìm được khoảng 40 hài cốt của trẻ sơ sinh tại nhà của một người hộ tang và 30 bộ hài cốt khác được tìm thấy trong một ngôi đền.



Ngoài ra, rất nhiều bộ hài cốt trẻ sơ sinh cũng được tìm thấy rải rác khắp thành phố trong khoảng thời gian dài sau khi vụ án xảy ra nên cho đến nay, cảnh sát cũng không thể xác định nổi số lượng nạn nhân chính xác của bà đỡ ác quỷ Miyuki là bao nhiêu. Chỉ biết rằng bà ta đã giết 169 đứa bé sơ sinh còn đỏ hỏn.



Trong phiên xét xử diễn ra tại tòa án quận Tokyo, Miyuki bị kết án ngộ sát với 8 năm tù giam, tên Takeshi và Shiro chịu án 4 năm tù giam. Đến 1952, vợ chồng bọn chúng kháng án thành công, cuối cùng được giảm án xuống, Miyuki chỉ còn 4 năm tù, Takeshi chỉ còn 2 năm tù.



Trên thực tế, cơ quan điều tra không thể làm rõ được động cơ phía sau của bà đỡ ác quỷ Miyuki. Bà ta chỉ hoàn toàn vì tiền hay muốn giết hại các em bé bởi 2 vợ chồng không có con, hoặc chỉ đơn giản là bà ta muốn ra tay sát hại những sinh mạng yếu ớt không có khả năng kháng cự.



Vụ giết người hàng loạt dã man của vợ chồng Miyuki được xem là nguyên nhân làm cho Chính phủ Nhật phải xem xét lại việc hợp pháp hóa phá thai vì nhiều người cho rằng, sở dĩ Miyuki có cơ hội thực hiện tội ác và trục lợi được là do việc mang thai ngoài ý muốn tăng đột biến nhưng không có giải pháp nào khác để giải quyết. Ngày 13/7/1948, Luật bảo vệ sơ sinh được ban hành.



Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật đã thông qua hệ thống kiểm tra quốc gia dành cho các nhân viên hộ sinh. Ngày 24/6/1949, luật phá thai vì lý do kinh tế cũng được Chính phủ Nhật hợp pháp hóa theo Luật bảo vệ ưu sinh.