Những Vụ Án Trên Thế Giới

Chương 68 : Tên sát nhân bàn cờ

Ngày đăng: 12:20 30/04/20


Alexander Pichushkin sinh năm 1974 tại Mytishchi, Nga. Thiếu vắng tình cha từ nhỏ, hắn từ nhỏ đã là đứa bé lầm lì, ít nói. Năm lên 4, Alexander gặp phải sự cố bị chiếc gậy đập thẳng vào trán, gây ra ảnh hưởng lớn đối với não bộ của 1 đứa bé đang trong thời kỳ phát triển và hoàn thiện. Các bác sĩ cho rằng tai nạn ấy làm tổn thương vùng thùy trước ở não bộ khiến Alexander gặp khó khăn trong việc điều khiển hành vi và cảm xúc của mình.



Sau này, khi Alexander bị bắt với tội danh sát hại gần 50 mạng người, các chuyên gia càng thêm tin rằng tai nạn trong quá khứ là một trong những nguyên nhân biến hắn ta thành kẻ sát nhân vô nhân tính, vì không kiềm chế được cơn giận dữ từ đó đánh thức “con quỷ” khát máu trong người hắn.



Từ một đứa bé lầm lì, Alexander ngày càng trở nên ngỗ nghịch, thường xuyên quậy phá khiến bạn bè ngày càng xa lánh. Dù vậy, ông ngoại lại cực kỳ yêu thương hắn. Sau khi phát hiện tài năng chơi cờ xuất chúng của Alexander, ông đưa cháu trai về nhà chung sống và cùng hắn san sẻ niềm vui đánh cờ.



Cái chết của ông ngoại để lại trong lòng Alexander nỗi đau sâu sắc. Sau đó không lâu, chú chó cưng cũng qua đời khiến hắn càng thêm chán nản. Chuyên gia tâm lý Mikhail Vinogradov cho rằng hành vi giết người của Alexander có thể đến từ nỗi căm phẫn bị ông ngoại “bỏ rơi” trong quá khứ.



Năm 1992, Alexander khi đó chỉ mới 18 tuổi đã ra tay giết hại Sergei, bạn trai của một cô gái mà hắn đem lòng cảm mến sau đó ngụy tạo như một vụ tự sát. Nhưng đến năm 2001, Alexander mới chính thức trở thành tên sát nhân hàng loạt gây ám ảnh nước Nga.



Khi đó, Alexander được mọi người biết đến như một nhân viên khuân vác ở siêu thị. Trong mắt đồng nghiệp, hắn là một người kiệm lời, hơi dị biệt nhưng trông không có vẻ gì là nguy hiểm.



Alexander thường ngồi chơi cờ dưới bóng cây trong công viên Bitsevsky ở thủ đô Moscow, Nga. Thỉnh thoảng, hắn rủ những người bạn mới quen đến vừa thưởng thức rượu vodka, vừa chơi cùng. Đến khi rượu ngấm vào người nạn nhân, Alexander mới lột chiếc mặt nạ, trở thành con quỷ dữ đáng sợ. Thủ đoạn quen thuộc của Alexander là dùng búa đập vào đầu nạn nhân đến chết rồi vứt xác họ xuống cống. Cứ thế, kẻ thủ ác đã sát hại 48 người vô tội trong khoảng thời gian 5 năm từ 2001 đến 2006. Hầu hết nạn nhân của y đều là người già vô gia cư nhưng vẫn có 2 người phụ nữ và 1 bé em xấu số chết thảm dưới tay hắn.
Trước sự mất tích không dấu vết của bà mẹ 1 con, cảnh sát bắt đầu vào cuộc điều tra, bắt đầu từ mảnh giấy cuối cùng nạn nhân để lại. Mọi sự chú ý đổ dồn về Alexander khi camera giám sát cho thấy hắn chính là người đi cùng với Marina vào ngày cô bị sát hại. Kết quả kiểm tra dấu vân tay tìm thấy tại hiện trường cũng trùng khớp với vân tay của Alexander, khiến hắn hết đường chối cãi.



Sau khi bắt giữ Alexander, cảnh sát tiến hành điều tra nhà ở của hắn và phát hiện một bàn cờ vua. 62 ô của bàn cờ 64 ô được lấp đầy bởi chi chít những con số về ngày tháng. Theo lời của Alexander, sau mỗi lần giết một người, kẻ sát nhân lại đánh dấu vào một ô vuông và mục tiêu của hắn là lấp đầy bàn cờ kia.



Cảnh sát buộc tội Alexander giết chết 48 người, ngoài ra còn có 3 nạn nhân khác nhưng họ may mắn trốn thoát. “Thành tích” này của Alexander bỏ xa những tên sát nhân hàng loạt khét tiếng trên thế giới như Jeffrey Dahmer, Jack the Ripper… Báo chí thời đó gọi hắn là “Sát nhân cờ vua”, “Kẻ điên loạn vùng Bitsevsky” hay “Quái thú vùng Bittsa”.



“Cuộc sống mà không giết người chẳng khác gì sống mà không ăn” - Alexander từng nói. Hắn còn cho rằng việc sát hại các nạn nhân là mở cửa cho họ đến với thế giới mới, tội ác này mang lại cho hắn cảm giác thỏa mãn cực độ.



Lời thú tội của Alexander được phát ngay trên sóng truyền hình khiến ai cũng cảm thấy run sợ bởi thái độ thờ ơ và không có chút ăn năn của tên tội phạm. Công tố viên buộc tội Alexander, khẳng định hắn muốn nối gót Chikatilo, kẻ sát nhân hàng loạt khét tiếng ở Nga từng giết 52 mạng người và bị bắt vào năm 1992.



Năm 2007, Alexander bị kết án chung thân vì luật pháp Nga không áp dụng án tử hình. Trước sự man rợ của kẻ thủ ác, nhiều cuộc tranh luận nổ ra yêu cầu chính phủ Nga khôi phục án tử hình song vẫn không thay đổi được gì.