Ở Rể (Chuế Tế)

Chương 2 : Suốt đêm rồng cá rộn (1)

Ngày đăng: 14:54 30/04/20


Pháo nổ đì đùng, đèn đuốc như rồng bay phượng múa.



Dựa theo thông lệ của triều Vũ trước nay thì ngày mười ba tháng giêng là ngày bắt đầu lên đèn, tới ngày mười bảy thì hạ xuống, tổng cộng là năm ngày Nhiên Đăng(1).



Múa lân múa rồng diễn ra khắp thành, người người cuồng hoan suốt đêm không ngủ, trong lễ hội này, dĩ nhiên náo nhiệt nhất chính là ngày mười lăm. Tuyết còn chưa tan mà các hội đèn lồng, hội thi thơ đã bắt đầu hoạt động, thậm chí còn quy mô hơn cả đêm trung thu trước đó.



Sự náo nhiệt đêm nay cũng không do thi thố nảy lửa như hội thơ đêm trung thu, nhưng phần lớn là gặp gỡ thân tình trong bầu không khí giao mùa. Nếu nói tối hôm trung thu, mọi người vui thích thưởng thức phong thái đám văn nhân tài tử, chờ xem tư thế các thần tượng khi so đấu với nhau, vậy thì đêm nay, mọi người chủ yếu quây quần bên gia đình, bên bạn bè, nói lời chúc tụng lẫn nhau, cùng ăn tết Nguyên Tiêu, đoán đố đèn(2), dạo phố đêm... Sau đó mới xem đến các văn nhân tài tử ở đài cao Yên Vũ lâu.



Nguyên nhân về việc này khá là phức tạp. Tuyết rơi nhiều phủ kín đường xá làm khách nhân đi lại giảm thiểu, một số sĩ tử sau khi xa quê cả năm trời về thăm nhà...Những hội thi thơ vẫn mở nhưng không nổi bật như đêm trung thu mọi khi. Các hội thơ Bộc viên, hội thơ Chỉ Thủy không chính thức tổ chức trong tết Nguyên Tiêu mà thường là do học sinh của thư viện Lệ Xuyên phụ trách. Thật ra Lệ Xuyên chính là trường dạy làm quan của Giang Ninh. Nếu Phan phủ không tổ chức hội thi thơ trung thu thì chất lượng học sinh của bọn họ là cao nhất.



Tuy nhiên, dù không nhiều hội thơ chính thức cử hành, nhưng đám văn nhân tài tử vẫn có thể đi dự yếu hội, trao đổi vài kiệt tác trong thời điểm đất trời giao duyên này. Một số học sinh Lệ Xuyên cũng phân tán đến các yến hội, xuất vài bài thơ để kiếm ít danh tiếng...



Nói chung trong đêm nay, bầu không khí mừng vui đón năm mới vẫn hoàn toàn lấn át hết mọi thứ xung quanh.



o0o



Đêm về trên thành thị phồn hoa, giờ hợi(3),tiếng chuông ngân vang xa gần. Ninh Nghị và tiểu Thiền vừa ăn ít quà bánh vừa ăn chè trôi nước ở ven đường Chu Tước, xung quanh là những chiếc đèn hoa đăng gắn câu đố sáng rực cả một góc phố như ban ngày.



Tối nay, Ninh Nghị và Tô Đàn Nhi theo Tô Bá Dung tới dự tiệc một gia đình trước nay có tương giao với Tô phủ. Sau khi cơ bản xong hết mọi lễ nghi, hai vợ chồng cáo từ đi trước, bảo là đến phố Chu Tước dạo chơi, trên thực tế cũng không hoàn toàn đúng như thế.



Mấy chưởng quỹ dưới trướng Tô Đàn Nhi đang bàn chuyện làm ăn trong Minh Tú lâu gần đó, nàng muốn biết kết quả nên trên đường đi dạo tiện ghé qua quán trà đối diện Minh Tú lâu ngồi, vừa nghe xướng hát vừa đợi báo cáo. Ninh Nghị và nàng vừa nghe vừa đùa giỡn với nhau, đến khi thấy chưởng quỹ Tịch Quân Dụng tới báo cáo sơ bộ kết quả, gã liền đứng dậy đi dạo loanh quanh một lúc.



- Ta đi một vòng phố Chu tước xem có gì ngon không, ăn thử mỗi thứ một ít...



- Nhớ mua về cho thiếp với nghen...



