Ở Rể (Chuế Tế)

Chương 1 : Gà mái xuống sông

Ngày đăng: 14:53 30/04/20


Buổi sớm mùa thu, phương đông mờ mờ sáng, sương mù trắng bạch bao trùm cả thành phố cổ, từng chiếc từng chiếc thuyền hoa trên sông Tần Hoài chầm chậm trôi trong sương mù dày đặc như điện ngọc cung quỳnh phiêu phù phía chân trời.



Chìm trong sương thu dày đặc, Ninh Nghị vừa rên rẩm vừa chạy dọc theo bờ sông Tần Hoài, lịch tập buổi sáng đã được cố định, dẫu sao thì gã cũng có nhiều thời gian. Hai bên đường lớn là kiến trúc gạch gỗ cổ kính nhấp nhô, có đủ loại cây cối, thuyền hoa trôi dọc sông, thỉnh thoảng lại thấy thuyền công hay nữ nhân mệt mỏi trong sương mù xuất hiện nơi đầu thuyền.



Thành Giang Ninh đang vào tiết giao mùa đẹp nhất trong năm, cái vẻ ồn ào náo nhiệt phồn hoa sau một đêm bỗng nhiên tan hết, ngày mới đầy sức sống bắt đầu. Sau khi mở của thành, những người trồng rau vội vội vàng vàng, các nhà cung cấp lục tục tiến vào rồi tỏa đi các chợ. Lượng người không nhiều nhưng mang đến cảm giác cuộc sống thật tươi mới. Đôi khi cũng bắt gặp được một ai đó mặt mũi mệt mỏi, chân thấp chân cao vội bước ven đường, thậm chí áo quần mũ mão xộc xệch, hơn phân nửa là những kẻ qua đêm trong thanh lâu, buổi sáng có việc nên vội rời đi. Các cửa hàng cũng đã thoáng mở cửa, lúc này đám ăn mày vẫn chưa thức giấc.



Hạnh phúc thường đến từ những điều bất hạnh, gọi là phồn hoa cũng bởi có sự so sánh đó. Đối với người từng trải qua cuộc sống nơi thành thị hiện đại như Ninh Nghị, Giang Ninh có phồn hoa hơn nữa cũng chỉ vậy mà thôi. Nhưng những chuyện đó đều không quan trọng, cái vị cổ kính tự nhiên kia mới là chân thật nhất, cuộc sống ở nơi đây phần lớn là những người dễ dàng hài lòng, thu hoạch vừa đủ ấm no là có thể tươi cười rạng rỡ.



Thi thoảng Ninh Nghị và Tần lão nói về những chuyện như thế này, Giang Ninh là một tòa thành rất tốt nhưng cũng có ăn mày ở khắp mọi nơi kết bè kết lũ, hiện tượng bán trẻ em, bán phụ nữ cũng không hiếm thấy. Đương nhiên ở đây có nhiều phú hộ, nếu có thể đưa con cái vào một phủ đệ không tệ nào đó để làm tiểu nha hoàn, vậy ngày sau cũng khỏi lo chuyện ăn chuyện mặc, xem như là tổ tiên tích đức. Tần Hoài vốn là chốn trăng hoa, cuộc đời những cô bé xinh tươi nghèo khổ cũng có nhiều ngã rẽ. Nếu tương lai có thể học được văn thơ ca hát, gặp được tú bà có lòng tốt thì hoặc trở thành danh kỹ bán nghệ không bán thân, hoặc may mắn hơn có thể được gả làm tiểu thiếp cho một nhà đại phú hộ nào đó. Nhưng phần lớn số phận không tốt, chỉ còn nước bán thân cả đời, tới lúc tuổi già phai sắc tú bà mới thương thả tự do cho. May mà nơi đây hơn những nơi khác ở chỗ tự hình thành một quy tắc, nếu như giữ được quy tắc này thì kẻ xấu số cũng có thể tà tà mà sống qua một đời, đương nhiên mọi chuyện cũng chỉ là tương đối, đó là:



kỹ nữ về già nếu không có tiền sẽ được điếm phường thu dụng để làm những việc lặt vặt mà không ném ra đường.



Sống ở nơi đây ít ra vẫn còn lương tâm cùng một chút phúc lợi. Nếu không phải ở những thành thị như Giang Ninh, Dương Châu thì những điều này chưa chắc đã được bảo đảm.



Chăn ngựa cũng là một loại công việc, những năm sau này nghề chăn ngựa nổi danh thiên hạ ở Dương Châu bắt đầu từ thời Minh. Thực tế lúc này cũng có nghề dạng đó nhưng quy mô chưa lớn, dù sao ở dải đất gắn với trăng hoa này thì đó sự chọn lựa tốt nhất. Số mệnh và cuộc sống của những cô bé chăn ngựa này so với những người bị bán vào thanh lâu làm kỹ nữ thì còn tốt hơn rất nhiều. Về sau nếu có cơ hội thì chí ít các nàng còn có thể học cầm kỳ thi họa, làm thơ, ca hát. Ngày sau nhiều khả năng bước lên được hàng ngũ danh kỹ.



