Ở Rể (Chuế Tế)

Chương 1 : Nhiếp Vân Trúc

Ngày đăng: 14:53 30/04/20


Sau Trung thu, thời tiết ở thành Giang Ninh nắng ráo được hai ngày rồi chuyển sang âm u, trên đường phố gió thu se lạnh cuốn lá vàng khiến cho thành thị náo động thêm phần hiu quạnh.



Đương nhiên, trong con mắt của phần lớn người dân thành thị vẫn là cái dáng vẻ thường ngày. Mùa thu vốn là như vậy, nước sông vẫn một màu xanh ấy, thuyền hoa vẫn là như cũ, vẫn tiếng thuyền chèo khuấy nước, tiếng liễu rủ lao xao, gió cuốn lá rụng lên rồi lại thả xuống sông, theo sóng nước dập dềnh mà trôi về phương xa. Đường phố người ngựa lại qua, áo xanh, kiệu nhỏ, muôn vẻ những người buôn bán dạo. Đường to ngõ hẹp, thềm đá dài dài, cầu gỗ xíu xiu bắc qua dòng nước chầm chậm trôi. Trên bờ thềm đá, vẫn thiếu nữ đang ngồi giặt áo, vẫn cảnh chuyện phiếm nói cười, trà lầu yến tiệc, tửu quán thơm hương.



Đại đa số mọi người vẫn hối hả bận rộn vì sinh nhai, hiển nhiên đó là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Nhưng nếu tới nhàn đình, hay ngồi trà quán, hay ở quán cóc ven đường mà vô tình nhắc tới những lời đồn thú vị gần đây, chắc chắn không thể thiếu được chuyện đêm Trung thu mấy ngày trước. Mà trong đó, được nhắc tới nhiều nhất lại chính là xuất xứ của bài Thủy Điệu ca đầu cùng chuyện lý học đại gia Khang Hiền tức giận mắng mọi người trong hội thơ Chỉ Thủy.



Một vở kịch phải có mở có kết, có nguyên nhân bắt đầu để diễn biến dẫn tới kết thúc, tình tiết và diễn biến phải khiến người xem cảm thấy phù hợp và ngóng trông. Thơ cũng vậy,nếu chỉ là vần thơ thể hiện chí ở bốn phương của một vị tài tử nào đó thì mọi người cũng nghe đã mòn, nhưng nếu trong thơ còn có giai nhân, thơ sẽ được tăng thêm mấy phần hấp dẫn, mà bài Thủy Điệu ca đầu này lại hội đủ những điều kiện như vậy. Mọi người yêu thơ, nhưng cũng thích những sự tích như thế. Mấy ngày qua, từ thanh lâu, tửu quán tới bàn trà, khi các cô nương xuất hiện, không thể không thiếu khúc “Mấy lúc có trăng thanh?” cùng những lời bình về những điểm diệu kỳ trong bài thơ.



Tin tức về tác giả của bài thơ đến nay vẫn còn trong suy đoán, chưa có nguồn tin nào đáng tin cậy được truyền bá.



Tô phủ, Ninh Nghị, Ninh Lập Hằng, người đi rể ở Tô phủ.



Mấy câu răn dạy của Khang Hiền trong hội thơ Chỉ Thủy đã khẳng định Thủy Điệu ca đầu là kiệt tác, nhưng trong lòng người dân vẫn còn nghi hoặc: vậy sao trước đây danh tiếng của y không có, sao phải đi ở rể trong một nhà thương nhân. Và quan trọng nhất là: bài ca này của y liệu có phải là mua được hay đạo văn từ đâu đó không?! Đây chính là sự tình được các nhà bàn luận quan tâm nhất.



Lời gièm pha nhiều hơn so với khen ngợi, khuynh hướng trong lòng mọi người thường là như vậy. Lời đồn văn nhân đi mua thơ đổi lấy danh tiếng không phải là không có, khi nhắc đến mọi người đều có chiều hướng suy đoán như vậy. Dù sao đi chăng nữa, thân phận của người ở rể vốn thấp kém, thậm chí có thể nói là không có cốt khí, không biết nhục nhã, từ bỏ tổ tông. Những người có chút ngạo khí đều không làm như vậy.