Tô Đàn Nhi cười ngọt ngào nói với gã. Lúc đó tiểu Thiền vừa tới liền tiện thể đi theo Ninh Nghị, khi xuống lầu nàng ngoái đầu nhìn lại, thấy Tô Đàn Nhi đã thu ánh mắt “mây trôi nước chảy” kia về, bắt đầu bàn chuyện với chưởng quỹ. Trước tết Tô Đàn Nhi có dẫn Tịch Quân Dụng về Tô gia bàn chuyện làm ăn mấy lần nên Ninh Nghị cũng đã gặp qua. Y vừa có dã tâm vừa có năng lực, chỉ là bộc lộ ra bên ngoài hơi nhiều, chưa biết ẩn hàm đi, nhưng nhìn chung khá là xuất sắc. Người này làm Ninh Nghị nhớ đến nhiều người thời trẻ mình đã từng gặp qua, bằng hữu cũng có mà đối thủ cũng có, nhưng đến phút cuối, người làm gã kinh ngạc nhất lại là Đường Minh Viễn nhu nhược kia. Kẻ lúc nào cũng chỉ ở phía sau mình, nghĩ đến lại thấy chút mỉa mai.



o0o



Một phút sau, gã và tiểu Thiền đã dọc theo con đường chính đi qua một loạt hàng quán. Ven đường vẫn còn tuyết đọng, gió nhẹ thổi từ bên sông Tần hoài qua hơi se lạnh. Con phố vô cùng nhộn nhịp, múa lân múa rồng, hội đèn lồng, xiếc ảo thuật, bếp lò trong những hàng quán phả ra từng đợt hơi nóng hừng hực.



Tiểu Thiền không ăn gì nhiều, nàng mua một cái lồng đèn nho nhỏ cầm trong tay, trên đó có in hình một con mèo trên trán viết chữ “Vương”, chắc là để ám chỉ đây là một con hổ chăng.



- Cô gia, cô gia, cái đố đèn “mật tiễn hoàng liên”(4) kia làm sao giải?



- Chắc có lẽ là “đồng cam cộng khổ”?(5)



- Cô gia, cô gia, “hoàng quyên ấu phụ, ngoại tôn tê cữu”(6) là cái gì?




(2) )Một trò chơi truyền thống của Trung Quốc, các câu đố dán trên lồng đèn, treo trên dây hoặc dán trên tường.



(3) Khoảng chín giờ tối.



(4) và (5): Cái mật tiễn hoàng liên là uống mật tiễn ( ngọt) pha thêm hoàng liên ( đắng), chơi chữ gọi là đồng cam cộng khổ.



(6) và (7) Câu này là cách chơi chữ trong một cuộc nói chuyện của Tào Tháo:



Tháo đọc tám chữ đề rằng: “Hoàng quyến, ấu phụ, ngoại tôn, tê cữu”.



Tháo hỏi Sái Diệm rằng:



- Nàng có biết ý tám chữ ấy là thế nào không?



Diệm nói:



- Tâu đại vương, tám chữ ấy tuy là cha thiếp để lại, nhưng thiếp thực là không biết ý ra làm sao.



Tháo ngảnh lại hỏi các mưu sĩ, cũng không ai trả lời được. Bỗng có một người bước ra thưa rằng:



- Tôi hiểu được nghĩa ấy rồi.



Tháo trông ra thì là quan chủ bạ Dương Tu. Tháo nói:



- Người đừng nói vội, để ta nghĩ đã!



Bèn từ giã Sái Diệm, dẫn chúng ra đi. Lên ngựa đi được ba dặm. Tháo sực nghĩ ra, cười bảo Dương Tu rằng:



- Ngươi thử nói đi, xem có hợp ý với ta không?



Tu thưa rằng:



- Đó là câu ẩn ngữ: Hoàng quyến nghĩa là sợi tơ có sắc vàng, chữ sắc chắp với chữ ti thì thành chữ Tuyệt. Ấu phụ nghĩa là con gái nhỏ, con gái nhỏ thì là thiếu nữ, chữ thiếu chắp với chữ nữ thành chữ Diệu. Ngoại tôn nghĩa là cháu ngoại, cháu ngoại thì là con người con gái, con gái là chữ nữ tử, chữ nữ chắp với chữ tử thành chữ Hảo. Tề cữu là cái cối giã hành, chịu cay là chữ thụ tân, chữ thụ chắp với tân thành ra chữ Từ. Nói tóm lại thì là bốn chữ “Tuyệt Diệu Hảo Từ” nghĩa là “Lời lẽ hay tuyệt diệu”.



Tháo thất kinh, nói rằng:



- Ngươi nói chính hợp ý ta!