Mỗi khi đến mùa lũ chắc chắn sẽ có người gặp nạn, thu hoạch mùa màng bị giảm sút. Chẳng may gặp phải năm mùa màng thất thu, ví dụ như vỡ đê Hoàng Hà hoặc thiên tai gì đó thì đô thành lại căng thẳng mất một thời gian. Quân đội phải gác cổng thành để ngăn nạn dân chạy vào, tri phủ triệu tập các phú thương để thương nghị. Thực tế là phát động quyên góp tài lực, mọi người chung tay đóng góp bát cơm bát cháo..



Số người chết cóng trong mùa đông cũng phải dựa vào mùa màng. Mùa màng tốt thì chết ít, mùa màng không tốt thì khỏi nói cũng biết. Ăn mày rất khó qua được mùa đông, nếu trời có tuyết rơi, đến ngày hôm sau sẽ thành một đống ôm nhau đông cứng mà chết. Nhìn riết thành quen mắt.



Những chuyện thế này gặp nhiều mãi thành quen, thỉnh thoảng Tần lão cũng nói:



- Đây không phải là thời đại tốt.



Thời đại tốt thì cũng có, những năm đầu của triều Vũ có thể coi là thời thái bình thịnh trị, ca hát mừng Vũ Hằng Đế, Vũ Huệ Tông hùng tài đại lược vân vân.. Ninh Nghị nghe xong đầu váng mắt hoa. Bất kỳ triều đại nào cũng có cảnh ca múa mừng thời đại thái bình, triều Vũ lúc này cực giống với cuối thời Bắc Tống, xa chốn Giang Nam tương đối giàu có và đông đúc này là một số thế lực nông dân đang nổi dậy, trộm cướp, thổ phỉ tuyệt không hiếm. Phía bắc là Đại Liêu do họ Da Luật thống trị mấy lần xâm phạm biên giới. Cứ phạm biên là lại nghị hòa, mấy năm trước ký hiệp ước xưng huynh gọi đệ, đương nhiên Liêu huynh Vũ đệ, nhưng ký thì cứ ký mà đánh thì cứ đánh, xâm phạm biên giới quy mô nhỏ chưa từng dừng lại.



Ninh Nghị tuyệt không vì những chuyện này mà lo lắng, mối nhục Tịnh Khang(1) còn chưa xảy ra, mà bởi hoàng đế khác nhau nên nếu xảy ra khẳng định kết quả cũng khác, hoàng thượng vẫn chưa dời đô tới Giang Ninh, quốc lực của quốc gia này còn, nếu muốn đánh vẫn có thể cố gắng chèo chống. Dẫu triều Vũ có rập khuôn lại hình thức của Nam Tống mà dời đô, thì chẳng phải là Nam Tống cũng chống đỡ được một thời gian dài đó sao?! Còn chuyện nước Kim đánh tới, chính mình hẳn đã xong đời từ lâu.



"Bốn trăm tám chục chùa Nam quốc, nhiều ít lâu đài lẫn khói mưa" (2)



Nhưng đó là chuyện Nam Tống – Ài, còn chuyện này chỉ có vẻ bề ngoài giống thời Nam Tống thôi..



Ninh Nghị thầm nghĩ một chút, không thấy có kết quả gì bèn gạt qua một bên. Quản làm gì, dẫu có là Nam Tống đi chăng nữa thì cuộc sống vẫn không có gì vướng mắc.



Gã không có ý định cứu vớt dân tộc Trung Hoa hay là tới cổ đại kiến lập một sự nghiệp ngàn đời, gã vốn đã mệt mỏi, không còn đủ lòng nhiệt huyết nữa. Từ lâu đã quen thuộc với rất nhiều bất công, rất nhiều đen tối. Dẫu người đời có đau khổ cũng không khiến gã đồng tình hay chia sẻ, không phải là không có, mà là không đủ. Còn mấy cái việc làm hoàng đế tạo ra sự nghiệp ngàn đời, chuyện kẻ chỉ sống sáu mươi năm lại lo chuyện một trăm hai mươi năm hoàn toàn là ấu trĩ. Nhưng cũng phải nói, những lúc nhàm chán, ví dụ như lúc vừa chạy xong mồ hôi đầm đìa mà đứng lặng nghỉ ngơi ven sông Tần Hoà, Ninh Nghị sẽ vô thức suy nghĩ về những điều kia, xem ra cũng có chút ít tích cực.
Thập lý oanh đề lục ánh hồng



Thủy thôn sơn quách tửu kỳ phong



Nam Triều tứ bách bát thập tự



Đa thiểu lâu đài yên vũ trung



Dịch nghĩa:



Trích:



Mười dặm đường chim oanh hót, lá xanh chen hoa đỏ



Xóm bên sông, quách trên núi, gió thổi cờ quán rượu



Thời Nam Triều có bốn trăm tám mươi chùa



Nhiều ít lâu đài trong khói mưa



Nguyễn Phước Hậu dịch thơ:



Trích:



Mười dặm oanh trong lá hót hoa



Xóm sông thành núi gió tung cờ.



Bốn trăm tám chục chùa Nam quốc



Nhiều ít lâu đài lẫn khói mưa.



http://hoasontrang.us/tangpoems/...hi.php?loi=491