Nhưng mấy ngày này cũng có giả thuyết nói: Nhị tiểu thư Đàn Nhi của Tô phủ thiên tư quốc sắc, ôn nhu phóng khoáng, Ninh Nghị vừa gặp đã thương, bởi tương tư sâu nặng mà cam nguyện ở rể. Nhưng trong thời đại trọng nam này, người tin tưởng câu chuyện này đã ít lại càng ít. Trong cái xã hội chơi gái thành phong trào, phụ nữ chỉ là hàng hóa, một nữ nhân đạt được tới mức độ này ai có thể tin tưởng?! Lui lại một bước mà nói: kể cả có người tin tưởng, nhưng nếu người kia vô tài bất học thì chẳng nói làm gì, đằng này lại có thực tài mà vẫn chịu đi ở rể, vậy thật là một chuyện đáng để cho trời giận người chê, uổng cho một thân nam nhi, uổng cho công đọc sách thánh hiền, thậm chí là uổng cho kiếp làm người.



Ở thời đại này, mọi người vẫn thích dạng chuyện: nam nhân kim bảng đề danh, vinh quy về cưới nữ tử. Chuyện vì một nữ nhân mà vứt bỏ tương lai như vậy thật khiến mọi người không thể chấp nhận được.



Bởi vậy, mấy ngày gần đây, suy đoán của mọi người thường thiên về mặt trái của nó, trong đó ở rể chính là nguyên nhân. Đương nhiên bây giờ còn chưa xuất hiện kết luận. Sau khi suy đoán xong, tâm lý mọi người vẫn giữ lòng hiếu kỳ đợi tin tức mới. Còn về chất lượng bài Thủy Điệu ca đầu cùng tài hoa của tác giả, mọi người vẫn tiếp tục kinh thán, độ nóng của nó vẫn tăng hàng ngày: trong mấy ngày qua, những từ ca ngợi nó vẫn không ngừng phát triển. Trong đợt đấu thơ Trung thu lần này, danh tiếng cùng lời phẩm bình về nó vượt xa những bài còn lại, tình huống này đã nhiều năm chưa từng xuất hiện.



Nơi náo nhiệt nhất sông Tần Hoài là miếu Phu Tử - khu vực trường thi thơ, cùng với các quán thanh lâu bên bờ sông đối diện. Lúc này mới qua buổi trưa, những chỗ này vẫn chưa mở rộng cửa nhưng mọi người cũng đã thức dậy rời giường. Đi dạo ở dưới phố đã có thể thấy một vài cô nương trên lầu hoặc một mình tựa cửa, hoặc đang chuyện phiếm chơi đùa, từ trong tường viện mơ hồ truyền ra tiếng sáo trúc thoang thoảng.



Những tiếng nhạc này phát ra do những cô nương đã học nhạc lý vài năm đang luyện tập, các tiểu cô nương này được thanh lâu an bài theo sư phụ học tập một cầm khúc. Lúc này, trong nội viện của Kim Phong lâu, khóa học dạy đàn đã sắp kết thúc, mấy cô bé vẫn còn đang chăm chú biểu diễn khúc nhạc vừa được truyền thụ, vị nữ sư phụ váy vải, trâm cài trên tóc, y phục mộc mạc đang ngồi ở trước cái bàn nhỏ, nghiêng cằm nghe đàn.



Nàng ước chừng hai mươi tuổi, tuy ăn mặc mộc mạc không sánh được với những mầu sắc rực rỡ của gái thanh lâu, nhưng diện mạo của nàng cực kỳ xuất chúng: khuôn mặt trái xoan thanh nhã, đôi mi thanh tú, khí chất thanh thoát. Nàng ngồi đó lặng lẽ nghe đàn, thân ảnh làm cho người ngắm cảm giác như đang ngắm bức tranh thủy mặc, so với những bé gái học đàn ở dưới thì xuất chúng vượt hơn nhiều lắm.



Dựa theo qui trình thường ngày, đợi cho khúc nhạc được đàn xong nàng sẽ chỉ điểm thêm một lần cuối. Buổi học hôm nay cũng chỉ tới đây, nhưng ngay khi lúc nàng đang chuẩn bị thu dọn đồ, mấy bé gái ngồi dưới nhìn nhau vài lần, rồi một bé cười nói:



- Vân Trúc tỷ, Vân Trúc tỷ, tỷ có thể dạy chúng em hát bài Thủy Điệu ca đầu được không?



