Ở Rể (Chuế Tế)

Chương 670 : Ngưng đông tuyết hải sinh tử cự luân (1)

Ngày đăng: 15:02 30/04/20


Dịch giả: luongsonbac1102



Mùa đông.



Mưa rơi, từng giọt từng giọt, biến đường phố vốn hỗn độn thành ngõ nhỏ lầy lội bùn. Khi xe ngựa chậm rãi đi trên đường, Sư Sư vén rèm lên, thấy hai bên đường phố không có mấy không khí bán hàng, chủ tiệm và số ít khách khứa đứng ở cạnh cửa nhìn về một phía của thành phố. Có mấy đứa bé cầm gậy gỗ, rầm rầm chạy trong mưa, chạy đến đầu kia đường liền cũng đứng lại, nhìn về phía bắc. Trong đó có một đứa bé nắm tay vung lên hô:



- Giết sạch Kim cẩu! Giết sạch Kim cẩu!



Âm thanh của chiến tranh đang loáng thoáng truyền tới từ bên kia.



Thành Biện Lương cực kỳ to lớn, là thành thị có hơn trăm vạn người sinh sống, hai đầu nam bắc khó khi nào gặp được nhau. Âm thanh của chiến tranh vượt qua tường thành rồi sau đó khuếch tán như gợn sóng vào trong thành. Khi tới nơi xa xa thì thanh âm cũng phai nhạt dần. Nhưng mấy ngày này, người dân trong thành đều đã có thể hiểu rõ ý nghĩa của âm thanh đó.



Kể từ sau ngày 24 tháng 9, khi Tây Quân tập kích doanh bị thảm bại, kỵ binh của Hoàn Nhan Tông Vọng ra hết, đánh tan hơn mười vạn đại quân ở vùng quê ngoại thành Biện Lương. Đối với cư dân Biện Lương mà nói, tin tức này đem đến cho bọn họ cảm giác gần như tuyệt vọng. Nhưng cũng chính bởi vậy đã khơi nên cảm giác nguy cơ to lớn. Ngay hôm sau khi Tây Quân bại trận, học sinh của trường Thái học và cư dân trong thành đã đi tới bên ngoài Hoàng thành để thỉnh nguyện, yêu cầu triều đình trọng dụng đám người Lý Cương, Chủng Sư Đạo, thanh trừ gian nịnh. Học sinh Thái học Trần Đông thậm chí còn xếp đám người Thái Kinh, Đồng Quán vào danh sách "lục tặc", yêu cầu triều đình xử trí.



Sau khi sự kiện này phát sinh, triều đình đã tiếp nhận một phần ý kiến của cấp dưới, đồng thời thăng quan cho Chủng Sư Đạo, mệnh lệnh cho ông ta phụ trợ Lý Cương, tổ chức chiến trận thủ thành Biện Lương. Sau khi Chủng Sư Đạo ngồi xe ngựa, xuất hiện trước mắt mọi người ở ngoài Hoàng thành, đám người thỉnh nguyện đó mới chịu bằng lòng tản đi. Từ đó về sau, đám người Lý Cương phát động tuyên truyền trong thành, hơn mười vạn người trong thành Biện Lương cũng hưởng ứng, tỏ vẻ nguyện ý cộng đồng chiến đấu một trận bảo vệ thành phố, muốn cùng tồn vong với Biện Lương. Từ đó cao thấp một lòng, thanh thế đập nồi dìm thuyền (1), không có ý kiến thứ hai.



Dưới thanh thế như vậy, phải chủ hòa không còn phát ra bất cứ thanh âm gì được nữa. Sứ giả Kim quốc là Vương Nhuế đã chết trong đêm bạo loạn đó, triều đình lại cố hết sức đi tuyên truyền sự tàn bạo của người Nữ Chân, sau khi phá thành, khó có thể có gì tốt đẹp. Từ đó về sau, mấy lần người Nữ Chân công thành đều gặp phải cư dân trong thành tích cực gia nhập chiến đấu, đã bảo vệ chặt chẽ được cho tường thành được hơn một tháng.



Trong quá trình này, giá hàng bên trong thành cũng đã bắt đầu tăng.



