Nữ Y Về Thời Loạn

Chương 42 :

Ngày đăng: 17:55 30/04/20


Edit: Yunchan



Văn Đan Khê đọc xong thì cười tới lộn ruột. Cái trình độ viết thơ này thật đúng là… bất bình thường. Lúc đọc tới câu cuối cùng thì cô thầm mắng người này gian xảo, hắn đi áp tải hành tung bất định không thể nào hồi âm, cho nên mới bỏ thêm một câu thế này.



Cô đọc xong mặt chính bèn lật lại mặt sau theo thói quen, quả nhiên ở mặt sau còn có một nội dung khác. Trên đó vẽ một mũi tên, Văn Đan Khê đoán hắn đang ngụ ý bản thân nhớ nhà như tên bắn đây mà. Phía dưới còn có một hàng chữ: Có thể cuối tháng bảy (Nông lịch) sẽ trở về, nhất định sẽ về kịp Trung Thu, đừng mong nhớ.



Hàng chữ cuối cùng viết cực ngoáy, chắn là bổ sung thêm trước khi đi gấp: Trời quá nóng, cơm khó ăn, đói gầy nhom, về tẩm bổ.



Văn Đan Khê nhìn hàng chữ cẩu thả nguệch ngoạc này mà trong đầu vô thức hiện ra hình ảnh hắn đang cau mày phồng má, quẹt miệng ấm ức. Cô thấy cái tên Trần Tín này chẳng giống với tuổi mình tý nào, không biết hắn cố tình khai gian tuổi hay là ấu trĩ thật nữa, chậc, cô lại suy nghĩ nhiều rồi.



Văn Đan Khê đọc lại bức thư hai lần nữa mới cất vào, lúc ra tới cửa phòng thì trên môi bất giác nở ra ý cười mơ hồ. Trên mặt Lý Băng Nhạn cũng lộ ra nét cười trêu ghẹo. Văn Đan Khê không để ý tới tỷ ấy mà dứt khoát đi kiểm tra mấy vò rượu trái cây. Còn một tháng nữa thôi, Trần Tín về tới là có rượu uống ngay rồi.



Vào trung tuần tháng bảy, cả núi Nhạn Minh và những vùng lân cận đổ cơn mưa xối xả mấy ngày liền. Nghe đâu mấy năm nay phía Đông Nam lại xảy ra lũ lụt, Văn Đan Khê không nén nổi tiếng thở dài, quả nhiên là thiên tai liên miên. Cô rất lo Dịch Châu cũng lâm vào cảnh ngộ đó, thế nên đợi mưa tạnh bớt cô bèn nhanh chóng tìm Tần Nguyên, bảo y dẫn người tới mảnh ruộng dưới chân núi đào mương thoát nước. Đồng thời, các binh lính đồn trú ở những thôn làng dưới chân núi cũng tổ chức cùng thôn dân xây dựng đê đập, đào mương để phòng ngừa bất trắc.



Thế nhưng, bấy nhiêu cũng chỉ tạm đối phó với cơn mưa bình thường, nếu trời đổ mưa mười ngày nửa tháng thì coi như hết cách. May sao ông trời còn thương người nên chỉ cho mưa dưới bốn ngày, sau đó lại trời quang mây tạnh. Tất cả mọi người trên núi đều thở phào một hơi.



Trời quang rồi, binh lính lại bắt tay vào làm việc quần quật, hoa màu dưới chân núi phải làm cỏ bón phân, mấy nhà kho cũng cần tu sửa lại. Chỉ vỏn vẹn hai mươi ngày mà giá lương thực trong thành Dịch Châu đã hét lên gấp ba lần, và còn đang trong đà tăng mạnh. Ở những vùng khác như Tần Châu, Đại Châu, giá lương thực cũng cao ngất ngưỡng. Binh lính trên núi đều nhận thức rõ, nếu họ không dè chừng thì có khả năng phải chịu đói. Vì vậy chưa cần thủ lĩnh ra lệnh, họ đã tự giác kéo xuống chân núi chăm bẵm làm việc, có rất ít người giở chiêu trò để lười biếng. Người khỏe mạnh thì xuống đồng cày cấy, người nhỏ tuổi thì lên núi hái rau quả dại, Văn Đan Khê thì dẫn một tốp phụ nữ và một vài binh lính già cả hoặc bị thương ra sân sau xử lý những đồ hái về.