- Gì cơ? Thủy Điệu ca đầu..



Cô gái được gọi là Vân Trúc hơi ngẩn người rồi nhướn mắt nhìn các nàng phía dưới một lượt, không rõ vì sao các nàng lại muốn học bài ca vừa được cô bé nhắc tới.



- Mấy hôm vừa rồi khách nhân đều thích nghe bài này..



- Chính là bài trong đêm trung thu..



- Chúng em cũng rất thích.



Cô gái nghe tới đó mới hiểu:



- Trung thu? Lần trung thu này có ra được một bài thơ hay sao?



- A? Vân Trúc tỷ, tỷ còn chưa biết sao?



- Dạo này có việc nên tỷ không để ý tới trung thu..



Cô gái mỉm cười, chỉ là ẩn dưới nụ cười này có chút mệt mỏi. Nhưng e rằng mấy nữ hài tử trước mắt này chưa thể nhìn ra được.



Tiếp theo mấy cô bé ríu rít lấy ra quyển sách có chép bài Thủy Điệu ca đầu, cô gái ngồi đó mấp máy môi đọc từng câu từng chữ, nàng thực sự nhận ra chỗ hay của bài thơ này. Chỉ một chốc lát sau, thần tình của nàng trở nên chăm chú, trong lúc đó mấy nữ hài tử ở dưới bắt đầu kể lai lịch của bài thơ đêm đó.



- Đáng tiếc người kia lại tới nhà người ta ở rể.



- Đúng vậy, là một người ở rể..



- Bây giờ mọi người đều nói bài ca này là do mua mà có..



- Nhưng lời ca thực sự rất hay nha..



“Mấy lúc có trăng thanh?



Cất chén hỏi trời xanh:”



Líu líu lo lo, các cô bé ngồi ở dưới mỗi người một lời kể lại lai lịch cùng bối cảnh, rồi xướng lên lời bài hát. Tuy âm luật của các cô bé mới dừng ở mức đang học, nhưng do các đàn chị trong Kim Phong lâu ngày nào cũng xướng bài này nên hát nó không khó. Sự thực là trong lâu cũng đã có khúc phổ dành cho bài Thủy Điệu ca đầu này, các cô bé đã học các phép gảy, tự mình cũng có thể đàn, nhưng nếu được người dạy dỗ thì mới là tuyệt nhất.



“Người ở rể ư..”


Sớm lại chiều qua lạt phấn hương



Xe ngựa lối xưa rêu biếc phủ



Đời chiều thân gửi khách thương buôn



Người ham lợi lộc khinh ly biệt



Mải miết buôn trà tận viễn phương



Bến vắng neo thuyền ly phụ mãi



Quanh thuyền trăng nước lạnh màn sương



Nửa khuya gặp nửa hồn xuân mộng



Lã chã châu hoen lớp phấn mòn”



Nhạc đã khiến lòng đây bịn rịn



Nghe lời tâm sự lại càng thương



“Bên trời hai đứa mình luân lạc



Hạnh ngộ can chi phải bạn đường



Năm ngoái tạ từ nơi cửa khuyết



Bệnh nằm đất trích xứ Tầm Dương



Tầm Dương quê kệch không đàn địch



Thiếu cả cung vui lẫn nhạc buồn



Kề cận Bồn giang sông bãi thấp



Lau vàng trúc võ lớp quanh tường



Tai nghe nào tiếng nào thanh lịch



Máu hạ quyên gào vượn khóc thương



Xuân thắm bờ hoa thu dãi nguyệt



Từng phen độc ẩm muốn say cuồng



Sáo thôn địch nội dù không thiếu



Khổ nỗi nghe ra gịong líu lường



May được đêm nay nàng dạo phím



Tưởng như tiên giới khúc Nghê Thường



Xin vì ta nắn buông lần nữa



Ta sẽ vì nàng soạn một chương”



Thông cảm lòng đây lòng đấy hẳn



Nhạc dần lan tỏa với trầm hương



Nhặt khoan thê thiết càng thê thiết



Khắp tiệc ai mà chẳng xót thương



Dám hỏi mắt say nào đẫm lệ



Giang Châu Tư Mã vạt đầm tuôn