Đầu tiên tăng giá đương nhiên là giá lương thực, giá thực phẩm. Trong thành Biện Lương luôn luôn đầy đủ vật tư, giá cả ổn định, đại bộ phận mọi người đều không dự đoán được trước rằng người Nữ Chân lại bỗng nhiên đánh tới như vậy. Trước khi thành bị vây, mặc dù có rất nhiều lương thực được vận chuyển vào nhưng vào đầu tiên vẫn là lương thực của triều đình. Lý Cương và đám quan lớn của triều đình đã không chỉ dùng đại nghĩa để kích động nhân dân thủ thành mà cũng đồng thời cung cấp thực phẩm và vật tư cho những người tham gia. Cũng bởi vì nguyên nhân này nên thượng tầng cũng không áp dụng chính sách bình ổn giá hàng. Một số người trẻ tuổi, khỏe mạnh có thể tham gia đội dự bị thủ thành, có thể tham gia chế tạo cây lăn và những vật phẩm thủ thành. Nhưng trong quá trình này, đại bộ phận mọi người vẫn sẽ bị chia làm dăm bảy loại. Với tình huống như vậy, một bộ phận rất nhỏ người trong thành vẫn bị gặp phải tình hình nguy hiểm cho kế sinh nhai.



Phàn Lâu tự nhiên không ở bị nguy hiểm bởi phạm trù kế sinh nhai này. Bởi vì lúc trước không tích trữ nhiều lương thực nên lúc này cũng đã bắt đầu suy xét vấn đề ăn. Hôm nay Sư Sư đi ra chính là đi tới Trúc Ký, tìm người trấn thủ là Tô Văn Phương, muốn thảo luận việc mua sắm lương thực. Khi Ninh Nghị đi lên phía bắc, Tô Đàn Nhi và người nhà thì xuôi về phía nam, Tô Văn Phương đã xung phong nhận việc ở lại trong thành tiếp tục quản lý Trúc Ký, cũng kiêm chân chạy cho Tướng phủ. Sư Sư ra mặt, đương nhiên việc mua sắm lương thực là không có vấn đề gì.



Đã thảo luận xong xuôi sự tình nên lúc này Sư Sư đang trên đường trở về. Ở phía bắc thành, thanh âm công thành của người Nữ Chân vẫn còn chưa ngừng lại. Suốt cả đường đi, nàng thấy phần lớn cư dân trong thành đều đang chú ý về phía đó. Cho dù có người thong dong bình tĩnh, ăn đồ ăn vặt, nói chuyện phiếm với nhau... Nhưng nội tâm của họ đều có sự thấp thỏm không yên. Đối với mỗi người, bức tường thành kia vừa cao lớn vừa dày, nhưng lúc này ngẫm lại thì nó chỉ mỏng manh như tờ giấy. Cứ đánh nhau như vậy, mọi người cũng không giúp đỡ được gì nhiều, nhưng một khi thành bị phá thì cả thành sẽ đều lọt vào một trận tàn sát.



Sư Sư liền cũng cho xe ngựa đi về phía bắc thành. Nàng chỉ là một nữ tử, sợ là rất khó hỗ trợ được gì, mà cũng sẽ không được cho phép tới gần, nhưng.... Vẫn muốn đến gần xem một chút.



Trời vẫn tiếp tục mưa. Nàng cứ thế đi thẳng một mạch, khi qua một ngã tư thì đột nhiên phát hiện ở phía trước có một bóng người. Bóng người do dự bước đi dưới mái hiên, nhưng có lẽ do không mang ô nên trên người gần như đều bị ướt nhẹp, trông khá nhếch nhác. Sư Sư vội vàng cho xe ngựa dừng lại, vén rèm, phất tay:



- Lôi Nhi, Lôi Nhi, lên đi.



Bóng người phía trước này chính là một nữ tử của Phàn Lâu, tên là Hạ Lôi Nhi, vừa không phải là người đứng đầu bảng, vừa không phải là Thanh quan, kém khá xa hai vị trí này, ngày thường cũng không có gì qua lại. Hạ Lôi Nhi cầm trên tay một hộp đồ ăn, quay đầu nhìn lại, thấy là Sư Sư thì hơi kinh ngạc một chút, sau đó mới bước lên xe. Sư Sư đưa khăn mặt cho cô ta, hơi hơi nhíu mày.



- Lôi Nhi muội tử, thời tiết thế này mà muội đi đâu thế? Trong thành không yên ổn, muội đi một mình ra ngoài như vậy, nếu gặp phải chuyện gì không may...