Trên núi rộng rãi thoáng đãng, chỉ tính hang núi có sẵn đã hơn mười mấy cái, chúng đều do những sơn tặc trước đây đào ra, khéo thay có thể cho nhóm Văn Đan Khê tận dụng, Văn Đan Khê dứt khoát dùng toàn bộ hang núi này để chứa đồ.



Văn Đan Khê và Lý Băng Nhạn bận bịu suốt ngày, Tần Nguyên không nhìn nổi nên đến khuyên hai cô: “Văn đại phu, hai người không cần làm việc nhiều như vậy, lương thực dự trữ trên núi vẫn còn, hàng năm quân Phá Lỗ chúng ta còn đi hơn mười chuyến đại tiêu, vả lại mười mấy thôn dưới núi còn nộp lương thực lên, không tới nỗi phải lo thiếu lương thực.”




Hai người ra tới chỗ vắng người Văn Đan Khê mới bước chậm lại, hơi cụp đầu nói: “Ta còn tưởng ngài không về ăn tết kịp.”



Trần Tín ưỡn ngực đáp: “Ta nói có thể về là có thể về.” Nói đoạn hắn lại bồi thêm một câu: “Cả đêm ta không ngủ, chạy suốt về đây.”



Văn Đan Khê nhìn mắt của hắn, quả nhiên bên trong dầy kịt tơ máu.



Cô không dằn được lên giọng mắng: “Có chạy suốt đêm cũng được gì đâu, cần gì phải liều mạng thế chứ!”



Trần Tín vẫn cười ngốc không ngớt. Hai người vừa nói chuyện vừa đi tới viện của Văn Đan Khê, Trần Tín cũng bám theo cô vào trong.



Giờ này Lý Băng Nhạn đang làm việc ở phía sau núi, hai đứa trẻ thì không biết chạy đi chơi đằng nào, trong sân chỉ còn lại hai người. Trước khi vào nhà Văn Đan Khê ngoái lại nhìn Trần Tín nói: “Trên bàn có trà, giỏ treo trong giếng có dưa với trái cây, ngài tới đó lấy dùng đi, ta đi… đi một lát rồi quay lại.”



Nói rồi cô vào nhà lấy một bộ quần áo, quay lưng bước ra sân sau.



Trần Tín thấy y phục trên tay cô thì cốc đầu đánh cốp, hắn sực nhớ ra chưa khiêng quà mang về cho cô tới đây. Nghĩ rồi hắn chạy nhanh ra ngoài.



Sau khi Văn Đan Khê thay xong bộ y phục mát mẻ, ra tới sân lại thấy vắng hoe, cô đang khó hiểu thì chợt thấy Trần Tín khệ nệ một bao vải lớn đi vào. Hắn đặt bịch túi vải xuống bàn rồi nói: “Những thứ này là lễ vật Vệ quản gia tặng, toàn bộ đều là đồ nữ nhân thường dùng, đành phải đem qua cho nàng thôi.” Nói rồi còn nhìn Văn Đan Khê với vẻ khá khẩn trương, cứ như sợ cô không chịu nhận vậy.



Văn Đan Khê gật đầu, nhẹ nhàng mở túi đồ ra, ngay lập tức cô bị đống xiêm y và phụ kiện trong đó chọc cho mù mắt. Những bộ y phục này rặc một màu sặc sỡ, từ đỏ xanh vàng tới hồng, nói chung chẳng tìm thấy bộ nào trắng thuần đơn thuần. Nhìn tiếp qua trang sức cũng hết sức xinh đẹp phô trương. Được rồi, cô không tin mấy thứ này là Vệ quản gia tặng, chắc là do Trần Tín tự mua đây mà.