Ở Rể (Chuế Tế)
Chương 1 : Trung thần
Ngày đăng: 14:53 30/04/20
- ...Cũng không biết là có cả bài, hay chỉ là mấy câu?
Ven sông Tần Hoài, Tần lão mở miệng hỏi Ninh Nghị, Khang Hiền bên cạnh lại thở dài:
- “Ba ngọn thanh sơn trời khuất nửa, một vùng Bạch Lộ nước chia đôi...” Dù chỉ là tàn cú, nhưng cũng đã đạt đến phong thái đại gia rồi...
Ninh Nghị nhìn mấy câu thơ, cười rộ lên:
- Ồ, tàn cú.
Rồi gã phủi phủi tay:
- Không hiểu thi từ..
- Tiểu tử này không thành thật, bằng không hôm nay lại có được mấy bài thơ hay..
Nói thì nói thế, thi nhân làm thơ chỉ làm được tàn câu cũng là chuyện bình thường, hai người không nói tiếp nữa mà chuyển sang lĩnh vực thư pháp. Đây là một lĩnh vực riêng, thơ viết ra cũng có thể nói là do người khác sáng tác, nhưng không thể nói chữ là do người khác viết ra được, huống hồ mấy kiểu chữ ở phía trên rõ ràng là tự cấu thành một hệ thống, hai người đều là cao nhân trong việc này, tự nhiên có thể nhìn ra môn đạo trong đó.
Đối với những đại gia thư pháp như bọn họ mà nói, từng chữ dùng bút viết ra đều có cái hồn trong đó, những chữ viết bằng than này tuy còn chưa tới trình độ đại gia, nhưng công lực cũng đã hiển lộ rõ ràng. Giống như Nhiếp Vân Trúc, thời đại này không ai nghĩ lại có người ở nhà chuyên luyện thứ bút pháp dạng này, kẻ có thể dùng mẩu than mà viết ra được như vậy trình độ hẳn là còn cao hơn nữa, đặc biệt là những loại thư pháp trước đây chưa từng thấy lại càng có giá trị cao tới mức khó mà định lượng.
Xét đến mấy chữ nghiêng đậm viết ở cuối, tuy mới lạ nhưng giá trị tham khảo chả được mấy, chỉ có thể coi như một trò giải trí. Nhưng mấy chữ “Ba ngọn thanh sơn trời khuất nửa, một vùng Bạch Lộ nước chia đôi” viết theo dạng Tống thể và Sấu Kim thể kia mới đúng là thứ làm cho bọn họ phải tán thưởng rất nhiều, vì trong nó ẩn chứa rất nhiều môn đạo.
Hai kiểu chữ này đúng là xuất hiện từ thời Tống, quỹ tích của triều Vũ cũng như triều Tống, văn nhân đông đảo, Nho học phát triển mới sản sinh ra nhiều thứ mới mẻ, hai kiểu chữ này không thể nghi ngờ là vừa mới lạ lại vừa phù hợp với phong tục và thẩm mỹ của thời đại.
- Có điều là Lập Hằng tài hoa như thế, chẳng lẽ thật không một chút ý niệm công danh gì sao?
Nói về thời gian gặp mặt, Ninh Nghị cùng hai người lui tới cũng chưa lâu, hình như Khang Hiền đã từng nói, chẳng qua chỉ là giao tình trong như nước giữa những bạn cờ, cùng nhau nói chuyện phiếm (3), nhưng nhìn chung văn nhân đều nung nấu ý tưởng vì nước vì dân, vì thiên địa tu tâm, vì dân sinh mà sống, vì kế thừa học thức tiên hiền, vì vạn thế mở thái bình, nếu không thì cũng là học văn tập võ luyện nghệ để ra sức cho hoàng đế, đây đều là những chuyện nghiễm nhiên khỏi cần bàn luận. Bây giờ trông Tần lão mỗi ngày nhàn nhã chơi cờ, Khang Hiền cũng lộ ra là người phú quý rảnh rỗi, nhưng trong đó cũng có ẩn tình phức tạp.
Những ngày tiếp xúc vừa qua, từ bài Thủy điệu ca đêm trung thu tới chữ viết rồi bút phấn, đối với hai lão mà nói, chuyện Ninh Nghị có tài khỏi cần bàn luận, nghi vấn cũng là dần dần lớn. So với ngày xưa khi có lần Tần lão thở vắn than dài đáng tiếc cho chuyện gã đi làm một kẻ ở rể, lúc đó chỉ là thở dài mà không nghi vấn, nhưng lần này ý nghĩa của vấn đề đã không còn giống như trước nữa.
Lần này nói chuyện cả chiều là về những con chữ, ý đồ phủ nhận cái danh tài tử của Ninh Nghị rất rõ ràng, không phải là nói giỡn hay thuận miệng cho có lệ. Thế gian sao lại có người không có ý tưởng công danh cơ chứ, hẳn là có ẩn tình gì đó. Mà thân phận của hai người này đều không đơn giản, nếu Khang Hiền đã hỏi với thái độ như vậy, hẳn đã thực sự động lòng mến tài. Điều này có nghĩa là.. tỏ thái độ sẵn sàng động thủ hỗ trợ.
Gió thu vi vu hiu hắt từ bờ sông thổi xao xác cành liễu, Tần lão nhấc chén trà, chầm chậm thổi lá trà trong chén, nhướn mắt nhìn sang, hiển nhiên cũng đang hiếu kỳ đợi câu trả lời của Ninh Nghị. Cảm nhận được hàm nghĩa trong câu hỏi, Ninh Nghị nhàn nhạt lắc đầu.
- Ta biết nói ra không ai tin, nhưng mà.. có một số việc thực sự không muốn làm. Tài tử cũng tốt, thanh danh cũng tốt, công danh cũng được nhưng không muốn tranh giành. Điều này.. là sự thật.
--------------------------
(1) Nhan cân Liễu cốt: Nhan: Đời Đường có hai đại hành gia về thư pháp là Nhan Chân Khanh và Liễu Tông Nguyên, lập ra hai thể chữ là Nhan thể và Liễu thể. Cân chỉ khí lực, cốt chỉ cốt cách đặc biệt.
Nhan cân Liễu cốt: ý chỉ chữ viết có khí lực như của Nhan Chân Khanh, có cốt cách sắc sảo như Liễu Tông Nguyên.
(2) Nguyên văn: hư dữ ủy xà: ý là lịch sự nhưng không chân thành, lá mặt lá trái.
(3): Nhại lại câu: “Quân tử giao tình trong như nước”. ý là giao tình giữa những bạn cờ, chuyện phiếm không vồ vập nhưng lại như giao tình của những người quân tử.