Người Nữ Chân công thành, giá hàng tăng lên, trong thành cũng bắt đầu giới nghiêm vào ban đêm, trị an cũng bắt đầu giảm xuống. Sư Sư là nữ tử đầu bảng, đi ra ngoài đều có xe hộ vệ, Hạ Lôi Nhi làm sao có thể có bố trí như vậy được. Hạ Lôi Nhi lau mặt, cúi đầu nói cảm ơn, sau đó mới hơi ngượng ngùng đáp:



- Muội, muội muốn đến Toan Táo Môn nhìn một chút. Một người quen... Của muội... Hiện giờ đang thủ thành ở đó. Muội sợ hắn gặp chuyện gì không may, muốn đi xem... Cũng mang chút gì đó cho hắn ăn...



- Ồ...



Sư Sư gật gật đầu. Kỳ thật Hạ Lôi Nhi cũng không phải là Thanh Quan, cũng không có nhiều quyền được tự do lựa chọn khách ở trong Phàn Lâu.



Nếu muốn nói người quen thì đâu chỉ có một hai người, nhưng nếu thường xuyên qua lại, lại là một người lính thủ thành thì sao có thể được nàng coi là "người quen".
Sau khi vận chuyển nhiều quân đội như vậy, người lái thuyền cơ bản cũng có thể nhận ra tố chất của những quân nhân này. Tuy nhiên mã đội trước mặt này có chút cổ quái. Binh lính trong bọn họ thoạt nhìn đều đã trải qua phong sương, là những kẻ lão luyện trong giết chóc. Trong quân đội của Vũ triều, nếu như vậy thường là tinh nhuệ, thần binh. Nhưng mỗi đám tinh binh như vậy cũng thường đều có bộ dạng cà lơ phất phơ, hờ hững với mọi thứ. Còn những kẻ duy trì nghiêm túc, nơm nớp lo sợ thường thường đều là tân binh. Tuy rằng thoạt nhìn có vẻ nghe lời, chỉnh tề, nhưng sau khi toàn bộ đội ngũ sụp đổ trên chiến trường thì những binh lính như vậy thường hoảng loạn nhất, ngay cả chạy trốn đều không có kết cấu, thương vong thường thường là cao nhất.



Mà đội ngũ này lại mang đủ hai loại tính chất đặc biệt đó. Đội ngũ của bọn họ vừa chỉnh tề như vẽ, mặt khác nếu chỉ nhìn từng cá nhân thì mỗi người đều không giống người bình thường.



Sau khi người lái thuyền nhìn qua biên chế của họ thì biết đây là nghĩa quân quy thuận sau khi phương bắc chiêu an. Nhưng nói thực ra, cái này lại càng kỳ quái. Cái gọi là nghĩa quân thường thường đều do sơn phỉ, thổ phỉ tạo thành, đương nhiên kỷ luật đội ngũ phải càng kém. Khi người Nữ Chân đánh đến, nghĩa quân nổi lên ở khắp nơi, nhưng chân chính dám đuổi theo tìm người Nữ Chân để sống mái thì đã ít lại càng ít, chẳng qua là nói mồm thì đều rất hay mà thôi. Nếu theo cách nói của Ninh Nghị thì những người đó đều là điển hình "tối thiểu ái quốc". Nhưng nếu nói nghiêm khắc một chút thì rốt cục đã làm bao nhiêu việc khiến người ta phải buồn lòng mới có thể là "tối thiểu ái quốc" chứ?



Nhưng bất kể như thế nào, đội thuyền của y vẫn vận chuyển đội ngũ này qua theo đúng quy củ, trước khi chia tay cũng kể lại tỉ mỉ tình hình của người Nữ Chân cho đối phương, nói bọn họ phải cẩn thận, không cần dẫm lên vết xe đổ của những đội quân trước đó.



- Chúng ta không giống thế.



Khi đưa cho lão đại của đội thuyền mấy thỏi bạc để trả công, vị phó tướng tên là Hàn Kính của đội quân này đã nói một câu như vậy. Lão lái thuyền thầm nghĩ vậy thì tốt nhất, ngoài miệng đương nhiên là không hề phản bác, trong lòng cũng nhớ kỹ đội ngũ nghe nói là từ núi Lữ Lương tới này. Lão lén nhìn về phía đầu đội ngũ, thấy vị tướng lĩnh hội đấu bồng (mũ có mạng che mặt) cầm đầu đội ngũ này thoạt nhìn có vẻ là một nữ tử.



Lúc trước, khi ở bờ bên kia của Hoàng Hà, lão đã từng liếc nhìn đối phương một chút. Khi ánh mắt dưới chiếc đấu bông khi nhìn lại, lão hoảng sợ cảm thấy mắt mình như bị kim đâm vậy. Sát khí thấu xương phát ra từ trên người nữ tướng quân kia làm y hồi lâu cũng không dám nhìn loạn nữa...



Đây là một cái khe ở bờ nam Hoàng Hà, rừng cây và thung lũng liên miên. Lúc này, ở đây đã trở thành nơi đóng quân lâm thời. Bên ngoài khe, cự mã(2) và chiến hào cứ từng đạo từng đạo kéo dài mở ra, biến nơi này thành một nơi không thích hợp nhất cho mã chiến.



Từ buổi tối ngày 24 tháng 9, khi người Nữ Chân triển khai thế công đến tháng 11 hiện nay, trên vùng đất phía bắc Biện Lương, hơn mười vạn quân đội đều đã bị đánh tan. Rất nhiều các người hiện giờ vẫn còn nằm trên mảnh đất này. Cũng có rất nhiều bại binh trốn thoát đi bốn phía, không còn tung tích. Nhưng vẫn còn mấy lực lượng có thể tạm thời thu nạp đoàn người.



Mảnh đất trước mặt này vốn là của một chi thuộc Võ Thuy Doanh, nhờ vào danh tiếng này, đã góp nhặt được không ít tàn quân của các nơi, cuối cùng đóng quân ở lại đây. Hiện giờ, mọi người ở đây đều huấn luyện cả ngày.



Nơi này hơi có vẻ khó gặm, nên mặc dù khoảng cách từ đây đến đồi Mưu Đà và thành Biện Lương không xa, người Nữ Chân mặc dù biết sự tồn tại của bọn họ nhưng thấy bên ngoài trùng điệp chiến hào và cự mã thì cũng tạm thời lười không cường công tiến vào.



Ninh Nghị đứng trên bờ sông, sắc mặt hơi hơi trắng nhợt. Hắn khe khẽ ho khan vài tiếng. Bên cạnh hắn là mấy người của Trúc Ký, đều không phải là người luyện võ mà đa số đều là nhân vật của phòng thu chi, tham mưu linh tinh.



- ... Ta đã từng hỏi thăm, hiện tại là mùa khô, cho nên mực nước mới thấp như vậy. Sau khi vào mùa xuân, mực nước sẽ dâng lên cao hơn.



Ninh Nghị quay đầu chỉ về phía nam:



- Nếu khi mực nước cao nhất đào mở đoạn này, thay đổi hướng dòng chảy của Hoàng Hà, lũ lụt sẽ hướng thẳng đến thành Biện Lương. Đến lúc đó...



Hắn dừng lại một chút, hít một hơi, phất tay nói tiếp:



- Đến lúc đó, nước rút, cây cỏ phì nhiêu ngàn dặm... Là có thể nuôi sống rất nhiều người.



Mấy người đều nhìn về phía dòng sông, chỉ có Ninh Nghị đối mặt với hướng khe núi kia. Xa xa là từng đạo từng đạo chiến hào và cự mã, công sự phòng ngự, cùng với toàn bộ người trong thung lũng. Sắc mặt hắn hơi tái nhợt, ánh mắt cũng trắng bệch, đó là màu của cái chết.



Cứ việc tự xưng là kẻ lòng lang dạ sói, cũng từng nắm giữ sinh mạng của rất nhiều người, nhưng trong hơn một tháng này, số lượng người chết mà Ninh Nghị chứng kiến đã vượt xa xa tổng số người chết mà hắn đã từng gặp trong quá khứ. Kể cả bản thân hắn, cũng đã từng mấy lần đi qua sinh tử.



Một đêm ở huyện Kỷ đó, hắn đã phải chịu những vết thương mà đến hiện giờ vẫn còn chưa khỏi hết. Mà càng nhiều người thì ngay cả cơ hội khỏi bệnh, khỏi thương cũng không có được...



1. Đập nồi dìm thuyền: quyết đánh đến cùng (dựa theo tích: Hạng Vũ đem quân đi đánh Cự Lộc, sau khi qua sông thì dìm hết thuyền, đập vỡ nồi niêu để binh sĩ thấy không có đường lui, phải quyết tâm đánh thắng).



2. Cự mã: chướng ngại vật để ngăn chặn ngựa đi qua.